THỰC TIỄN ÁP DỤNG CHẾ ĐỊNH KẾT HÔN THEO LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH VIỆT NAM NĂM

Một phần của tài liệu Chế định kết hôn theo Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam năm 2000 (Trang 88)

NHÂN VÀ GIA ĐÌNH VIỆT NAM NĂM 2000

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 cùng với các văn bản hướng dẫn đã cụ thể hóa các vấn đề kết hôn, là cơ sở pháp lý để bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình Việt Nam: tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc. Từ khi Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 có hiệu lực thi hành trong thực tiễn, tình hình kết hôn, chấp hành các quy định pháp luật tăng lên rõ rệt, ý thức pháp luật của người dân thay đổi theo xu hướng tiến bộ hơn. Đặc biệt là kết hôn có đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền tăng lên rõ rệt. Qua quá trình khảo sát thực tiễn tại xã Cẩm Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An cho thấy: tỷ lệ kết hôn có đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại xã trước khi có Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 chỉ chiếm khoảng 5% trong số cặp vợ chồng. Chủ yếu họ chỉ làm đám cưới theo phong tục tập quán mà không đến Ủy ban nhân dân làm thủ tục đăng ký. Nhưng từ khi Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 có hiệu lực thì tỷ lệ đăng ký kết hôn tăng lên thể hiện qua bảng 3.1.

Bảng 3.2: Tỷ lệ đăng ký kết hôn tại xã Cẩm Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An

Năm Số cặp Có đăng ký Không đăng ký

2000 39 20 19

2003 45 43 2

2005 43 43 0

Theo bảng 3.2, nếu năm 2000, tại xã Cẩm Sơn tỷ lệ kết hôn có đăng ký chỉ chiếm 51% đến năm 2005 tỷ lệ đó đã tăng lên 100%. Mặt khác, tỷ lệ đăng ký theo Nghị định 77/2001/NĐ-CP của xã cũng tăng lên. Năm 2003 có 45 cặp đăng ký kết hôn thì có 20 cặp đăng ký theo Nghị định số 77/2001/NĐ-CP. Qua công tác tuyên truyền, vận động nên năm 2004 tỷ lệ đăng ký theo Nghị định số 77/2001/NĐ-CP cũng tăng lên đột biến cả xã có 98 cặp đến đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân. Không chỉ riêng xã Cẩm Sơn chấp hành Luật

Hôn nhân và gia đình tăng lên mà khảo sát một số xã trong huyện cũng có chiều hướng tăng lên tương tự.

Bên cạnh đó, khảo sát tình hình đăng ký kết hôn trên địa bàn xã Thanh Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam cho thấy: Trước khi Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 chưa có hiệu lực pháp luật tỷ lệ nam nữ chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn cao khoảng 60 %. Nhưng từ khi Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 có hiệu lực thi hành thì đến nay tỷ lệ đó giảm xuống còn khoảng 5%, cụ thể: Năm 1999 có 90 cặp vợ chồng kết hôn không đăng ký; Năm 2001 có 42 cặp; Năm 2003 có 25 cặp; Năm 2005 có 27 cặp; Năm 2006 không có trường hợp nào kết hôn mà không đăng ký, chỉ còn có một số trường hợp chung sống như vợ chồng từ đã lâu mà họ vẫn chưa đăng ký theo quy định của pháp luật.

Như vậy, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành đã có tác động tích cực đến ý thức pháp luật của nhân dân trong việc thực hiện tốt các quy định của pháp luật về vấn đề kết hôn. Mặc dù hiện tượng kết hôn vi phạm các quy định của pháp luật về vấn đề kết hôn trên thực tế khá nhiều song thực tiễn giải quyết thì lại ít bởi do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau.

Bản án số 08/2007/HN&GĐ-ST ngày 29/8/2007 giữa hai vợ chồng anh Chử Văn Đức sinh năm 1953 và chị Trần Thị Phương sinh năm 1955 ở xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Anh Đức và chị Phương tổ chức đám cưới vào ngày 15/10/1976 nhưng không đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân xã Văn Đức. Sau khi cưới, hai anh chị sinh con và sống hạnh phúc đến năm 1982 thì phát sinh mâu thuẫn. Không thể chung sống kéo dài được, hai vợ chồng anh chị quyết định ra tòa xin không công nhận hôn nhân giữa hai người. Tòa án nhân dân huyện Gia Lâm đã thụ lý đơn và ra quyết định công nhận hôn nhân thực tế giữa 2 vợ chồng anh chị. Tài sản của hai anh chị có được sẽ chia theo tài sản chung của vợ chồng.

Qua vụ việc trên cho thấy, anh Đức, chị Phương đã chung sống trong quan hệ vợ chồng được một thời gian dài mấy chục năm, có tổ chức đám cưới theo phong tục tập quán, có con chung và cùng xây dựng một khối tài sản chung. Đặc biệt hơn nữa trong suốt thời gian chung sống 2 người đã thực sự coi nhau như vợ chồng, cùng nuôi dạy con chung và chăm lo xây dựng gia đình. Với những căn cứ trên, Tòa án cấp sơ thẩm đã công nhận hôn nhân thực tế giữa anh Đức và chị Phương là hoàn toàn có cơ sở, phù hợp với quy định pháp luật, bảo vệ quyền lợi chính đáng của các đương sự.

