Cách mạng là gì? Cách mạng khó hay dễ?

Một phần của tài liệu Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của nhân dân trong cuộc vận động giải phóng dân tộc từ 1925 đến 1945 (Trang 47)

7. Kết cấu của luận văn

2.1.1.Cách mạng là gì? Cách mạng khó hay dễ?

Trả lời cho câu hỏi Cách mạng là gì, trong bài phê bình cuốn sách Cách mạng của Nguyễn Thượng Huyền, Nguyễn Ái Quốc đã trình bày rõ khái niệm “cách mạng” theo quan niệm mới. Người viết: “Trong ngôn ngữ Pháp có những

ngôn ngữ khác nhau “cải cách”, “tiến hóa”, “cách mạng”. Tiến hóa là một loạt những cải biến hòa bình và liên tục; cải cách là sự thay đổi nhiều hoặc ít trong thể chế của một nước, là sự thay đổi có thể hoặc không có thể sử dụng đến bạo lực. Sau những cuộc cải cách vẫn thường giữ lại chút ít hình thức ban đầu. Cách mạng là sự thay thế toàn bộ chế độ cũ bằng một chế độ mới”[88, tr.139]. Trong những bài viết trên tờ Thanh Niên, trong Đường cách mệnh, Nguyễn Ái Quốc tiếp tục trình bày quan điểm mới mẻ về cách mạng. Người đã chỉ ra rõ ràng những hình thức không phải là cách mạng, chẳng hạn như: sự thay thế liên miên bằng bạo lực các chế độ quân chủ trong lịch sử Việt Nam và Trung Quốc; những hành động bạo lực chống ách đô hộ của thực dân Pháp như phong trào chống thuế năm 1908, vụ đầu độc lính Pháp ở Hà Nội, cuộc khởi nghĩa của Thái Nguyên năm 1917… Đó chẳng qua chỉ là những hành động bạo động dù có đạt mục đích gì cũng không đạt tới sự thay đổi căn bản. Vì thế, theo Nguyễn Ái Quốc, một cuộc cách mạng diễn ra phải chứa đựng trong đó hai hành động chủ yếu đồng thời: vừa xóa bỏ chế độ xã hội cũ vừa xây dựng trên đó một chế độ mới, một xã hội mới. Nói cách khác, theo quan niệm của Nguyễn Ái Quốc, cuộc cách mạng bao gồm sự cải biến toàn bộ trật tự chính trị, kinh tế và xã hội. Người viết: “cách mạng là sự thay đổi từ xấu sang tốt. Đó là toàn bộ những hành động qua đó nhân loại bị áp bức trở nên hùng mạnh. Lịch sử của một xã hội đã dạy cho chúng ta rằng cách mạng thường diễn ra luôn, rằng cách mạng mới đưa lại cho chính phủ, giáo dục, công nghiệp, tổ chức xã hội,… một hình thức tốt đẹp hơn”[88, tr.139]. Và trong cuốn Đường cách mệnh cũng nêu ra một định nghĩa tương tự về cách mạng: “cách mạng là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt” [55, tr. 284]. Người lấy ví dụ: ông Gali lê (1633) là khoa học cách mệnh. Ngày xưa ai cũng tưởng rằng, trời tròn đất vuông, nhân kinh nghiệm và trắc đạc ông ấy mới quyết rằng trái đất tròn, chạy chung quanh mặt trời, ông Các Mác là kinh tế học cách mệnh. Ông ấy nghiên cứu rõ tư bản chủ nghĩa, đế quốc chủ nghĩa, giai cấp tranh đấu….ở đâu mà sinh ra, lịch sử nó thế nào, hiện tượng nó thế nào và kết quả của nó sẽ ra sao…

Tiếp đó, Nguyễn Ái Quốc xác định cách mạng bao gồm hai thời kỳ: “thời kỳ phá hủy” và “thời kỳ xây dựng lại” và chỉ ra nội dung chủ yếu của mỗi thời kỳ:

“Mục đích của thời kỳ đầu là lật đổ chính phủ chuyên chế. Ở An Nam nơi mà nhân dân bị làm cho ngu độn, bị đối xử như con vật, bị bóc lột và bị áp bức cần phải dùng lối tuyên truyền khéo léo để thức tỉnh những người vô sản nam lẫn nữ, khắc sâu trong họ nỗi khổ nhục nô lệ và tình đoàn kết, thống nhất họ thành một khối vững mạnh thôi thúc họ chống lại những tên bạo chúa và đưa họ giành lại những quyền của họ.

