Tác động đến quan hệ kinh tế thương mại ở Đông Na mÁ

Một phần của tài liệu Quan hệ Hoa kỳ - Trung quốc sau sự kiện 11- 9-2001 và tác động đến quan hệ quốc tế ở Đông Nam Á (Trang 87)

Tương tự như những tác động đối với tình hình an ninh – chính trị, mối quan hệ Hoa Kỳ - Trung Quốc cũng có tác động hai chiều, cả thúc đẩy lẫn kìm hãm, đến quan hệ kinh tế - thương mại ở Đông Nam Á. Nếu quan hệ Hoa Kỳ - Trung Quốc phát triển tốt đẹp vừa mang lại một khu vực thịnh vượng, vừa là cơ hội để các nước ASEAN mở rộng thị trường. Nhưng cũng có thể, ASEAN sẽ bị giảm một số vốn đầu tư từ Hoa Kỳ hay Trung Quốc bởi hai nước này dành ưu tiên cho nhau trước. Nếu quan hệ Hoa Kỳ - Trung Quốc không tốt đẹp, sự phát triển thịnh vượng của khu vực cũng giảm đi bởi phải nói rằng, đây là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, sự phát triển hoà hợp của hai nước không chỉ mang lại cho các nước ASEAN, láng giềng của Trung Quốc, một khu vực kinh tế sôi động mà còn mở ra rất nhiều cơ hội hợp tác với các nước ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Về phía các nước ASEAN, sau Chiến tranh Lạnh, các nước Đông Nam Á thấy cần sớm tìm kiếm những hình thức hợp tác mới có hiệu quả để đối phó với các thách thức kinh tế mới xuất hiện, đồng thời khắc phục những hạn chế về hiệu quả và tính

mất cân đối giữa hợp tác trên lĩnh vực chính trị - an ninh với lĩnh vực kinh tế. Nhiều nước Đông Nam Á đã liên tiếp đưa ra các đề nghị khác nhau nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế như đề nghị về Thoả thuận về thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung (CEPT) của Indonesia, đề nghị thành lập EAEG của Malaysia, hoặc Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) của Thái Lan và Hiệp ước kinh tế ASEAN (AET) của Phillippines nhằm thiết lập thị trường chung. Mặt khác, ASEAN đã tham gia tích cực các hoạt động hợp tác kinh tế toàn khu vực như Hội đồng kinh tế Thái Bình Dương (PECC) và APEC.

Sự vận động và phát triển trong quan hệ Hoa Kỳ - Trung Quốc là lý do khiến các nước ASEAN chú trọng hợp tác kinh tế khu vực hơn. Trước hết là nhằm phát huy lợi thế so sánh, bổ sung lẫn nhau, tăng cường sức mạnh chung trong cạnh tranh quốc tế, chống bảo hộ mậu dịch. Mặt khác, các nước Đông Nam Á càng phải chú trọng phát triển kinh tế nội khối nếu không muốn trở thành thị trường tiêu thụ toàn các sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc, hay thậm chí là của Hoa Kỳ nhưng xuất xứ từ Trung Quốc. Với đà tự do hoá thương mại thông qua AFTA đang được đẩy mạnh, ASEAN có điều kiện thực hiện nhanh hơn Hiệp định Khu vực đầu tư ASEAN. Các nước ASEAN đã đồng ý khuyến khích thương mại nội nối ASEAN bằng việc ban hành các thủ tục hải quan thống nhất và đơn giản hơn, từng bước phát triển, tự do và hội nhập những thị trường vốn và dịch vụ tài chính của khu vực. Tuy nhiên, do sự khác nhau về trình độ phát triển tài chính giữa các nước thành viên, các nước Singapore, Malaysia, Thái Lan và Phillippines đang đi trước các nước khác. Đối với ASEAN, để phù hợp với điều kiện cụ thể, việc hội nhập thị trường vốn được chia làm hai giai đoạn, tương ứng với hai nhóm nước có trình độ phát triển khác nhau. Chính nguyên tắc “10-X”1 đã tạo ra khuôn khổ phù hợp để giải quyết vấn đề này theo hướng cho phép những thành viên đã phát triển trước có thể tự do hoá tài chính sớm hơn, trong khi các nước thành viên khác phát triển chậm hơn có thể tự do hoá sau.

