Khả năng này rất nhỏ nhưng không phải là không thể xảy ra. Trong một thế giới nhiều biến động và chứa đựng nhiều mâu thuẫn tiềm ẩn như hiện nay, tình huống Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể trở nên đối đầu đối kháng với nhau không phải là không có khả năng. Trước hết, chúng ta hãy cùng xét những nhân tố nổi bật nhất có thể tác động trực tiếp đến quan hệ Hoa Kỳ - Trung Quốc (đã nêu ở mục 2.2). Trong bốn nhân tố đó, nhân tố có thể nhất trong việc làm cho Hoa Kỳ và Trung Quốc trở nên đối kháng chính là vấn đề Đài Loan. Cụ thể hơn, nếu chính quyền Đài Loan trong tương lai, một mặt, có thể nhận được sự ủng hộ của Hoa Kỳ trong vấn đề độc lập, mặt khác, do tác động của việc Kosovo giành được độc lập với sự ủng hộ của Hoa Kỳ và EU, nên chính quyền Đài Loan trở nên cứng rắn hơn, kiên quyết hơn trong vấn đề tuyên bố độc lập thì đối đầu Hoa Kỳ - Trung Quốc là rất khó tránh khỏi. Bởi đây là vấn đề liên quan trực tiếp đến thể diện quốc gia của Trung Quốc và cũng liên quan trực tiếp đến danh dự của Hoa Kỳ. Nếu Đài Loan tuyên bố độc lập nghĩa là sự coi thường chính quyền Trung Quốc, phớt lờ những cảnh báo răn đe cũng như những biện pháp mềm xưa nay Trung Quốc vẫn thực hiện nhằm lôi kéo Đài Loan trở về đại lục. Trung Quốc chắc chắn sẽ tấn công Đài Loan cho dù có tổn thất về mặt quân sự cũng như kinh tế bởi nếu không, chính quyền Trung Quốc sẽ không còn giữ được vẹn toàn sức mạnh và thể diện quốc gia trước cộng đồng quốc tế cũng như với sức ép rất lớn từ chính nhân dân Trung Quốc. Về phía Hoa Kỳ, xưa nay, Hoa Kỳ vẫn luôn là cái ô bảo hộ đối với các nước nhược tiểu nhưng "tiến bộ" nói chung và Đài Loan, được Hoa Kỳ coi là tấm gương tiến bộ, nói riêng. Nếu không can thiệp và để Đài Loan bị Trung Quốc tấn công thì danh dự của Hoa Kỳ cũng bị sụt giảm nghiêm trọng, sức mạnh răn đe của Mỹ ở châu Á sẽ tụt giảm mạnh và các đồng minh sẽ không còn tin tưởng Mỹ như trước. Hơn nữa, cũng phải thấy rằng bản thân Hoa Kỳ cũng có nhiều quyền lợi ở Đài Loan. Đài Loan là tấm đệm để Hoa Kỳ kìm hãm sự phát triển Trung Quốc cũng như sự bành trướng của Trung Quốc ra khắp khu vực, và sử dụng nền chính trị Đài Loan như là sự thúc giục quá trình dân chủ hóa của Trung Quốc. Mặt khác, từ nhiều năm qua, Hoa Kỳ luôn bán vũ khí phòng thủ cho Đài Loan, cũng có nghĩa rằng, Hoa Kỳ phải chịu phần nào trách nhiệm bảo vệ Đài Loan trong trường hợp có chiến tranh với Trung Quốc. Tuy hiện tại, thực lực của Hoa Kỳ có suy giảm và tương ứng với đó là sự mạnh lên của Trung Quốc nhưng nếu có tranh chấp, xung
đột giữa Đài Loan và Trung Quốc chắc chắn sẽ có sự can thiệp của Hoa Kỳ, và quan hệ Hoa Kỳ - Trung Quốc sẽ diễn biến tỷ lệ thuận theo mức độ của tranh chấp.
Chúng ta biết rằng, năm 1996, Trung Quốc phóng tên lửa đạn đạo và tập trận gần Đài Loan nhằm răn đe nước này không được tổ chức trưng cầu dân ý về quy chế độc lập. Khi đó, Mỹ chỉ cần cử hai tàu sân bay tới gần eo biển Đài Loan là đủ sức “dọa” Trung Quốc, khiến mọi chuyện đâu lại vào đấy. Đây được coi là màn phô trương sức mạnh quân sự hoành tráng của quân đội Mỹ mà hải quân Trung Quốc không đủ sức phản kháng.
Tuy nhiên, hiện tại, tình hình đã khác 15 năm trước rất nhiều bởi từ cũng từ năm 1996, Trung Quốc ngày một đẩy nhanh hơn nữa chương trình hiện đại hóa các hệ thống quân sự với phương châm là chống lại “sự thâm nhập” từ bên ngoài với trọng tâm là các vũ khí siêu hiện đại. Có nhiều vũ khí được ra đời trong chiến lược này, điển hình là việc Trung Quốc đóng tàu sân bay, chế tạo tên lửa đạn đạo siêu thanh… Từ sự lớn mạnh của tiềm lực quân sự Trung Quốc có thể thấy rằng, Trung Quốc đã sẵn sàng chuẩn bị cho ngày cạnh tranh sòng phẳng với Hoa Kỳ về ảnh hưởng quyết định đối với Đài Loan, buộc Đài Loan phải giữ nguyên tình trạng hiện thời hoặc nghiêng hơn nữa về đại lục. Hoa Kỳ, từ sau khi Trung Quốc tuyên bố có tên lửa đạn đạo siêu thanh - khắc tinh của hàng không mẫu hạm - đã phải cắt giảm chương trình xây dựng tàu tuần tra DDG-1000 bởi những chiến hạm này không có hệ thống chống tên lửa. Đồng thời, Mỹ cũng tiếp tục phải tăng cường chi tiền cho các dự án phát triển máy bay ném bom hạt nhân tầm xa, thiết bị làm nhiễu điện từ, các hệ thống radar và công nghệ phóng vệ tinh mới... nhằm giữ vững sức mạnh và nới rộng khoảng cách quân sự với Trung Quốc.
