7. Kết cấu của luận văn
2.1.2. Báo chí tích cực tuyên truyền các vấn đề An sinh xã hội
An sinh xã hội là lĩnh vực thông tin quan trọng trên báo chí. Đây là lĩnh gắn bó chặt chẽ với định hướng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về cả tầm chiến lược và trước mắt. Đồng thời, thông tin An sinh xã hội cũng rất gần gũi và thiết yếu với đời sống nhân dân. Bởi lẽ, những thông tin đó bao gồm hầu hết mọi lĩnh vực liên quan đến những nhu cầu đời sống cơ bản của nhân dân như: bảo hiểm (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm học đường... ), lương tối thiểu, lương hưu, trợ cấp (thai sản, ốm đau, tai nạn lao động...), ưu đãi xã hội đối với người và gia đình có công với nước, trợ cấp đột xuất cho người gặp nạn do thiên tai, địch hoạ..., trợ cấp hàng tháng cho người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các chính sách hỗ trợ việc làm, dạy nghề cho người lao động thất nghiệp, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, người khuyết tật, đối tượng xã hội (mại dâm, ma tuý)... để hoà nhập cộng đồng và đảm bảo mức sống tối thiểu cho họ.
Trong tương lai, mạng lưới An sinh xã hội sẽ tiếp tục được hoàn thiện và mở rộng, bảo đảm bất kỳ người dân nào cũng có một cuộc sống an toàn nhất.
Như vậy, An sinh xã hội không những cần thiết mà còn ngày càng cần mở rộng diện tích phản ánh trên báo chí.
Với độ bao phủ rộng, tính định kỳ cao, nhiều độc giả (có tờ phát hành hàng trăm nghìn bản báo mỗi ngày), báo chí là phương tiện chuyển tải thông tin An sinh xã hội nhanh chóng và hữu hiệu nhất. Trên thực tế, người dân biết thông tin về An sinh xã hội nhiều nhất qua báo chí.
Ngay từ thủa mới ra đời, báo chí cách mạng Việt Nam đã là tiếng nói mạnh mẽ vì an sinh của người dân và xã hội. Trong những bài viết của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh- nhà báo cách mạng vĩ đại đã luôn chọn những đề tài gắn liền với đời sống nhân dân để làm đối tượng phản ánh. Trong đó, Người bày tỏ sự quan tâm, đồng cảm sâu sắc trước những cảnh đời cơ cực trong xã hội thực dân- đế quốc, kêu gọi nhân dân đứng lên đấu tranh thoát khỏi cảnh lầm than. Sau này, khi cách mạng giành được thắng lợi, Bác cũng vẫn thường xuyên viết về những đề tài về đời sống của người nông dân, phụ nữ, trẻ em. Phong cách viết và chọn đề tài của Người đúng với tâm nguyện cả đời của Bác lúc sinh thời: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là lam sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành" (Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 200, tập 4, trang 161). Tư tưởng đó của Người chính là hình ảnh về một xã hội an sinh hoàn toàn, nơi mỗi người dân đều được sinh sống an toàn trong một xã hội an toàn, tự do.
Theo gương Bác, những tờ báo hơn 75 năm qua đều luôn coi việc phản ánh các vấn đề an sinh xã hội là nhiệm vụ chính trị của mình.
Ngày nay, với quy mô ngày càng mở rộng của hệ thống báo chí và số lượng công chúng đông đảo, báo chí đã và đang có vai trò rất lớn trong việc tuyên truyền, phổ biến thông tin đối nội và đối ngoại, trong đó có lĩnh vực An sinh xã hội. Đồng thời, đây cũng là kênh quan trọng vận động và tận dụng những nguồn lợi trong nhân dân và bạn bè quốc tế cho các hoạt động an sinh trong nước.
