Cơ sở lý luận để xây dựng đạo đức sinh thái

Một phần của tài liệu Xây dựng đạo đức sinh thái ở Việt Nam hiện nay (Trang 25)

Triết học có nhiệm vụ giải quyết vấn đề phương pháp luận trong quá trình xây dựng ý thức đúng đắn của con người trong quan hệ với tự nhiên. Có thể nói, những nguyên lí cơ bản của mối quan hệ giữa con người với tự nhiên trong triết học Mác là cơ sở lí luận vững chắc để xây dựng đạo đức sinh thái mới.

Các tư tưởng triết học trước Mác, cả ở phương Đông và Phương Tây, về mối quan hệ giữa con người với giới tự nhiên có nhiều yếu tố tích cực, nhưng cơ bản còn mang tính chất duy tâm, siêu hình. Kế thừa những tư tưởng tích cực, khắc phục những hạn chế, khi xem xét mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, C.Mác và Ăngghen đã đưa ra những tư tưởng đúng đắn dựa trên các căn cứ khoa học. Một trong những tư tưởng nổi bật được cả xã hội loài người thừa nhận đó là xã hội không thể tồn tại và phát triển, nếu không có quá trình thường xuyên sản xuất và tái sản xuất. Theo các nhà kinh điển, hoạt động sản xuất là hoạt động cơ bản, đặc trưng riêng của con người. Chính

C.Mác là người đầu tiên tìm ra cái quy luật giản đơn rằng con người trước hết cần phải ăn uống, chỗ ở và mặc đã rồi mới có thể làm chính trị, khoa học, nghệ thuật, tôn giáo…Và chính trong quá trình hoạt động sản xuất mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, với xã hội được hình thành. Theo các ông, con người và xã hội không phải là những bộ phận bình thường mà là những bộ phận đặc biệt của cái toàn thể. Những bộ phận ấy, một mặt tuân theo những quy luật của giới tự nhiên, mặt khác tuân theo những quy luật của riêng bản thân chúng, có bản chất riêng của chúng. Cụ thể là hoạt động có ý thức của con người đóng vai trò ngày càng tăng lên, thậm chí quyết định sự tồn tại và chiều hướng phát triển của chính mình cũng như của giới tự nhiên. Với quan niệm đó, C.Mác kết luận rằng, chừng nào mà loài người còn tồn tại thì lịch sử của họ và lịch sử của tự nhiên quy định lẫn nhau. Theo đó, quan hệ giữa con người và tự nhiên là quan hệ đồng tiến hóa, cùng tồn tại và phát triển. Con người và xã hội loài người không thể có sự ổn định, bền vững và hài hòa nếu con người đối xử thô bạo với tự nhiên – thân thể vô cơ của mình

Ở phương Tây tồn tại khuynh hướng đề cao đến mức tuyệt đối hóa con người trong mối quan hệ với tự nhiên. Triết học Hi – La cổ đại tôn vinh vị trí và vai trò của con người. Protago coi con người là thước đo của vạn vật. Chủ nghĩa duy lí thế kỉ XVII – XVIII đã nhấn mạnh rằng, con người là trung tâm của vũ trụ, là chúa tể của giới tự nhiên. Kitô giáo quan niệm thế giới và con người là sản phẩm do Chúa tạo nên, con người là hình ảnh của Chúa nên con người cũng có khả năng sáng tạo và có quyền thống trị giới tự nhiên. Những quan niệm đó là cơ sở cho sự nảy nở và phát triển triết lý con người chinh phục theo kiểu “thống trị”, “tước đoạt” tự nhiên trong suốt một thời gian dài để lại những hậu quả môi trường to lớn mà ngày nay con người đang nỗ lực tìm cách khắc phục.

Với luận điểm nổi tiếng là triết học không chỉ giải thích thế giới mà còn cải tạo thế giới – triết học Mác cũng không nằm ngoài truyền thống con người chinh phục tự nhiên của văn hóa Châu Âu. Tuy nhiên, cái triết lí con người cải tạo thế giới và chinh phục tự nhiên của C.Mác khác hẳn với những quan

niệm trước đó. C.Mác và Ăngghen một mặt khẳng định con người với năng lực và sự sáng tạo phi thường của mình – có thể cải tạo thế giới, trong đó có giới tự nhiên; mặt khác lại cho rằng sự tác động của con người vào giới tự nhiên có thể gây nên những hậu quả môi sinh nghiêm trọng không lường trước được. Quan điểm của C.Mác phản ánh chính logic nội tại của thực tiễn. Bởi hoạt động lao động nhằm cải tạo tự nhiên là tiền đề, điều kiện cần thiết để con người duy trì sự tồn tại và phát triển của mình.

Tuy nhiên, con người cũng chỉ là một bộ phận của giới tự nhiên nên nó không thể đối xử với tự nhiên bằng thái độ và hành động của kẻ đứng ngoài, bất chấp các quy luật của tự nhiên. Do vậy, để tạo nên quan hệ hài hòa giữa con người và tự nhiên – nền tảng cho sự phát triển bền vững của xã hội, con người phải thay đổi nhận thức về vai trò của giới tự nhiên, về vị trí của con người trong hệ thống tự nhiên – xã hội – con người, cần phải nâng cao hiểu biết của con người về cái thân thể vô cơ, đồng thời tự giác điều chỉnh hành động của mình phù hợp với quy luật của giới tự nhiên.

