5. Cấu trúc:
1.2.2. Haruki Murakami trong nền văn chương hậu hiện đại
Chúng ta biết, văn học Nhật Bản điển hình cho sự liên kết chặt chẽ trong tổ chức của họ và thể hiện thái độ đóng cửa đối với các tổ chức khác. Khuynh hướng các nhà văn thống nhất thành những nhóm đã ít nhiều khiến nguồn tư liệu trong văn học Nhật Bản bị hạn chế. Các nhà văn chuyên nghiệp trở nên rất thống nhất trong nhóm của họ đến lỗi họ dường như không biết gì về thế giới bên ngoài. Khuynh hướng đóng chặt này cũng ảnh hưởng lớn tới những tiểu thuyết theo thể loại
monogatari hậu Truyện kể Genji khi những monogatari này thường liên kết riêng với đời sống quý tộc và không quan tâm đến những bộ phận khác của xã hội. Về cơ bản tình trạng này không thay đổi từ thời đại Kamakura đến thời Muromachi, khi mà thơ renga và kịch nol kế thừa văn hóa cung đình, gunki (quân ký) bắt nguồn từ truyện kể Heike, và có lẽ chỉ có thể loại kịch Kyogen thể hiện ít nhiều ngoại lệ: các nhân vật là người phục vụ thuộc tầng lớp samurai, thợ thủ công và vợ của họ, những người mù, kẻ cắp, kẻ lừa đảo...
Thế giới quan của người Nhật chuyển biến bởi sự thâm nhập của các hệ thống tư tưởng nước ngoài khác nhau không nhiều bằng sự bám chặt dai dẳng vào thế giới quan bản xứ và vào sự tích hợp bản sắc Nhật Bản đến các hệ thống ngoại nhập. Lịch sử Nhật Bản cho thấy sự đối đầu giữa hai khuynh hướng này, trong một số trường hợp thế giới quan của nước ngoài được chấp nhận, một số trường hợp khác nó bị phản bác, nhưng phần lớn hệ thống tư tưởng ngoại lai được thích nghi với những nhu cầu của người Nhật.
Nền tảng thế giới quan của văn học Nhật Bản có thể được chia thành 3 loại: một mặt là các hệ thống tư tưởng từ nước ngoài dưới hình thức nguyên gốc của chúng, khác nhau trong thời đại khác nhau, trong khi mặt khác là tư tưởng Nhật Bản bản xứ còn lại không thay đổi qua lịch sử. Ở giữa hai cực đối trọng nói trên là các hệ thống tư tưởng khác nhau của nước ngoài bị ảnh hưởng hoàn toàn của Nhật. Lịch sử văn học Nhật Bản hiện đại cũng có thể giải thích theo những phản ứng lại ba loại thế giới quan đáng lưu ý này: văn học thời Minh Trị có thể quy vào ba nhóm: phái theo truyền thống một cách khách quan, phái Tây học, phái sáng tạo từ cuộc đối đầu văn hóa Đông - Tây.
Nhật Bản những năm đầu của thế kỷ XX là một Nhật Bản đang trên đà phát triển và hội nhập. Những làn gió phương Tây thổi vào đem lại cho Nhật Bản truyền thống những luồng sinh khí mới. Nét chung của văn học hiện đại Nhật Bản là văn hóa phương Tây vẫn không ngừng hấp dẫn các nhà văn trong khi truyền thống Nhật Bản lại khơi nguồn cảm hứng. Đầu tiên phải kể đến: Tanizaki Yunichirô (1886- 1965). Ông đi tìm cái đẹp chứ không còn bận tâm cái đẹp đi đôi với đạo lí như trước
nữa. Tiểu thuyết của ông được đánh dấu tình dục bệnh hoạn và chủ nghĩa duy mĩ rất Tây hóa. Tiếp đến là Kawabata Yoxưnari (1899-1972) giải nobel 1968. Ông tự nhận mình là “du khách u buồn lang thang trên thế giới này” [27]. Ông bảo vệ những rung động của đời sống tình cảm... Đến Oe Kenzaburo sinh 1935 giải nobel 1994, chống hiệu ứng anh minh Nhật - Mỹ. Ông viết về sự tha hóa của xã hội Nhật bản.