Một nội dung hợp tác kinh tế rất được ASEAN quan tâm hiện nay là thu hẹp khoảng cách phát triển và giúp các thành viên hội nhập khu vực và quốc tế. Hội nghị ASEAN lần thứ 34 tại Hà Nội (7/2001) đã thông qua Tuyên bố Hà Nội về thu hẹp khoảng cách phát triển, lập ra Nhóm đặc trách về Campuchia, Lào, Myanmar và Việt

1

Nam và mở ra nhiều cuộc toạ đàm, trong đó có Diễn đàn hợp tác và phát triển với mục đích chính là tìm kiếm tài trợ và kêu gọi đầu tư hiện thực hoá Khu vực đầu tư ASEAN. Bên cạnh đó, hàng loạt các biện pháp mới thúc đẩy quá trình hợp tác kinh tế cũng được đưa ra và triển khai với kết quả khả quan như Hệ thống ưu đãi thống nhất (thông qua năm 2002) dành cho 4 nước mới gia nhập, lập các chương trình đào tạo, trợ giúp kỹ thuật, xác định bốn lĩnh vực ưu tiên giúp thành viên mới là Việt Nam, Lào, Myanmar, Campuchia gồm: phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, công nghệ thông tin và thúc đẩy liên kết kinh tế, đồng thời triển khai các dự án nghiên cứu khả thi về xây dựng các tuyến đường sắt, bộ xuyên Đông Nam Á – Trung Quốc, hành lang Tây – Đông… Những nỗ lực này đã từng bước thúc đẩy ASEAN tiến tới mục tiêu xây dựng một ASEAN hoà bình, ổn định, hợp tác, phát triển đồng đều và thịnh vượng nhằm tránh khỏi ảnh hưởng phụ thuộc vào Hoa Kỳ hay Trung Quốc.

Những năm gần đây, ASEAN dành sự quan tâm cao đối với thương mại, dịch vụ - lĩnh vực tiến triển chậm nhất trong các chương trình hội nhập của ASEAN. Các nước thành viên đã đặt mục tiêu tự do hoá cụ thể cho từng vòng đàm phán (mỗi vòng khoảng 3 năm) và tăng cường chức năng điều phối đàm phán dịch vụ của các Bộ trưởng Kinh tế. Bắt đầu từ năm 2004, ASEAN đã đẩy mạnh rà soát danh mục các ngành và biện pháp nhạy cảm để mở cửa ngay hoặc chuyển sang danh mục loại trừ tạm thời. Đặc biệt, ASEAN coi trọng thiết lập mạng lưới các khu thương mại tự do và khu chế xuất để giúp các công ty chia sẻ thông tin và phân công sản xuất để bổ trợ lẫn nhau và khai thác lợi thế của nhau, từ đó giúp các ngành công nghiệp ASEAN phát triển.

Mặt khác, ASEAN chú trọng phát triển hợp tác, liên kết kinh tế trong khuôn khổ các cơ chế đa phương như ASEM, hợp tác tiểu vùng ASEAN + 1, ASEAN + 3, Diễn đàn đối thoại hợp tác châu Á (ACD). Cơ chế hợp tác giữa các nước ASEAN với một nước đối tác hình thành từ khá sớm. Trong những năm 70-80 của thế kỷ XX, nội dung hoạt động chủ yếu của ASEAN + 1 là thúc đẩy đối thoại tăng cường hiểu biết lẫn nhau, hỗ trợ hợp tác chuyên ngành. Các nước đối tác lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ, Cannada đã xúc tiến hàng trăm dự án với các nước ASEAN trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và nhiều lĩnh vực chuyên ngành khác. Quá trình đàm phán để ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa ASEAN với các đối tác lớn như Trung

Quốc, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ… giữa các nước đối tác với từng nước thành viên ASEAN thời gian gần đây đã được đẩy mạnh.

Nhìn một cách tổng quát, tiến trình hội nhập kinh tế ASEAN diễn ra trong một thời gian khá dài và nói chung còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu đưa khu vực này thoát khỏi các áp lực cạnh tranh và phát triển đang tăng lên rất nhanh hiện nay. Nguyên nhân chính là do hệ thống thể chế hội nhập kinh tế ASEAN, từ các nguyên tắc định hướng cho đến cơ chế, phương thức vận hành, đều tỏ ra ít hiệu lực, kém hiệu quả. Với hệ thống đó, ASEAN khó duy trì được sự thống nhất về kinh tế, không làm tròn vai trò là động lực phát triển mạnh cho từng nước thành viên và cho cả khu vực trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế và khu vực đang ngày càng trở nên gay gắt hơn. Quan hệ kinh tế, thương mại nội khối còn chiếm tỷ trọng thấp trong tổng kim ngạch của ASEAN. Tuy vậy, trước chuyển biến của quan hệ Hoa Kỳ - Trung Quốc, ASEAN ngày càng nhận thức rõ rằng không thể tồn tại như cũ, không thể hành động theo lối riêng của mình được nữa. Và hệ quả là ASEAN đã có những đối sách của mình. 3.3 Đối sách của ASEAN trước chuyển biến quan hệ Hoa Kỳ - Trung Quốc

