Áp dụng nguyên tắc tƣơng tự

Một phần của tài liệu Một số vấn đề pháp lý và thực tiễn về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có yếu tố nước ngoài theo pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài (Trang 83)

Áp dụng tương tự pháp luật là một trong những cách thức để giải quyết các quan hệ pháp luật cụ thể trong những trường hợp không có các quy phạm

pháp luật trong nước hoặc quốc tế điều chỉnh các quan hệ này. Áp dụng tương tự pháp luật là một giải pháp hữu hiệu nhằm điều chỉnh các quan hệ pháp luật một cách triệt để.

Áp dụng tương tự pháp luật cũng được các nhà làm luật Việt Nam quy định tại khoản 4, Điều 759 Bộ luật Dân sự 2005. Điều 759 quy định: “Trong trường hợp quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài không được Bộ luật này, các văn bản pháp luật khác của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc hợp đồng dân sự giữa các bên điều chỉnh thì áp dụng tập quán quốc tế, nếu việc áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Như vậy, trường hợp các văn bản luật trong nước và quốc tế mà Việt Nam tham gia không điều chỉnh, pháp luật Việt Nam lại ấn định áp dụng “tập quán quốc tế”. Đây chưa phải là giải pháp hữu hiệu bởi tập quán quốc tế là những quy tắc xử sự được hình thành trong thời gian dài, được áp dụng liên tục, có hệ thống và được sự thừa nhận đông đảo của các quốc gia. Tuy nhiên, phạm vi điều chỉnh của tập quán thường chỉ bó hẹp trong các quan hệ thương mại quốc tế nên trong trường hợp pháp luật không điều chỉnh thì pháp luật Việt Nam nên cho phép áp dụng nguyên tắc tương tự pháp luật. Khi đó thì không chỉ tập quán quốc tế được áp dụng mà pháp luật quốc gia khác cũng có thể được áp dụng nếu việc áp dụng không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

Trường hợp pháp luật Việt Nam dẫn chiếu đến việc áp dụng pháp luật nước ngoài thì pháp luật của nước đó được áp dụng, nếu việc áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Nếu pháp luật của nước đó lại dẫn chiếu trở lại pháp luật Việt Nam (dẫn chiếu ngược) thì pháp luật Việt Nam được áp dụng. Như vậy, với quy định tại khoản 3 Điều 759, pháp luật Việt Nam đã thừa nhận việc dẫn chiếu đến pháp luật nước ngoài và dẫn chiếu ngược. Tuy nhiên, đối với dẫn chiếu ngược trở lại pháp luật Việt Nam thì có vấn đề nảy sinh. Nếu pháp luật nước ngoài dẫn chiếu

đến quy phạm thực chất của pháp luật Việt Nam thì có thể giải quyết được trực tiếp mối quan hệ. Tuy nhiên, như trên đã trình bày, số lượng các quy phạm thực chất về BTTHNHĐ của Việt Nam rất ít nên hoàn toàn xảy ra trường hợp việc dẫn chiếu dẫn đến quy phạm xung đột của Việt Nam. Trong trường hợp này, liệu pháp luật Việt Nam có lại “tái dẫn chiếu” nữa hay không vẫn còn là vấn đề cần các nhà làm luật xem xét và giải quyết dứt điểm. Hay trong trường hợp pháp luật Việt Nam dẫn chiếu đến pháp luật nước ngoài và pháp luật nước ngoài lại dẫn chiếu đến pháp luật của một nước thứ ba. Vậy, pháp luật nước thứ ba này có được áp dụng không? Đây là câu hỏi vẫn đang chờ lời giải đáp.

Bên cạnh các nguyên tắc về áp dụng luật của Bộ luật Dân sự năm 2005, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 cũng đưa ra các nguyên tắc cụ thể về áp dụng tương tự pháp luật. Điều 3 của Luật Hàng không quy định:

“1. Đối với những quan hệ xã hội phát sinh từ hoạt động hàng không dân dụng không được Luật này điều chỉnh thì áp dụng các quy định pháp luật tương ứng của Việt Nam.

2. Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật này với quy định của luật khác về cùng một nội dung liên quan đến hoạt động hàng không dân dụng thì áp dụng quy định của Luật này.

3. Trường hợp Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của Điều ước quốc tế đó”.

Như vậy, theo Luật Hàng không 2006, các quan hệ xã hội phát sinh từ hoạt động hàng không dân dụng sẽ mặc nhiên chịu sự điều chỉnh của Luật Hàng không. Trường hợp Luật Hàng không chưa điều chỉnh thì sẽ áp dụng các quy định pháp luật tương ứng của Việt Nam nếu có. Ngoài ra, trong trường hợp có nhiều văn bản luật khác nhau cùng điều chỉnh về quan hệ hàng không thì Luật hàng không được ưu tiên áp dụng trước các văn bản luật quốc nội khác. Trường hợp có sự khác biệt giữa Luật Hàng không và các Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia thì ưu tiên áp dụng các quy định trong các Điều ước quốc tế đó.

Kết luận chƣơng 2

Xung đột pháp luật là vấn đề pháp lý cơ bản và quan trọng nhất của Tư pháp quốc tế Việt Nam cũng như Nhật Bản, Trung Quốc hay Thái Lan. Để giải quyết xung đột pháp luật, các nhà làm luật đã sử dụng hai phương pháp cơ bản là phương pháp xung đột và phương pháp thực chất. Trong các văn bản pháp luật quốc gia và quốc tế về BTTHNHĐ có yếu tố nước ngoài thì giải quyết xung đột pháp luật thông qua các quy phạm xung đột là phương pháp phổ biến được nhiều quốc gia lựa chọn bởi tính chất ưu việt của phương pháp này. Đa phần các quốc gia đều lựa chọn lex loci delecti commissi. Bên cạnh đó, lex personalis (trong đó có thể là lex domicilii hay lex societatis) hoặc lex banderae cũng được lựa chọn như là một nguyên tắc phụ trợ trong những trường hợp không thể áp dụng lex loci delicti commissi.

Bên cạnh việc sử dụng các quy phạm xung đột như một biện pháp hữu hiệu thì các nhà làm luật còn sử dụng các quy phạm thực chất hoặc nguyên tắc áp dụng tương tự pháp luật nhằm đưa ra một sự lựa chọn hữu ích cho các quốc gia trong việc giải quyết các quan hệ bồi thường cụ thể. Phương pháp thực chất tránh được việc dẫn chiếu ngược trở lại hay dẫn chiếu đến pháp luật của nước thứ ba điều mà các quy phạm xung đột không thể giải quyết một cách triệt để.

Tóm lại, phương pháp sử dụng các quy phạm xung đột, các quy phạm thực chất hay nguyên tắc áp dụng tương tự pháp luật là những cách thức giải quyết xung đột hữu hiệu hiện nay để có thể lựa chọn một hệ thống pháp luật phù hợp áp dụng giải quyết vấn đề BTTHNHĐ có yếu tố nước ngoài, vừa đảm bảo lợi ích, vừa củng cố tinh thần hợp tác và bình đẳng giữa các quốc gia cũng như là giải quyết đưọc vấn đề xung đột pháp luật về BTTHNHĐ đang diễn ra ngày càng đa dạng và phức tạp trong giai đoạn hiện nay.

Một phần của tài liệu Một số vấn đề pháp lý và thực tiễn về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có yếu tố nước ngoài theo pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài (Trang 83)