Mối quan hệ giữa chủ thể và khách thể thẩm mĩ

Một phần của tài liệu GIÁO DỤC Ý THƯC THẨM MĨ CHO SINH VIÊN Ở NƯỚC TA HIỆN NAY (Trang 49)

Mĩ học là một khoa học. Mĩ học nghiên cứu các phạm vi, các qui luật biểu hiện của cái thẩm mĩ trong đời sống và trong nghệ thuật. Thực chất các nhà tư tưởng trong lịch sử mĩ học đều cố gắng giải quyết mối quan hệ giữa chủ thể và khách thể.

Nhìn chung, các khuynh hướng mĩ học trước Mác do xuất phát từ nhiều lập trường khác nhau để nghiên cứu cái thẩm mĩ nên họ chỉ hướng vào một mặt nào đó để nghiên cứu mối quan hệ giữa chủ thể và khách thể trong đời sống thẩm mĩ. Xuất phát từ đời sống, từ lao động, trên cơ sở của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, mĩ học Mác – Lênin coi đời

sống thẩm mĩ là một mối quan hệ giữa chủ thể và đối tượng, hay giữa chủ thể và khách thể thẩm mĩ.

Khác với các nhà triết học đi trước, mĩ học Mác – Lênin dựa trên quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử để phân tích quan hệ thẩm mĩ trong cuộc sống và trong nghệ thuật. Mĩ học Mác – Lênin nhận thấy đời sống thẩm mĩ – đối tượng nghiên cứu của mĩ học – là một bộ phận của đời sống xã hội. Đó chính là quá trình con người đồng hóa thẩm mĩ đối với thế giới hiện thực: khách thể hóa các năng lực thẩm mĩ của chủ thể, vật chất hóa các năng lực ấy trong các vật phẩm (bao gồm cả nghệ thuật), và đồng thời là quá trình chủ thể hóa đối tượng thẩm mĩ. với các nhà triết học, mĩ học đi trước, mĩ học Mác – Lênin không tách rời mối quan hệ giữa chủ thể và đối tượng hay giữa chủ thể và khách thể trong đời sống thẩm mĩ. Một chủ thể được gọi là chủ thể thẩm mĩ tức là chủ thể đó phải gắn với một đối tượng (khách thể) thẩm mĩ nhất định. Con người chỉ có thể thưởng thức cái đẹp, cái cao cả, cái bi,cái hài trong đời sống và trong nghệ thuật mới có thể gọi là chủ thể thưởng thức thẩm mĩ. Vì vậy, quan hệ thẩm mĩ của con người đối với hiện thực là nội dung cơ bản của đời sống thẩm mĩ.

Quan hệ thẩm mĩ trong mĩ học Mác – Lênin không tĩnh tại, bất động mà luôn vận động và phát triển cùng với sự vận động và phát triển của dân tộc, giai cấp và nhân loại. Khác với các khuynh hướng mĩ học trước Mác, mĩ học Mác – Lênin khẳng định khách thể thẩm mĩ (cái đep, cái cao cả, các bi, cái hài) và chủ thể thẩm mĩ (tình cảm, thị hiếu, lí tưởng) đều mang bản chất xã hội. Mọi giai cấp, mỗi dân tộc, mỗi thời đại đều có quan hệ thẩm mĩ khác nhau. Trong các quan hệ thẩm mĩ thì cái đẹp có vị trí đặc biệt quan trọng nhất,

bởi vì, cái cao cả, cái bi, cái hài đều là tồn tại khác của cái đẹp. Cái đẹp giữ vị trí trung tâm trong quan hệ thẩm mĩ.

Mối quan hệ giữa chủ thể và khách thể được thể hiện:

Một là, chủ thể thẩm mĩ và khách thể thẩm mĩ là điều kiện tồn tại của nhau, không thể tồn tại bên ngoài đời sống thẩm mĩ.

Thực tiễn cải biến tự nhiên và xã hội đã đem lại cho con người nhiều nhu cầu và khả năng khác nhau, do đó, con người có thể trở thành chủ thể của nhiều mối quan hệ khác nhau. Tuy nhiên, chỉ khi đặt mình vào mối quan hệ với đối tượng với chủ thể cảm thụ thẩm mĩ, có nghĩa là chủ thể thẩm mĩ được dẫn dắt, chi phối, định hướng của nhu cầu thẩm mĩ, thì chủ thể đó mới đích thực là chủ thể thẩm mĩ. Tương tự như vậy, khách thể thẩm mĩ của hiện thực thường tồn tại với nhiều phẩm chất, thuộc tính khác nhau, nên có thể trở thành đối tượng cho nhiều mối quan hệ khác nhau của con người. Nhưng chỉ đặt trong mối quan hệ với chủ thể thẩm mĩ, thì khách thể hiện thực đó mới trở thành đối tượng thẩm mĩ. Vì chỉ trong mối quan hệ đó, các giá trị thẩm mĩ của khách thể mới trở thành đối tượng quan tâm của chủ thể thẩm mĩ.

