7. Kết cấu của luận văn
2.3.3. Ngôn ngữ truyền hình
Mỗi loại báo chí đều gắn liền với một loại ký hiệu thông tin. Với báo in là con chữ, phát thanh là âm thanh (gồm tiếng động, lời nói và âm nhạc). Còn với truyền hình, ký hiệu thông tin chính là hình ảnh động kết hợp với âm thanh. Đây vừa là đặc trung của ngôn ngữ truyền hình, vừa là ưu thế của truyền hình. Bởi khác với báo in, người đọc chỉ tiếp nhận bằng con đường thị giác, phát thanh bằng con đường thình giác, thì ở truyền hình, người xem tiếp cận sự kiện bằng cả thị giác và thình giác. Qua các cuộc nghiên cứu người ta
thấy 70% lượng thông tin con người thu được qua thị giác và 20% là qua thính giác.
“Ngôn ngữ là yếu tố sống còn của tác phẩm báo chí”. Ngôn ngữ chính là hệ thống tin hiệu vật chất để chuyển tải các thông điệp. Nó là phương tiện để người làm báo sáng tạo tác phẩm. Và truyền hình chỉ thực sự hấp dẫn công chúng nếu trong mỗi tác phẩm yếu tố hình ảnh và âm thanh được phát huy tối đa.
Hình ảnh trong truyền hình vừa là phương tiện, vừa là nội dung thể hiện ý đồ tư tưởng của tác phẩm. Khác với hình ảnh tĩnh của các nghệ thuật tạo hình như hội họa, nhiếp ảnh. Hình ảnh trong truyền hình là hình ảnh động có thực và đã qua xử lý nghệ thuật. Có thể nói, đối với một tác phẩm báo chí truyền hình, hình ảnh được xem như là yếu tố chính ngôn, bởi nó là yếu tố khách quan hàm chứa sự sống động của một cuộc sống thực một cách sinh động và hấp dẫn đối với công chúng. Để chương trình truyền hình đạt được hiệu quả thông tin tới khán giả cần phải quan tâm đến chất lượng hình ảnh. Yếu tố chất lượng hình ảnh không chỉ khẳng định giá trị nội dung mà còn tạo nên giá trị thẩm mỹ cho mỗi tác phẩm truyền hình. Cộng đồng kiều bào không thể cảm nhận cái hay, cái đẹp của tinh hoa văn hóa dân tộc nếu xem một một vở kịch, một phong tục của VTV4 với hình ảnh không rõ nét và kém chất lượng.
Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy về cơ bản các chương trình nói chung và những chương trình về văn hóa trên VTV4 nói riêng đã có sự chú trọng đến yếu tố hình ảnh.
Điều này được thể hiện ở sự đầu tư nâng cấp về chất lượng kỹ thuật khi đi làm chương trình, đồng thời nâng cao chất lượng đội ngũ biên tập viên, quay phim, kỹ thuật dựng của VTV4.
Bên cạnh hình ảnh, âm thanh cũng đóng vai trò quan trọng. Âm thanh trong truyền hình bao gồm tiếng động, âm nhạc, và lời bình. Nhờ sự trợ giúp của âm thanh, tác phẩm truyền hình trở nên sống động như bản thân cuộc
sống hiện có. Âm thanh trong tiếng tác phẩm truyền hình phải là âm thanh từ cuộc sống, không được dàn dựng. Thực tế cho thấy, nếu biết lựa chọn và sử dụng hợp lý âm thanh sẽ làm cho truyền hình sinh động và giàu sức thuyết phục hơn. Một điệu then xứ Lạng, điệu xòa thương nhau của người Mông trong tiếng khèn vang vọng từ núi rừng Tây Bắc, hay đơn giản chỉ là tiếng sinh hoạt của một phiên chợ quê dịp cuối năm…tất cả đều gợi nên trong sâu thẳm miền ký ức của mỗi người con xa xứ nỗi nhớ về một miền quê yên ả thanh bình.
Nhằm tạo sự chân thực cho chương trình, cũng như tăng hiệu quả tiếp nhận đến với công chúng, các chương trình về văn hóa trên VTV4 được thể hiện theo phong cách hiện đại, chú trọng nhiều hình ảnh, âm thanh trong cách thể hiện. Trong các phóng sự, tính trải nghiệm, thực tế được đặt lên hàng đầu…Để thấy rằng, sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố và âm thanh không chỉ làm nên chất lượng hiệu quả của chương trình truyền hình, mà còn là cơ sở để công chúng nhận biết về năng lực chuyên môn, cái tâm, cái tài của người làm truyền hình.
Có thể thấy: các yếu tố ngôn ngữ, kết cấu, thể loại đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên diện mạo và sức hấp dẫn của một chương trình truyền hình. Nhờ đó nội dung thông tin được chuyển tải tới công chúng đầy đủ, sinh động, hấp dẫn. Xác định được tầm quan trọng của yếu tố hình thức, thời gian qua VTV4 đã chú trọng phát huy thế mạnh của từng thể loại khác nhau đã làm tăng tình hấp dẫn của các chương trình văn hóa đối với cộng đồng NVNONN.