Đài Loan là một trong những thành tố quan trọng và nhạy cảm nhất trong quan hệ Hoa Kỳ - Trung Quốc. Từ năm 1949 tới nay, vấn đề Đài Loan không chỉ là vấn đề chủ quyền và an ninh của CHND Trung Hoa (Trung Quốc) và Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) mà còn liên quan chặt chẽ đến lợi ích chiến lược giữa các nước lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản… Từ 60 năm qua, chính phủ Trung Quốc luôn coi thống nhất Đài Loan là nhiệm vụ chiến lược quan trọng, sứ mệnh lịch sử thiêng liêng.
Tháng 1/1978 để thiết lập quan hệ ngoại giao bình thường với Trung Quốc theo sách lược “liên Ngô (Trung Quốc) diệt Nguỵ (Liên Xô)”, Mỹ đã chính thức chấp nhận ba điều kiện của Trung Quốc là: Đoạn tuyệt quan hệ ngoại giao với Trung Hoa Dân Quốc (tức Đài Loan), rút quân đội Mỹ ra khỏi Đài Loan và huỷ bỏ hiệp ước phòng thủ hỗ tương mà Mỹ đã ký kết năm 1954 với chính quyền Đài Loan của Tưởng Giới Thạch. Bản thông báo chung công bố việc thiết lập quan hệ ngoại giao bình thường giữa Mỹ và Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa xác định rằng Mỹ “công nhận chính phủ Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa là chính phủ hợp pháp duy nhất của Trung Quốc”, và “chấp nhận lập trường của Trung Quốc là chỉ có một nước Trung Quốc và Đài Loan là một phần của Trung Quốc”. Tuy nhiên, trên thực tế, mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan không đơn giản như những thoả thuận nói trên. Cho tận tới ngày nay, sau nhiều lần ký kết những bản thông cáo chung với Trung Quốc xác nhận hoặc tái xác nhận những lời cam kết như trên, Mỹ vẫn còn là một yếu tố quan trọng có ảnh hưởng đến việc thực hiện thống nhất Trung Quốc với Đài Loan. Cho tới nay Mỹ vẫn là một bức tường Berlin vô hình, một chướng ngại vật lớn có thể trì hoãn quá trình thống nhất, mặc dầu là thống nhất trên cơ sở “một nước, hai chế độ”. Cơ sở này do chính Đặng Tiểu Bình đã đề xướng và đã được áp dụng trong trường hợp Hong Kong và Macao vào các năm 1997 và 1999.
Những năm qua, vấn đề Đài Loan trong quan hệ Trung Quốc – Hoa Kỳ dù có rất nhiều cuộc gặp gỡ, thoả ước, cũng như hành động nhưng chốt lại, luôn có ba vấn đề chứng minh “vai trò chướng ngại vật của Mỹ” đối với Trung Quốc trong việc thống nhất Đài Loan, đó là: Phản ứng của Mỹ mỗi khi Trung Quốc thị uy với Đài Loan; Mỹ vẫn tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan; và sách lược của Mỹ về việc thành lập hệ thống phòng thủ tên lửa có thể bảo vệ cả Đài Loan và Nhật Bản.
Nếu như dưới thời Tổng thống G. Bush thi hành chính sách bán công khai tăng cường “năng lực hợp đồng tác chiến” giữa Mỹ và Đài Loan có phần lờ đi cam kết “ba
không” mà Tổng thống Clinton đưa ra từ năm 1998 thì chính quyền Obama hiện nay thận trong hơn về vấn đề này. Chính quyền của Tổng thống Obama hiện nay luôn khẳng định “hoà bình và thịnh vượng ở châu Á đòi hỏi sự hợp tác của Trung Quốc và Mỹ”, đồng thời cũng khẳng định Mỹ ủng hộ chính sách một nước Trung Hoa, nhưng sẽ không để cho Trung Quốc “dùng vũ lực để tước đoạt quyền của người Đài Loan có một lối sống riêng của họ”. Tóm lại, chính sách của Hoa Kỳ hiện tại là duy trì nguyên trạng “không thống nhất, không độc lập, không chiến tranh”, tránh đụng độ với Trung Quốc, nhưng vẫn có thể duy trì Đài Loan như một bước đệm kiềm chế Trung Quốc. Từ lâu Hoa Kỳ cũng đã liên minh với Nhật Bản, không để Trung Quốc dùng vũ lực tấn công Đài Loan.
Vấn đề Đài Loan không chỉ là quan hệ giữa CHND Trung Hoa với Đài Loan mà thực chất là một trọng điểm tranh giành ưu thế địa chính trị giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ở khu vực Đông Á. Chính quyền Đài Loan chỉ có quyền độc lập tương đối chứ không có quyền tự quyết hoàn toàn trong quan hệ với Trung Quốc lục địa. Vì thế, tương lai của Đài Loan phụ thuộc chủ yếu vào tương quan lực lượng của trục quan hệ Hoa Kỳ - Trung Quốc.
