THỨC DI CHÚC TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
3.2.1. Quan điểm về hoàn thiện pháp luật về hình thức di chúc trong giai đoạn hiện nay giai đoạn hiện nay
Thứ nhất, hoàn thiện pháp luật về hình thức di chúc phải bảo đảm tính thống nhất với pháp luật về thừa kế nói chung, thừa kế theo di chúc nói riêng.
Có thể nói tính thống nhất là một tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng của một văn bản quy phạm pháp luật. Tiêu chí này được đặt ra nhằm đánh giá mối liên hệ gắn bó nội tại giữa các yếu tố về nội dung và hình thức của văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời cũng nhằm đánh giá một cách tổng thể toàn bộ hệ thống pháp luật. Khi xem xét tính thống nhất của hệ thống pháp luật, cần phải nghiên cứu ở cả hai khía cạnh: Tính thống nhất trong chính văn bản quy phạm pháp luật và tính thống nhất trong toàn bộ hệ thống pháp luật. Đối với một văn bản quy phạm pháp luật tính đồng bộ, thống nhất thể hiện ngay trong cơ cấu của nó. Cơ cấu của văn bản quy phạm pháp luật phải thể hiện được mối liên hệ lôgíc giữa các phần, chương, mục, điều, khoản, điểm với cách trình bày, cách đánh số thứ tự thống nhất. Mỗi phần, chương,
mục, điều, khoản, điểm đều có nội dung thể hiện chủ đề chính của văn bản, hướng tới mục tiêu chung của văn bản quy phạm pháp luật. Vì vậy, các phần cần được bố trí, sắp xếp một cách hợp lý, phải thể hiện rõ được phần chung, phần riêng, những đặc thù của văn bản nhìn từ khía cạnh lôgíc hình thức. Tính thống nhất trong cơ cấu còn thể hiện ở việc các quy định trong cùng một văn bản quy phạm pháp luật phải tương quan với nhau, không mâu thuẫn, chồng chéo.
Ở một khía cạnh khác, khi xem xét tính thống nhất, cần đặt văn bản quy phạm pháp luật đó trong mối tương quan với toàn bộ hệ thống pháp luật. Hệ thống pháp luật gồm nhiều bộ phận nhưng luôn có sự liên quan và thống nhất với nhau. Khi xem xét tính thống nhất của hệ thống pháp luật, cần xem xét tính thống nhất giữa các quy phạm pháp luật, các chế định pháp luật trong cùng một ngành luật và với các ngành luật khác. Bên cạnh đó, tính thứ bậc của hệ thống văn bản pháp luật cũng là yếu tố không thể thiếu được để tạo nên sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Luật, pháp lệnh cũng như các văn bản quy phạm pháp luật khác đều phải phù hợp với Hiến pháp, những văn bản luật vi hiến đều sẽ bị huỷ bỏ. Tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật còn được xem xét trong mối quan hệ giữa luật chung và luật chuyên ngành, luật nội dung và luật hình thức... Bởi vậy, việc xem xét về tính thống nhất của hệ thống pháp luật đòi hỏi phải có một cái nhìn bao quát, toàn diện ở nhiều góc độ, nhiều cấp độ khác nhau. Tính thống nhất của hệ thống pháp luật đòi hỏi phải loại bỏ mâu thuẫn, trùng lặp hay chồng chéo ngay trong bản thân hệ thống, trong mỗi ngành luật, mỗi chế định pháp luật và giữa các quy phạm pháp luật với nhau, xác định ranh giới giữa các ngành luật và định ra một hệ thống quy phạm pháp luật đồng bộ. Nếu một hệ thống pháp luật không thống nhất, giữa các bộ phận của nó chứa đựng mâu thuẫn, chồng chéo thì hệ thống ấy không thể tạo ra sự điều chỉnh pháp luật một cách toàn diện, đồng bộ và hiệu quả.
Pháp luật về thừa kế của nước ta đã không ngừng được hoàn thiện nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của đời sống xã hội. Các quy định về hình thức di chúc về cơ bản đã được chỉnh sửa cho phù hợp với tình hình mới, song về lâu dài cần phải coi tính thống nhất trong hệ thống pháp luật là vấn đề phải được quan tâm trước hết.
Thứ hai, bảo đảm cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật, hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Thừa kế là sự chuyển dịch quyền sở hữu bằng hai phương thức khác nhau: một là sự định đoạt theo ý nguyện cuối cùng của người để lại thừa kế theo di chúc; hai là theo quy định của pháp luật. Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật đều được pháp luật bảo đảm cho việc hưởng di sản của người chết để lại.
Một nguyên tắc nữa mà pháp luật quy định đó là quyền bình đẳng về thừa kế của cá nhân. Nguyên tắc này là sự cụ thể hoá một phần các nguyên tắc cơ bản của Bộ luật dân sự. Đó là quyền bình đẳng giữa các chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự trong khi xác lập, thực hiện quyền và nghĩa vụ dân sự.
Quyền bình đẳng trong quan hệ về thừa kế được thể hiện: Mọi cá nhân không phân biệt nam, nữ, tuổi tác, thành phần, tôn giáo, địa vị chính trị, xã hội… đều có thể để lại tài sản của mình cho người khác theo di chúc hoặc theo pháp luật. Như vậy có nghĩa là mọi người đều có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình cho những người được hưởng thừa kế. Vợ chồng được thừa kế tài sản của nhau, mọi người trong hàng thừa kế đều được hưởng thừa kế ngang nhau theo quy định của pháp luật không phân biệt phụ nữ, nam giới, con trai hay con gái .
