Những nhân tố ảnh hưởng tới việc xây dựng đạo đức sinh thái ở

Một phần của tài liệu Xây dựng đạo đức sinh thái ở Việt Nam hiện nay (Trang 34)

ở Việt Nam hiện nay

1.3.1.Các giá trị đạo đức sinh thái truyền thống

Trong quan niệm của một số tôn giáo và triết học phương Đông truyền thống, con người không đối lập với tự nhiên mà luôn luôn được coi là một thành tố, một bộ phận của giới tự nhiên. Nho giáo cho rằng, con người sống giữa trời đất, giữa vạn vật nên quan hệ của con người với trời đất là quan hệ “thiên nhân cảm ứng”. Tương tự như vậy, Đạo giáo cũng coi trọng sự hòa hợp thống nhất của con người trong quan hệ với tự nhiên, với vạn vật trong vũ trụ. Quan niệm về sự hài hòa của Lão tử chứa đựng hai nội dung chính: con người và trời đất dựa vào nhau để tồn tại, phát triển (Thiên nhân hợp nhất), quan hệ thuận hòa giữa con người với con người. Với quan niệm ấy, ông đã đưa ra một triết lý nhân sinh con người phải sống thanh tịnh, thuận theo tự nhiên, không trái với tự nhiên. Trang tử quan niệm rằng, giữa vật và ta có sự bình đẳng, trời đất vạn vật với ta là một. Phật giáo nguyên thủy coi mọi vật và hiện tượng trong vũ trụ đều có quan hệ chặt chẽ với nhau. Ở Việt Nam, tư tưởng về sự hòa hợp giữa con người và tự nhiên cũng xuất hiện khá sớm. Hòa cùng những tư tưởng đạo đức, văn hóa phương Đông, đạo đức sinh thái truyền thống Việt Nam mang một số giá trị nhất định về triết lý sống.

Lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử của truyền thống sống “hòa hợp với thiên nhiên” được xây dựng trên cơ sở kết hợp nhuần nhuyễn giữa triết học nhân sinh phương Đông vốn chịu ảnh hưởng sâu sắc của Đạo Nho, đạo Phật và đạo Lão với lối tư duy thực tế của người dân lao động luôn gắn bó với thiên nhiên. Triết lý sống này được thể hiện ở ba quan niệm cơ bản phản ánh ba mức độ khác nhau của mối quan hệ giữa con người với tự nhiên.

Một là quan niệm Thiên – Nhân hợp nhất. Đây là quan niệm sơ khai nhất

là một khối thống nhất bền chặt, không thể tách rời. Với quan niệm này, con người Việt Nam trải qua bao đời với nhiều sóng gió, gian truân vẫn sống hòa đồng với thiên nhiên, nương nhờ và thuận theo thiên nhiên. Quan niệm này phù hợp với đời sống sản xuất nông nghiệp, trồng lúa nước ở trình độ canh tác thấp, phụ thuộc nhiều vào tự nhiên.

Hai là quan niệm “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Trong một xã

hội còn kém phát triển, đặc biệt là lực lượng sản xuất còn quá lạc hậu, con người chưa có đủ năng lực và điều kiện để khai thác thiên nhiên một cách triệt để nhằm mưu sinh, mưu lợi cho mình. Quan niệm này đưa con người đến chỗ tôn thờ thiên nhiên: “ơn trời mưa nắng phải thì”, “lạy trời mưa xuống”. Việc mượn danh các thần linh như “Đất có thổ công, sông có hà bá”, rừng núi có sơn thẩn, biển cả có Thủy thần hay các thần Mặt trời, Sấm sét, Lửa thể hiện người Việt Nam không chỉ yêu quí mà còn rất biết ơn, quý trọng thiên nhiên, thậm chí phụ thuộc một cách mù quáng vào các lực lượng thiên nhiên đó. Bởi vì theo quan niệm dân gian, tôn thờ thần linh chính là tôn thờ thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên. Và luật tục vốn có thể coi là bộ luật nhân gian về bảo vệ môi trường tự nhiên đã xuất hiện trên cơ sở tôn thờ các thần linh, tôn thờ thiên nhiên đó.

Ba là quan niệm “Nhân định thắng Thiên”. Khác với hai quan niệm

trên, quan niệm này tạo cho con người tính năng động nhất định trong quan hệ với thiên nhiên, không chịu bó tay ngồi chờ trời đất ban bổng lộc, phước lành mà trong chừng mực nhất định có thể chiến thắng được thiên tai bằng sức mạnh của chính mình. Khi lũ lụt, ngập lụt thì con người “nghiêng đồng đổ nước ra sông”, khi nắng nóng khô hạn thì “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa”. Con người chiến đấu với thiên tai, chiến thắng thiên tai để có thể thích ứng, hòa nhập nhiều hơn với thiên nhiên chứ không phải là để xa rời hay đối lập với nó. Đó chính là sự chinh phục tự nhiên một cách hợp lý, trong khuôn khổ giới hạn của nó. Và hành vi ứng xử như thế chứng tỏ một tình yêu thiên nhiên rộng mở.