Có thể khẳng định, hệ thống các chính sách và các hoạt động an sinh xã hội sẽ đến trực tiếp và nhanh chóng nhất với công chúng qua con đường báo chí. Ngoài ra, bằng các hình thức thể hiện sinh động, người dân sẽ nắm được các chủ trương, chính sách An sinh xã hội một cách cụ thể và dễ nhớ, dễ hiểu. Thực tế đã chứng minh, khi xảy ra thiên tai bất ngờ, các phương tiện thông tin đại chúng sẽ là kênh đầu tiên đưa thông tin dự báo và những công điện khẩn của Chính phủ đến người dân vùng bị nạn. Ví dụ, lũ lụt ở Thừa Thiên- Huế và các tỉnh miền Trung năm 1999, cơn bão Chanchu tháng 5/2006, bão Xangsane tháng 10/2006... đã được thông tin nhanh chóng trên chương trình dự báo thời tiết của Đài Truyền hình Việt Nam, trên các bản tin các báo in, đài phát thanh... Đồng thời, các cơ quan báo chí cũng đã đưa tin nhanh chóng công điện khẩn của Thủ tướng Chính phủ đối phó với cơn bão. Sau khi bão tan, nhiều cơ quan báo chí tiếp tục mở các cuộc vận động ủng hộ vật chất cho đồng bào trong vùng bão như Đài Truyền hình Việt Nam, báo Thanh Niên... Nhờ sự góp sức tích cực của báo chí, thiệt hại của cơn bão khủng khiếp đã được hạn chế tối đa, đồng thời, những người bị thiệt hại cũng được trợ cấp kịp thời.
Mặt khác, báo chí cũng là phương tiện truyền tải nguyện vọng, tâm tư và hoàn cảnh của nhân dân, thông tin cho những cơ quan có trách nhiệm và toàn xã hội những ý kiến của nhân dân và những hoàn cảnh cần giúp đỡ. Qua báo chí, An sinh xã hội không những được hiểu biết sâu sắc hơn, mà còn được phổ biến rộng rãi hơn.
Mối quan hệ giữa mạng lưới An sinh xã hội (bao gồm cả những người có trách nhiệm soạn thảo các chính sách, quản lý nhà nước về An sinh xã hội) với báo chí và công chúng là mối quan hệ hữu cơ, biện chứng. Báo chí không chỉ đáp ứng yêu cầu thông tin của người dân mà còn là một kênh quan trọng cho những nhà quản lý nhà nước để hoàn thiện hơn hệ thống An sinh xã hội của đất nước cũng như tại từng địa bàn dân cư.
Với tư cách là diễn đàn của nhân dân, báo chí phản ánh hoàn cảnh sống, tâm tư, nguyện vọng của người dân về các vấn đề An sinh xã hội. Có thể nhận biết rõ ràng các thông tin này qua các chuyên mục giới thiệu những địa chỉ cần giúp đỡ (báo Công an TP. Hồ Chí Minh...), giới thiệu việc làm (Trang Thông tin Hà Nội- Báo Lao động, báo Tuổi trẻ...), ý kiến người dân (Bạn đọc viết- báo Lao động&Xã hội...), giải đáp chính sách pháp luật (Giải đáp chính sách- báo Lao động& Xã hội...), vận động quyên góp (Quỹ Tấm lòng vàng- báo Lao động), từ thiện xã hội (Trang Xã hội- Từ thiện- báo Hà Nội Mới). Hầu hết các báo in hiện nay đều dành chuyên mục hoặc tin, bài về các vấn đề An sinh xã hội.
Thông qua những phát hiện của báo chí về những người, cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ, các cơ quan chức năng như ngành Lao động-thương binh và xã hội, y tế giáo dục, bảo hiểm... và các đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc, Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam, Hội Bảo trợ trẻ em Việt Nam... sẽ tuỳ trường hợp cụ thể để vào cuộc. Mô hình: báo chí phát hiện, ngành chức năng chỉ đạo, đoàn thể, tổ chức giúp đỡ, chính quyền, cộng đồng và gia đình thực hiện đã tỏ rõ tính hiệu quả trong các hoạt động cứu trợ, trợ cấp.
Bên cạnh đó, báo chí còn là diễn đàn trao đổi, góp ý các chính sách, chủ trương của Nhà nước có liên quan mật thiết đến đời sống nhân dân. Hiện nay, không khí dân chủ rộng rãi, thể hiện rõ nhất trên báo chí đã tạo điều kiện tốt cho mọi người dân được thể hiện ý kiến của mình trước những quyết sách
của Chính phủ cũng như các hiện tượng xã hội. Trong các kỳ họp Quốc hội, khi các thành viên Quốc hội đang thảo luận về các Luật hay chất vấn thành viên Chính phủ, người dân có thể xem, nghe trực tiếp diễn biến các cuộc họp qua sóng truyền hình, phát thanh, hoặc xem bình luận, tường thuật, phỏng vấn sau mỗi phiên họp trên các trang báo ra ngày hôm sau. Qua đó, những đại biểu Quốc hội- đại biểu của nhân dân đã thay mặt cử tri đòi hỏi những quyền lợi chính đáng của mình trước các thành viên Chính phủ. Nhiều vấn đề của dân được các đại biểu đặt ra trong dịp này đã được đích thân những Bộ trưởng trực tiếp giải quyết.
