thái ở Việt Nam
Thời gian qua, nhờ tập trung thực hiện có hiệu quả trong thực tế các mục tiêu, quan điểm của Đảng, công tác bảo vệ môi trường đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhận thức về bảo vệ môi trường trong các cấp, các ngành và nhân dân đã được nâng lên. Mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường đã từng bước được hạn chế. Công tác bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ đa dạng sinh học đã đạt những tiến bộ rõ rệt. Hệ thống các quan điểm, mục tiêu, giải pháp, hệ thống pháp luật, tổ chức và nhân lực cho bảo vệ môi trường được xây dựng, liên tục bổ sung và hoàn thiện đã góp phần hạn chế các tác động tiêu cực lên môi trường. Bên cạnh những thành tựu rất cơ bản, tình trạng môi trường trong mấy năm gần đây vẫn còn nhiều vấn đề bức xúc, nguyên nhân của tình trạng này bao gồm cả nhân tố chủ quan lẫn khách quan.
Nguyên nhân khách quan
Từ sự phân tích về thực trạng và đặc điểm của môi trường sinh thái của Việt Nam, chúng ta thấy tất cả những vấn đề thuộc lĩnh vực sinh thái, môi trường đều đã tồn tại ở Việt Nam, tuy mức độ nghiêm trọng của từng vấn đề có khác nhau. Xuất phát từ đặc điểm Việt Nam là nước vừa trải qua những cuộc chiến tranh khốc liệt, kéo dài đến nay vẫn chưa thoát khỏi tình trạng của nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu nên hậu quả của nó để lại cho môi trường và xã hội còn rất nặng nề, phải thời gian dài mới khắc phục được. Cho nên việc tập trung nguồn vốn, nhân lực và công nghệ cho nhiệm vụ bảo vệ môi trường còn có nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, ở thập niên cuối cùng của thế kỷ XX, Đảng và Nhà nước đã bắt đầu thực sự quan tâm chú ý đến nhiệm vụ bảo vệ môi trường sống.
Mặt trái của kinh tế thị trường là một tác nhân dẫn đến sự suy giảm chất lượng môi trường. Xuất phát từ việc đặt lợi ích trước mắt lên trên hết, đặc biệt là lợi ích kinh tế, kinh tế thị trường đã tạo ra một sự kích thích mạnh mẽ đối với người dân trong việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên,
buôn bán các chất ma túy, kích thích, gây nghiện, cũng như việc lạm dụng các hóa chất trong sản xuất và tiêu dùng, xuất khẩu “chui” những động vật quý hiếm, thậm chí còn buôn bán cả phụ nữ và trẻ em, nhập lậu những động, thực vật lạ, gây hại… Nói cách khác, mặt trái của kinh tế thị trường đã tạo nên một sức ép to lớn đối với tài nguyên, môi trường.
Bên cạnh đó, nền kinh tế của Việt Nam là nền kinh tế nông nghiệp sản xuất nhỏ, ý thức bảo vệ môi trường của người dân không cao và chưa có sự chuyển biến tích cực từ lối sống văn hóa sinh thái tiểu nông sang lối văn hóa sinh thái mới. Đạo đức sinh thái truyền thống tuy có nhiều mặt tích cực song vẫn có những tiêu cực và không phù hợp với điều kiện phát triển mới của xã hội Việt Nam. Trong khi đó, đạo đức sinh thái mới chưa được hình thành.
Nguyên nhân chủ quan
Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là việc phát triển kinh tế không tôn trọng quy luật tự nhiên, tàn phá thiên nhiên làm cho môi trường suy thoái, tài nguyên cạn kiệt, đa dạng sinh học giảm.
Do nhận thức không đầy đủ về quy luật tự nhiên và ý thức bảo vệ môi trường của người dân còn bị hạn chế. Hiện nay vẫn còn một số bộ phận không nhỏ nhân dân biết rõ về tai hoạ môi trường bởi những hành vi của họ gây ra, nhưng vẫn phá rừng bừa bãi, buôn bán bất hợp pháp động vật quý hiếm, thải các chất độc hại ra môi trường vì lợi ích riêng trước mắt. Sự nhận thức về môi trường và bảo vệ môi trường của người dân nói chung và các cán bộ lãnh đạo, quản lý nhà nước nói riêng còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của xã hội hiện đại. Ý thức sinh thái của người dân còn ở trình độ cảm tính, kinh nghiệm chủ nghĩa. Ý thức sinh thái mới chưa đi vào lối sống, nếp sống để trở thành thói quen, tập quán của đại bộ phận nhân dân.
