Nội dung cơ bản của xây dựng đạo đức sinh thái

Một phần của tài liệu Xây dựng đạo đức sinh thái ở Việt Nam hiện nay (Trang 29)

Như đã trình bày ở trên, đạo đức sinh thái chính là một phần của đạo đức xã hội nói chung, bao gồm một hệ thống những quan điểm, quan niệm, tư tưởng, tình cảm, những nguyên tắc, quy tắc, chuẩn mực… quy định, điều chỉnh hành vi của con người trong quá trình biến đổi và cải tạo tự nhiên nhằm phục vụ cho sự sống của con người nhung vẫn phải đảm bảo cho sự cân bằng, tôn trọng khả năng có thể phục hồi của tự nhiên. Do đó xây dựng đạo đức sinh thái chính là quá trình hình thành, tạo lập đạo đức sinh thái trong xã hội, là quá trình đưa những chuẩn mực đạo đức sinh thái thấm sâu vào nhận thức của người dân, trở thành động lực bên trong thúc đẩy con người có những hành vi bảo vệ môi trường, tạo lập mối quan hệ hài hòa giữa con người và tự nhiên.

Xây dựng đạo đức sinh thái là quá trình xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa con người với môi trường sống xung quanh, nhận thức đúng đắn mối quan hệ hữu cơ giữa con người và tự nhiên, đảm bảo tính chỉnh thể toàn vẹn của hệ thống tự nhiên - con người - xã hội, thực hiện một cách có ý thức tích cực các hoạt động phù hợp với các quy luật của tự nhiên, bảo vệ tự nhiện. Như thế, con người cần phải nắm được bản chất, quy luật tồn tại, vận hành của tự nhiên cùng

là con người cần có năng lực vận dụng đúng đắn các quy luật của tự nhiên vào mọi hoạt động thực tiễn của mình, cũng như cần tạo ra một cuộc sống hài hòa, hòa hợp với tự nhiên. Có thể xem đây là nguyên tắc cơ bản để giải quyết vấn đề môi trường sinh thái - nhân văn khi mà môi trường sinh thái toàn cầu đang trong thực trạng báo động, kêu cứu. Điều đó cũng có nghĩa là con người và xã hội cần có được một nền tảng văn hóa sinh thái - nhân văn. Ph.Ăngghen đã lưu ý rằng: "chúng ta hoàn toàn không thống trị được giới tự nhiên như một kẻ xâm lược thống trị một dân tộc khác… chúng ta nằm trong lòng giới tự nhiên và tất cả sự thống trị của chúng ta đối với tự nhiên là ở chỗ chúng ta, khác với tất cả các sinh vật khác, là chúng ta nhận thức được quy luật của giới tự nhiên và có thể sử dụng được những quy luật đó một cách chính xác" [45,655].

Có thể nói xây dựng đạo đức sinh thái là quá trình phức tạp, lâu dài, liên quan đến cấu trúc của đạo đức sinh thái. Khi phân tích cấu trúc của đạo đức sinh thái người ta xem nó dưới nhiều góc độ. Mỗi góc độ cho phép chúng ta nhìn ra một lớp cấu trúc xác định. Trong khuôn khổ nghiên cứu của đề tài tác giả xem việc xây dựng đạo đức sinh thái là quá trình tiến hành xây dựng đồng bộ ý thức đạo đức sinh thái và hành vi đạo đức sinh thái, quan hệ đạo đức sinh thái.

Trước hết là xây dựng ý thức đạo đức sinh thái. Như chúng ta đã biết,

để con người có ý thức tự giác trong cách đối xử với tự nhiên, biện pháp có tính chiến lược là phải xây dựng ý thức đạo đức sinh thái cho mọi người. Bởi lẽ như Ph.Ăngghen viết: “tất cả cái gì thúc đẩy con người hành động đều tất nhiên phải thông qua đầu óc của họ” [46,438].

Muốn xây dựng ý thức đạo đức sinh thái trước hết là phải xây dựng tri thức đạo đức sinh thái bởi đây là yếu tố cơ bản, cốt lõi của ý thức đạo đức sinh

thái. Tri thức đạo đức sinh thái là sự hiểu biết về cái thiện, cái ác, cái đẹp, cái xấu, cái đúng, cái sai trong cách cư xử của con người đối với tự nhiên. Hơn lúc nào hết, con người cần phải ý thức đúng đắn được vị trí, vai trò của mình trong mối quan hệ với tự nhiên. Cần phải thay đổi thái độ của mình đối với giới tự

nhiên, nêu cao trách nhiệm đạo đức của mình trong việc bảo vệ tự nhiên, sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lý, kết hợp sử dụng cùng với xây dựng, bảo vệ, tái tạo và tôn trọng giới tự nhiên.