Ngoài ra, trước mỗi chính sách lớn có ảnh hưởng mạnh đến đời sống nhân dân, Chính phủ cũng thông qua báo chí lấy ý kiến nhân dân, hoặc báo chí tự khơi ra vấn đề để người dân đóng góp ý kiến với Chính phủ. Ví dụ như góp ý dự thảo Nghị quyết Đại hội Đảng X năm 2006, cuộc đóng góp ý kiến về các phương án giá điện do ngành điện lực khởi xướng tháng 7/2006; giá xăng dầu trong năm 2006; tiền lương tối thiểu, lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công năm 2005-2006; thuế thu nhập năm 2006-2007, nâng cao chất lượng giáo dục... Những kết quả trưng cầu dân ý được tiến hành trên báo chí luôn được xem là nguồn thông tin quan trọng để các cơ quan quản lý Nhà nước chỉnh sửa, hoàn thiện các chính sách trước khi trình lên Quốc hội, Chính phủ. Báo chí không những truyền tải thông tin về hệ thống An sinh xã hội trong nước, mà còn đăng tải những thông tin về An sinh xã hội các nước trên thế giới và sự hình thành, phát triển của những “con đường” an sinh mang tầm cỡ liên quốc gia, khu vực và toàn cầu. Qua đó, giúp các nhà hoạch định chính sách có thêm những kinh nghiệm và nguồn tin có ích cho công việc của mình.
2.2. An sinh xã hội qua phản ánh của báo chí nói chung và các báo Lao động, Lao động và Xã hội, Hà Nội Mới (2005- 2006)
Có thể khẳng định, An sinh xã hội là lĩnh vực thông tin không thể thiếu trên báo chí và thực tế cũng cho thấy, hầu hết các số báo được khảo sát đều có thông tin về lĩnh vực này. Thông tin An sinh xã hội vừa bao gồm hệ thống chính sách xã hội của Nhà nước gắn liền với cuộc sống người dân, vừa phản ánh những hoàn cảnh khó khăn và các phong trào xã hội trợ giúp những người lâm vào hoàn cảnh đó.
An sinh xã hội thể hiện trên báo chí rất đa dạng, dưới nhiều hình thức và nội dung khác nhau. Chất lượng và tần số xuất hiện của thông tin An sinh xã hội trên mỗi tờ báo cũng không giống nhau. Sự khác nhau về hình thức, nội dung và chất lượng của thông tin An sinh xã hội trên báo chí do những đặc điểm: nhiệm vụ, chức năng, đối tượng công chúng, phạm vi hoạt động, chủ trương của lãnh đạo toà soạn, định hướng của cơ quan chủ quản và trình độ, quan điểm, điều kiện của mỗi tờ báo quy định.
Báo chí có thể loại nào, hình thức thể hiện nào thì An sinh xã hội cũng có thể được phản ánh dưới hình thức đó. Đó là đặc điểm tuyên truyền và cũng là lợi thế của báo chí. Phân tích thông tin An sinh xã hội trên báo chí, có thể nhìn nhận dưới góc độ hình thức (bao gồm cả các kết quả thống kê): Tin, bài, ảnh, tư liệu, số lượng tác phẩm, tần suất xuất hiện, vị trí trên mặt báo... Hoặc nội dung: chất lượng thông tin về An sinh xã hội trên báo chí, ngôn ngữ thể hiện... Và tác động của thông tin với người đọc (người dân, cơ quan hoạch định chính sách về An sinh xã hội, các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp...) Theo đó, nội dung phản ánh trên báo chí sẽ được tìm hiểu theo các hướng:
* Báo chí truyền tải các thông tin về chính sách An sinh xã hội. Cập nhật các chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng, Nhà nước về An sinh xã hội.
* Gợi ý, dự báo, cảnh báo của báo chí về một hoặc một số chính sách an sinh.
* Thông tin về tâm tư, nguyện vọng của nhân dân về hệ thống An sinh xã hội. Phản ánh những ý kiến của họ về cách thức quản lý, hoạt động của hệ thống An sinh xã hội hiện nay.