Haruki Murakami là một trong những nhà văn mới hứng trọn luồn sinh khí ấy. Phong cách hành văn trong tác phẩm của ông rõ ràng mang nhiều dấu vết của văn học phương Tây, đạo cụ và góc nhìn Tây hóa. Văn hóa phương Tây, nhạc jazz, spaghetti là một phần tạo nên âm sắc riêng cho tiểu thuyết Murakami. Có người đã hỏi ông rằng: “Văn hóa phương Tây ảnh hưởng như thế nào đến các sáng tác của ông”? Ông đã trả lời rằng: Khi tôi viết nhân vật của mình đang nấu spaghetti (mì ống) cho bữa trưa, một vài độc giả phương Tây coi đó là chuyện lạ: “Tại sao gã Nhật Bản này lại ăn mì ống?”. Và một nhân vật khác nghe Radiohead khi đang lái xe, người ta sẽ nói, anh ta bị Tây hóa. Nhưng đó là những gì hoàn toàn tự nhiên đối với tôi.
Ông tìm đọc mê mải các tác phẩm của các tác giả châu Âu thế kỷ XIX - Balzac, Flaubert, Chekhov, Dostoevsky, Dickens... Sau đó, ông học tiếng Anh, và đọc nguyên tác tiếng Anh những tiểu thuyết trinh thám, khoa học giả tưởng, Truman Capote, Kurt Vonnegut, Brautigan... Ông ham mê nhạc Âu, Mỹ: Elvis, Beatles, Beach Boys, nhạc Jazz... Thế giới mới đó quyến rũ ông. Ông có lần tự bạch: Từ khi còn bé tôi đã đọc rất nhiều và chìm sâu vào thế giới của tiểu thuyết.. thời niên thiếu, tôi yêu mến các nhà văn như Dostoyevski, Kafka và Balzac. Những câu chuyện của Murkami điển hình bởi những đối thoại hài ước và những cốt truyện siêu thực, thường xuyên sử dụng nhiều ẩn dụ và các liên tưởng liên quan đến văn hóa châu Âu và Mỹ. Ông cũng từng nói, ông bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi những nhà văn Mỹ như Kurt Vonnegut, Raymond Chandler, Richard Brautigan cũng như Frank Kafka và Fyodor Dostoyevski: “Trong những năm trưởng thành, không một lần nào tôi thấy xúc động sâu xa vì một cuốn tiểu thuyết Nhật Bản hết”. Cho nên
Will Slocombe (Anh) kết luận: “Murakami không hẳn là một nhà văn Nhật mà có khi là một nhà văn phương Tây viết bằng tiếng Nhật”.
Tác phẩm của Murakami bị xem là “lai căng” mâu thuẫn với hai tác giả từng đoạt giải Nobel: Kawabata và Kenzaburo, rằng đó là thứ văn “phi Nhật Bản”. Nhưng văn chương có những nhà thích cao đạo, thích lối viết đạo và có những nhà văn thích lối viết đời thường, cách nhìn nhận là của mỗi người. Văn chương nên để nó nảy nở tự nhiên, không cần thiết lên án một lối viết nào: là Đông là Tây, là thuần tuý nghệ thuật hay đại chúng. Vấn đề là nó nói được gì (tư tưởng, triết lí) và nói như thế nào (thủ pháp nghệ thuật) để có thể đi vào lòng người?