Con người Việt Nam yêu thiên nhiên, sống gắn bó với thiên nhiên vì họ hiểu những giá trị, những lợi ích to lớn mà thiên nhiên mang lại cho họ: “rừng vàng biển bạc”, “tấc đất tấc vàng”. Lối ví von thiên nhiên như vàng, như bạc không chỉ có nghĩa là thiên nhiên giàu có mà còn chứng tỏ rằng thiên nhiên trong tâm khảm người Việt là vô cùng quý giá, là nguồn sống, nguồn của cải vật chất mà con người phải tôn trọng, bảo vệ, giữ gìn không chỉ cho thế hệ hôm nay mà còn cho các thế hệ mai sau.

Thiên nhiên còn là nguồn cảm hứng thẩm mỹ vô hạn đối với con người: “Đường vô xứ Nghệ quanh quanh, Non xanh nước biếc như tranh họa đồ”. Thiên nhiên càng trở nên sinh động, tươi đẹp hơn khi hòa quyện với hình ảnh người lao động: “Cô kia tát nước bên đàng, Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi” hay “Trên đồng cạn, dưới đồng sâu, Chồng cày, vợ cấy con trâu đi bừa”. Với nguồn cảm hứng sâu sắc trước thiên nhiên, con người đã khám phá ra, xây dựng nên những công trình kiến trúc như đền chùa, miếu mạo tuy không đồ sộ, hoành tráng nhưng sâu lắng, hài hòa, phù hợp với tâm thức người Việt, như Chùa Hương, Chùa Non Nước, chùa Tây Phương, đền Hùng, động Phong Nha, Côn sơn, lăng tẩm ở cố đô Huế. Đấy thực sự là những quần thể sinh thái – nhân văn đẹp hài hòa giúp con người thư giãn, thưởng ngoạn cảnh đẹp và sự linh thiêng trong các dịp lễ, hội để có thể phục hồi sức lực, cân bằng tinh thần sau bao lao động mệt nhọc, vất vả.

Con người Việt Nam yêu thiên nhiên bởi thiên nhiên còn là cội nguồn của tình yêu tổ quốc, hay nói cách khác, lòng yêu nước bắt nguồn từ tình yêu thiên nhiên. Tình yêu Tổ quốc – lòng yêu nước của người Việt Nam không phải là cái cá biệt, nhất thời mà đã trở thành một cái trục chính của ý thức hệ Việt Nam, là cội nguồn sản sinh và nuôi dưỡng của các giá trị tiêu biểu của văn hóa Việt Nam. Do đó, lòng yêu nước trở thành chủ nghĩa yêu nước, nó được bắt nguồn từ tình yêu quê hương cụ thể là từ mái nhà tranh, cánh đồng làng, lũy tre xanh, cây đa, bến nước, sân đình đến tình yêu đất nước bao la của cả dân tộc.

Con người Việt Nam yêu thiên nhiên, gắn bó máu thịt với mảnh đất thân yêu này. Do đó, ngay từ xa xưa đã biết từng bước cải tạo để thích ứng, hội nhập dần dần với nó. Lối sống nương nhờ vào thiên nhiên là cách ứng xử thích hợp nhất của con người Việt nam đối với tự nhiên. Biểu hiện là việc con người đã sử dụng những sản phẩm của tự nhiên như: tre nứa, gỗ lạt, mây tre măng trúc để làm nhà, thức ăn, thức uống khai thác ở sông suối, đánh bắt ở biển để chế biến thức ăn trong bữa ăn, đặc biệt có những sản vật nổi tiếng được chế biến từ cá, tôm, canh cua....Trong kiến trúc nhà cửa: con người đã biết nhắm hướng nhà, hướng đất, tránh hướng gió độc, đón lấy hướng mặt trời, hay xây dựng nhà cửa gần sông suối để tiện nước sinh hoạt, trồng trọt. Một điểm đăc biệt trong kiến trúc nhà cửa, là các kiến trúc đều thuận theo thuật phong thủy. Đó là sự hài hòa giữa thế đất, thế núi, nguồn nước...Điều này thể hiện rất rõ trong kiến trúc kinh thành như thành Thăng Long, thành nhà Hồ, kinh thành Huế...hay trong thuyết tam tài của người dân là: "thiên - địa - nhân".

Văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên của con người còn được thể hiện trong cách ăn mặc của người dân. Đó là cách ứng xử mùa nào thức nấy, mùa hè mặc chất liệu vải mát, mùa đông màu áo chất liệu vải giữ nhiệt..., hay trong kinh nghiệm sản xuất, trị thủy, dự báo thời tiết, mùa nào thì nên trồng cây nào cho thích hợp... Để có thể sống nương nhờ vào thiên nhiên mà không hoàn toàn lệ thuộc vào nó, con người buộc phải hiểu tự nhiên, nắm được quy luật hoạt động của các lực lượng thiên nhiên như nắng, mưa, bão, lũ, trăng sao… để đề phòng và kịp thời ứng phó với những biến đổi bất thường của thiên nhiên, hạn chế đến mức thấp nhất những tác hại của thiên tai. Thông qua quá trình sống, lao động sản xuất, người nông dân bằng cách tích lũy kinh nghiệm trên cơ sở quan sát hoạt động của các con vật (“Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng, bay vùa thì râm”), trạng thái của mây gió, sấm chớp (“Ráng mỡ gà, ai có nhà phải chống”, “mống dài thì lụt, mống cụt thì mưa”), đã dần dần hình thành nên một kho tri thức dân gian vô cùng phong phú, đa dạng. Cái vốn kinh nghiệm sống đó trở thành vốn tri thức

cần thiết cho con người ở mọi thế hệ, nó hướng dẫn, quy định nếp sống, nếp ăn, nếp mặc, nếp ở của người Việt Nam.

Một biểu hiện rõ nét nữa của văn hóa sinh thái truyền thống là ở cách khám chữa bệnh dân gian. Các danh y nổi tiếng ở Việt Nam như Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông khi tiếp thu nền y học Trung Hoa đã có những cải biến phù hợp với cây thuốc Việt Nam, con người Việt Nam. Người Việt chữa bệnh không phải chỉ bằng thuốc mà còn bằng ăn uống. Vì vậy, thuốc chữa bệnh xung quanh con người cả thiên nhiên là một kho thuốc khổng lồ, một kho dược liệu không bao giờ hết. Đó cũng là một cách sống nương nhờ vào thiên nhiên của người Việt Nam.

Những giá trị đạo đức sinh thái truyền thống của người Việt Nam kể trên được hình thành trên cơ sở những quan niệm, triết lý nhân gian và chịu ảnh hưởng của những tư tưởng đạo đức Nho giáo, Phật giáo, Lão giáo. Trong giai đoạn hiện nay, cần phải kế thừa, phát triển những giá trị đạo đức truyền thống cho phù hợp với thực tiễn đất nước, xây dựng những giá trị đạo đức sinh thái theo hướng gắn truyền thống với hiện đại, dân tộc với quốc tế, cá nhân với xã hội, con người với tự nhiên.

Trước đây, trong quan hệ ứng xử của con người với giới tự nhiên mới chỉ thể hiện ở trình độ thấp, theo cách thụ động khai thác, sử dụng tự nhiên dựa vào kinh nghiệm và quan niệm “Thiên – Địa – Nhân hòa đồng”, “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên”. Điều đó làm cho con người mất tính năng động, sáng tạo, kìm hãm sự phát triển của xã hội. Trong xã hội hiện nay, điều này không còn phù hợp mà đòi hỏi cần phải có một chuẩn mực đạo đức sinh thái mới định hướng cho hành vi đạo đức sinh thái của con người.

Vấn đề đặt ra là chúng ta cần phải xây dựng đạo đức sinh thái mới trên cơ sở chọn lọc, kế thừa, phát triển những giá trị đạo đức sinh thái truyền thống phù hợp với điều kiện phát triển hiện nay. Triết lý sống hài hòa với thiên nhiên hiện nay vẫn còn nguyên giá trị nhưng nội dung của nó cần phải đổi khác. Ngày nay, con người sống hài hòa với thiên nhiên, trên cơ sở khai thác các nguồn tài

nguyên thiên nhiên để phục vụ cho cuộc sống của mình và phát triển đất nước. Nghĩa là con người không chỉ biết khai thác thật nhiều, thật nhanh các giá trị sử dụng của thiên nhiên bằng những công cụ và kỹ thuật hiện đại. Để thỏa mãn nhu cầu và lợi ích của mình, con người cũng cần phải tái tạo, duy trì, bảo vệ giới tự nhiên, bảo vệ cuộc sống của chính mình. Nói cách khác là con người cần phải biết bù đắp lại cho tự nhiên, biết nắm được cái ngưỡng chịu đựng của tự nhiên, để đảm bảo khả năng tái tạo và phục hồi của tự nhiên. Bên cạnh đó, sống hài hòa với thiên nhiên phải tuân theo nguyên tắc phát triển bền vững – một nguyên tắc mà ta đang hướng đến trong quá trình phát triển khoa học công nghệ và xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Một phần của tài liệu Xây dựng đạo đức sinh thái ở Việt Nam hiện nay (Trang 34)