* Trực tiếp là một mắt xích hoặc "mối nối" trong mạng lưới an sinh. Trong khuôn khổ luận văn thạc sĩ về đề tài"Báo chí với vấn đề An sinh xã hội", chúng tôi khảo sát tình hình tuyên truyền nội dung An sinh xã hội trên 3 tờ báo: Lao động và Xã hội, Lao động và Hà Nội Mới. Đây là 3 tờ báo có những đặc điểm khác nhau.
Về cấp cơ quan báo chí và cơ quan chủ quản, báo Lao động và Xã hội là tờ báo Trung ương, trực thuộc Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội. Báo Lao động là tờ báo của đoàn thể cấp Trung ương, cơ quan ngôn luận của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. Hà Nội Mới là tờ báo Đảng địa phương, cơ quan chủ quản là Thành uỷ thành phố Hà Nội.
Về tính định kỳ, hai tờ báo Hà Nội Mới và Lao động đều là báo ngày, ra từ thứ 2 đến chủ nhật. Báo Lao động và Xã hội là tờ tuần báo, ra một tuần 3 số vào các ngày thứ 3- thứ 5- Chủ nhật.
Về mức độ quan tâm (dung lượng tin, bài) của tờ báo đối với lĩnh vực An sinh xã hội, nhìn chung, cả 3 tờ báo đều đăng tải thường kỳ các thông tin về An sinh xã hội. Tuy nhiên, mức độ tin, bài về hệ thống chính sách an sinh hoặc một số thành tố của An sinh xã hội trên báo Lao động và Xã hội dày đặc hơn, do nhiệm vụ thông tin về các lĩnh vực ngành Lao động- Thương binh và xã hội (cả 5 trụ cột của An sinh xã hội đều thuộc phạm vi hoạt động của ngành).
Trong khuôn khổ khảo sát 3 tờ báo trong thời gian 2 năm 2005- 2006, chúng tôi khảo sát các tác phẩm báo chí theo 2 tiêu chí chính là bài và tin.
2.2.1. Chính sách của Nhà nƣớc về An sinh xã hội thể hiện trên báo Lao động và Xã hội, Lao động, Hà Nội Mới
Chính sách về An sinh xã hội là mảng chính sách lớn, bao hàm hệ thống chính sách về bảo hiểm (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp...), trợ giúp xã hội (cứu trợ đột xuất, xoá đói giảm nghèo, phòng chống tệ nạn xã hội, chính sách đối với trẻ em, người khuyết tật, người già...), ưu đãi xã hội (chính sách ưu đãi người và gia đình có công với cách mạng), chính sách thị trường lao động (các chính sách hỗ trợ phát triển nhân lực, tạo việc làm, dạy nghề, trợ giúp các doanh nghiệp, cơ quan tạo việc làm...). Ngoài ra, Đảng và Nhà nước còn có những chủ trương, đường lối về việc thực hiện các phong trào xã hội hoá các hoạt động An sinh xã hội.
Cập nhật, phân tích, bình luận, phản hồi... thông tin về các chính sách của Đảng, Nhà nước là nhiệm vụ chung của mỗi cơ quan báo chí. Tuy nhiên, trước dòng thông tin chính sách dày đặc và đa dạng từ cấp Trung ương đến địa phương, mỗi tờ báo đều dành diện tích đăng tải những lĩnh vực chính sách ưu tiên riêng. Đối với riêng 3 tờ báo Lao động và Xã hội, Lao động và Hà Nội Mới, các thông tin về chính sách, chủ trương An sinh xã hội lớn được cập nhật thường xuyên.
Ví dụ, trong số báo ra ngày 2/11/2006, báo Hà Nội Mới đã đăng tin:
Từ 15-11, thí điểm miễn phí vé xe buýt cho thương binh và người tàn tật
(HNM) - UBND TP vừa quyết định thực hiện thí điểm miễn vé xe buýt cho thương binh và người tàn tật.
Theo quyết định này, từ ngày 15-11-2006 đến 15-11-2007 các thương binh, bệnh binh và người tàn tật thuộc diện KT1, KT2 trên địa bàn thành phố có khả năng tự tham gia giao thông sẽ được miễn vé xe buýt trên tất cả các tuyến nội đô, kể cả các tuyến xã hội hóa. Những đối tượng được miễn vé sẽ được cấp Thẻ đi xe buýt miễn phí - loại thẻ nhựa SMACARK có ảnh kèm, giá trị sử dụng 12 tháng kể từ ngày cấp. Ngành LĐTB và XH tiến hành điều tra,