3.3.1 Thúc đẩy hợp tác đa phương và thực hiện chiến lược cân bằng trong quan hệ với các nước lớn quan hệ với các nước lớn

a. Tăng cường quan hệ với Trung Quốc bằng thiết lập FTA và xây dựng quan hệ đối tác chiến lược

Các nước Đông Nam Á thức sâu sắc rằng, Trung Quốc là một cường quốc châu Á đang trỗi dậy, lại là láng giềng trực tiếp của mình. Các vấn đề của châu Á nói chung và Đông Nam Á sẽ không thể giải quyết được nếu không có sự tham gia của Trung Quốc. Chính vì vậy, ngay từ những năm 90 của thế kỷ trước, ASEAN đã hoan nghênh việc Trung Quốc tham gia ARF và cùng với các nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc lập nên các cơ chế hợp tác đa phương mới tại Đông Á như ASEAN + 3, ASEAN + 1…

Cùng với những hoạt động trên, ASEAN còn hưởng ứng khá tích cực những sáng kiến hợp tác song phương do Trung Quốc đưa ra, nhất là việc hình thành Khu mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc (CAFTA) ký từ tháng 11/2002 và chính thức hoạt động từ đầu năm 2010 với 6 thành viên ASEAN. Lý do không chỉ về kinh tế như mở rộng thị trường với 1.3 tỷ dân mà là tạo ra cú hích để các đối tác quan trọng hàng đầu của ASEAN như Mỹ, Nhật cùng thiết lập các FTA song phương.

Từ khi ACFTA được ký kết, ASEAN và Trung Quốc bắt đầu nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược. Việc chuyển giai đoạn này được thể hiện bằng Tuyên bố chung về Quan hệ đối tác chiến lược ASEAN – Trung Quốc và ký TAC (11/2003). Để xây dựng Quan hệ đối tác chiến lược ASEAN – Trung Quốc, hai bên đã thông qua Chương trình hành động vào tháng 11/2004, trong đó nhấn mạnh quyết tâm đưa ACFTA thành hiện thực vào năm 2010 với 6 thành viên.

Tuy nhiên, sau hơn 1 năm thực hiện ACFTA, thay vì hoan hỉ với việc được cắt giảm thuế khi xuất khẩu hàng hoá vào thị trường Trung Quốc, các nước ASEAN hết sức lo ngại bởi sự tràn ngập hàng hoá giá rẻ của Trung Quốc trên khắp thị trường ASEAN, đẩy lùi sự phát triển của hàng hoá nội khối. Và trên thực tế, ACFTA đang mang đến nhiều cản trở hơn là thuận lợi với các nước ASEAN. Tại Thái Lan, một nước có tỷ trọng xuất khẩu hàng hoá tốt nhất Đông Nam Á, các nhà sản xuất đã công khai lên tiếng về sự bất lực của họ trong việc đối đầu với giá cả của Trung Quốc.

Việc một số nước thành viên ASEAN muốn xem xét lại ACFTA khiến Trung Quốc bối rối bởi nếu điều này xảy ra sẽ làm phương hại không chỉ tới lợi ích kinh tế của Trung Quốc ở Đông Nam Á mà còn làm giảm ảnh hưởng chính trị của họ tại khu vực này. Bởi khi đưa ra sáng kiến ACFTA, Trung Quốc không chỉ nhằm tạo thuận lợi cho hàng hoá của họ tiếp cận thị trường ASEAN mà còn muốn ACFTA là hạt nhân của Khu vực mậu dịch tự do Đông Á trong tương lai. Để làm yên lòng các quốc gia Đông Nam Á, gần đây, Trung Quốc đã và đang tiến hành một loạt hoạt động kinh tế và ngoại giao nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ của họ với ASEAN. Tuy nhiên, những nỗ lực mới của Trung Quốc đang gặp phải nhiều thách thức, không chỉ bởi thái độ của các nước ASEAN mà còn vì sự gia tăng can dự của các đối tác lớn khác, nhất là Hoa Kỳ. Chính những lý do này đã khiến quan hệ ASEAN – Trung Quốc từ một, hai năm trở lại đây có vẻ không tiến triển như mong muốn.

b. Tăng cường quan hệ đối tác và tiến tới quan hệ chiến lược với Hoa Kỳ

Mặc dù không hài lòng với sự “lơi là”, thiếu rõ ràng trong chính sách của Hoa Kỳ đối với Đông Nam Á trong hai thập niên qua, nhưng các nước thành viên ASEAN đều luôn coi trọng yếu tố Hoa Kỳ và tìm mọi cách tăng cường quan hệ với siêu cường này. Hoa Kỳ không chỉ là siêu cường có thế vượt trội trên tất cả các mặt, nhất là về quân sự, có lợi ích lớn tại khu vực này và là bạn hàng, đồng minh truyền thống của nhiều nước ASEAN. Trong số các lợi ích của Hoa Kỳ thì việc đảm bảo an ninh, tự do

hành động của họ trên biển, trong đó có biển Đông, chống chủ nghĩa khủng bố được Hoa Kỳ quan tâm nhiều hơn. Hơn thế nữa, đây là khu vực có vị trí chiến lược trong phòng thủ quân sự. Nếu các quần đảo đang tranh chấp ở Biển Đông bị Trung Quốc chiếm giữ hoàn toàn, lợi thế kiểm soát khu vực sẽ nghiêng về Trung Quốc.

