Cũng như nhiều khu vực khác, quan hệ quốc tế nói chung và quan hệ trong lĩnh vực an ninh – chính trị nói riêng ở khu vực Đông Nam Á cũng bị ảnh hưởng bởi các nhân tố khách quan và đặc biệt là trước sự điều chỉnh chính sách của Hoa Kỳ, Trung Quốc với khu vực Đông Nam Á, và mối quan hệ của hai cường quốc này. Khu vực Đông Nam Á (gồm các nước ASEAN) tuy không phải là khối nước lớn có thể gây ảnh hưởng chính trị đến các nước khác nhưng những năm gần đây lại trở nên có vị trí địa chính trị quan trọng ở khu vực Châu Á- Thái Bình Dương. ASEAN có thể trở thành bàn đạp của cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Mỹ coi ASEAN là vành đai kiềm chế Trung Quốc còn Trung Quốc muốn mở rộng ảnh hưởng cường quốc của mình lên khu vực. Vì thế, quan hệ Mỹ - Trung, dù vận động theo chiều hướng nào cũng đều có tác động đến ASEAN và cũng luôn mang tính hai mặt, vừa thúc đẩy, vừa kìm hãm quan hệ quốc tế ở ASEAN.
Trước hết là những tác động đến tình hình an ninh – chính trị của Đông Nam Á thì có thể thấy dù quan hệ Hoa Kỳ - Trung Quốc hoà hoãn, hợp tác hay bất đồng, căng thẳng đều có thể ảnh hưởng đến quan hệ quốc tế của Đông Nam Á. Nếu quan hệ Hoa Kỳ - Trung Quốc hoà hoãn, ổn định thì chắc chắn sẽ tạo ra bầu không khí hoà hợp cho cả khu vực Đông Nam Á. Từ đó, các nước ASEAN cũng có điều kiện thuận lợi để mở rộng hoặc thắt chặt quan hệ hợp tác an ninh, chính trị với nhau nhiều hơn.
Sự nổi lên nhanh chóng của Trung Quốc cùng với sự suy giảm tương đối vị thế của Hoa Kỳ và sự gia tăng cạnh tranh chiến lược cũng như hợp tác giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong những năm đầu thập niên thế kỷ XXI tạo ra không ít bối rối với ASEAN và các nước thành viên. Để tiếp tục tồn tại và khẳng định mình như một thực thể có vai trò quan trọng trong các vấn đề khu vực, ASEAN hơn lúc nào hết đang nỗ lực mở rộng quan hệ đối tác và thực hiện cân bằng chiến lược trong quan hệ với các nước lớn, tăng cường sức đề kháng của mình bằng việc thúc đẩy thành lập Cộng đồng ASEAN (AC). Việc xây dựng AC và quyết tâm biến nó thành hiện thực vào năm 2015 đã và đang thúc đẩy nhanh hơn tiến trình liên kết khu vực theo xu hướng khu vực hoá. Điều này có tác động lớn đến môi trường an ninh và hợp tác phát triển của
khu vực Đông Nam Á. Việc xây dựng AC, trong đó có mục tiêu biến ASEAN thành một thị trường chung sẽ thúc đẩy nhanh hơn sự hội nhập kinh tế quốc tế của từng quốc gia thành viên. Thông qua sự gắn kết sâu rộng, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia cũng làm giảm mâu thuẫn và đối nghịch nhau. Điều này sẽ tạo cơ hội cho ASEAN phát triển thành một khối thống nhất, thịnh vượng.
Tuy nhiên, trong trường hợp Hoa Kỳ - Trung Quốc hoà hợp đến mức cùng hợp tác với nhau để tranh giành quyền lợi của các nước Đông Nam Á (ví dụ vấn đề khai thác biển Đông) thì rõ ràng các nước ASEAN sẽ thiệt thòi và kém thế.
Ngược lại nếu quan hệ Hoa Kỳ - Trung Quốc bất đồng, căng thẳng thì có thể khiến môi trường an ninh, chính trị ở khu vực Đông Nam Á cũng bất ổn theo. Vì khi đó, cả hai nước đều sẽ cố gắng lôi kéo các nước ASEAN vào mục đích của mình. Trong ASEAN có Thái Lan, Phillippines là đồng minh của Hoa Kỳ, Việt Nam và Lào thì có thể chế chính trị gần giống Trung Quốc. Chắc chắn nếu quan hệ Hoa Kỳ - Trung Quốc bất đồng sẽ xảy ra tình huống nội bộ các nước ASEAN phân hoá, chia rẽ, ảnh hưởng đến quá trình hội nhập của khối và cản trở việc xây dựng AC. Tuy nhiên, cũng có thể, sự bất đồng của Hoa Kỳ - Trung Quốc lại là cơ hội để các nước ASEAN tăng thêm cơ hội mặc cả với hai nước cho quyền lợi của mình.