Quan hệ thẩm mĩ có thể là quan hệ một chiều từ chủ thể đến khách thể, khi khách thể là những sự vật, quá trình vô tri, vô giác; và quan hệ hai chiều hay nhiều chiều, khi đó là quan hệ giữa con người và con người với nhau, và họ có đủ điều kiện của tư cách thủ thể thẩm mĩ, đều tiến hành quan hệ thẩm mĩ đối với nhau.

Nghệ thuật là đỉnh cao của quan hệ thẩm mĩ của con người đối với hiện thực. Nghệ thuật chỉ là một bộ phận của quan hệ thẩm mĩ, song nó là một bộ phận cao. Nghệ thuật là sản phẩm trực tiếp của các hoạt động thẩm mĩ của chủ thể thẩm mĩ trước đối tượng thẩm mĩ. Nghệ thuật là biểu hiện tập trung của

quan hệ thẩm mĩ. Đó là quá trình chủ thể hóa có tính chất thẩm mĩ và khách thể hóa chủ thể một cách thẩm mĩ.

Hai là, chủ thể thẩm mĩ và khách thể thẩm mĩ có sự tác động qua lại. Chủ thể thẩm mĩ là con người (cá nhân, nhóm) hoạt động, mang tính chủ động tích cực, sáng tạo nhằm chiếm lĩnh thế giới về mặt thẩm mĩ. Đây không phải là sự tác động một chiều từ chủ thể đến khách thể, mà là quan hệ hai chiều: vừa chủ thể - đối tượng, vừa đối tương – chủ thể.

Để chiếm lĩnh toàn bộ đối tượng của đời sống thẩm mĩ, thì chủ thể thẩm mĩ phải huy động toàn bộ các năng lực của mình, bao gồm: tư duy hình tượng phát triển, trí tượng phong phú, óc liên tưởng nhanh và độc đáo, khả năng phán đoán nhanh nhạy, chính xác… Các năng lực này của chủ thể không phải bẩm sinh, tự nhiên mà có được; chúng hình thành và phát triển trên cơ sở vốn học vấn nhất định, có bề dày văn hóa, sự tích lũy về kinh nghiệm sống và một lượng tri thức thẩm mĩ, tri thức nghệ thuật nhất định. Những vốn này được tích lũy càng dày dặn, phong phú và vững chắc bao nhiêu thì càng làm tăng khả năng nhanh nhạy, tinh tế, đúng đắn và sâu sắc của chủ thể thẩm mĩ bấy nhiêu.

Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, khả năng thưởng thức, đánh giá và sáng tạo của chủ thể không chỉ tùy thuộc vào các năng lực thẩm mĩ chủ quan, mà còn phụ thuộc khả năng nhận thức cái đẹp của chủ thể thẩm mĩ. Mác viết: “ một tác phẩm mĩ thuật- cũng như mọi sản phẩm khác – tạo ra một công chúng hiểu nghệ thuật và có khả năng thưởng thức cái đẹp”[tr.866, 55]. Phát biểu của C.Mác đã chỉ ra rằng, trong đời sống thẩm mĩ của con người, khả năng và trình độ thẩm mĩ chủ quan của chủ thể là một điều kiện không thể thiếu để con người có thể cảm nhận hết các giá trị thẩm mĩ của đối tượng. Vả chăng, chủ

thể có thể xây dựng được cho mình một trình độ, năng lực thẩm mĩ phát triển, nếu như chủ thể thẩm mĩ không trải qua quá trình tích lũy lâu dài bằng các hoạt động thực tiễn thẩm mĩ.

Như vậy, theo quan niệm mácxít, giữa chủ thể và khách thể là một quan hệ thống nhất, biện chứng. Trong mối quan hệ này, chủ thể thẩm mĩ giữ vai trò chủ động, tích cực nhưng đối tượng thẩm mĩ (khách thể thẩm mĩ) cũng có tính năng động, tích cực tương đối của nó, luôn có sự tác động trở lại đối với chủ thể thẩm mĩ, đem lại cho chủ thể những giá trị thẩm mĩ và các giá trị tinh thần khác, không ngừng bổ sung và làm phát triển các năng lực thẩm mĩ nói riêng và các năng lực tinh thần nói chung cho chủ thể thẩm mĩ.

