Kết cấu nhân vật kiểu dị biệt “méo mó về tinh thần”

Một phần của tài liệu Nghệ thuật kết cấu trong tiểu thuyết của Haruki Murakami (Trang 60)

5. Cấu trúc:

3.1.3.Kết cấu nhân vật kiểu dị biệt “méo mó về tinh thần”

Haruki Murakami chịu ảnh hưởng từ F. Kafka, trong đó có việc sáng tạo ra

những nhân vật có yếu tố lạ, mang nhiều điều phi lí. Gregor Samsa (Hóa thân) sau một buổi sáng thức dậy thấy mình biến thành một con bọ, Jeshep K (Vụ án) bị bắt

mà không biết mình mắc tội gì. Tuy không sử dụng những yếu tô quá phi lí như F. Kafka nhưng Murakami cũng tạo ra những nhân vật dị biệt, khác người.

Trong tác phẩm của Murakami, nhân vật dị biệt chiếm đa số. Họ đều không bình thường. Đó là những mảnh vỡ được chắp nối một cách vô hình hóa. Điều đó không hẳn là tiểu thuyết mang tính siêu thực thì phải có các nhân vật dị thường, quái đản hoặc ngược lại, các kiểu nhân vật này thuộc về trường phái siêu thực. Đây chỉ là cách lựa chọn tài tình, khôn ngoan của Murakami nhằm thể hiện ý đồ nghệ thuật, ông sử dụng thủ pháp này một cách nhuần nhuyễn. Chúng đều là những mắt xích quan trọng, không thể thiếu trong cả một hệ thống những nhân vật, những tình tiết kiểu như thế. Các nhân vật thậm chí bình thường nhất cũng luôn mang những nét riêng biệt, bất thường. Ông Honda là một nhà ngoại cảm. Thời chiến tranh, ông không tham gia chiến đấu mà làm ở bộ phận dự đoán tình hình: “ông là một sĩ quan phi tác chiến tại doanh trại Mãn Châu của đạo quân Quan Đông” [8; tr.60]. Trong lần đi thám sát tình hình ở Mãn Châu chính ông đã đưa ra lời tiên đoán cho trung úy Mamiya. Và sự thật là trung úy không chết ở đó. Khi trở về thời bình, ông trở thành “người chuyên lên đồng, một trong những kiểu nhà ngoại cảm mà dòng họ Waytaya coi là của quý”[10; tr.60]. Qua ngòi bút Murakami, ông Honda hiện lên là một ông già nặng tai, đơn độc, nghiện rượu sa-ke, ở bẩn và thích kể chuyện về chiến tranh: “Ông rõ là một người xem bói khá nổi tiếng, nhưng ông sống rất giản dị, thậm chí không muốn nói là khắc khổ. Nhà ông bé tí, chỉ đủ cho một người duy nhất cởi hay mang giày.. Ông vận bộ kimono nửa như áo ngủ, nửa như áo khoác công nhân. Bộ đồ đó xem như đã lâu chưa giặt. Ông sống một mình, chỉ có một bà hay lui tới để quét dọn và nấu nướng”[10; tr.62]. Ông là một nhà tiên tri sống khắc khổ. Ông cũng là một nhân vật hiếm hoi yêu vẻ đẹp truyền thống mà Murakami nhắc tới. Có vẻ như ông lạc loài với lối sống hiện đại của những con người xung quanh. Ông yêu

quá khứ và tự hào về những điều đã qua. Chính ông là người giúp Toru Okada và Kumiko lấy được nhau. Và bằng tài năng của mình ông cảnh báo Toru: “Khi nào đi lên thì đi lên, khi nào đi xuống phải đi xuống. Hễ đã đi xuống thì phải tìm cái giếng sâu nhất mà chui xuống đáy. Khi nào không có dòng chảy thì đứng yên.. Dù thể nào đi nữa, các con cần phải thận trọng, hết sức thận trọng về việc nước”[10; tr.64]. Chính điều này đã tiên đoán trước cho cuộc đời của Toru. Ông xuất hiện không nhiều nhưng đã giữ vai trò: tạo tính huyền ảo cho tâm linh câu chuyện, là sợi dây kết nối giữa Toru và trung úy Mamiya làm không gian câu chuyện được mở rộng. Ông là một người có tài nhưng lại sống cô đơn cho tới lúc chết.

Khác với ông Honda, chị em nhà Kano Creta và Kano Malta cũng có những khác thường riêng. Ở Kano Malta: “Ngay từ đầu chị đã có cái gì khác người. Chị ấy có khả năng tiên đoán nhiều chuyện”[10; tr.105]. Nhưng chẳng ai tin cô cả. Họ coi cô là điều xui xẻo, cô hoàn toàn cô độc. Khi sức mạnh càng ngày càng mạnh “chị không biết xin lời khuyên nhủ từ ai, không biết nhờ ai chỉ dẫn xem chị phải làm gì”. Chi bị chính bầy đàn của mình khước từ. Ngược lại với chị gái Kano Creta lại thu mình lại trước thế giới. Cô thu mình trước sự tổn thương về tinh thần, trước sự ra đi của người thân yêu: “Tôi không thể nào vươn tay ra để bắt gặp bàn tay chị ở bên tôi”[10; tr.107]. Nhưng lí do chính là cô khác người: cô đau một cái đau kì lạ khác thường, chỉ động nhẹ cũng làm cô nhói buốt. Bỗng nhiên cái đau đớn biến mất sau lần tự tử không thành, thay vào đó là sự vô cảm tột cùng, cô không hề thấy đau nữa. Cô sống thả theo cái vô cảm đó và có khả năng xâm nhập vào giấc mơ của người khác, làm “điếm tinh thần”.

