Về tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan và tổ chức

Một phần của tài liệu Thi hành án dân sự liên quan đến Phật giáo qua thực tiễn tỉnh Thừa Thiên - Huế (Trang 112)

7. Kết cấu của luận văn

3.2.2. Về tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan và tổ chức

Ngành Thi hành án dân sự tỉnh Thừa Thiên Huế chủ động phối hợp với các cấp, các ngành, chính quyền cơ sở, tích cực xác minh, phân loại và tổ chức thi hành có hiệu quả các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật; thực hiện có hiệu quả các biện pháp đẩy nhanh tiến độ thi hành án, khắc phục tình trạng việc thi hành án tồn đọng, hoàn thành các chỉ tiêu về thi hành án theo quy định của Bộ Tư pháp. Đồng thời chủ động báo cáo việc tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp, liên quan đến vấn đề tôn giáo có ảnh hưởng về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố để có kế hoạch chỉ đạo phối hợp với các Sở, ngành và UBND các cấp ở địa phương đảm bảo thi hành dứt điểm vụ án. Tuy nhiên, công tác phối hợp trong THADS ở Thừa Thiên Huế vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới.

Một là, việc chuyển giao các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật cho CQTHADS từng lúc, từng nơi thiếu kịp thời, nhất là các việc thi hành án thuộc diện Thủ trưởng cơ quan thi hành án chủ động ra quyết định thi hành án. Do đó, nhiều trường hợp cơ quan thi hành án đã tổ chức thi hành xong các vụ việc thi hành án thuộc diện Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu nhưng chưa được Tòa án chuyển giao nên gặp nhiều khó khăn khi tổ chức thi hành án. Phần lớn Tòa án chuyển giao cho CQTHADS không đúng thời hạn quy định tại Điều 28 Luật thi hành án dân sự năm 2008.

Hai là, việc phối hợp của cơ quan Công an trong THADS có lúc, có nơi chưa thực sự chặt chẽ. Có trường hợp, khi CQTHADS có kế hoạch tổ chức cưỡng chế thi hành án đối với các vụ việc có tính chất phức tạp, có văn bản

yêu cầu lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ trật tự cưỡng chế, vẫn còn một số đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu của cơ quan thi hành án, như: cử không đủ lực lượng tham gia, tham gia thiếu nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm bảo vệ chưa cao, cá biệt có trường hợp khước từ không cử lực lượng công an tham gia bảo vệ cưỡng chế THA vì họ cho rằng việc cưỡng chế THA là nhiệm vụ riêng của cơ quan thi hành án. Có trại giam, trại tạm giam chưa phối hợp chặt chẽ với CQTHADS trong việc đôn đốc người phải THA đối với các khoản nộp ngân sách nhà nước mà người phải THA đang chấp hành hình phạt tù tại các trại giam, trại tạm giam đó.

Ba là, việc phối hợp với các chức sắc, trụ trì chùa và các tăng ni đôi khi còn gặp khó khăn, họ e ngại liên quan đến các cơ quan pháp luật. Do đó, GHPGVN cần tăng cường phối hợp với Nhà nước nói chung, với chính quyền địa phương các cấp nói riêng trong công tác đào tạo, quản lý Tăng Ni để phát huy tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của Phật giáo đáp ứng sự vận động, phát triễn của Phật giáo Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ngoài ra, GHPGVN cần phát huy ưu điểm của mình là một tổ chức tôn giáo có cơ cấu, bộ máy thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức sẽ có tác dụng to lớn trong việc đề cao ưu điểm, hạn chế khuyết điểm trong lối sống và phẩm hạnh của Tăng Ni, Phật tử hiện nay. [34, tr.208].

Tăng cường công tác phối hợp giữa các ban, ngành đoàn thể trong công tác tuyên truyền vận động hội viên, đoàn viên là người có đạo thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước và nắm chắc tình hình tôn giáo trên địa bàn; phối hợp đấu tranh ngăn chặn các hoạt động lợi dụng chiêu bài tự do tôn giáo của các đối tượng cực đoan trong các tôn giáo.

Bốn là, việc thành lập các Ban chỉ đạo THADS ở các địa phương là một bước chuyển lớn trong công tác chỉ đạo, phối hợp giải quyết THADS, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức đối với công tác THADS. Ở tỉnh

Thừa Thiên - Huế, thực tế sau khi các Ban chỉ đạo THADS được thành lập và đi vào hoạt động, công tác THA đã được chú trọng và từng bước được quan tâm nhiều hơn. Trách nhiệm, sự phối hợp của các cấp chính quyền cũng như các cơ quan hữu quan đối với công tác THA đã được biểu hiện rõ nét, đã tạo điều kiện thuận lợi rất nhiều. Thế nhưng Ban chỉ đạo THADS cần nghiên cứu giải pháp thực hiện việc thành lập các Ban vận động thi hành án tại các xã, phường, thị trấn hoặc khi giải quyết một vụ việc cụ thể, phức tạp tại địa bàn. Thành phần của Ban vận động này gồm đại diện các đoàn thể và đặc biệt là nên có đại diện các họ tộc, các cụ cao tuổi có uy tín để vận động thực hiện thi hành án. Thiết nghĩ, trong thời gian tới, Nhà nước cần có sự quan tâm, phát huy hơn nữa vai trò, vị trí của tổ chức này nhằm để nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác THADS.

Để góp phần làm cho công tác THADS ở Thừa Thiên - Huế ngày càng hiệu quả hơn, thì công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức hữu quan với cơ quan thi hành án dân sự cần được quan tâm, chú trọng hơn. Các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương ở Thừa Thiên - Huế cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sát sao hơn việc phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức hữu quan trong công tác thi hành án dân sự.

Một phần của tài liệu Thi hành án dân sự liên quan đến Phật giáo qua thực tiễn tỉnh Thừa Thiên - Huế (Trang 112)