Quy phạm pháp luật về quản lý hộ tịch được hiểu là những quy tắc sử xự chung do Nhà nước ban hành để điểu chỉnh các quan hệ quản lý nhà nước trong lĩnh vực hộ tịch. Đây là một dạng cụ thể của quy phạm hành chính, các quy phạm về quản lý hộ tịch có thể phân thành hai nhóm sau:
- Nhóm quy phạm về địa vị pháp lý (quyền và nghĩa vụ) của các chủ thể trong quan hệ hộ tịch và quan hệ giữa các chủ thể với nhau trong quản lý hộ tịch;
- Nhóm quy phạm về thủ tục hành chính (thủ tục đăng ký hoặc giải quyết khiếu nại, tố cáo)
Thực tế hiện nay cho thấy, số lượng các quy phạm pháp luật về hộ tịch khá lớn, điều chỉnh khá toàn diện, đầy đủ các quan hệ phát sinh trong lĩnh vực này. Tuy nhiên các quy phạm về quản lý hộ tịch nằm rải rác trong nhiều văn bản khác nhau. Ngoài nghị định số 158/205/NĐ-CP được coi là nguồn chủ
đạo của pháp luật về quản lý hộ tịch, các quy phạm về quản lý hộ tịch còn được tìm thấy trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau như: Nghị định số 32/2002/NĐ-CP ngày 27/3/2002 quy định việc áp dụng Luật Hôn nhân- Gia đình đối với các dân tộc thiểu số và Nghị định 24/2013/NĐ-CP ngày 28/3/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình về quan hệ Hôn nhân và Gia đình có yếu tố nước ngoài, Nghị định 88/2008/NĐ-CP ngày 05/8/2008 về xác định lại giới tính....
Sự tản mạn của các quy phạm pháp luật về quản lý hộ tịch như trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của việc áp dụng pháp luật về hộ tịch.
Xét về khía cạnh giá trị pháp lý có thể thấy, hiện nay các quy phạm pháp luật về quản lý hộ tịch có thứ bậc không cao trong thang giá trị quy phạm. Các quy phạm có giá trị cao nhất mới dừng lại ở mức độ quy phạm trong Nghị định của Chính phủ; một bộ phận không nhỏ quy phạm do Bộ Tư pháp ban hành trong các thông tư mang tính chất hướng dẫn nghiệp vụ (Thông tư số 01/2008/TT-BTP ngày 02/6/2008 hướng dẫn thi hành Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 về đăng ký và quản lý hộ tịch; Thông tư liên tịch số 11/2008/BTP-BNG hướng dẫn thi hành điều 80 Nghị định 158/2005/NĐ-CP; Thông tư 16/2010/TT-BTP ngày 08/10/2010 về việc ghi sổ hộ tịch việc ly hôn được tiến hành ở nước ngoài...
Bởi vậy tính ổn định của pháp luật về quản lý hộ tịch chưa cao, có thể bị sửa đổi, bổ sung trong một thời gian ngắn. Thực tiễn này được lý giải bởi hai lý do của hoạt động xây dựng pháp luật về hộ tịch: Thứ nhất là trong suốt thời gian hơn 30 năm (từ khi ban hành Điều lệ đăng ký hộ tịch năm 1961 đến trước khi Chính phủ ban hành Nghị định số 184/CP ngày 30/11/1994) hoạt động xây dựng pháp luật về hộ tịch gần như trong tình trạng đóng băng, không có sự vận động nào đáng kể, chỉ từ khi bị tác động trực tiếp bởi sự ra đời của Luật Hôn nhân- Gia đình năm 2000 và Bộ luật Dân sự năm 2005 thì
hoạt động xây dựng pháp luật về hộ tịch mới được vận động tích cực để phù hợp, thích ứng với những yêu cầu mới mà hai văn bản luật quan trọng nói trên đặt ra. Thứ hai là về mặt chủ quan do tính chất tác động xã hội của các quy phạm pháp luật về quản lý hộ tịch rất rộng lớn và liên quan đến các phạm trù nhạy cảm như quyền con người, quyền công dân nên hoạt động điều chỉnh lĩnh vực này được tiến hành rất cẩn trọng, dè dặt. Chỉ có thể xây dựng các quy phạm pháp luật về quản lý hộ tịch có giá trị cao khi điều kiện cần và đủ cho nó là nền tảng pháp luật dân sự, pháp luật hôn nhân và gia đình đã được thiết lập và vận hành một cách ổn định.