Ba là, quan hệ giữa chủ thể và khách thể thẩm mĩ được thể hiện thông qua hoạt động đánh giá thẩm mĩ của chủ thể và giá trị thẩm mĩ của khách thể.

Nhân tố cốt lõi để làm nên nội dung của quan hệ thẩm mĩ là đánh giá thẩm mĩ. Nó là sự đánh giá do chủ thể tiến hành đối với khách thể thẩm mĩ. Nhờ có đánh giá thẩm mĩ mà một sự vật hay hiện tượng khách quan nào đó được chúng ta – chủ thể đánh giá thẩm mĩ – gọi là đẹp hay xấu, bi hay hài, cao cả hay thấp hèn… Chúng ta lại qui ghép chúng vào các loại hiện tượng thẩm mĩ nhất định theo hệ thống giá trị thẩm mĩ. Kết quả của đánh giá thẩm mĩ, chúng ta xác định được giá trị thẩm mĩ ở sự vật khách quan, tiếp đó từ góc độ của quan hệ thẩm mĩ chúng ta gọi sự vật đó bằng một cái tên khác, tên của các loại hiện tượng thẩm mĩ.

Trong quan hệ thẩm mĩ của chủ thể đối với khách thể, nếu hành động cốt lõi của chủ thể thẩm mĩ là đánh giá thẩm mĩ, thì nhân tố cốt lõi của khách thể là giá trị thẩm mĩ.

Nói đến giá trị thẩm mĩ bao giờ cũng là giá trị của khách thể, nhưng khách thể tự nó không thể nói lên giá trị của mình với chủ thể, mà phải do chủ thể chủ động tiến hành đánh giá và phát hiện. Do đó, giá trị thẩm mĩ là giá trị của khách thể, nhưng giá trị của một khách thể cụ thể đối với một chủ thể cụ thể. Chính điều này có thể cắt nghĩa vì sao cùng đứng trước một hiện tượng thẩm mĩ cụ thể nào đó, người này cho là đẹp, người khác đánh giá mức trung bình, thậm chí còn là xấu.

Giá trị thẩm mĩ là giá trị toàn diện. Tính toàn diện của giá trị thẩm mĩ bắt nguồn từ sự đánh giá toàn diện, sự xem xét và đánh giá toàn diện của chủ thể thẩm mĩ đối với khách thể. Vì chính toàn diện của giá trị thẩm mĩ là căn cứ khách quan của tính toàn diện trong giáo dục thẩm mĩ. Có nghĩa là sự tác động của các hiện tượng thẩm mĩ (cả nghệ thuật) vào con người luôn luôn là sự tác động đa diện. Vì vậy, giáo dục thẩm mĩ đã có ý nghĩa giáo dục toàn diện.

Cũng như các loại hình giá trị khác, giá trị thẩm mĩ luôn mang tính khách quan, vì nó được nổi lên một cách khách quan toàn bộ kết cấu phức tạp, đa diện, đa tầng của khách thể, tồn tại khách quan ngoài chủ thể. Tuy nhiên, không thể không tính đến yếu tố chủ quan trong đánh giá thẩm mĩ. Ở đánh giá khoa học, chính trị, đạo đức …, chủ thể tiến hành đánh giá buộc phải “khách quan hóa” mình, phải từ bỏ mọi yếu tố chủ quan và đặt mình vào một lập trường nhất định, và lấy thực tiễn làm tiêu chuẩn khách quan. Trong đánh giá thẩm mĩ, mức độ khách quan của chủ thể có cao đến mấy cũng không bao giờ mang tính triệt để và không thể loại trừ yếu tố chủ quan, thậm chí bị yếu tố chủ quan lấn lướt; mặt khác, bản thân cái tiêu chuẩn khách quan của khách thể thẩm mĩ không thể mang tính bắt buộc từ phái xã hội – khách quan.

Từ đó thấy rằng, thực tiễn thẩm mĩ cá nhân và xã hội, giáo dục thẩm mĩ là dần tạo ra và nâng cấp không ngừng sự thống nhất của chủ thể và khách thể thẩm mĩ. Hơn nữa, điều cốt yếu của tiến bộ xã hội nói chung và sự tiến bộ thẩm mĩ nói riêng không phải ở bản thân chân lí khách quan mà ở sự khớp hợp ngày càng cao của sự đánh giá chủ quan của mỗi người, của nhiều người và mọi người so với chân lí khách quan.

Một phần của tài liệu GIÁO DỤC Ý THƯC THẨM MĨ CHO SINH VIÊN Ở NƯỚC TA HIỆN NAY (Trang 49)