Được ra đời từ thời điểm khá sớm, Luật xung đột Thái Lan, B.E. 2481 được ban hành ngày 10 tháng 3 năm 1938. Đây là đạo luật có giá trị pháp lý cao nhất đưa ra các nguyên tắc áp dụng luật nhằm giải quyết một cách thống nhất trong những trường hợp xảy ra xung đột pháp luật. “Trường hợp không có điều khoản nào của luật này hoặc bất kỳ một luật nào khác của Siam (tên gọi trước đây của Thái Lan) điều chỉnh một vụ việc xung đột pháp luật, các nguyên tắc chung của tư pháp quốc tế sẽ được áp dụng” [44, mục 3]. Trường hợp luật nước ngoài điều chỉnh dẫn chiếu đến áp dụng luật của Thái Lan thì luật quốc nội của Thái Lan được áp dụng và không áp dụng các quy định của luật xung đột Thái Lan [44, mục 4]. Như vậy, Luật xung đột Thái Lan chấp nhận việc pháp luật nước ngoài dẫn chiếu đến các quy phạm thực chất của Thái để áp dụng nhưng không chấp nhận việc dẫn chiếu đến các quy phạm xung đột. Điều này có nghĩa là pháp luật Thái không chấp nhận dẫn chiếu ngược.
Theo luật xung đột Thái Lan thì nguyên tắc lex loci delicti commissi được áp dụng nhằm điều chỉnh quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Nguyên tắc này đã được đề cập đến tại phần những quy định chung của Luật xung đột B.E.2481. Nền tảng pháp lý cho nguyên tắc này được quy định tại phần các quy định chung. Mục 9 của Luật quy định: “Trừ khi có quy định khác của đạo luật này hoặc các đạo luật khác của Xiêm, hình thức bắt buộc để đảm bảo giá trị của một hành vi pháp lý được điều chỉnh bởi pháp luật quốc gia nơi hành vi được
thực hiện. Tuy nhiên, luật quốc gia nơi có tài sản sẽ quy định hình thức bắt buộc đảm bảo giá trị pháp lý của hợp đồng, văn bản hoặc các hành vi pháp lý khác liên quan đến bất động sản” [44, mục 9].
Như vậy, Luật xung đột Thái đã thừa nhận lex loci delecti commissi làm nguyên tắc cơ bản để giải quyết xung đột trong trường hợp xác định giá trị của một hành vi pháp lý. Đây cũng là quan điểm phổ biến chung được các quốc gia thừa nhận: Hành vi được thực hiện ở đâu thì pháp luật nơi hành vi đó được thực hiện sẽ điều chỉnh. Tuy nhiên, ngoại lệ đặt ra là đối với những trường hợp tài sản là bất động sản thì không thừa nhận lex loci delicti commissi mà sử dụng lex rei sitae để điều chỉnh những vấn đề pháp lý liên quan đến bất động sản đó như hợp đồng, văn bản hoặc các hành vi pháp lý khác liên quan đến bất động sản.
Luật xung đột Thái Lan cũng có quy định tương tự như pháp luật Trung Quốc khi không áp dụng pháp luật quốc gia mình trong trường hợp hành vi được thực hiện tại nước ngoài và theo quy định của pháp luật Thái Lan không bị coi là vi phạm thì luật Thái Lan sẽ không điều chỉnh.