Bản án số 52/2006/LHST ngày 20/11/2006 của Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã hủy kết hôn trái pháp luật giữa các đương sự: anh Lê Bá Tài sinh năm 1987 ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh và chị Nguyễn Thị Tâm sinh năm 1990 ở Thanh Chương, Nghệ An. Anh Tài và chị Tâm đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân xã Thanh Liên. Sau khi cưới cuộc sống chung không hạnh phúc. Tài là một người "nát rượu", anh Tài đã nhiều lần say rượu rồi đánh đập, hành hạ chị Tâm. Không thể chịu đựng mãi cuộc sống vợ chồng như thế này nên chị Tâm yêu cầu Tòa án ly hôn. Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An thụ lý và ra quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật giữa anh Tài và chị Tâm.

Quyết định của Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An là hoàn toàn phù hợp với Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 (Điều 9), Tòa án đã căn cứ vào việc cả hai kết hôn khi chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật và cuộc sống chung không hạnh phúc, giữa hai người chưa có con chung. Quyết định trên, vừa thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật vừa bảo vệ quyền và lợi ích giữa các đương sự.

Anh A sinh năm 1981 và chị L sinh năm 1982 đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân xã D tháng 8/1998, 2 người có con chung là cháu X. Đến năm 2001 mâu thuẫn giữa hai người nảy sinh, nguyên nhân là chị L sau khi sinh cháu X phải phẫu thuật, sức khỏe giảm sút, cuộc sống gia đình khó khăn. Anh A sa vào rượu chè... Thấy cuộc sống chung không thể tiếp tục nên chị L yêu

cầu ly hôn. Bản án số 05/LHST ngày 14/02/2002 Tòa án nhân dân huyện C căn cứ vào việc cả hai kết hôn khi chưa đủ tuổi kết hôn ra quyết định hủy kết hôn trái pháp luật. Có thể nói rằng, trong trường hợp này, Tòa án quyết định hủy kết hôn trái pháp luật giữa anh A và chị L là quá máy móc. Bởi vì, Tòa quyết định việc ly hôn khi anh A và chị L đều đủ tuổi kết hôn. Mặt khác, là anh chị đã có khoảng thời gian hạnh phúc từ năm 1998 đến năm 2001 và đã có một con chung. Giữa anh A và chị L chỉ mới phát sinh mâu thuẫn từ năm 2001. Vì vậy, trường hợp này Tòa án nên áp dụng hướng dẫn tại phần 2 - Hủy kết hôn trái pháp luật, Điểm d1 Mục 3 Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP để giải quyết theo thủ tục ly hôn:

Nếu đến thời điểm có yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật cả hai bên đã đến tuổi kết hôn, trong thời gian đã qua họ chung sống bình thường, đã có con, có tài sản chung thì không quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật. Nếu mới phát sinh mâu thuẫn và có yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn thì Tòa án thụ lý vụ án để giải quyết ly hôn theo thủ tục chung [59].

Bản án số 20/LHST ngày 12/09/2003 của Tòa án nhân dân huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình đã ra quyết định không công nhận là vợ chồng giữa anh Nguyễn Đắc Dưng sinh năm 1964 và chị Phạm Thị Ngần sinh năm 1973, cả hai đều cư trú tạo xã Liên Giang, Đông Hưng, Thái Bình. Anh Dưng và chị Ngần kết hôn với nhau vào tháng 11 năm 1993 hoàn toàn tự nguyện, chỉ tổ chức lễ cưới theo phong tục tập quán mà không đăng ký kết hôn. Sau khi cưới cuộc sống vợ chồng hạnh phúc, cả hai đều ở nhà sản xuất, khi nhàn rỗi việc nhà nông anh Dưng lại đi làm ăn xa, chị ở nhà trông nom nhà cửa. Đầu 2002 anh Dưng đi làm ăn tận Vũng Tàu và cuộc sống vợ chồng bắt đầu nảy sinh mâu thuẫn, anh chị sống ly thân, năm 2003 anh Dưng yêu cầu ly hôn (vì anh nghi chị Ngần ngoại tình trong lúc anh đi làm ăn xa). Tòa án huyện Đông Hưng đã thụ lý, xem xét và ra quyết định không công nhận họ là vợ chồng.

Xét thấy, quyết định của Tòa án nhân dân huyện Đông Hưng phù hợp với quy định của pháp luật. Bởi vì, anh Dưng và chị Ngần chỉ tổ chức lễ cưới theo phong tục mà không đăng ký kết hôn. Tuy anh chị có cuộc sống hạnh phúc, có con chung, có tài sản chung nhưng anh chị không đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền (vi phạm thủ tục). Do vậy, mà cuộc hôn nhân của anh chị đã không được tòa án công nhận là vợ chồng. Quyết định này của Tòa "vừa đạt tình vừa đạt lý".

Một phần của tài liệu Chế định kết hôn theo Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam năm 2000 (Trang 88)