Từ 1991 – 2001

Một phần của tài liệu Quan hệ Hoa kỳ - Trung quốc sau sự kiện 11- 9-2001 và tác động đến quan hệ quốc tế ở Đông Nam Á (Trang 27)

Với Hoa Kỳ

Để tìm hiểu thực tiễn phát triển chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ từ sau sự kiện 11/9/2001 đến nay, không thể không nhắc tới những tiền đề của những chính sách mà Mỹ đã hoạch định từ sau khi chiến tranh Lạnh kết thúc, bởi những luận điểm của chính quyền Bush (con) hay Tổng thống Obama hiện nay đưa ra, không thể không tiếp nối, kế thừa thành quả của chính quyền Clinton trước đó, và thậm chí, cả là từ thời Bush (cha).

Tổng thống G. Bush (cha) lên cầm quyền vào lúc Liên Xô và các nước XHCN Trung – Đông Âu đang có những biến động chính trị - xã hội dữ dội, nên đã chớp thời cơ điều chỉnh chiến lược của Hoa Kỳ từ “ngăn chặn” (Liên Xô và chủ nghĩa

cộng sản) sang “Vượt trên ngăn chặn”. Liên Xô giải thể, Chiến tranh Lạnh kết thúc, chính quyền G. Bush liền ra sức cổ xuý cho “Trật tự thế giới mới”, bắt đầu quá trình điều chỉnh chiến lược toàn cầu của Mỹ, với những nội dung cơ bản như sau:

- Về chính trị - tư tưởng; Lấy quan điểm của Hoa Kỳ về dân chủ, tự do, nhân quyền, chế độ nghị viện, đa nguyên, đa đảng làm nền tảng tinh thần, làm tiêu chuẩn lý tưởng để dẫn dắt nhân loại hành động.

- Về kinh tế: Dùng mô hình kinh tế Mỹ, với nội dung chính là chế độ sở hữu tư nhân và kinh tế thị trường tự do để xây dựng một trật tự kinh tế thế giới mới đáp ứng các lợi ích nhiều mặt của Mỹ và các đồng minh, lấy đó làm cơ sở mở rộng số lượng các nước dân chủ với nền kinh tế thị trường tự do ra toàn thế giới.

- Về an ninh: Tổ chức một mạng lưới các thiết chế đảm bảo an ninh toàn cầu, nhằm đối phó hữu hiệu với sự gia tăng các nguy cơ đe doạ an ninh phi truyền thống như xung đột sắc tộc, tôn giáo, lãnh thổ, chủ nghĩa khủng bố, tội phạm có tổ chức… Mỹ chủ trương biến NATO thành một tổ chức quân sự - chính trị mới về chất, không chỉ phòng thủ mà còn là một liên minh tấn công, sẵn sàng can thiệp vào các công việc của thế giới theo sự chỉ đạo của Mỹ. Nghĩa là chính quyền Bush cha đặt trọng tâm của chính sách đối ngoại vào việc xây dựng một trật tự thế giới đơn cực.

Khác với Tổng thống Bush cha, Tổng thống Clinton lên nhậm chức đầu năm 1993 khi Liên Xô và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu đã thực sự tan rã. Hoa Kỳ đã và đang ở vị thế siêu cường duy nhất. Tuy nhiên, trong một thế giới hoà hoãn và hợp tác, sự nổi lên của các khu vực, sự liên kết, mở rộng của các nước EU, Tổng thống Bill Clinton phải có sự điều chỉnh lớn chính sách đối ngoại. Sau nhiều lần điều chỉnh và bổ sung, năm 1995, chính quyền Clinton đưa ra Chiến lược an ninh quốc gia: Cam kết và Mở rộng (National Security Strategy of Engagement and Enlargement). Cuối năm 1998, một lần nữa chính quyền Clinton lại điều chỉnh chiến lược an ninh và đối ngoại thông qua bản Chiến lược an ninh quốc gia cho thế kỷ mới (National Security Strategy for a New Century). Mục tiêu của Tổng thống Bill Clinton là nhằm củng cố và tăng cường vị trí bá chủ toàn cầu trong tình hình mới. Chiến lược “cam kết và mở rộng” được xây dựng trên ba điểm chính:

- Phục hồi và phát triển nền kinh tế Hoa Kỳ, tăng cường sức mạnh cạnh tranh cho nền kinh tế, giữ vững địa vị là nền kinh tế mạnh nhất thế giới.

Trong thời gian Chiến tranh Lạnh, do phải chi phí nhiều cho cuộc chạy đua vũ trang, nền kinh tế Hoa Kỳ lâm vào suy thoái, thường xuyên bội chi ngân sách, cán cân thương mại không cân bằng, đời sống xã hội gặp nhiều khó khăn, các tệ nạn xã hội không ngừng gia tăng… Sau khi nhậm chức, Tổng thống Bill Clinton đã đặt mục tiêu hàng đầu là khôi phục và phát triển kinh tế. Trong hai nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Bill Clinton đã cho thực hiện một loạt các chính sách theo hướng tăng cường sức cạnh tranh cho nền kinh tế, thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế, kết hợp an ninh và kinh tế, tập trung các hoạt động đối ngoại cho phát triển kinh tế: “Chính sách quan trọng hàng đầu là coi sự an toàn kinh tế của Hoa Kỳ là mục tiêu chủ yếu của chính sách đối ngoại và tìm cách xác định thương mại toàn thế giới”.

- Duy trì sức mạnh và ưu thế quân sự của Hoa Kỳ, tiến hành tổ chức và cơ cấu lại lực lượng quân sự, đảm bảo an ninh toàn cầu trong tình hình mới của thế giới.