Luật xung đột B.E.2481 quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng tại mục 15: “Nghĩa vụ phát sinh từ hành vi sai phạm được được điều chỉnh bởi luật nơi thực hiện hành vi sai phạm đó” [44, mục 15]. Như vậy, nguyên tắc Lex loci delicti commissi cũng được Thái Lan áp dụng để điều chỉnh quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Cũng giống Trung Quốc, nguyên tắc luật nơi thực hiện hành vi cũng là ưu tiên lựa chọn đầu tiên của Thái để điều chỉnh quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Quan điểm phổ biến nói chung được các nước thừa nhận: Hành vi vi phạm được thực hiện ở đâu thì pháp luật nơi hành vi được thực hiện sẽ điều chỉnh quan hệ bồi thường. Tuy nhiên, trên thực tế, nơi thực hiện hành vi không phải khi nào cũng là nơi mà hậu quả thiệt hại xảy ra trong khi thiệt hại lại là một điều kiện bắt buộc phải có trong bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Ngoài ra, có những trường hợp, hành vi được thực hiện ở một quốc gia nhưng lại không gây thiệt hại cho quốc gia này mà hậu quả thiệt hại lại xảy ra ở các quốc gia khác và quốc gia này mới thực sự là nơi chịu ảnh
hưởng trực tiếp, cụ thể của hành vi vi phạm. Vậy nếu theo quy định như luật xung đột Thái thì luật quốc gia nơi thiệt hại xảy ra sẽ không thể được áp dụng để điều chỉnh để bảo vệ lợi ích của mình mặt dù trên thực tế đây mới là nơi chịu ảnh hưởng thiệt hại trực tiếp của hành vi sai phạm và có mối liên quan mật thiết với hành vi vi phạm. Có thể nói đây là một vấn đề pháp lý xảy ra trong thực tiễn nhưng chưa được pháp luật Thái Lan giải quyết.
* Một số quy định của Bộ luật Dân sự và Thương mại Thái Lan về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Bộ luật Dân sự và Thương mại Thái Lan là văn bản pháp lý quan trọng nhất điều chỉnh các quan hệ dân sự và thương mại. Đây cũng được coi là nguồn cơ bản để xây dựng các văn bản pháp lý điều chỉnh các quan hệ bồi thường cụ thể như: Luật Bảo vệ người tiêu dùng B.E.2522 (1979), Luật Tiêu chuẩn sản phẩm công nghiệp B.E.2511, Luật Trách nhiệm sản phẩm B.E 2551, Luật Mỹ phẩm B.E 2535 (1992), Luật Thực vật B.E 2518, Luật Thực phẩm… Các quy định về những hành vi sai trái, các loại thiệt hại, hình thức bồi thường đối với những thiệt hại cụ thể, những trường hợp miễn trách nhiệm… được quy định tại Bộ luật Dân sự và Thương mại Thái Lan là cơ sở pháp lý mang tính chất nền tảng cho việc xây dựng các loại trách nhiệm bồi thường cụ thể trong các đạo luật chuyên ngành trên.
Pháp luật Thái Lan không sử dụng thuật ngữ “bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” mà sử dụng “nghĩa vụ phát sinh từ hành vi sai phạm”. Thực chất bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cũng chính là một loại nghĩa vụ dân sự mà theo đó bên thực hiện hành vi trái pháp luật phải có nghĩa vụ bồi thường đối với những thiệt hại do hành vi trái pháp luật do mình gây ra. Vì vậy, về mặt thuật ngữ pháp lý thì hai thuật ngữ trên không đó điểm khác biệt nào cơ bản mà thuật ngữ BTTHNHĐ chỉ là một cách cụ thể hóa của “nghĩa vụ phát sinh từ hành vi sai phạm”.
Luật Thái quy định về hành vi sai phạm từ Điều 420 đến Điều 452 ở tiêu đề V, quyển II: Nghĩa vụ của Bộ luật Dân sự và Thương mại Thái Lan. Điều 420 đã định nghĩa về hành vi sai trái: “Một người cố tình hay vô tình làm tổn thương một cách trái pháp luật đến đời sống, thân thể, sức khỏe, tự do, tài sản hoặc bất cứ quyền nào của người khác thì bị coi là phạm một hành vi sai trái và có nghĩa vụ bồi thường cho sự tổn thương đó”. Như vậy, hành vi sai trái theo pháp luật Thái đó là hành vi trái pháp luật, được thực hiện một cách có lỗi (cố ý hoặc vô ý), xâm phạm vào các quyền và lợi ích hợp pháp của người khác gây ra thiệt hại và người thực hiện hành vi có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của mình gây ra. Thiệt hại ở đây bao gồm những hại về thân thể, sức khỏe, tự do, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp được pháp luật bảo vệ.
