Hôn nhân là sự liên kết giữa nam và nữ nhằm mục đích chung sống lâu dài, hạnh phúc và bền vững thông qua một sự kiện pháp lý. Đó là kết hôn. Theo cách hiểu thông thường: kết hôn là việc nam nữ lấy nhau thành vợ thành chồng.
Theo quy định của pháp luật: "Kết hôn được hiểu là việc nam nữ xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn" (khoản 2 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000)
Như vậy việc kết hôn phải thỏa mãn hai yếu tố sau:
Thứ nhất: Thể hiện ý chí của nam nữ mong muốn được kết hôn với nhau (sự tự nguyện).
Yếu tố tự nguyện là một yếu tố rất quan trọng. Đây là sự tiến bộ hơn so với luật pháp dưới chế độ thực dân phong kiến đồng thời thể hiện sự tôn trọng ý chí của hai bên nam nữ. Hai bên nam nữ được quyền thể hiện rõ ràng ý chí việc họ hoàn toàn mong muốn được kết hôn với nhau. Sự thể hiện này phải có sự thống nhất của cả hai bên, không bên nào ép buộc, lừa dối bên nào. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 đã quy định: Nam nữ kết hôn góp phần "xây dựng, hoàn thiện và bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình tiến bộ... nhằm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững". Từ đó có thể thấy rõ, sự tự nguyện của nam nữ trong việc kết hôn vừa là điều kiện đảm bảo cho hôn nhân có giá trị pháp lý đồng thời cũng là cơ sở để xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững.
Thứ hai: Phải được Nhà nước thừa nhận.
Điều kiện cần cho một cuộc hôn nhân là sự tự nguyện của hai bên nam nữ nhưng như vậy chưa đủ. Điều kiện đủ cho một cuộc hôn nhân là phải được Nhà nước thừa nhận. Điều 64 Hiến pháp năm 1992 ghi nhận: "Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình". Việc kết hôn phải tuân thủ điều kiện và thủ tục Nhà nước quy định và chỉ khi đó, nhà nước mới thừa nhận quan hệ hôn nhân. Có nghĩa là hôn nhân chỉ được nhà nước thừa nhận khi xác lập quan hệ hôn nhân tuân thủ các quy định của pháp luật.
Bất kỳ một Nhà nước nào cũng thể hiện hai thuộc tính là tính giai cấp và tính xã hội. Nhà nước thông qua hệ thống pháp luật để thể hiện ý chí của giai cấp nắm quyền. Quan hệ hôn nhân cũng bị chi phối bởi ý chí của giai cấp thống trị. Giai cấp thống trị mà đứng đầu là nhà nước thông qua pháp luật "tác động vào các quan hệ hôn nhân và gia đình làm cho các quan hệ này phát sinh, thay đổi hay chấm dứt phù hợp với lợi ích của giai cấp đó" [65, tr. 88] Việc kết hôn là sự gắn kết hai cá nhân vào những mối liên hệ chặt chẽ và lâu dài. Nghi thức kết hôn là một phong tục đã có từ lâu đời. Trong xã hội phong kiến ngày xưa, việc kết hôn phải tuân thủ những nguyên tắc, các trình tự vô cùng chặt chẽ. Chỉ sau khi tuân thủ xong những trình tự, nguyên tắc đó thì nam nữ mới được gia đình và xã hội coi là vợ chồng. Dần dần, yêu cầu phải quản lý việc kết hôn của nam nữ một cách đầy đủ, chính xác, … nhằm bảo vệ quyền lợi của các bên kết hôn, lợi ích của gia đình, xã hội mà đòi hỏi khi kết hôn các bên nam nữ phải đăng ký kết hôn.
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định những trình tự, thủ tục đăng ký kết hôn tại các Điều 11, 12, 13,14. Thông qua việc đăng ký kết hôn, Nhà nước Việt Nam quản lý chặt chẽ việc kết hôn của nam và nữ, đảm bảo cho việc kết hôn phù hợp với quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn theo Luật Hôn nhân và gia đình.
Khi Nhà nước công nhận quan hệ vợ chồng, Giấy chứng nhận kết hôn sẽ được cấp cho hai bên nam nữ. Đây là căn cứ làm phát sinh quan hệ vợ
chồng mà nội dung là quyền và lợi ích hợp pháp của hai bên vợ chồng. Pháp Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 ghi nhận sự tự nguyện kết hôn giữa công dân nam và nữ nhưng Nhà nước bằng pháp luật quy định các điều kiện kết hôn để đảm bảo hôn nhân hợp pháp và chỉ khi tuân thủ theo các điều kiện kết hôn đó thì các bên nam - nữ mới thực sự được ghi nhận là vợ chồng. Trong xã hội phong kiến trước đây ở nước ta, chỉ cần tuân thủ theo lễ cưới truyền thống mà không cần đăng ký kết hôn là pháp luật đã công nhận việc kết hôn đó. Các nghi thức kết hôn là: chạm ngõ, ăn hỏi, lễ cưới mà theo đó, lễ cưới là phần quan trọng nhất, được tiến hành trong sự chứng kiến của bà con, hàng xóm… Nhưng hiện nay, đăng ký kết hôn được coi là một thủ tục pháp lý bắt buộc trong việc nam nữ xác lập quan hệ vợ chồng, đảm bảo xây dựng một trật tự pháp lý ổn định, xóa bỏ tư tưởng lạc hậu đã tồn tại lâu đời, đảm bảo chế độ hôn nhân tự nguyện và tiến bộ.
Bắt buộc phải đăng ký kết hôn cũng có nghĩa là Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 đã không thừa nhận quan hệ hôn nhân đối với trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn. Đây cũng chính là điểm khác biệt giữa Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 so với hệ thống pháp luật về hôn nhân và gia đình ở nước ta trước đây. Do hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ mà Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 và năm 1986 đã "gián tiếp" thừa nhận quan hệ hôn nhân đối với trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn. Điều này dễ dẫn đến nhiều diễn biến phức tạp trong đời sống xã hội, ảnh hưởng tới ý thức pháp luật của nhân dân và thực tiễn áp dụng pháp luật. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 đã hoàn thiện quy định về việc nam nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, quy định: "…nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng thì không được pháp luật công nhận là vợ chồng" (Điều 11, khoản 1). Việc không thừa nhận "hôn nhân thực tế" góp phần bảo vệ chế độ hôn nhân một vợ, một chồng, đảm bảo tính pháp chế trong việc thừa nhận tính hợp pháp của quan hệ hôn nhân, tạo điều kiện cho
Tòa án giải quyết các tranh chấp liên quan đến quan hệ hôn nhân thuận lợi và thống nhất.