VĂN HOÁ PHÁP LÝ VÀ GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Một phần của tài liệu Giáo trình môn pháp luật đại cương (Trang 108)

Văn hoá pháp lý là sự hiểu biết và nhận thức sâu sắc pháp luật cũng như thực hiện đầy đủ những đòi hỏi của pháp luật với ý thức cao.

Văn hoá pháp lý có liên quan tới ý thức pháp luật và dựa vào ý thức pháp luật. Tuy nhiên, giữa chúng có những điểm khác biệt. Nếu ý thức pháp luật bao gồm những yếu tố tư tưởng xã hội và tâm lý, ngoài những yếu tố này, văn hoá pháp lý còn bao gồm cả hành vi thực tế thực hiện pháp luật dưới tác động của pháp luật và ý thức pháp luật.

Văn hoá pháp lý là một khái niệm rộng bao gồm ý thức pháp luật, khả năng hiểu biết và những thói quen sử dụng pháp luật có hiệu quả trong đời sống xã hội, cũng như tính tích cực pháp luật của công dân.

Để nâng cao văn hoá pháp lý, trước hết cần giáo dục pháp luật. Giáo dục pháp luật là hoạt động có mục đích, có hệ thống và có định hướng của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và các tập thể lao động để hình thành và nâng cao ý thức pháp luật, văn hoá pháp lý cho mọi công dân.

Mục đích cụ thể của giáo dục pháp luật thể hiện ở những điểm cơ bản sau:

Thứ nhất, giáo dục pháp luật nhằm hình thành làm sâu sắc và mở rộng hệ thống ttri thức pháp luật của công dân.

Thứ hai, giáo dục pháp luật nhằm hình thành tình cảm và lòng tin đối với pháp luật.

Thứ ba, giáo dục pháp luật nhằm hình thành động cơ, hành vi và thói quen xử sự hợp pháp, tích cực.

Ba mục đích trên có mối quan hệ qua lại thống nhất với nhau, từ nhận thức đến tự giác, từ tự giác đến tích cực và từ tích cực đến thói quen xử sự hợp pháp.

Giáo dục pháp luật là một loại rất khó khăn và phức tạp đòi hỏi phải có nhiều phương pháp và hình thức phong phú phù hợp với từng loại đối tượng khác nhau, tuỳ thuộc vào tính chất cụ thể trong mỗi giai đoạn nhất định.

Để công tác giáo dục nâng cao ý thức pháp luật, văn hoá pháp lý của nhân dân đạt hiệu quả cao cần phải tiến hành những biện pháp đồng bộ trong đó cần chú trọng tới một số biện pháp cơ bản sau:

- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền giải thích pháp luật làm cho nhân dân nắm được một cách đầy đủ và hiểu được nội dung của các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trong từng giai đoạn.

- Đưa việc giảng dạy pháp luật vào hệ thống các trường học, bao gồm các trường của Đảng, của Nhà nước kể cả các trường phổ thông, trường trung học chuyên ngiệp và đại học, trường của các tổ chức chính trị - xã hội.

- Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ pháp lý có đủ năng lực và trình độ, có phẩm chất chính trị và phong cách làm việc tốt để bố trí vào làm việc tại các cơ quan làm công tác pháp luật, pháp chế.

- Mở rộng dân chủ, công khai tạo điều kiện cho nhân dân tham gia một cách đông đảo vào việc soạn thảo, thảo luận đóng góp ý kiến về các dự án pháp luật để thông qua đó nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân.

- Đẩy mạnh công tác đấu tranh chống vi phạm pháp luật, tổ chức cho nhân dân tham gia một cách mạnh mẽ vào công tác này. Thông qua công tác đấu tranh chống vi phạm pháp luật bảo đảm công bằng xã hội, ý thức pháp luật của nhân dân sẽ được củng cố và nâng cao.

- Phải thực hiện tốt việc kết hợp giáo dục pháp luật với giáo dục đạo đức, văn hoá, nâng cao trình độ chung của nhân dân.

- Đẩy mạnh sự lãnh đạo của Đảng trong công tác giáo dục nâng cao ý thức pháp luật. Sự lãnh đạo của Đảng phải bảo đảm thường xuyên, đầy đủ và toàn diện.

CÂU HỎI ÔN TẬP

1. Khái niệm ý thức pháp luật? 2. Chức năng của ý thức pháp luật? 3. Cấu trúc của ý thức pháp luật?

4. Phân tích mối quan hệ giữa ya thức pháp luật với pháp luật. 5. Văn hoá pháp lý?

6. Vấn đề giáo dục ý thức pháp luật và văn hóa pháp lý cho các chủ thể pháp luật?

CHƯƠNG XVIQUY PHẠM PHÁP LUẬT QUY PHẠM PHÁP LUẬT

I. KHÁI NIỆM QUY PHẠM PHÁP LUẬT XÃ HỘI CHỦ NGHĨA1. Đời sống xã hội và quy phạm xã hội

Một phần của tài liệu Giáo trình môn pháp luật đại cương (Trang 108)