Không chỉ dừng lại ở việc xây dựng được những tri thức đạo đức sinh thái đúng đắn mà tiếp theo ta cần xác lập được tình cảm đạo đức sinh thái.

Tình cảm đạo đức sinh thái được nảy sinh trong những hoàn cảnh cụ thể, hết sức phong phú, đa dạng của đời sống xã hội. Tình cảm đạo đức sinh thái là một đặc trưng bản chất của con người nói chung và nhân cách đạo đức nói riêng. Đây là lĩnh vực tinh tế của tâm hồn, cảm xúc con người. Nói đến tình cảm đạo đức sinh thái không chỉ nói đến trạng thái tâm lý phản ánh những tác động từ bên ngoài vào ý thức của con người, mà quan trọng hơn là nói đến sự biểu lộ của chủ thể đạo đức trước những hiện tượng đạo đức sinh thái. Trong sự biểu hiện thái độ đó thì năng lực đạo đức của chủ thể được bộc lộ. Cụ thể hơn, đứng trước tự nhiên, con người hướng đến việc quan tâm bảo vệ tự nhiên, hay thờ ơ, lạnh nhạt trước tự nhiên, điều này phụ thuộc rất lớn vào thái độ, hành động của mỗi người. Do vậy, tình cảm đạo đức sinh thái mang tính chủ thể rất cao. Nhờ có tình cảm đạo đức sinh thái mà mối quan hệ giữa con người với tự nhiên được làm sâu sắc hơn. Bởi phải có những tình cảm, tình yêu thiên nhiên sâu sắc, mãnh liệt, con người mới tự mình có những thôi thúc nội tâm để hình thành cho chính mình nhu cầu đạo đức và văn hóa đạo đức sinh thái.

Thứ ba, xây dựng ý thức đạo đưc sinh thái còn bao gồm cả việc xây dựng niềm tin đạo đức sinh thái cho mỗi người bởi đó là yếu tố quyết định hành vi đạo đức sinh thái, là cơ sở để bộc lộ những phẩm chất đạo đức sinh thái như: hành động kiên quyết đấu tranh chống lại những thói hư, tật xấu trong quan hệ ứng xử với tự nhiên của chính bản thân mình và của người khác. Khi xây dựng được niềm tin đạo đức sinh thái sẽ góp phần kích thích những hoài bão, ước mơ tạo thành động lực mãnh mẽ giúp cho con người tích cực bảo vệ, cải thiện môi trường sinh thái vì cuộc sống chung của loài người.

Tóm lại, việc xây dựng ý thức đạo đức sinh thái có vai trò vô cùng quan trọng nhưng sẽ bị hạn chế hoặc ít tác dụng nếu con người chỉ dừng lại ở đó. Ý thức, giá trị đạo đức sinh thái phải được thể hiện bằng hành động cụ thể thì mới đem lại lợi ích thiết thực cho xã hội. Do vậy, xây dựng đạo đức sinh thái còn bao gồm cả xây dựng hành vi đạo đức sinh thái.

Xây dựng hành vi đạo đức sinh thái

Hành vi đạo đức sinh thái là sự biểu hiện cao nhất của đạo đức sinh thái, là sự tổng hợp của tất cả các yếu tố hợp thành của đạo đức sinh thái. Hành vi đạo đức sinh thái được hiểu là một hành động tự giác được thúc đẩy bởi một động cơ bên trong có ý nghĩa về mặt đạo đức sinh thái. Cũng như mọi hành vi đạo đức xã hội nói chung, hành vi đạo đức sinh thái được quy định, điều chỉnh bởi một hệ thống những chuẩn mực, quy tắc đạo đức sinh thái nhất định. Bởi vậy, xây dựng hành vi đạo đức sinh thái chính là việc hình thành ở mỗi cá nhân, mỗi con người các chuẩn mực hành vi ứng xử tích cực đối với tự nhiên, môi trường.