Murakami khẳng định, ông “vẫn là một nhà văn Nhật. Đây là đất nước tôi, gốc rễ của tôi. Tôi không thể trốn chạy khỏi tổ quốc”. Theo nhà văn Masatsugu Ono, Murakami chính là người tạo nên diện mạo văn học Nhật đương đại, bản thân ông là động lực cho các nhà văn đồng hương; Murakami không hẳn đã phá vỡ bức tường bao quanh nền văn học Nhật nhưng là người có công đầu đẩy bức tường đó xa khỏi biên giới Nhật Bản, đưa văn học Nhật đến với thế giới.
Theo chúng tôi, bản sắc dân tộc Nhật Bản và diện mạo Murakami - nhà văn
đương đại Nhật Bản, là sự hòa quyện thống nhất. Tiểu thuyết Kafka bên bờ biển,
cho dù là sự tổng hợp của kỹ thuật viết văn thế giới: chủ nghĩa siêu thực, hiện thực kỳ ảo, bi kịch Hy Lạp, ảo giác, chiêm bao, định mệnh.. thì cuốn sách vẫn chứa đựng rất nhiều thành tố văn hóa Nhật Bản, vẫn được coi là “cuốn tiểu thuyết giàu màu sắc Nhật Bản nhất”. Là nhà văn đương đại, sinh ra và lớn lên trong giai đoạn mà văn hóa phương Tây đã thâm nhập mạnh mẽ vào đời sống Nhật Bản, Murakami không thể không chịu ảnh hưởng của những trào lưu văn chương hiện đại. Nhưng mọi lí giải, cảm quan của ông gắn chặt với truyền thống văn hóa, văn học Nhật Bản. Tinh hoa thiền tông, văn chương nữ tính thời Heian, các cảm thức thẩm mỹ truyền thống Nhật Bản luôn ẩn hiện trong sáng tác của ông. Điều đó minh chứng cho mối dây liên hệ giữa cái cũ và cái mới, truyền thống và hiện đại trong quá trình sáng tạo của mỗi nhà văn: “Không thể nào phủ nhận sự tồn tại song song của những yếu tố truyền thống bên cạnh sự đổi mới. Một nhà văn, dù muốn đi tìm cái mới đến đâu,
cũng không thể cắt đứt hoàn toàn với truyền thống. Nó có sẵn trong anh ta”[32]. Có thể đôi lúc Murakami không thừa nhận mình chịu ảnh hưởng của văn học truyền thống nhưng ông không phủ nhận nó và thấy khó có thể cắt lìa với “cuống rốn” của mình. Có kỳ lạ chăng, khi một nhà văn được đánh giá xa rời truyền thống lại viết lên tác phẩm được đánh giá là “cuốn tiểu thuyết giàu màu sắc Nhật Bản nhất”. Điều đó cho thấy trầm tích văn hóa, văn học truyền thống đã tích tụ một cách vô thức trong thế giới quan sáng tác của Murkami, để ông vẫn là một “tiểu thuyết gia Nhật Bản, không gì khác”. Và những con người ông miêu tả trong thế giới của mình là người Nhật Bản thế kỷ XXI mà cũng là con người nói chung ở bất kỳ đâu trên thế giới.
Không có gì ngạc nhiên khi tác giả Haruki Murakami trả lời trong một bài phỏng vấn hiếm hoi rằng ông chỉ muốn cậy vào chính mình: “Tôi đang tìm câu chuyện của riêng tôi. Tôi cày xới bề mặt để đi xuống đáy sâu tâm hồn tôi”. Tâm thức hướng nội này là chìa khóa đi vào tác phẩm của ông, và cuộc du hành nội tâm này có thể cũng là nguồn hấp dẫn giới độc giả trẻ ở Nhật. Những thống khổ của xã hội vật chất đã làm biến đổi một đất nước từng nổi tiếng về kỷ luật và lễ nghi truyền thống. Giới trẻ không muốn chấp nhận tất cả những điều đó nữa. Murakami hy vọng rằng: “Sách của tôi có thể cống hiến cho họ cảm thức về tự do - tự do thoát khỏi thế giới thực tại”. Ông nói được rất nhiều về tuổi trẻ, đời sống đương đại, về nỗi cô đơn, về tình yêu… và nói bằng một thứ ngôn ngữ biến ảo. Tức là vận dụng rất nhiều thủ pháp khác nhau từ hiện thực đến hậu hiện đại.