Mặc dù Chiến tranh Lạnh đã kết thúc nhưng xuất hiện nhiều nguy cơ mới đe doạ đến an ninh thế giới như chủ nghĩa ly khai, dân tộc, tôn giáo, chủ nghĩa khủng bố quốc tế… Những khu vực ưu tiên trong chính sách quân sự của Hoa Kỳ cũng có sự điều chỉnh, trong đó tập trung vào các khu vực: châu Âu, châu Á – Thái Bình Dương và Trung Đông.

Ở châu Âu, Hoa Kỳ tiếp tục và củng cố quan hệ với các nước đồng minh, đồng thời mở rộng NATO về phía đông, kết nạp thêm các nước ở Đông Âu vào NATO, dịch chuyển biên giới và phạm vi ảnh hưởng của NATO đến gần sát biên giới Nga.

Ở châu Á- Thái Bình Dương, Hoa Kỳ tiếp tục duy trì sự có mặt của quân đội ở vùng này. Mở rộng quan hệ với các nước đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia; thúc đẩy Trung Quốc tham gia cơ chế an ninh khu vực; giải quyết các bất đồng mâu thuẫn liên quan đến các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên.

Ở Trung Đông: Hoa Kỳ tìm cách thiết lập hệ thống an ninh mới cho khu vực bằng cách tăng cường sự hiện diện quân sự của mình, hạn chế ảnh hưởng của các nước khác; cố gắng giải quyết mâu thuẫn Irael với các nước Hồi giáo; giải quyết các vấn đề liên quan đến cuộc chiến ở Vùng Vịnh năm 1991; kiểm soát quá trình phát triển năng lượng hạt nhân của Iran…

- Phát huy ưu thế về chính trị, quân sự và kinh tế, Hoa Kỳ thúc đẩy phổ biến và áp đặt các giá trị của mình cho các nước trên toàn thế giới, đặc biệt là “kinh tế thị trường” và “dân chủ” kiểu Hoa Kỳ.

Trong chính sách của Tổng thống Bill Clinton nhấn mạnh cần “thúc đẩy nền dân chủ trên thế giới. Tất cả các lợi ích chính sách của Hoa Kỳ đều phục vụ việc mở rộng cộng đồng các quốc gia dân chủ và kinh tế thị trường”.

Chính sách an ninh quốc gia cam kết và mở rộng của chính quyền Bill Clinton với ba điểm chính nêu trên cũng nhằm mục tiêu cuối cùng là giúp Hoa Kỳ duy trì, củng cố, mở rộng vị thế của mình như một siêu cường.

Với Trung Quốc

Từ đầu thập niên 90 trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh kết thúc, các nước trên thế giới đặc biệt là các nước lớn, trong đó có Trung Quốc đều tập trung ưu tiên cho phát triển kinh tế, tránh đối đầu nhằm duy trì môi trường quốc tế hoà bình ổn định để phát triển đất nước. Trong điều kiện đó, chính sách đối ngoại của Trung Quốc đã có sự điều chỉnh và thay đổi lớn. Đó là chính sách đối ngoại hoà bình, độc lập, tự chủ, không liên minh, liên kết thực thi chính sách “toàn phương vị” với đường lối ngoại giao ôn hoà bằng tư duy linh hoạt và thực tế. Trung Quốc đã bắt đầu hoàn thiện thế ngoại giao với phương châm ưu tiên quan hệ với các nước xung quanh, lấy tư duy ngoại giao với các nước lớn làm then chốt, phát triển quan hệ với các nước đang phát triển làm cơ sở, xác định rõ ngoại giao phục vụ công cuộc xây dựng hiện đại hoá Trung Quốc, tạo môi trường quốc tế có lợi để Trung Quốc trỗi dậy trong hoà bình.

Từ giữa thập kỷ 90 của thế kỷ XX, Trung Quốc đã tăng về số lượng và chiều sâu các quan hệ song phương, tham gia các thoả ước về thương mại và an ninh khác nhau, tăng cường hoạt động trong các tổ chức đa phương quan trọng và góp phần vào việc đối phó với các vấn đề an ninh toàn cầu. Những quyết định về chính sách ngoại giao cũng trở nên tinh vi hơn trong việc làm rõ các mục tiêu của họ. Các cơ quan quyết định chính sách đối ngoại của Trung Quốc đã cho thấy rằng họ tự xác định mình là một cường quốc đang lên với nhiều lợi ích và trách nhiệm khác nhau.

Trên cơ sở những đổi mới về chính sách đối ngoại đó, những nhà lãnh đạo kế tiếp như Hồ Diệu Bang – Triệu Tử Dương, Triệu Tử Dương – Lý Bằng, Giang Trạch Dân – Chu Dung Cơ cho tới Hồ Cẩm Đào – Ôn Gia Bảo đã thực hiện một đường lối đối ngoại ngày càng linh hoạt và hiệu quả. Chính sách ngoại giao của Trung Quốc đã trở nên mềm mỏng và tích cực hơn so với bất cứ một thời điểm nào trước đây trong lịch sử của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Trong những năm gần đây, Trung Quốc tránh dùng cách thức đối đầu mà ngày càng tỏ ra khôn khéo, tự tin hơn khi giải quyết

các vấn đề khu vực và toàn cầu trên tinh thần xây dựng. Ngược hẳn với thời kỳ trước, Trung Quốc hiện nay đã gần như hoà nhập trong khuôn khổ hệ thống quốc tế, chấp nhận hầu hết các thể chế quốc tế, coi các quy ước chung như phương tiện phục vụ cho lợi ích quốc gia của mình.

Một phần của tài liệu Quan hệ Hoa kỳ - Trung quốc sau sự kiện 11- 9-2001 và tác động đến quan hệ quốc tế ở Đông Nam Á (Trang 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)