Chế định kết hôn trong pháp luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam giai đoạn từ năm 1975 đến nay

Một phần của tài liệu Chế định kết hôn theo Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam năm 2000 (Trang 25)

Nam giai đoạn từ năm 1975 đến nay

Ngày 30/4/1975 miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội. Đại hội Đảng toàn quốc khóa VI (năm 1986) đã đề ra đường lối đổi mới và chủ trương phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa và vận động theo cơ chế thị trường có

sự quản lý của nhà nước. Đường lối đổi mới của Đảng làm cho các điều kiện kinh tế - xã hội thay đổi, các quan hệ xã hội trong đó có quan hệ hôn nhân và gia đình có những biến đổi sâu sắc. Trong đó Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 được ban hành từ những năm đầu cách mạng xã hội chủ nghĩa có nhiều quy định không còn phù hợp nữa, không đáp ứng được yêu cầu của cách mạng trong giai đoạn mới. Việc ban hành Luật Hôn nhân và gia đình mới là một tất yếu khách quan thúc đẩy sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trong phạm vi cả nước. Hiến pháp năm 1980 tại các Điều 38, 47, 63, 64 đã quy định những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình xã hội chủ nghĩa.

Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 được Quốc hội khóa VII kỳ họp thứ 12 thông qua ngày 29/12/1986 có hiệu lực thi hành từ ngày 3/1/1987. Chế định kết hôn được quy định tại chương 2 từ Điều 5 đến Điều 9. So với Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 thì Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 có nhiều điểm mới phù hợp hơn. Trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959, chế định kết hôn tuy đã được xây dựng thành một chế định nhưng các quy định còn đơn giản. Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 trên cơ sở kế thừa Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 các quy định về vấn đề kết hôn sắp xếp trong một chế định theo hướng chặt chẽ hơn, hoàn thiện hơn. Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 quy định cụ thể về độ tuổi tối thiểu được phép kết hôn: "Nam từ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ mười tám tuổi trở lên" (Điều 5). Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 ghi nhận nguyên tắc kết hôn tự nguyện trên cơ sở kế thừa và phát triển nguyên tắc hôn nhân tự nguyện, không bên nào; không ai được ép buộc, cản trở bên nào; không ai được cưỡng ép hoặc cản trở, lừa dối. Đây cũng là cơ sở cho việc thực hiện nguyên tắc một vợ, một chồng, cấm người đang có vợ, có chồng không được kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác. Ngoài ra, Luật năm 1986 còn bổ sung thêm một số quy định: kết hôn trái pháp luật, hủy kết hôn trái pháp luật, kết hôn có yếu tố nước ngoài… Theo quy định tại Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 thì việc kết hôn vi phạm một trong các điều 5, 6, 7 của Luật này là

trái pháp luật. Tại khoản b, c Điều 7 quy định: Cấm kết hôn giữa những người "đang mắc bệnh tâm thần không có khả năng nhận thức hành vi của mình; đang mắc bệnh hoa liễu; giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa anh chị em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha; giữa những người khác có họ trong phạm vi ba đời". Những quy định này đòi hỏi nam - nữ kết hôn phải đảm bảo điều kiện sức khỏe và mối quan hệ họ hàng thân thuộc theo luật định. Hơn nữa Luật còn quy định:

Việc kết hôn do Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi thường trú của một trong hai người kết hôn công nhận và ghi vào sổ kết hôn theo nghi thức do Nhà nước quy định.

Việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với nhau ở ngoài nước do cơ quan đại diện ngoại giao của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận.

Mọi nghi thức kết hôn khác đều không có giá trị pháp lý [41]. Cũng theo Điều 7 trên, có nghĩa là Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 không coi những người chung sống với nhau như vợ chồng mà không vi phạm Điều 5, 6, 7 và không đăng ký kết hôn là trái pháp luật, mà đây chỉ là vi phạm về thủ tục. Như vậy, Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 đã "gián tiếp thừa nhận" quan hệ hôn nhân đối với trường hợp nam nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn.