Cá nhân Murakami cho ta ấn tượng về sự ung dung tự tại. Phong thái đĩnh đạc, nhưng luôn hàm chứa một sự hài ước đen. Thời thơ ấu, ông nói bằng một phương ngữ vùng Kyoto.. Việc ông hay nhắc đến văn hóa phương Tây: Le Figaro, Duran Duran, Spaghetti… khiến thế hệ độc giả lớn tuổi Nhật Bản khó chịu. Họ thích cái đẹp kiểu cách của Mishima, Tanazaki hay Kawabata. Theo Murakami, điều đó là một phần sự rút lui của người Nhật vào chủ nghĩa hình thức: “Sau chiến tranh và hiện đại hóa, Nhật Bản đã đánh mất cảm thức cố hương và bị thương tổn sâu sắc. Bằng việc thu thập và miêu tả cái đẹp tự nhiên Nhật Bản, những trang phục hay
thức ăn truyền thống, họ cố gắng tái lập cái quê hương Nhật Bản ngày xưa”. Murakami cố gắng khôi phục lĩnh vực tinh thần bằng cách khác - ông không ngoái nhìn quá khứ. Ông hướng ngòi bút vào đề tài mà những người Nhật lớn tuổi e sợ.
Tiểu thuyết nặng ký Rừng Nauy, hầu như mọi người Nhật đều đọc tác phẩm đó.
Những người đọc khắt khe cho rằng sách bán chạy bới các nhân vật quá quan tâm đến sex và nói về điều đó một cách quá tự do. Murakami có cách nhìn khác: “tình dục là cánh cửa mở vào cõi tâm linh. Nó tương tự như những giấc mơ. Khi bạn tỉnh thức, tình dục cũng như một giấc mơ. Tôi nghĩ những giấc mơ là tập thể. Một vài phần những giấc mơ không thuộc về chính bạn”[23].
Khi mới bắt đầu viết, Murakami đã học theo các nhà văn Âu Mỹ nhưng ông cũng khẳng định rằng, ông không hề xa rời văn chương Nhật Bản, ông đang “cải tạo nó từ bên trong”. Trong cách sử dụng huyền thoại của Murakami, có bóng dáng của truyền thống văn chương Nhật nhưng lại cũng thoát ra ngoài truyền thống đó. Một lần trả lời phỏng vấn, ông đã phát biểu: “Hầu hết các nhà thuần túy chủ nghĩa ở Nhật chỉ yêu thứ ngôn ngữ đẹp và đề cao sự tinh tế hơn là nội lực hay sức mạnh. Người ta khâm phục cái đẹp này vì tự thân cái đẹp, thành thử phong cách của họ dùng rất nhiều ẩn dụ cứng nhắc, mang tính hình thức, hoàn toàn không thanh thoát tự nhiên. Những phong cách đó ngày càng được gọt giũa tinh vi tới mức chẳng khác gì một thứ cây cảnh. Tôi không ưa những lối viết truyền thống đó; nghe thì hay đấy nhưng không truyền tải được gì hết. Ngoài ra, ai biết thế nào là đẹp? Thành ra trong tác phẩm của mình, tôi cố gắng thay đổi điều đó. Tôi muốn viết tự do hơn, nên tôi dùng nhiều ẩn dụ dài dòng mà kỳ quặc mà đối với tôi là tươi mới”[32]. Ông bước đi giữa chữ không bằng đại tự sự mà muốn lật hết lại những đại tự sự mà loài người và dân tộc ông đã rêu rao suốt ngàn năm qua. Xứ sở hoa anh đào từng tự hào là con những Kami (những vị thần). Họ có niềm tin vào nữ thần mặt trời, người mẹ linh thiêng khai sáng xứ sở. Thần thoại Nhật Bản, văn chương Nhật truyền thống đầy ắp bóng dáng thần linh, từ niềm tin thơ ngây mông muội cho đến “sự hiện hữu thần linh”, theo kiểu siêu hình, triết học. Trong văn chương Murakami, thần linh không hiện hữu, ông từng nói rằng khi bắt đầu sự nghiệp văn chương, ông đã không còn
