HÌNH THỨC CỦA DI CHÚC THEO QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT HỒNG ĐỨC

Một phần của tài liệu Hình thức của di chúc theo quy định của bộ luật dân sự Việt Nam năm 2005 (Trang 37)

LUẬT HỒNG ĐỨC

Trong Bộ luật Hồng Đức, quan hệ thừa kế được quy định ở các phần cuối của Chương Điền sản, phần điển sản mới tăng thêm và phần luật hương hoả. Qua nghiên cứu các quy định này của Bộ luật Hồng Đức có thể rút ra những nhận xét cơ bản sau đây:

- Khi cha mẹ còn sống không bao giờ nảy sinh quan hệ thừa kế tài sản, vì trong gia đình con cái không có quyền tài sản. Nếu cha hoặc mẹ chết, người còn sống tiếp tục nắm quyền chủ tài sản, do vậy quan hệ thừa kế vẫn chưa nảy sinh. Việc quy định như vậy là nhằm bảo đảm sự bền vững đối với các quan hệ trong gia đình. Do đó, các quy định về thừa kế không chỉ vì quyền lợi cá nhân mà quan trọng hơn còn vì mục đích duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa các thành viên trong gia đình.

- Tương tự như hiện nay, Bộ luật Hồng Đức quy định hình thức thừa kế có hai dạng là thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật.

Về thừa kế theo di chúc, Khoản 2 Điều 388 quy định “Nếu đã có lệnh của cha mẹ và chúc thư thì phải theo đúng, trái thì mất phần mình”. Điều 354 trước đó cũng quy định “người nào tranh giành nhà đất thì phải biếm hai tư. Nếu đã có chúc thư mà còn cố tranh giành thì cũng xử biếm như thế và phải tước mất cả phần của mình nữa. Nếu cha mẹ không nhận làm con, trong chúc thư không có tên mà vẫn cố tranh thì phải biếm ba tư, đòi lại số ruộng đất tranh cho người chủ. Nếu người trưởng họ bảo đảm sai thì phải biếm một tư".

Các quy định trên cho thấy, Bộ Luật Hồng Đức đã đề cập đến các yếu tố của thừa kế theo di chúc như nguyên tắc tự do lập di chúc, tôn trọng nội dung của di chúc cũng như quy định về hình thức của di chúc.

Về hình thức của di chúc, Bộ luật Hồng Đức quy định có di chúc miệng và di chúc viết (chúc thư). Theo Điều 366 quy định rõ: người làm chúc thư phải tự viết lấy nếu không biết chữ thì nhờ quan viên nào đó trong làng xã viết giùm và phải có sự chứng kiến cũng của quan viên trong làng xã thì chúc thư mới có hiệu lực. Những người làm chúc thư văn khế mà không nhờ quan trưởng trong làng viết thay và chứng kiến thì phải phạt 80 trượng, phạt tiền theo việc nặng nhẹ. Chúc thư văn khế ấy không có hiệu lực. Nếu biết chữ mà viết lấy thì được.

Từ những quy định trên cho thấy, quan hệ thừa kế tài sản chiếm một vị trí quan trọng không chỉ trong Bộ luật Hồng Đức mà còn đối với pháp luật phong kiến của Việt Nam trước đây. Một trong những nội dung quan trọng được pháp luật thừa kế ở Việt Nam ghi nhận từ trước cho đến nay đó là hình thức của di chúc. Bộ luật Hồng Đức quy định rõ: Người làm cha mẹ phải liệu tuổi già mà lập sẵn chúc thư. Người trưởng họ liệu chia nhiều ít cho phải rồi làm giấy giao lại phần hương hoả thì theo lệ cũ lấy một phần hai mươi trong số điều sản. Trong đoạn 273 Hồng Đức thiện chính thư quy định: Chúc thư chỉ được coi là hợp pháp nếu có hương trưởng, quan viên trong bản xã từ 30 tuổi trở lên làm người viết thay hoặc chứng kiến.

Việc quy định chặt chẽ hình thức của di chúc hướng tới hai mục đích:

Thứ nhất, bảo đảm sự đoàn kết thương yêu giữa anh chị em trong gia đình - một đạo lý truyền thống của Việt Nam. Thậm chí Luật còn quy định, trong trường hợp ngoại lệ, cho phép các con chia lại tài sản mà chúc thư đã định đoạt cho đến khi đạt được sự đồng ý trong gia đình (Theo Đoạn 102 Hồng Đức thiện chính thư).

Thứ hai, vừa bảo đảm việc phân chia phần hương hoả để thờ phụng tổ tiên, vừa bảo đảm quyền lợi cho những người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Người làm trưởng họ lấy ruộng đất mấy nơi làm phần hương hoả. Khi con làm trưởng họ thì phần ruộng đất làm phần hương hoả của cha nhập cả vào phần của các con, chia đều xem mỗi phần được bao nhiêu rồi mới lấy một

phần hai mươi tổng số điền sản đó làm phần hương hoả. Nếu cháu làm trưởng họ thì cũng tương tự như vậy. Trong trường hợp có nhiều người mà phần điền sản thì ít, như vậy, phần hương hoả và phần giành cho con cháu được tuỳ tiện mà chia, miễn là đều thuận tình, không có sự tranh giành nhau.

Một phần của tài liệu Hình thức của di chúc theo quy định của bộ luật dân sự Việt Nam năm 2005 (Trang 37)