7. Kết cấu của luận văn
3.4.1. Nguyên nhân
* Chưa nhìn nhận đúng tầm quan trọng và cần thiết của lĩnh vực An sinh xã hội
Như trên đã phân tích, An sinh xã hội là lĩnh vực tương đối mới ở Việt Nam. Trước đây và hiện nay, An sinh xã hội chỉ được biết đến với từng khía cạnh riêng như bảo hiểm , cứu trợ xã hội... Điều này là do báo chí chưa có hiểu biết đầy đủ và đặt đúng vị trí các thông tin An sinh xã hội.
* Sự hợp tác giữa các cơ quan quản lý về An sinh xã hội và báo chí chưa chặt chẽ
Một trong những nguyên nhân khiến báo chí chưa có những tác phẩm đầy đủ về An sinh xã hội, cũng như nhận thức tầm quan trọng của lĩnh vực thông tin này, là do chưa có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước về An sinh xã hội, các chuyên gia trong lĩnh vực An sinh xã hội và các cơ quan báo chí.
Sự hợp tác đó đòi hỏi diễn ra trong cả 2 chiều. Các chuyên gia và cơ quan quản lý Nhà nước cung cấp thông tin vĩ mô về An sinh xã hội cho báo chí. Về phần mình, báo chí tiếp nhận và cung cấp trở lại những thông tin về ý kiến phải hồi của người dân và những gợi ý, chính kiến của tờ báo đối với những vấn đề đã được đưa ra. Đây là quá trình tất yếu của hoạt động thông tin
trên báo chí. Tuy nhiên, quá trình này diễn ra lỏng lẻo và kém hiệu quả đối với hoạt động thông tin An sinh xã hội.
* Phóng viên chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về An sinh xã hội trên thế giới và Việt Nam
Như đã đề cập ở trên, nguồn tài liệu về An sinh xã hội của Việt Nam cung cấp cho phóng viên chưa đầy đủ. Mặt khác, trong các trường đào tạo báo chí, cũng chưa có giáo trình, bộ môn riêng về lĩnh vực An sinh xã hội trong các khoá học.
Cũng cần nhìn nhận thực tế là phóng viên hiện nay còn thụ động trong việc tự nghiên cứu, tìm tài liệu về An sinh xã hội. Do vậy, ngay trong phóng viên cũng có người chưa bao giờ nghe nói đến thuật ngữ này (theo kết quả khảo sát ý kiến độc giả, mục 3, chương II).
Mặt khác, khả năng ngoại ngữ cũng là rào cản đối với phóng viên trong việc tìm hiểu nguồn tài liệu về An sinh xã hội từ nước ngoài.
* Chưa có chuyên mục về An sinh xã hội
Trên các tờ báo, hiện mới chỉ có các chuyên mục về từng khía cạnh của An sinh xã hội (xoá đói giảm nghèo, bảo trợ xã hội, từ thiện- xã hội,ưu đãi người có công...). Việc thiếu vắng chuyên trang, chuyên mục về lĩnh vực An sinh xã hội (trên các tờ báo chuyên ngành An sinh xã hội hoặc những tờ báo có nhiệm vụ tuyên truyền về lĩnh vực xã hội nói chung) là nguyên nhân dẫn đến các hạn chế, khó khăn của phóng viên tác nghiệp và cơ quan báo chí nói chung trong việc phản ánh đầy đủ lĩnh vực này.
* Hệ thống An sinh xã hội tại Việt Nam có những đặc điểm khác so với các nước khác.
Những đặc điểm này do lịch sử, văn hoá, truyền thống... của đất nước và con người Việt Nam quy định. Theo đó, bên cạnh những đặc điểm chung,
hệ thống An sinh xã hội có hai yếu tố đặc biệt, đó là ưu đãi xã hội và phong trào xã hội.
Ưu đãi xã hội là bộ phận của hệ thống An sinh xã hội, nhằm giải quyết chế độ cho những người có công với nước. Đây là bộ phận rất đặc trưng của hệ thống an sinh ở Việt Nam, do điều kiện lịch sử và yếu tố truyền thống quy định.
Lịch sử Việt Nam với chiều dài hàng trăm năm đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước đã để lại nhiều thế hệ chịu hy sinh, mất mát cho sự toàn vẹn và phát triển của dân tộc. Với truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", hệ thống ưu đãi xã hội được xây dựng để toàn xã hội chăm lo, đảm bảo cuộc sống cho những người và gia đình đó.
Đặc điểm truyền thống cũng thể hiện rõ nét trong thành tố "phong trào xã hội". Đây là yếu tố nằm ngoài hệ thống chính sách của Nhà nước về An sinh xã hội, nhưng lại gắn bó không tách rời với hệ thống đó. Đây được xem như một nguồn lực để Nhà nước cân bằng các nguồn ngân sách trong việc trợ giúp xã hội cho người gặp khó khăn.
Những đặc điểm trên khiến hệ thống An sinh xã hội của Việt Nam rất khác so với hệ thống an sinh nhiều nước trên thế giới.
Việc không hiểu rõ những đặc điểm này có thể khiến phóng viên sử dụng thông tin rập khuôn khi sử dụng kinh nghiệm An sinh xã hội của nước khác, hoặc chưa thể hiện đầy đủ ý nghĩa của hệ thống này trên các bài viết của mình.