Quan niệm của chủ nghĩa Mác-Lênin

Một phần của tài liệu Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của nhân dân trong cuộc vận động giải phóng dân tộc từ 1925 đến 1945 (Trang 30)

7. Kết cấu của luận văn

1.1.4.Quan niệm của chủ nghĩa Mác-Lênin

Chúng ta biết rằng, khi chủ nghĩa Mác chưa ra đời, triết học duy tâm và triết học duy vật đều không giải thích đúng đắn về vai trò của nhân dân và cá nhân trong lịch sử.

Chỉ có chủ nghĩa Mác - Lênin, lần đầu tiên đã phát hiện ra vai trò quyết định của quần chúng nhân dân trong lịch sử và xác định mối quan hệ đúng đắn giữa vai trò của cá nhân và của quần chúng nhân dân trong sự phát triển của xã hội. Đó là một chuyển biến cách mạng trong nhận thức về lịch sử, giúp cho chính đảng cách mạng của giai cấp vô sản có thêm căn cứ khoa học để xây dựng đúng đắn đường lối, chiến lược, sách lược, đưa sự nghiệp cách mạng của giai cấp vô sản đi đến thắng lợi hoàn toàn. Đó cũng là một biểu hiện nhân sinh quan của những người cộng sản suốt đời phấn đấu cho sự nghiệp giải phóng quần chúng nhân dân khỏi áp bức, bóc lột.

Chủ nghĩa Mác - Lênin khẳng định: Quần chúng nhân dân là người sáng tạo chân chính ra lịch sử. Họ đóng vai trò quyết định trong hoạt động sản xuất, là người trực tiếp làm ra của cải vật chất để đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của xã hội.

Quần chúng nhân dân không phải là khái niệm bất biến, trừu tượng, mà nó mang tính chất lịch sử cụ thể trong xã hội có giai cấp, nó mang nội dung giai cấp, nó thay đổi theo hình thái kinh tế - xã hôi. Phần lớn quần chúng nhân dân lao động trong xã hội chiếm hữu nô lệ là nô lệ, trong chế độ phong kiến là nông dân, trong xã

hội tư bản là giai cấp vô sản, và chỉ có trong xã hội cộng sản chủ nghĩa tương lai thì quần chúng nhân dân mới là tất cả mọi người có trong xã hội.

Như vậy, lịch sử của xã hội loài người, trước hết là lịch sử phát triển sản xuất, lịch sử của sự thay đổi phương thức sản xuất khác nhau qua các thời đại lịch sử của những người sản xuất, của quần chúng nhân dân lao động. Hoạt động sản xuất của quần chúng lao động là điều kiện cơ bản quyết định sự tồn tại và phát triển của xã hội.

Quần chúng nhân dân còn là động lực cơ bản của mọi cuộc cách mạng xã hội. Trong xã hội có giai cấp, chính cuộc đấu tranh của những giai cấp bị bóc lột chống lại giai cấp bóc lột, thống trị là động lực thúc đẩy các xã hội có giai cấp phát triển. Mâu thuẫn lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất trong xã hội có giai cấp biểu hiện thành những mâu thuẫn giữa các giai cấp đối kháng và cuộc đấu tranh giai cấp một mất, một còn. Cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân lao động bị áp bức, bóc lột chống lại giai cấp thống trị phát triển từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn. Chính trong quá trình lâu dài của cuộc đấu tranh giai cấp mà quần chúng nhân dân lao động ngày càng được giác ngộ và được tổ chức lại, lực lượng cách mạng của họ ngày càng phát triển.

V.I.Lênin đã khẳng định: “Cách mạng là ngày hội của những người bị áp bức và bóc lột, không lúc nào quần chúng có thể tỏ ra là người tích cực sáng tạo ra những trật tự xã hội mới trong thời kỳ cách mạng, trong những thời kỳ như thế... thì nhân dân có thể làm ra được những kỳ công” [50, tr. 131].

Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Không có sự tham gia tích cực của đông đảo quần chúng lao động thì nhất định không thể có những chuyển biến trong lịch sử. Lịch sử loài người đã chứng minh chân lý đó. Chính cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp nô lệ là động lực chính làm cho xã hội loài người chuyển từ chế độ chiếm hữu nô lệ sang chế độ phong kiến. Cuộc đấu tranh giai cấp của nông nô là động lực chính làm cho xã hội tiến từ chế độ phong kiến lên chế độ tư bản. Cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp công nhân và nông dân lao động là động lực cơ bản để thủ tiêu chủ nghĩa tư bản và xây dựng chủ nghĩa cộng sản. Đấu tranh cách mạng của quần chùng nhân dân lao động là động lực phát triển của xã hội.

