Quan hệ Hoa Kỳ - Trung Quốc, cũng như rất nhiều mối quan hệ song phương khác trên thế giới, đều bị chi phối, tác động bởi nhiều yếu tố, từ yêu cầu phát triển trong nước đến những nhân tố bên ngoài. Trong đó, nhân tố đầu tiên có thể thúc đẩy hợp tác hoặc chia rẽ mối quan hệ này chính là những diễn biến của môi trường an ninh quốc tế và khu vực trong những năm đầu thế kỷ XXI.
Tuy chưa diễn ra các cuộc chiến tranh lớn như trong thế kỷ XX, nhưng nhân loại bước vào thế kỷ XXI đang phải đương đầu với nhiều cuộc xung đột vũ trang lớn nhỏ với tốc độ nhanh và số lượng lớn. So với thời Chiến tranh Lạnh, thời được coi là đối đầu và bất ổn nhất, hiện nay tần suất xẩy ra xung đột vũ trang trên quy mô toàn cầu lớn hơn. Cũng như trước đây, mâu thuẫn chính trị quốc tế liên quan đến chủ quyền và lợi ích quốc gia – dân tộc vẫn là nguyên nhân chính dẫn đến xung đột vũ trang.
Không chỉ có vấn đề an ninh truyền thống như xung đột, bạo lực, chiến tranh, thời đại toàn cầu hoá ngày nay đã tạo sức ép mới về an ninh, đó là an ninh năng lượng, trước hết là dầu mỏ và khí đốt. Đây không phải là vấn đề mới nhưng nó trở nên nóng hơn bởi không chỉ các nguồn tài nguyên trên toàn thế giới đang cạn kiệt, môi trường sống do khai thác quá mức trở nên ô nhiễm nặng nề mà kèm theo nó là các cuộc cạnh tranh khốc liệt vì sự kiểm soát các nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong đó xuất hiện nhiều đối tượng, chủ thể mới, ngang sức, ngang tài tham gia như Trung
1
Sinh viên Trung Quốc du học Mỹ ngày càng nhiều, http://vtc.vn/311-268766/quoc-te/sinh-vien-trung-quoc- du-hoc-tai-my-ngay-cang-nhieu.htm
Quốc, Ấn Độ và nhiều nước khác. Các cuộc cạnh tranh khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên này đang dần trở thành nguyên nhân chính của các cuộc xung đột bạo lực và chiến tranh.
Không thể không nhắc đến vấn đề an ninh kinh tế, điều kiện tiên quyết của mọi quốc gia trong việc xử lý các mối quan hệ quốc tế trong thời đại ngày nay. Cùng với sự gia tăng của toàn cầu hoá, nhân loại lại chứng kiến thêm nhiều cuộc khủng hoảng tài chính với tốc độ và quy mô ngày càng lớn với hệ luỵ ngày càng trầm trọng, đe dọa sự ổn định và phát triển không chỉ ở một nước, một nhóm nước, khu vực mà trên quy mô toàn cầu.
Trước hết là khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á 1997 – 1998 bắt đầu nổ ra từ tháng 7/1997 tại Thái Lan sau đó lan rộng đến các nước khác ở Đông Á, nhất là các nước ASEAN. Khủng hoảng không chỉ làm suy thoái kinh tế kéo dài mà còn làm tăng bất ổn xã hội, khủng hoảng chính trị nội bộ của nhiều nước như Indonesia, Thái Lan và tất nhiên tác động tiêu cực đến liên kết ASEAN. Còn cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra từ tháng 9/2008 bắt đầu ngay từ chính nước Mỹ là một ví dụ điển hình khác, nhưng tầm ảnh hưởng của nó mang tính toàn cầu.
Tóm lại, trong những năm đầu thế kỷ XXI, diễn biến của môi trường an ninh quốc tế gồm các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống trên toàn thế giới vẫn không ngừng vận động và hệ quả của nó thực sự vẫn là một ẩn số đối với các nhà nghiên cứu. Nhưng nó cho thấy mối quan hệ giữa các quốc gia ngày càng phụ thuộc vào nhau nhiều hơn nhưng cũng ngày càng trở nên mong manh và dễ bị tổn thương hơn. Chính môi trường an ninh quốc tế một mặt, được tạo nên bởi mối quan hệ giữa các quốc gia với nhau, một mặt lại tác động ngược lại đến mối quan hệ quốc tế của các quốc gia này. Đặc biệt là mối quan hệ giữa các cường quốc có tác động rất lớn đến sự ổn định của các khu vực, của thế giới, đặc biệt là quan hệ giữa Hoa Kỳ - Trung Quốc. Bởi Trung Quốc là một cường quốc đang lên còn Hoa Kỳ là một siêu cường đang suy giảm tương đối. Nếu hai cường quốc này cùng hợp tác, chung tay giải quyết các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống nói trên thì có thể dẫn đến triển vọng sáng hơn của thế giới. Nhưng nếu quan hệ giữa hai cường quốc này trở nên xấu đi do sự cạnh tranh gay gắt thì có thể dẫn đến sự bất ổn dây chuyền, ảnh hưởng đến tất cả các khu vực trên thế giới và kéo cả thế giới đi xuống.