Chuẩn mực của hành vi đạo đức sinh thái là những nguyên tắc, quy tắc quy định về phương thức ứng xử của con người đối với tự nhiên, yêu cầu con người bằng mọi cách sử dụng hợp lí tài nguyên, bảo vệ môi trường, duy trì sự đa dạng sinh học để xã hội phát triển, sao cho sự phát triển hôm nay không làm hạn chế sự phát triển của ngày mai thậm chí phải tạo nền tảng cho sự phát triển của tương lai. Chuẩn mực này thường được coi là một giá trị chi phối rộng rãi và được tuân theo một cách phổ biến. Việc thực hiện các chuẩn mực hành vi đạo đức sinh thái vừa dựa trên sự tự nguyện, sự tự ý thức của con người, đồng thời cần phải áp đặt, trừng phạt đối với người có hành vi vi phạm đến các chuẩn mực đó dưới nhiều hình thức, mức độ nặng nhẹ khác nhau thùy thuộc vào mức độ nguy hiểm của hành vi đó để lại cho môi trường và con người. Chẳng hạn, việc khai thác rừng đúng quy cách, đúng thời hạn quy định, đảm bảo rừng vẫn phát triển, không xâm hại đến giá trị của rừng mà con người vẫn đạt được lợi ích của mình thì đó là một chuẩn mực của hành vi đạo đức đúng đắn. Chuẩn mực hành vi đạo đức này được hình thành từ sự nhận thức đúng đắn của con người về

vai trò đặc biệt quan trọng không thể thay thế của rừng đối với sự sống và những lợi ích to lớn mà rừng mang lại cho con người và cho xã hội.

Chuẩn mực hành vi đạo đức sinh thái cũng được thể hiện qua các phạm trù tốt- xấu, thiện – ác, lương tâm – vô lương tâm, trách nhiệm, nghĩa vụ… của con người trong cách ứng xử với tự nhiên. Các chuẩn mực hành vi đạo đức mang tính lịch sử, cụ thể, phụ thuộc vào quan niệm, sự hiểu biết của con người về tự nhiên, về mối quan hệ của con người với tự nhiên. Các chuẩn mực của hành vi đạo đức sinh thái ở Việt Nam chủ yếu dựa trên những tri thức kinh nghiệm để làm sao con người có thể sống nương nhờ, thuận theo tự nhiên và ứng phó kịp thời với những biến đổi thất thường của tự nhiên, phù hợp với phương thức canh tác nhìn chung còn kém phát triển. Nước ta đang trong giai đoạn đồng thời tiến hành các quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, thị trường hóa nền kinh tế, toàn cầu hóa và hội nhập, thì những chuẩn mực đạo đức sinh thái truyền thống cần phải có những sự chuyển đổi sâu sắc, cần xây dựng một hệ chuẩn mực đạo đức sinh thái mới nhằm điều chỉnh hành vi ứng xử của con người trong mối quan hệ qua lại và tác động lẫn nhau giữa con người và tự nhiên.

Tóm lại, xây dựng đạo đức sinh thái mới là quá trình thiết lập quan hệ đạo đức đúng đắn, tạo sự thống nhất hữu cơ giữa lợi ích của tự nhiên và lợi ích của con người, để mỗi cá nhân đều có ý thức sử dụng hợp lý tài nguyên, tôn trọng môi trường sinh thái đồng thời có những hành động cụ thể, kịp thời bảo vệ môi trường, sao cho phát triển xã hội hiện tại nhưng không làm ảnh hưởng đến nhu cầu của thế hệ tương lai. Cụ thể hơn là ta phải xây dựng tình yêu thiên nhiên, sống thân thiện với môi trường thiên nhiên, bồi dưỡng lòng yêu thương con người, đảm bảo sự hài hòa giữa quyền lợi của chính mình với quyền lợi của người khác và cộng đồng. Muốn thế, con người cần phải nắm được bản chất, quy luật tồn tại, vận hành của tự nhiên cùng với những hiện tượng, biểu hiện cụ thể, đa dạng của nó. Đồng thời, con người cần có năng lực vận dụng đúng đắn các quy luật của tự nhiên vào mọi hoạt động thực tiễn của mình, cũng như cần tạo ra một cuộc sống hài hòa, hòa hợp với tự nhiên. Hơn

nữa, không chỉ thiết lập đạo đức sinh thái ở từng cá nhân mà còn phải tạo dựng nó ở trên diện rộng, trên mỗi dân tộc, quốc gia và rộng hơn là cả nhân loại.

Một phần của tài liệu Xây dựng đạo đức sinh thái ở Việt Nam hiện nay (Trang 29)