tin vào bất cứ thứ gì, ông không tin vào sự huyền bí nên ông tạo cấu trúc văn chương cho riêng mình để nói không với sự huyền bí. Nếu Kawabata tạo dựng một thế giới văn chương hữu linh, khám phá những chiều sâu tâm thức con người trong tương liên với vũ trụ thì Murakami lại muốn kéo văn chương về với pop, rock, về với hiện thực trần trụi thậm phồn của cái xã hội mà ta đang sống. Mỗi nhà văn có mỗi cách tiếp cận riêng với thế giới. Không hẳn dòng mạch tâm linh Nhật tới Murakami thì tắc dòng, ông chỉ muốn giải quá khứ để tạo lập một thứ văn chương mới trong đó con người cảm nhận được chính thực tại hiện tiền của mình, đó là đời sống số, là vi tính, máy nghe nhạc, tàu điện ngầm. Thần linh bước vào tác phẩm Murkami chỉ còn là nụ cười giễu nhại, không ác ý, đơn giản chỉ là cười thôi. Murakami đã tạo dựng những huyền thoại mới. Những huyền thoại được tạo dựng đặt bên cạnh thế giới đồ vật của thời đại hậu kỹ nghệ. Chính vì thế, huyền thoại trong tác phẩm của Murakami khiến ta thấy rõ thêm tính chất thực của cuộc đời. thế giới nhân vật không hẳn là thần linh mà là những con vật nhỏ bé của đời thường.
Trong một bài phê bình năm 2005, trên tờ The New Yorker, tác giả John Updike từng viết: "Dù tác phẩm của ông nhan nhản sự tham khảo văn hóa đương đại Mỹ, đặc biệt là âm nhạc bình dân; dù ông miêu tả chi tiết sự sáo rỗng, tầm thường của giới trẻ phương Tây, lối kể chuyện của ông vẫn rất đáng mơ ước và gần với tính chất siêu thực mềm dẻo, linh hoạt của Kobo Abe hơn là tính chất cứng nhắc, mãnh liệt của Yukio Mishima và Jun'ichirō Tanizaki”.
Đối với sáng tác của Murakami cái vị Nhật Bản ấy, không nguyên chất, đậm đặc như các bậc tiền bối trước ông mà nó được gia giảm, trộn lẫn trong một hỗn hợp “nhiều dư vị”. Những con người trong sáng tác của ông dù có ăn mỳ Ý, uống whisky.. thì vẫn mang trong mình vẻ đẹp cô đơn thâm trầm của người Nhật, họ là những người độc thân trẻ tuổi nơi thành thị, là những tâm hồn thương tổn, mất mát niềm tin.
Nhân vật trong tác phẩm của Murakami là những con người luôn sống cuộc đời độc lập, phóng khoáng như là một bản nguyên. Họ không phải là một sự sao chép theo một khuôn mẫu nào. Tính hậu hiện đại thể hiện ở điểm này vì tin theo
một đại tự sự nào đó thì đánh mất bản nguyên của mình. Vấn đề ở đây là nhân vật từ biệt đại tự sự để cho cuộc sống của mình bộc lộ cái bản nguyên vốn có. Vấn đề là Murakami đưa ra một chân dung thuyết phục, sống động của đời thường chứ không nên khuôn định nó bằng những mô thức sẵn có. Ông là người luôn luôn chống lại những mô thức tiền giả lập: Kimono, hoa anh đào, kịch Nol...