THÀNH PHẦN CỦA QUAN HỆ PHÁP LUẬT

Một phần của tài liệu Giáo trình môn pháp luật đại cương (Trang 117)

Quan hệ pháp luật được cấu thành bởi: chủ thể, nội dung và khách thể.

2.1.1. Khái niệm chủ thể quan hệ pháp luật

Chủ thể của quan hệ pháp luật là các bên tham gia quan hệ pháp luật, nói cách khác, đó là các bên tham gia vào quan hệ pháp luật trên cơ sở những quyền và nghĩa vụ do nhà nước quy định trong pháp luật. Chủ thể của quan hệ pháp luật có thể là cá nhân, tổ chức.

Những người có ý thức và ý chí nhất định sẽ có đủ tư cách để tham gia quan hệ pháp luật. Quan hệ pháp luật là quan hệ giữa người với người. Trong quan hệ pháp luật có sự tham gia của con người hoặc tổ chức của con người. Chủ thể pháp luật có những phẩm chất riêng biệt nhà nước trao cho là năng lực chủ thể.

Năng lực chủ thể gồm: năng lực pháp luật và năng lực hành vi.

Năng lực pháp luật là khả năng của chủ thể được nhà nước thừa nhận, có được các quyền và nghĩa vụ pháp lý theo quy định của pháp luật.

Năng lực hành vi là khả năng của chủ thể được nhà nước thừa nhận bằng hành vi của mình thực hiện một cách độc lập các quyền chủ thể và nghĩa vụ pháp lý, độc lập tham gia các quan hệ xã hội.

Có thể nói, năng lực pháp luật được nhà nước thừa nhận mang quyền và nghiã vụ pháp lý của chủ thể có ở tuyệt đại đa số công dân. Năng lực pháp luật có thể coi là phần tối thiểu trong năng lực chủ thể của cá nhân và pháp nhân.Với năng lực pháp luật, các chủ thể chỉ tham gia thụ động vào các quan hệ pháp luật hoặc được pháp luật bảo vệ trong các quan hệ nhất định. Tính thụ động của chủ thể thể hiện ở chỗ là không tự ra được cho mình các quyền và nghĩa vụ pháp lý. Các quyền và nghĩa vụ pháp lý mà họ có được trong quan hệ pháp luật cụ thể là do ý chí của nhà nước.

Năng lực hành vi là khả năng của chủ thể có thể tự bản thân mình thực hiện các hành vi pháp lý do nhà nước quy định, tự mình tham gia vào các quan hệ xã hội. Muốn tham gia vào các quan hệ, con người phải có ý thức và ý chí nhất định. Thực tế không phải tất cả mọi người đều có ý thức, ý chí nhất định do đó không phải tất cả mọi người đều có đầy đủ các tiêu chuẩn để tham gia vào các quan hệ pháp luật.

Năng lực pháp luật và năng lực hành vi hình thành nên quyền chủ thể của quan hệ pháp luật. Như vậy, khả năng trở thành chủ thể quan hệ pháp luật là thuộc tính không tách rời của mỗi cá nhân nhưng không phải là thuộc tính tự nhiên, không phải sẵn có khi người đó sinh ra, mà là những thuộc tính pháp lý. Chúng đều do nhà nước thừa nhận cho mỗi tổ chức hoặc cá nhân. Chỉ thông qua quan hệ pháp luật ta mới biết được tổ chức, cá nhân nào có năng lực chủ thể pháp luật để tham gia vào những quan hệ pháp luật nhất định.

Đối với cá nhân, năng lực pháp luật do nhà nước quy định. Nó xuất hiện kể từ khi cá nhân đó sinh ra và chỉ mất đi khi người đó chết. Trong một số lĩnh vực, năng lực pháp luật được mở rộng dần từng bước phụ thuộc vào sự phát triển thể lực và trí lực của cá nhân. Khác với năng lực pháp luật, năng lực hành vi chỉ xuất hiện khi cá nhân đã đạt đến độ tuổi nhất định và đạt được những điều kiện nhất định. Phần lớn pháp luật các nước đều lấy độ tuổi 18 và tiêu chuẩn lý trí làm điều kiện công nhận năng lực hành vi cho chủ thể của đa số các nhóm quan hệ pháp luật.

Đối với tổ chức, năng lực pháp luật và năng lực hành vi xuất hiện cùng một lúc, vào thời điểm tổ chức được thành lập và được ghi nhận trong điều lệ, quy chế hoặc văn bản của nhà nước, năng lực hành vi của tổ chức thực hiện thông qua người đứng đầu cơ quan hoặc người đại diện.

Chủ thể quan hệ pháp luật xã hội chủ nghĩa bao gồm cá nhân, pháp nhân.

* Chủ thể là cá nhân gồm có công dân, người nước ngoài, người không quốc tịch. Công dân là loại chủ thể cá nhân phổ biến và chủ yếu của quan hệ pháp luật. Người nước ngoài và người không quốc tịch có thể trở thành chủ thể quan hệ pháp luật theo các điều kiện áp dụng đối với công dân Việt Nam.

* Pháp nhân.