Vấn đề thứ hai có thể khiến mối quan hệ Trung Quốc - Hoa Kỳ trở nên xấu đi và dẫn tới xung đột đó là vấn đề Bắc Triều Tiên. Như đã phân tích ở phần 2.2.3, Bắc Triều Tiên là một quốc gia mà ở đó, ba, bốn cường quốc lớn đều có quyền lợi liên đới. Với Trung Quốc, đó là vùng đệm để làm giảm tác động của Nhật Bản, Hàn Quốc, thậm chí là Nga, là lá chắn trong trường hợp Trung Quốc có chiến tranh. Còn với Hoa Kỳ, Bắc Triều Tiên là vấn đề cần giải quyết để bảo vệ Hàn Quốc và hơn nữa là Nhật Bản, hai đồng minh thân cận của Hoa Kỳ. Do đó, nó là sự giằng co giữa một bên muốn "giải giáp" và một bên muốn giữ nguyên tình trạng. Nếu Hoa Kỳ cùng với Hàn Quốc tấn công Bắc Triều Tiên chắc chắn Trung Quốc sẽ không thể đứng ngoài.
Tuy nhiên, việc Bắc Triều Tiên được dự đoán có vũ khí hạt nhân làm vấn đề thêm phức tạp hơn rất nhiều, bởi trong trường hợp bị dồn ép mạnh quá, Bắc Triều Tiên túng thế làm liều thì không chỉ có những nước liên quan chịu tác động mà cả thế giới cùng phải chịu thảm họa. Vì thế, vấn đề Bắc Triều Tiên chắc chắn vẫn là sự tranh giành quyết liệt ảnh hưởng cũng như biện pháp kìm chế, răn đe Bắc Triều Tiên.
Vấn đề thứ ba có thể gây ra sự xung đột giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là vấn đề Biển Đông. Có thể nói đây là vấn đề mới nhất nhưng cũng là vấn đề được diễn tiến âm thầm và chắc chắn sẽ nhiều sóng ngầm bất ngờ nhất. Cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đều có lợi ích kinh tế và chính trị rất lớn ở khu vực Biển Đông. Với Trung Quốc, làm chủ được biển Đông hay giành được quyền khai thác biển Đông lớn nhất, trở thành mục tiêu để khẳng định sức mạnh và vị thế của Trung Quốc ở khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương. Tiềm năng tài nguyên ở biển Đông là rất lớn, rất cần thiết để phục vụ cho sự phát triển đang ngày càng quá nóng của Trung Quốc.
Trong mối quan hệ Hoa Kỳ - Trung Quốc, sự mạnh lên của bên này sẽ đồng nghĩa với sự suy giảm của bên kia, vì thế, bằng mọi cách Hoa Kỳ luôn muốn vượt lên xa so với đối thủ hay ít nhất là giữ được khoảng cách như hiện tại. Sự mạnh lên nhanh chóng của Trung Quốc trong vài thập kỷ qua càng khiến Hoa Kỳ phải cảnh giác kìm hãm. Hoa Kỳ, tuy không phải là quốc gia ở gần khu vực biển Đông nhưng cũng có lợi ích rất lớn ở khu vực này. Phát triển quan hệ gần gũi và thân thiện với các quốc gia nhỏ trong khu vực Đông Nam Á hay Thái Bình Dương là một cách để kìm hãm Trung Quốc. Lên tiếng khẳng định sẵn sàng hợp tác khai thác biển Đông cùng với các quốc gia này cũng là một cách răn đe Trung Quốc hay thậm chí, lên tiếng khẳng định sẽ tham gia giải quyết vấn đề biển Đông nếu có xung đột giữa các nước trong khu vực này với Trung Quốc để đòi lại công bằng cho các nước này là một lời tuyên chiến với tham vọng của Trung Quốc. Tổng thống Obama, trong cuộc họp báo chung với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào trong chuyến thăm Hoa Kỳ, khi đề cập đến an ninh và ổn định tại Đông Á, vẫn nhấn mạnh “Mỹ có lợi ích căn bản trong việc duy trì tự do hàng hải, thương mại không bị cản trở, tôn trọng luật pháp quốc tế và giải quyết hòa bình các khác biệt”.
Xét trên thực tế, vấn đề biển Đông không phải là vấn đề nóng nhất trong quan hệ hai nước nhưng là vấn đề sâu sắc nhất, vấn đề mà trong tương lai hai nước chắc chắn phải cùng xem xét. Trung Quốc đã quá khát năng lượng và biển Đông là lời giải.
Để cho Trung Quốc làm chủ biển Đông, làm chủ vùng biển giàu tài nguyên cũng là lời khẳng định thua cuộc của Hoa Kỳ. Vì thế, chắc chắn vấn đề biển Đông, không xa nữa, sẽ trở thành vấn đề lớn nhất trong quan hệ Trung Quốc - Hoa Kỳ.