Đối với Trung Quốc “thống nhất tổ quốc” là một mục tiêu chiến lược, một nguyên tắc không thay đổi trong quan hệ với Đài Loan. Xét từ góc độ địa chính trị cũng như địa kinh tế, Đài Loan là cửa ngõ đi ra đại dương, là điểm trọng yếu trong “không gian sinh tồn” của Trung Quốc. Trong bối cảnh biển, đại dương đang trở nên quan trọng hơn đối với việc khẳng định vị thế của Trung Quốc trong khu vực và trên thế giới thì Đài Loan ngày càng trở nên quan trọng hơn. Sự tồn tại của chính quyền Đài Loan và vấn đề Đài Loan, nói cách khác là tình trạng chia cắt giữa Đài Loan và Đại lục là một cản trở nghiêm trọng trong quá trình vươn lên vị thế siêu cường của Trung Quốc. Hoa Kỳ và Nhật Bản và các đối thủ khác muốn duy trì nguyên trạng để kìm chế Trung Quốc. Trung Quốc đang tìm cách làm thay đổi tình trạng đó bằng con đường “hoà bình thống nhất, một nước hai chế độ”. Tuy nhiên, hiện nay mục tiêu quan trọng hàng đầu của Trung Quốc là hoàn thành hiện đại hoá Trung Quốc, trở thành cường quốc hàng đầu thế giới. Trong vài ba thập kỷ tới, nếu không có tình hình đột xuất như Đài Loan công khai tuyên bố độc lập, hoặc nước ngoài can thiệp sâu vào nội bộ Đài Loan như đã nói trong “Luật chống chia cắt đất nước” thì Trung Quốc sẽ không huỷ hoại thành tựu xây dựng kinh tế, gây hậu quả lâu dài về chính trị và ngoại
giao bằng một cuộc tấn công quân sự vào Đài Loan để đối đầu quân sự với Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn tăng cường thực lực quốc phòng mang tính răn đe và bảo lưu “quyền” tấn công Đài Loan khi nước này quyết tâm đòi độc lập.
Về phía Đài Loan, 60 năm qua Đài Loan đã tương đối độc lập trên thực tế. Đài Loan tạm bằng lòng về sự độc lập trên thực tế đó và hiện tại muốn giữ nguyên hiện trạng. Trong gần hai thập kỷ qua, trong nội bộ Đài Loan cũng có sự phân chia giữa những người muốn thống nhất và không muốn thống nhất, muốn thành lập quốc gia riêng. Nhưng hầu như không ai muốn có chiến tranh với Trung Quốc trong khi vẫn tăng đầu tư ngân sách cho phòng thủ. Đây là tâm lý tự vệ của một chính quyền yếu thế hơn.
Có thể nói rằng xu thế hoà hoãn, sự thoả hiệp và gia tăng hợp tác giữa Đài Loan và Trung Quốc phản ánh một phần thế giằng co, sự cân bằng tạm thời về thực lực và ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay tại khu vực Đông Á. Điều này thúc đẩy giao lưu kinh tế - thương mại và văn hoá giữa Trung Quốc và Đài Loan, làm giảm đi nguy cơ đối đầu về quân sự và gia tăng thống nhất đôi bờ eo biển Đài Loan bằng con đường hoà bình. Đài Loan có thể tham gia vào một số tổ chức khu vực và thế giới không có tính chất đại diện cho quốc gia có chủ quyền như APEC, WHO hay Tổ chức thể thao, văn hoá khác của Liên Hợp Quốc như Đài Loan đã tham gia Olympic tại Bắc Kinh năm 2008. Sự hoà hoãn có điều kiện (gia tăng hợp tác nhưng giữ nguyên hiện trạng như hiện nay) có lợi cho Trung Quốc trong việc mở rộng và gia tăng phạm vi, tốc độ hoạt động của mình sang các nơi khác. Trạng thái hoà hoãn hiện nay có thể bị phá vỡ bởi sự phụ thuộc kinh tế ngày càng lớn của Đài Loan vào Trung Quốc. Nếu nhìn về lâu dài thì “Đài Loan độc lập” là hầu như khó có thể diễn ra. Trong 60 năm qua, Đài Loan tách khỏi Trung Quốc như một thực thể “độc lập” là hậu quả của chiến tranh Lạnh, của đối đầu về ý thức hệ chính trị - giai cấp. Từ sau khi chiến tranh Lạnh kết thúc đến nay, dưới tác động của toàn cầu hoá, khu vực hoá và cải cách kinh tế thị trường tại Trung Quốc, quan hệ đôi bờ eo biển Đài Loan ngày càng được bình thường hoá và thắt chặt. Trung Quốc đã mạnh lên, trở thành một cường quốc của thế giới, ảnh hưởng mềm và sức răn đe về quân sự của Trung Quốc ngày càng mạnh. Vì lợi ích đôi bên, cả Trung Quốc, Đài Loan cũng như Hoa Kỳ ít có khả năng dùng vũ lực để giải quyết vấn đề Đài Loan. Diễn biến hoà bình trong việc thống nhất giữa Đài Loan và lục địa đang diễn ra khá mạnh. Tuy vậy, thống nhất về
chính trị giữa hai thực thể này chưa có khả năng diễn ra trong thập niên tới, bởi sự cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc tại khu vực Đông Á vẫn đang tiếp diễn, chứa đựng nhiều bất trắc.