Nhận thức của cộng đồng về lợi ích bảo vệ môi trường còn hạn chế. Một bộ phận người dân vẫn thích ăn thịt thú rừng, dùng thú rừng để chữa bệnh, mà không biết đã góp phần săn bắt động vật hoang dã trái phép, thích dùng các loại gỗ quý hiếm để làm nhà mà không nghĩ mình đã tiếp tay cho lâm tặc. Nhận thức về vệ sinh môi trường quá thấp, thói quen sinh hoạt bừa
bãi ở một số vùng nông thôn cũng là vấn đề lớn gây ô nhiễm môi trường, dịch bệnh tác hại đến sức khỏe con người. Theo thống kê từ dịch tả năm 2008 cho thấy, có xã có đến 100% số hộ gia đình không có, hoặc có nhà vệ sinh không hợp vệ sinh, mặc dù đây không phải là những hộ nghèo, xã nghèo. Nhận thức hạn chế về môi trường cũng dẫn đến hành vi gây ô nhiễm, phóng uế nơi công cộng, tại các điểm danh lam thắng cảnh.
Chế tài thực hiện và việc thực hiện chức năng bảo vệ môi trường của một số cơ quan liên quan còn nhiều bất cập. Các văn bản pháp quy đã có, nhưng chế tài thực hiện và việc thực hiện của các cơ quan bảo vệ pháp luật liên quan đến môi trường chưa tốt, chưa nghiêm minh nên môi trường sinh thái của Việt Nam vẫn đang tiếp tục bị suy thoái, đa dạng sinh học giảm.
Thêm vào đó, hệ thống chính sách pháp luật chưa hoàn thiện thậm chí luật pháp về bảo vệ môi trường và nhiều văn bản pháp lý dưới luật đã được công bố nhưng chưa được thực thi một cách nghiêm minh. Việc thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường thời gian qua còn yếu kém, một phần do năng lực hạn chế của Nhà nước trong việc đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Chưa có những biện pháp kinh tế, luật pháp và hành chính đủ mạnh để hướng dẫn, điều chỉnh hoạt động của con người theo hướng “thân môi trường”, đặc biệt là để kiểm soát, trừng phạt những kẻ cố tình xâm hại môi trường và tài nguyên thiên nhiên của đất nước.
Quan điểm phát triển bền vững của Đảng chưa được nhận thức, tiếp thu và coi trọng. Nhiều cấp lãnh đạo của các bộ, ngành, các tỉnh và thành phố vẫn coi phát triển kinh tế là ưu tiên số một. Phát triển kinh tế trước, xử lý ô nhiễm môi trường sau, trong khi phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm là một trong những nguyên tắc cơ bản của hoạt động bảo vệ môi trường. Tư tưởng này đã dẫn đến sự thỏa hiệp các mục tiêu môi trường để nhận lấy những lợi ích về kinh tế.
Các chính sách xã hội trong lĩnh vực môi trường và bảo vệ môi trường chưa thực sự cập nhật và phù hợp. Ở Việt Nam, nạn nghèo đói và giảm tốc độ dân số tăng quá nhanh. Đây là hai vấn đề to lớn, mang tính đặc thù của các
nước đang phát triển. "Có thực mới vực được đạo", đó là thực tế bắt buộc phải giải quyết trong chính sách phát triển và bảo vệ môi trường của mọi quốc gia trong đó có Việt Nam. Dù biết phá rừng là thảm họa, là phá nơi sống của họ, săn bắt hết động vật quý hiếm là mất đi gia sản của thiên nhiên, nhưng người ta vẫn phải làm vì mưu sinh cuộc sống. Đói nghèo và tăng dân số quá nhanh là lực cản lớn nhất của sự phát triển và bảo vệ môi trường. Chương trình xóa đói giảm nghèo chưa tính đến sự công bằng đối với những người dân các vùng sâu, vùng xa, núi cao, rừng sâu, hải đảo trong việc hưởng thụ các sản phẩm và dịch vụ có được từ chế biến các nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước, cũng như công lao của họ đới với việc bảo về các nguồn tài nguyên đó ở những vị trí địa đầu của Tổ quốc.
Việc giáo dục, truyền thông, trang bị những tri thức về môi trường và bảo vệ môi trường, một mặt, tiến hành còn chậm chạp và không hiệu quả, mặt khác, mạng lưới truyền thông cũng chưa hoàn thiện và phổ biến. Do đó, không phổ cập được những kiến thức về môi trường cho đông đảo quần chúng nhân dân.
Việc giáo dục và đào tạo chính quy về môi trường và sinh thái tiến hành không đồng bộ và cũng mới chỉ được đưa vào chương trình giáo dục quốc gia trong những năm gần đây, do đó, tính hiệu quả chưa cao.
Những nguyên nhân trên cần phải được khắc phục bằng những giải pháp cụ thể, đồng bộ và mang tính khả thi để có thể xây dựng được ý thức đạo đức sinh thái đúng đắn, đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững. Việc xác định được nguyên nhân cũng chính là một trong những cơ sở để đề ra giải pháp đúng đắn.