Những phản ứng “tự tin” của Trung Quốc trong các vấn đề khu vực và quốc tế trong thời gian gần đây như sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền bạc thâu tóm các công ty hàng đầu thế giới, kể cả các công ty của Hoa Kỳ, tăng cường đầu tư quốc phòng, ngăn cản hoạt động thám hiểm đại dương của Hoa Kỳ ở biển Đông, phản đối đề xuất của Hoa Kỳ về cắt giảm khí thải và chưa tăng giá đồng nội tệ của mình… làm Hoa Kỳ khó chịu. Điều này không chỉ thôi thúc Hoa Kỳ tăng cường chính sách can dự, kìm chế Trung Quốc bằng mở rộng quan hệ với các nước Đông Nam Á, quyết định bán vũ khí cho Đài Loan và thúc đẩy hợp tác với ASEAN, Ấn Độ… Hoa Kỳ muốn mở rộng “vành đai sắt” kéo dài từ Đông Bắc Á ven biển đến Đông Nam Á, trong đó khu vực biển Đông là chỗ yếu, nhưng mang tầm chiến lược của Mỹ tại khu vực này.

Cần lưu ý rằng, Mỹ đã có ý định tăng mức độ can dự vào Đông Nam Á để kìm chế sự tăng nhanh ảnh hưởng của Trung Quốc kể từ khi G. Bush lên cầm quyền. Nhưng do dành ưu tiên cho cuộc chiến chống khủng bố và giành ưu thế kiểm soát địa chính trị từ khu vực Trung Á đến Bắc Kavkaz và thực hiện các cuộc cách mạng sắc màu ở các nước hậu Xô Viết nên có phần làm chậm lại tiến trình trên. Chỉ từ nửa sau thập niên đầu thế kỷ XXI, khi Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng khá nhanh tại khu vực này, Hoa Kỳ mới thể hiện tương đối rõ ràng về sự cần thiết gia tăng hợp tác với ASEAN, kể cả những nước không phải là đồng minh như Indonesia, Việt Nam. Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn còn khá dè dặt, chủ yếu tiếp cận cải thiện quan hệ song phương với từng nước. Cho tới một, hai năm trở lại đây, Hoa Kỳ mới thực sự tiến hành đồng bộ, cùng lúc thúc đẩy cả quan hệ với ASEAN và các nước thành viên.

Những điều chỉnh mới trong chính sách của Hoa Kỳ đối với Đông Nam Á được ASEAN nhiệt liệt hoan nghênh. Đây là bước mở đầu cho mối quan hệ ASEAN – Hoa Kỳ trong thập niên tiếp theo của thế kỷ XXI. Cụ thể, ASEAN đã cùng Hoa Kỳ ký Tuyên bố “Tầm nhìn về quan hệ đối tác tăng cường ASEAN – Hoa Kỳ” năm 2005. Để triển khai xây dựng Quan hệ đối tác tăng cường, ASEAN và Hoa Kỳ đã cùng tổ chức long trọng 30 năm thiết lập quan hệ đối tác và ký “Ký hoạch hành động

vì Quan hệ đối tác tăng cường” năm 2006. Tiếp đó, vào tháng 8/2006, ASEAN và Mỹ ký Hiệp định khung về mậu dịch và đầu tư ASEAN – Hoa Kỳ.

Quan hệ ASEAN – Hoa Kỳ gần đây, ngoài việc ký TAC (7/2009) còn dược thúc đẩy bởi sự kiện Hội nghị giữa 10 nguyên thủ ASEAN và Tổng thống Mỹ Obama vào tháng 11/2009 bên lề Hội nghị APEC. Tại đây, một Tuyên bố chung đã được đưa ra, trong đó nhấn mạnh cam kết của hai bên tăng cường hợp tác với nhau trong các lĩnh vực trao đổi giáo dục, khoa học công nghệ, lao động, phát triển hợp tác chống chủ nghĩa khủng bố, thu hẹp khoảng cách phát triển, không phổ biến vũ khí hạt nhân, giải trừ quân bị, nghiên cứu về những tác động của biến đổi khí hậu, triển khai thực

Một phần của tài liệu Quan hệ Hoa kỳ - Trung quốc sau sự kiện 11- 9-2001 và tác động đến quan hệ quốc tế ở Đông Nam Á (Trang 87)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)