Một trong những ưu thế làm nên sự khác biệt giữa con người với các loài động vật khác là ở chỗ con người biết tư duy, có thể nhận thức được các quy luật khách quan của tự nhiên và hành động ngày càng phù hợp với các quy luật ấy. Với quan điểm biện chứng khoa học, Ăngghen khẳng định: “sự thống trị của chúng ta đối với giới tự nhiên là ở chỗ, chúng ta khác với tất cả các sinh vật khác, là chúng ta nhận thức được những quy luật của giới tự nhiên và có thể sử dụng những quy luật ấy một cách chính xác” [45,655]. Nhờ có năng lực nhận thức và sử dụng được những quy luật của giới tự nhiên, con người có thể dự báo, tiên đoán được những hậu quả của môi sinh để chủ động định hướng và điều chỉnh hành động của mình.

Như vậy, có thể nói khi nhấn mạnh năng lực chinh phục giới tự nhiên của con người, C.Mác và Ăngghen chỉ hàm ý đề cập đến hoạt động mang tính tự giác của con người – hoạt động tiến hành trên cơ sở nhận thức những quy luật của tự nhiên, chứ không phải là những hành động mù quáng theo kiểu “thống

trị”, “cưỡng đoạt”, bất chấp quy luật nội tại, khách quan của giới tự nhiên. Triết lý của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên đã chỉ rõ cơ sở hiện thực của chiến lược phát triển bền vững mà ngày nay con người đang hướng tới.

Từ những năm 80 của thế kỷ XX, cách nhìn nhận về vai trò của tự nhiên đối với sự phát triển trong hiện tại và tương lai của thế giới ngày càng hiện thực hơn và chính xác hơn. Con người, tự nhiên và xã hội với tính cách những tiểu hệ thống được xem xét trong một chỉnh thể thống nhất. Các yếu tố đó luôn có sự liên hệ chặt chẽ và tác động lẫn nhau, chứ không phải chỉ có chiều con người, xã hội tác động đến tự nhiên, giới tự nhiên cũng được con người nhìn nhận một cách biện chứng hơn. Theo đó, có ý kiến cho rằng “tự nhiên không phải là một tập hợp các khách thể mà là một cộng đồng các khách thể” [50, 33]. Trong cộng đồng tự nhiên đó con người chỉ là một thành viên và mọi sinh vật đều có quyền tồn tại, do đó con người cần phải tôn trọng cái quyền ấy của các sinh vật khác.

Nhìn nhận vấn đề từ góc độ giá trị và đạo đức, Aurelio Peccei quan niệm rằng, mỗi một hình thể sống được tự nhiên sinh ra và trải qua quá trình tiến hóa lâu dài đều là một thể vi mô chứa đựng trong nó những nguồn thông tin quý giá. Theo ông “nếu hủy hoại những hình thể của sự sống, dù vô tình hay cố ý, con người sẽ phạm vào tội ác còn lớn hơn việc đốt cháy các thư viện, bởi làm cho chúng trở nên tuyệt chủng đồng nghĩa với sự hủy diệt những nguồn thông tin không đâu có, ngoài những hình thức tự nhiên và ưu việt kia. Đồng thời, xét từ góc độ đạo đức nếu làm như vậy thì con người đã vô tình loại trừ nhiều dạng sống mà lẽ ra chúng có quyền tồn tại” [54,122].

Yêu cầu bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường còn được tiếp cận từ góc độ khác – sự công bằng giữa các thế hệ hiện tại và thế hệ tương lại về quyền được hưởng thụ những tài nguyên và sống trong môi trường trong sạch. Nhiều nhà khoa học đưa ra quan niệm cho rằng sự phát triển của thế hệ hiện tại không phải là dựa vào sự thừa kế tài nguyên thiên nhiên của ông cha để lại mà là vay

mượn của con cháu mình. Vì thế, các lựa chọn phát triển, ngoài việc đáp ứng nhu cầu của những thế hệ hiện tại, còn phải tính đến lợi ích, quyền lợi của thế hệ tương lai. Hiện nay, các nguyên tắc của phát triền bền vững là cơ sở chung nhất cho việc xây dựng các chuẩn mực đạo đức sinh thái mới.

Do vậy, con người cần phải thay thế quan niệm cho rằng con người là chúa tể của muôn loài, có quyền năng vô hạn trước tự nhiên bởi quan niệm này đã đưa đến những hành động thái quá thậm chí những hành động mang tính cực đoan với tự nhiên. Phát triển xã hội một cách bền vững và hài hòa trên cơ sở đồng tiến hóa giữa con người với tự nhiên là một cái đích mà con người đương đại đang hướng đến. Việc xây dựng đạo đức sinh thái bởi vậy là một yêu cầu tất yếu và có ý nghĩa lý luận sâu sắc.

Một phần của tài liệu Xây dựng đạo đức sinh thái ở Việt Nam hiện nay (Trang 25)