Mục đích của thời kỳ thứ hai là phát huy có chủ đích thắng lợi của cách mệnh, vì vậy, sau khi đánh đuổi người Pháp ra khỏi bờ cõi chúng ta, chúng ta cần phải tiêu diệt những phần tử phản cách mạng, xây dựng đường xá giao thông, phát triển thương mại và kỹ nghệ, giáo dục nhân dân sống trong hòa bình và hạnh phúc”[88, tr. 140].

Vậy cách mạng khó hay dễ? Nguyễn Ái Quốc đã chỉ ra: “Sửa cái xã hội cũ đã mấy ngàn năm làm xã hội mới, ấy là rất khó” và Người khẳng định: “Nhưng biết cách làm, biết đồng tâm hiệp lực mà làm thì chắc làm được thế thì không khó. Khó dễ cũng tại mình, mình quyết chí làm thì làm được”[55, tr. 288].

Như vậy, theo Nguyễn Ái Quốc, cuộc cách mạng mà chúng ta tiến hành là

một việc làm hết sức khó khăn nhưng có phương pháp cách mệnh chắc chắn sẽ làm

được. Đường cách mệnh đã khẳng định: Muốn làm cách mạng phải làm cho dân giác ngộ, phải giảng giải lý luận và chủ nghĩa cho dân hiểu, phải bày sách lược, cách thức cho dân đấu tranh. Báo Thanh niên đã giành rất nhiều số để phân tích về vấn đề giác ngộ dân chúng, giác ngộ công nông: cách mạng là một sự nghiệp lớn và không phải một vài người làm nổi, không phải dăm ba người làm xong, muốn làm được phải có sức mạnh của đông đảo quần chúng. Dân chúng chỉ hành động khi nào được giác ngộ. Muốn làm cho dân chúng giác ngộ phải làm cho họ hiểu được học thuyết cách mạng… Phương pháp cách mạng của Hồ Chí Minh được thể hiện tập trung nhất trong chiến lược ba giai đoạn của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Chiến lược đó chứa đựng đầy đủ những tư tưởng chuẩn bị những điều kiện cần thiết để khi có tình thế sẽ thực hiện bước cuối cùng của nó - lật đổ chế độ cũ xây dựng chế độ mới. Ba giai đoạn đó là:

“Giai đoạn 1: Giai đoạn tổ chức.Trong giai đoạn này bí mật tuyên truyền nhằm thu hút những phần tử chống thực dân phong kiến vào sự nghiệp cách mạng và tổ chức ra những chi bộ cách mạng.

Giai đoạn 2: Giai đoạn cổ động, tuyên truyền hay là giai đoạn nửa công khai. Ở giai đoạn này tổ chức cách mạng đã có nhiều đảng viên phải phát động những cuộc đấu tranh chính trị, kinh tế và đôi khi cả những hoạt động khủng bố, những đình công, bãi khóa, bãi thị được kèm theo những tiếng nổ để kích động quần chúng.

Giai đoạn 3: Giai đoạn khởi nghĩa. Ở giai đoạn cuối này, các tổ chức cách mạng khắp các xứ Đông Dương và trong mọi tầng lớp xã hội tiến hành hoạt động nhằm lật đổ chính phủ và tổ chức chính quyền cách mạng. Nhiệm vụ của giai đoạn này là lật đổ chế độ thực dân và thiết lập một chế độ chinh phủ mới; tuyên truyền trong bộ phận nhân dân chưa tham gia hoạt động cách mạng; tổ chức lại xã hội bao gồm việc cải cách hệ thống giáo dục, chế độ thuế khóa và lực lượng vũ trang theo những nguyên tắc hoạt động cách mạng”[88, tr. 146-147].

Chiến lược ba giai đoạn đã để lại những dấu ấn rất sâu đậm trong toàn bộ hoạt động của Đảng ta từ ngày thành lập đến ngày giành chính quyền trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Chiến lược ba giai đoạn đó đã dạy cho Đảng ta kiên trì chuẩn bị lực lượng, không nôn nóng đốt cháy giai đoạn, biết thắng địch từng bước để cuối cùng khi thời cơ đến dốc toàn bộ lực lượng cho tổng tiến công giành chính quyền.

Một phần của tài liệu Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của nhân dân trong cuộc vận động giải phóng dân tộc từ 1925 đến 1945 (Trang 47)