Pháp luật cũng quy định người thừa kế có quyền nhận hoặc từ chối nhận di sản. Người thừa kế nhận di sản thì được hưởng tài sản, các quyền tài sản mà người chết để lại, đồng thời có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ về tài sản
do người chết để lại trong phạm vi di sản hoặc tương ứng phần di sản mà mình đã nhận.
Người nhận thừa kế có thể từ chối nhận di sản. Tuy nhiên Bộ luật dân sự không cho người thừa kế từ chối nhận di sản nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.
Nguyên tắc tôn trọng quyết định bằng di chúc là nguyên tắc cơ bản cuối cùng về quyền thừa kế. Nguyên tắc nêu rõ: Quyền định đoạt bằng di chúc của người có tài sản phải được tôn trọng; đồng thời bảo hộ chính đáng quyền lợi của một số người trong diện thừa kế đương nhiên (thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc)
Như đã nói ở trên, cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình cho bất cứ ai. Có nghĩa là nếu người chết để lại di chúc (hợp pháp) thì việc thừa kế sẽ tiến hành theo di chúc. Tuy nhiên việc định đoạt của người lập di chúc bị hạn chế trong trường hợp quy định BLDS.
Thứ ba, bảo đảm an toàn trật tự xã hội, duy trì được tình đoàn kết trong gia đình.
Đối với xã hội, gia đình là tế bào, là một trong các tổ chức cơ sở để thực hiện các chủ trương chính sách và pháp luật của Nhà nước về tất cả các mặt kinh tế, chính trị, giáo dục, văn hoá, dân số, môi trường... Đối với mỗi thành viên, gia đình là cái nôi thân yêu nuôi dưỡng, giáo dục và nâng đỡ mình suốt đời, là môi trường để hình thành và phát triển nhân cách trong cả cuộc đời, là nơi để thế hệ trẻ rèn luyện lối sống có tình nghĩa, có đạo lý để làm hành trang trong cuộc đời, là nơi để thế hệ già có thể di dưỡng tinh thần, đem kinh nghiệm sống truyền lại cho con cháu. Dù đối với xã hội hay đối với từng cá nhân, gia đình đều có vai trò rất to lớn, cần phải chăm lo xây dựng gia đình ấm no, hoà thuận, tiến bộ, hạnh phúc.
Người Việt Nam ngay từ nhỏ đã được dạy dỗ theo các chuẩn mực đạo đức của dân tộc và của đạo Khổng, trong đó chú trọng việc tu thân dưỡng tính, lấy chữ Nhân làm trọng, kính trên nhường dưới, luôn rèn luyện để có thể
cống hiến thật nhiều cho đất nước và chăm lo cho gia đình. Đến thời hiện đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nâng các quan điểm đạo đức xa xưa lên một tầm cao mới, với các lời căn dặn như: "Trung với nước, hiếu với dân" (ngày xưa là "Trung quân ái quốc").
Việt Nam thời phong kiến "trọng nam khinh nữ", điều này gây nhiều bất hạnh cho người phụ nữ. Phụ nữ phải thực hiện "tam tòng tứ đức". Sau khi lập nước năm 1945, Chính phủ công nhận chính thức quyền bình đẳng nam nữ. Hồ Chí Minh viết tặng chị em phụ nữ 8 chữ vàng "anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang".
Khoảng 74% người Việt Nam hiện sống tại các vùng nông thôn, và mặc dầu nhiều vùng đang bị ảnh hưởng bởi quá trình toàn cầu hoá, các phong tục, tập quán và các truyền thống hiện vẫn đóng một vai trò mạnh mẽ trong việc hình thành văn hóa Việt Nam.
Chuẩn mực của gia đình Việt Nam hiện nay gồm 4 yếu tố sau: i) No ấm:
Biểu hiện sự phát triển kinh tế của gia đình nhằm đáp ứng các nhu cầu về vật chất và tinh thần của các thành viên; ii) Bình đẳng: Biểu hiện các thành viên trong gia đình tôn trọng lẫn nhau và được hưởng mọi quyền lợi về học tập, lao động, nghỉ ngơi, giải trí, chăm sóc sức khoẻ. Đặc biệt quan tâm đến phụ nữ, trẻ em gái, người cao tuổi; iii) Tiến bộ: Biểu hiện các thành viên trong gia đình luôn có ý thức rèn luyện, phấn đấu vươn lên về mọi mặt để có kiến thức, trình độ, năng lực; có đạo đức, lối sống lành mạnh phù hợp với truyền thống văn hoá dân tộc và xu thế phát triển của thời đại; iv) Hạnh phúc: Biểu hiện các thành viên trong gia đình gắn bó, thương yêu, quan tâm giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ, tạo ra môi trường trong sạch, ngăn chặn tệ nạn xã hội.
Như vậy, nền tảng gia đình ổn định, vững mạnh trên nền tảng đạo lý vững chắc sẽ trở thành động lực cho sự phát triển của xã hội. Một trong những nhân tố bảo đảm cho sự phát triển bền vững của gia đình Việt Nam thì các quy định pháp luật về thừa kế có đóng góp không nhỏ.