Nhục Đậu Khấu và Quế là hai nạn nhân của cuộc chiến tranh. Nhục Đậu Khấu là một nhà thiết kế thời trang tài năng. Sau cái chết bi cảm của chồng (bị băm mặt và móc tim), bà phát hiện ra khả năng chữa bệnh đặc biệt, khả năng len lỏi vào ý nghĩ của người khác, bà lập ra phòng chỉnh hình. Hai mẹ con làm việc ở đó. Quế là trợ lí cho mẹ. Quế ít nói, không giao thích giao tiếp với thế giới bên ngoài, thạo việc nhà và có khả năng diều khiển máy tính trong đầu của cậu và chữa bệnh cho mẹ cậu. Cậu (giống cô bé mặc váy hồng) là sản phẩm điển hình của con người tự nhiên.

Cậu không đi học, những gì cậu có là do mẹ cậu dạy cho cậu tự học, không ai hiểu được thế giới trong cậu ngoài chính cậu. Hai mẹ con chịu một nỗi đau chung là cái chết bi thảm không rõ nguyên nhân của chồng. Chính Nhục Đậu Khấu là người phát hiện ra Toru là người kế tục công việc chỉnh hình. Hai mẹ con Nhục Đậu Khấu xuất hiện là một mảnh ghép, mắt xích quan trọng trong cuộc đời Toru Okada.

Rõ ràng, kết cấu tổ chức kiểu nhân vật dị biệt trong Biên niên ký chim vặn dây

cót đậm đặc nhất. Họ bị ám ảnh bởi quá khứ, dường như họ đã sống thực trong quá

khứ còn người đang sống bây giờ là con người rỗng. Họ tiên tri và trải nghiệm trong sự lên dây của chim vặn dây cót hàng ngày.

Bên cạnh đó, Murakami còn trải dài trong tiểu thuyết của mình những nhân vật bị tổn thương tâm hồn sâu sắc. Nhân vật bị tẩy trắng “méo mó về tinh thần”. Đa phần trong số họ hiện diện trong hình hài của những ký ức, diện mạo không toàn vẹn, thậm chí có nhân vật chỉ là tiếng nói vang vọng trong tâm tưởng của những nhân vật khác.

Trong Rừng Nauy, Naoko đau đớn và kiệt quệ trước cái chết của Kizuki, cô có

lần nói với Wantanabe khi anh tới thăm cô ở trại điều dưỡng: “Hà cớ gì mà cậu lúc nào cũng thích những người như thế - những người như chúng mình ấy mà? Bọn mình đều là những loại kì dị, méo mó và đang chết đuối cả - mình với Kizuki và Reiko. Sao cậu không thích những người bình thường hơn?”[11; tr.268], hay “con người mình hỏng hóc nhiều hơn cậu tưởng. Bệnh mình tệ hơn cậu tưởng rất nhiều” [11; tr.277]. Sự kỳ dị ấy khiến nàng sợ lúc nửa đêm: “Mình sợ sẽ không bao giờ bình phục. Mình sẽ méo mó thế này mãi…”[11; tr.268]. Còn Reiko mang trong mình nỗi buồn vì mình đã già.

Trong Phía nam biên giới phía tây mặt trời, nhân vật Shimamoto-san cô đơn

vì xa cách người cô yêu - Hajime, Izumi đã chọn cách cô độc vì sự phản bội của Hajime. Đó là những tâm hồn mất mát, thương tổn. Hiện tại đơn côi, họ chỉ bấu víu, neo đậu tâm hồn mình trong quá khứ và trong vẻ đẹp của cuộc tình đã qua.

Trong Biên niên ký chim vặn dây cót, Kahasara May - một cô bé sống trong

máy làm tóc giả, nơi có dân vịt, và ở đó cô trải nghiệm chính mình. Mười lăm tuổi nhưng cô triết lí như một bà già - điều này thể hiện trong từng bức thư cô gửi cho Toru Okada: cái chết, không thể tin vào ngôi nhà, thế xác và cái bong.

Có thể nói, yếu tố bất thường ở các nhân vật đã dự báo bao hàm là nguyên nhân của những sự kiện bí hiểm như trong thần thoại. Một hệ thống những điều bí ẩn diễn ra không được giải thích/ không thể giải thích. Lẽ thông thường tác giả sẽ lí giải hay gợi ý cho độc giả ngầm hiểu nguyên nhân, nhưng Murakami đã bỏ rơi độc giả chết chìm trong một đống sự kiện bí ẩn, buộc độc giả phải mặc nhiên chấp nhận và suy ngẫm. Thế giới nhân vật dị thường cùng với chuỗi sự kiện được các nhân vật này thực hiện bằng con đường giấc mơ, con đường vô thức đã tô đậm màu sắc siêu thực của tiểu thuyết, mang đến sự sâu sắc và hấp dẫn đặc biệt cho tác phẩm của ông.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật kết cấu trong tiểu thuyết của Haruki Murakami (Trang 60)