Hoạt động giám sát trong việc xây dựng pháp luật

Một phần của tài liệu Vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với bộ máy nhà nước (Trang 26)

Theo quy định tại điều 9 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và điều 9 Nghị định 50/CP; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia xây dựng pháp luật với các nội dung và cơ chế sau đây:

* Ở Trung ương

- Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tập hợp đề xuất của nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc ở các địa phương, các tổ chức thành viên để kiến nghị với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xây dựng chương trình pháp luật hàng năm và cả nhiệm kỳ trình Quốc hội quyết định.

- Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình Quốc hội dự án luật, trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự án Pháp lệnh, chủ yếu về những vấn đề có liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Mặt trận Tổ quốc; quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt nam.

- Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành nghị quyết, thông tư liên tịch để hướng dẫn thi hành những vấn đề khi pháp luật quy định trách nhiệm Mặt trận Tổ quốc tham gia quản lý nhà nước.

- Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên hữu quan ở Trung ương tham gia ý kiến vào dự án luật, pháp lệnh, Nghị quyết, Nghị định và văn bản quy phạm pháp luật khác, chủ yếu về những vấn đề có liên quan đến quyền, trách nhiệm của tổ chức mình, đến quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân, hoạt động của bộ máy nhà nước, liên quan đến tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

* Ở địa phương

- Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp ở địa phương phối hợp với Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân cùng cấp tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào các dự án luật, pháp lệnh, các văn bản pháp quy của chính quyền địa phương trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại có liên quan mật thiết đến quyền và nghĩa vụ công dân, đến các tầng lớp xã hội do Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc trực tiếp vận động, hoạt động của bộ máy nhà nước, liên quan đến tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc (điều 10 Nghị định 50/CP). Quyền tham gia xây dựng pháp luật của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp ở địa phương được thực hiện theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân. Việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào các văn bản pháp luật được thực hiện theo quy chế phối hợp giữa Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc với Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội ở cấp tỉnh theo các hình thức như sau:

- Tổ chức các hội nghị nhân dân hoặc đại diện hộ gia đình theo địa bàn dân cư xóm ấp, khu phố.

27

- Tổ chức hội nghị những người tiêu biểu trong các dân tộc, các tôn giáo, công thương gia, thân nhân Việt kiều.

- Tổ chức hội nghị cán bộ chuyên trách của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp ở địa phương hoặc giữa cán bộ chuyên trách Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc với cán bộ chuyên trách các đoàn thể nhân dân và tổ chức xã hội cùng cấp.

- Ở những địa phương đã lập Ban tư vấn pháp luật thì nên dựa vào sự hoạt động của Ban tư vấn để tham mưu cho Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc góp ý kiến vào những dự thảo văn bản pháp luật.

- Tham gia góp ý kiến trong các hội nghị do Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương tổ chức.

Như vậy, có thể thấy giám sát việc xây dựng pháp luật của Nhà nước là một mặt giám sát chủ yếu của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên. Sự giám sát trong lĩnh vực này bao hàm từ việc góp ý kiến, tham gia các ban soạn thảo đến việc xem xét kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật cần thiết. Những năm gần đây trung bình mỗi năm Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia góp ý kiến khoảng 60 dự án luật, pháp lệnh và nghị định. Nhiều dự án luật, pháp lệnh được mời tham gia các Ban soạn thảo, Tổ biên tập như Bộ luật Dân sự, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, Luật về Hội, Luật Khiếu nại, tố cáo v.v... Mặt trận Tổ quốc các cấp cũng đã có nhiều kiến nghị đối với các cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp luật. Sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các thành viên góp phần làm giảm những sai sót, sơ hở trong xây dựng và ban hành pháp luật, tăng tính khả thi. Ở một khía cạnh khác, giám sát hoạt động xây dựng pháp luật còn là một quyền quan trọng của Mặt trận Tổ quốc - quyền giám sát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại Điều 12a Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, cơ quan, tổ chức khác và công dân có quyền giám sát văn bản quy phạm pháp luật và kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý văn bản quy phạm pháp luật sai trái”.

Để việc tham gia góp ý kiến có chất lượng, hiệu quả thiết thực, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn lắng nghe và tiếp nhận ý kiến, kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, các chuyên gia, các nhà khoa học trên các lĩnh vực của đời sống xã hội cả trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài. Chính vì vậy, sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các thành viên góp phần làm giảm những sai sót, sơ hở trong xây dựng và ban hành pháp luật, văn bản pháp luật được ban hành sát với thực tiễn xã hội, tạo sự đồng thuận xã hội và có tính khả thi cao hơn, sớm đi vào đời sống xã hội.

Một phần của tài liệu Vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với bộ máy nhà nước (Trang 26)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(77 trang)