Pháp nhân là tổ chức dược nhà nước thừa nhận là chủ thể của quan hệ pháp luật. Pháp nhân là một thực thể nhân tạo được cá nhân hoặc nhà nước dựng lên. Pháp nhân chỉ xuất hiện khi được nhà nước cho phép, tức là được nhà nước thành lập hoặc thừa nhận. Tuy nhiên, không phải tổ chức nào do nhà nước lập ra hoặc thừa nhận cũng có tư cách pháp nhân. Pháp nhân là một khái niệm pháp lý phản ánh địa vị pháp lý của một tổ chức. Để được công nhận là pháp nhân tổ chức phải có những điều kiện sau:

- Phải là một tổ chức hợp pháp. - Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ.

- Phải có tài sản riêng, và bằng chính tài sản của mình pháp nhân thực hiện các quyền và nghĩa vụ về tài sản của mình.

- Pháp nhân nhân danh chính bản thân mình tiến hành các hoạt động (kể cả hoạt động tố tụng) và phải chịu trách nhiệm về hậu quả phát sinh từ những hành động đó.

Nhà nước xã hội chủ nghĩa là chủ thể đặc biệt của quan hệ pháp luật. Đặc điểm cơ bản trong năng lực chủ thể pháp luật của nhà nước xã hội chủ nghĩa thể hiện ở chỗ nhà nước là chủ thể quyền lực chính trị của toàn xã hội, là chủ sở hữu lớn nhất của toàn xã hội.

2. Nội dung của quan hệ pháp luật

Nội dung của quan hệ pháp luật xã hội chủ nghĩa bao gồm quyền và nghĩa vụ chủ thể.

Trong lý luận về nhà nước và pháp luật, vấn đề quyền và nghĩa vụ pháp lý được xem xét ở 2 góc độ khác nhau: Thứ nhất, dưới góc độ là năng lực pháp luật của chủ thể thì quyền và nghĩa vụ pháp lý được xem như những thuộc tính của chủ thể pháp luật. Các quyền và nghĩa vụ này được Hiến pháp, các luật và văn bản dưới luật khác quy định. Các quyền và nghĩa vụ này tồn tại với chủ thể, chấm dứt khi chủ thể không còn. Thứ hai, dưới góc độ kết quả của hoạt động của các chủ thể thì đó là các quyền và nghĩa vụ pháp lý mà chủ thể tạo ra thông qua việc tham gia các quan hệ pháp luật cụ thể.

a. Quyền chủ thể

Quyền chủ thể là cách xử sự mà pháp luật cho phép chủ thể được tiến hành. Nói cách khác, quyền chủ thể là khả năng của chủ thể xử sự theo cách thức nhất định được pháp luật cho phép.

Quyền chủ thể có những đặc tính sau:

- Khả năng của chủ thể xử sự theo cách thức nhất định mà pháp luật cho phép. - Khả năng yêu cầu các chủ thể khác chấm dứt các hành vi cản trở mình thực hiện các quyền và nghĩa vụ hoặc yêu cầu tôn trọng các nghĩa vụ tương ứng phát sinh từ quyền và nghĩa vụ này.

- Khả năng các chủ thể yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ lợi ích của mình.

Các thuộc tính kể trên của quyền chủ thể là thống nhất không thể tách rời.

Nghĩa vụ của chủ thể là cách xử sự mà nhà nước bắt buộc chủ thể phải tiến hành nhằm đáp ứng việc thực hiện quyền của chủ thể khác.

Nghĩa vụ pháp lý có những đặc điểm sau:

- Chủ thể cần phải tiến hành những hành vi bắt buộc nhất định.

- Việc thực hiện những hành vi bắt buộc nhằm đáp ứng quyền chủ thể của chủ thể bên kia.

- Phải chịu trách nhiệm pháp lý khi không thực hiện những hành vi bắt buộc. Quyền và nghĩa vụ chủ thể là hai hiện tượng pháp lý không thể thiếu trong một quan hệ pháp luật cụ thể. Trong quan hệ pháp luật, quyền và nghĩa vụ chủ thể luôn thống nhất, phù hợp với nhau. Nội dung, số lượng và các biện pháp bảo đảm thực hiện chúng đều do nhà nước quy định hoặc do các bên xác lập trên cơ sở các quy định đó.

3. Khách thể của quan hệ pháp luật

Cá nhân, tổ chức khi tham gia vào một quan hệ pháp luật nào đó đều nhằm thoả mãn những nhu cầu nhất định về vật chất, văn hoá, tinh thần. Lợi ích mà các bên hướng tới nhằm đạt được khi tham gia vào quan hệ pháp luật là một yếu tố không thể thiếu của quan hệ pháp luật.Từ đó có thể xác định khách thể quan hệ pháp luật như sau:

Khách thể quan hệ pháp luật là lợi ích vật chất, tinh thần và những lợi ích xã hội khác có thể thoả mãn những nhu cầu, đòi hỏi của các tổ chức hoặc cá nhân mà vì chúng các chủ thể tham gia vào các quan hệ pháp luật, nghĩa là, vì chúng mà họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ chủ thể của mình.

Một phần của tài liệu Giáo trình môn pháp luật đại cương (Trang 117)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(147 trang)