Những hành vi sai trái được luật pháp Thái Lan quy định như: Hành vi xác nhận hoặc loan báo một việc trái với sự thật, hành vi sai trái do người làm công gây ra, hành vi sai trái do súc vật gây ra, do tài sản gây ra…. Tương ứng với những hành vi này, Luật Thái Lan cũng quy định về bồi thường thiệt hại như: bồi thường thiệt hại do người lao động gây ra, bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra (Điều 433), Bồi thường thiệt hại do nhà hoặc công trình xây dựng (Điều 434, Điều 435), bồi thường do vật, máy móc có thể gây nguy hiểm gây ra (Điều 437).
- Phương thức bồi thường bao gồm:
- Hoàn trả lại tài sản (Điều 438, 439);
- Bồi hoàn trị giá của tài sản bị mất, bị giảm sút (kể cả tiền lãi), chi phí trong trường hợp người bị thiệt hại chết, mất hoặc suy giảm khả năng lao động;
- Áp dụng các biện pháp khôi phục uy tín (trường hợp làm tổn thương đến uy tín - Điều 447);
- Về thiệt hại:
Pháp luật Thái Lan chỉ thừa nhận những thiệt hại hữu hình. Những thiệt hại này bao gồm chi phí y tế, thu nhập bị mất, bị giảm sút do suy giảm khả năng lao động, thiệt hại đối với tài sản… Đối với những thiệt hại tinh thần như đau
đớn, đau khổ mà người bị hại phải gánh chịu thì pháp luật Thái Lan lại chưa điều chỉnh. Đây là một hạn chế lớn bởi đôi khi trên thực tế những thiệt hại này có thể còn lớn hơn rất nhiều lần, tác động lâu dài hơn rất nhiều so với những thiệt hại về tài sản, nó có thể để lại những ám ảnh lâu dài trong tâm trí của những người bị thiệt hại. Việc quy đổi những thiệt hại vô hình sang tài sản để xác định trách nhiệm của bên có nghĩa vụ, một biện pháp hỗ trợ để giảm bớt những đau khổ tinh thần mà người thiệt hại đã và đang phải gánh chịu chứ không phải là việc vật chất hoá những đau khổ tinh thần.
- Thời hiệu khởi kiện:
Yêu cầu bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 448. Theo đó yêu cầu này sẽ hết hiệu lực khi:
- Sau một năm kể từ ngày người bị thiệt hại biết được hành vi sai trái và người có nghĩa vụ bồi thường.
- Sau mười năm kể từ ngày hành vi sai trái xảy ra.
- Trường hợp cá biệt nếu hành vi gây thiệt hại có thể bị trừng phạt theo luật hình sự và thời hiệu được quy định theo luật hình sự dài hơn thì áp dụng thời hiệu đó.
- Trường hợp miễn trách nhiệm:
Pháp luật Thái cho phép chủ thể thực hiện hành vi sai trái được miễn trách nhiệm như trường hợp phòng vệ chính đáng [39, Điều 449] hay trong tình thế cấp thiết [39, Điều 450, Điều 451].
Các quy định về hành vi sai trái của Bộ luật Dân sự và Thương mại Thái Lan đã trở thành những quy định mang tính nền tảng cho việc ban hành các đạo luật mang tính cá biệt khác như luật trách nhiệm sản phẩm, luật thực phẩm, luật bảo vệ người tiêu dùng, luật mỹ phẩm, luật do sơ suất y tế… Các đạo luật này đã điều chỉnh những nội dung bồi thường cụ thể trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Tuy nhiên, do được ban hành từ khá sớm năm 1938 nên các quy định của Bộ luật vẫn còn khá sơ sài, nhiều nội dung bồi thường cụ thể chưa được đề cập đến một cách đầy đủ nhưng có thể nói các quy định này đã đóng
góp rất quan trọng trong quá trình phát triển của pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng Thái Lan. Các quy định này được sử dụng như những nguyên tắc cơ bản làm nền tảng để xây dựng các quy phạm bồi thường cụ thể trong các đạo luật chuyên ngành. Điều này đã làm giảm thiểu và khắc phục được những hạn chế, thiếu sót, những vấn đề chưa được điều chỉnh trong luật nguồn.