Quần chúng nhân dân chẳng những đóng vai trò quyết định trong sản xuất, trong cách mạng xã hội, mà còn đóng vai trò to lớn trong sự phát triển của văn học, nghệ thuật, khoa học... Quần chúng nhân dân là nguồn duy nhất vô tận của các sáng tác về văn hoá tinh thần của nhân loại.

Khẳng định vai trò to lớn của quần chúng nhân dân, song chủ nghĩa Mác - Lênin không phủ nhận to lớn vai trò của lãnh tụ trong tiến trình cách mạng. Vai trò của lãnh tụ đó, của vĩ nhân đó chỉ có thể thực hiện trong mối quan hệ mật thiết với vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử, vì chính từ phong trào của quần chúng nhân dân mà nảy sinh ra lãnh tụ, nếu lãnh tụ tách khỏi quần chúng nhân dân, không được quần chúng nhân dân ủng hộ, lãnh tụ đó sẽ mất tác dụng và bị lịch sử phế bỏ.

Cách mạng vô sản là cuộc cách mạng khác căn bản so với các cuộc cách mạng đã có trong lịch sử. Đó là cuộc cách mạng của nhân dân lao động, do nhân dân lao động tiến hành, đưa lại lợi ích cho nhân dân lao động do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo, là cuộc cách mạng sâu sắc, toàn diện và triệt để nhất. Quần chúng nhân dân là người làm nên lịch sử, cách mạng là sự nghiệp của chính bản thân quần chúng nhân dân, do quần chúng nhân dân và vì quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, để phát huy được sức mạnh to lớn của nhân dân, nhân dân cần được tổ chức, tập hợp, giác ngộ để có ý thức và hoạt động một cách tự giác. Lênin chỉ rõ: Một nước mạnh là nhờ ở sự giác ngộ của quần chúng. Nước mạnh là khi quần chúng biết rõ tất cả mọi cái, quần chúng có thể phán đoán được về mọi cái và đi vào hoạt động một cách có ý thức. Nhận thức rõ vấn đề đó, V.Lênin khẳng định: “Hãy cho chúng tôi một tổ chức những người cách mạng, và chúng tôi sẽ làm đảo lộn nước Nga lên”.

Đánh giá về vai trò của chủ nghĩa Mác - Lênin đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lênin” và “Cách mạng Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mạng thành công thì phải dân chúng (công, nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khác Tư và Lênin”.

Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, bởi “dù sao cũng không thể cấm bổ sung “cơ sở lịch sử” của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được.

Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một lý thuyết nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại”. Vì vậy, “xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông” [54, tr. 509 - 510], “phải phát động chủ nghĩa dân tộc bản xứ”[54, tr. 513], bởi chủ nghĩa dân tộc là một động lực lớn của đất nước.

Tiếp thu quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về vai trò của nhân dân, về con đường cứu nước giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “cuộc đấu tranh giai cấp không diễn ra giống như ở phương Tây” [54, tr. 508], muốn cứu nước, muốn giải phóng dân tộc không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản, “nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc, tự do, bình đẳng thật, không phải tự do, bình đẳng giả dối như đế quốc Pháp khoe khoang bên An Nam”[55, tr. 304], “cách mệnh là sự nghiệp của quần chúng, chứ không phải việc của một, hai người” [55, tr. 283], để có cơ thắng lợi, một cuộc khởi nghĩa vũ trang ở Đông Dương phải có tính chất là một cuộc khởi nghĩa quần chúng chứ không phải là một cuộc nổi loạn. Cuộc khởi nghĩa phải được chuẩn bị trong quần chúng…bởi dân chúng rất khôn khéo, rất hăng hái, rất anh hùng, họ là những người tài năng, trí tuệ, họ biết giải quyết nhiều vấn đề một cách đơn giản và mau chóng, đầy đủ mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra. Nhân dân là yếu tố quyết định thành công của cách mạng.

Một phần của tài liệu Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của nhân dân trong cuộc vận động giải phóng dân tộc từ 1925 đến 1945 (Trang 30)