Sau hơn 10 năm thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, thực tế áp dụng cho thấy những quy định của Luật còn mang tính khái quát, định khung,… yêu cầu đặt ra là phải xây dựng Luật Hôn nhân và gia đình mới với những quy định chặt chẽ về thủ tục và nghi thức kết hôn trong đó nhà nước không công nhận quan hệ hôn nhân của nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân khi đăng ký kết hôn, nhất là ở vùng miền núi, hải đảo, vùng dân tộc ít

người [58]. Tình hình đó đòi hỏi Nhà nước ta phải sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 một cách toàn diện. Hiến pháp năm 1992 thay thế cho Hiến pháp năm 1980, tại các Điều 30, 35, 40, 58, 63, 64 đã quy định về chế độ hôn nhân và gia đình tạo cơ sở pháp lý cho Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 ra đời.

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 được Quốc hội thông qua ngày 9/6/2000 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/20001. Luật gồm 13 chương, 110 điều. Khác với Luật Hôn nhân và gia đình trước đó, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 được xây dựng hoàn thiện hơn, đáp ứng được yêu cầu của tình hình cách mạng mới. Tại Điều 1 Luật đã quy định cụ thể về nhiệm vụ của Luật:

Góp phần xây dựng, hoàn thiện và bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình tiến bộ, xây dựng chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử của các thành viên trong gia đình, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên trong gia đình, kế thừa và phát huy truyền thống đạo đức tốt đẹp của gia đình Việt Nam nhằm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững [44].

Luật cũng quy định những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình, đó là "Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng; Hôn nhân giữa công dân Việt Nam thuộc các dân tộc, các tôn giáo, giữa người theo tôn giáo và người không theo tôn giáo, giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ..."(Điều 2). Chế định kết hôn được quy định tại chương 2, từ Điều 9 đến Điều 17 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000. Chế định kết hôn được sửa đổi, bổ sung thêm một số quy định mới cho phù hợp với tình hình thực tiễn như: trường hợp cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính, giữa những người đã từng có quan hệ nuôi dưỡng như cha mẹ nuôi với con nuôi, bố dượng và con riêng của vợ, giữa mẹ kế với con riêng của chồng… (Điều 10); không công nhận quan hệ hôn nhân đối với trường hợp nam nữ chung sống với nhau

như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn (Điều 11). Cùng với Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành: Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội khóa 10 kỳ họp thứ 7 về việc thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000" (Nghị quyết số 35/2000/QH10), Nghị định số 77/2001/NĐ-CP ngày 22/10/2001 của Chính phủ "quy định chi tiết về đăng ký kết hôn theo Nghị quyết số 35/2000/QH10 về việc thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 (Nghị định số 77/2001/NĐ-CP)... Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 cùng với các văn bản trên đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng quy định về chế định kết hôn, góp phần xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững.

Qua quá trình tìm hiểu hệ thống pháp luật Việt Nam trong từng giai đoạn lịch sử cho thấy các quy định về vấn đề kết hôn ngày càng được xây dựng hoàn thiện hơn, phù hợp hơn, đáp ứng được nhu cầu tất yếu khách quan của xã hội. Nếu như trong hệ thống pháp luật phong kiến, các quy phạm về vấn đề kết hôn đã được ghi nhận nhưng chưa được xây dựng thành chế định pháp luật thì trong hệ thống pháp Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959, 1986 và 2000, các quy phạm về vấn đề kết hôn đã được xây dựng thành chế định theo hướng ngày càng hoàn thiện, vừa phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, truyền thống, phong tục, tập quán và hội nhập gần với hệ thống pháp luật điều chỉnh vấn đề kết hôn hiện nay.

Chương 2

Một phần của tài liệu Chế định kết hôn theo Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam năm 2000 (Trang 25)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)