phê phán các hành vi tiêu cực, tham nhũng, vô trách nhiệm
Trong thời gian qua, việc phát hiện vi phạm, phạm tội, phê phán hành vi tiêu cực, tham nhũng, vô trách nhiệm... đã được các cơ quan báo chí chú trọng và cũng được các cơ quan nội chính quan tâm, khích lệ. Xét một cách tổng thể, thông tin về các hành vi vi phạm pháp luật, phạm tội, các vụ việc tiêu cực, tham nhũng... luôn chiếm một vị trí quan trọng trên báo chí nội chính. Điều này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Một mặt do đặc thù của các cơ quan nội chính liên quan nhiều đến việc giải quyết các mâu thuẫn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, các loại tội phạm. Một mặt do yêu cầu của công tác tuyên truyền, báo chí nội chính cần đăng tải nhiều thông tin về lĩnh vực này để giáo dục quần chúng, đồng thời có ý nghĩa răn đe các đối tượng có định vi phạm pháp luật. Chính vì đặc điểm này mà có lúc dư luận cho rằng báo chí nội chính đăng tải quá nhiều thông tin về những mặt tiêu cực trong xã hội, tạo dư luận xấu. Vấn đề này cần nhìn nhận như thế nào để đảm bảo tính khách quan và có hướng thông tin cho phù hợp là một yêu cầu và nhiệm vụ khó khăn.
1.2.2.1. ưu điểm của thông tin phòng chống tội phạm trên các báo nội chính
Một điều đáng lưu ý là sau khi Nghị quyết 08- NQ/TW ra đời, trong công tác bảo vệ pháp luật, đấu tranh phòng chống tội phạm, các cơ quan nội chính đã tập trung giải quyết tốt nhiều vụ án về tội phạm có tổ chức, hoạt động theo kiểu xã hội đen mà điển hình là vụ án Trương Văn Cam và đồng bọn. Nhiều vụ án lớn về buôn bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép chất ma tuý, tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại, chiếm đoạt thuế giá trị gia tăng… cũng được phát hiện và xử lý kịp thời. Trong các vụ án đó, có những vụ liên quan đến trách nhiệm của một số cán bộ, đảng viên, có người là cán bộ cấp cao nhưng vẫn được kiên quyết xử lý, không tách ra phần hai để xem xét, xử lý sau như trước đây. Những thông tin đó được kịp thời đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng đã có tác dụng tích cực góp phần thúc đẩy cuộc đấu tranh chống tham nhũng và kiềm chế sự gia tăng của một số loại tội phạm. Như vậy, báo chí cũng là một kênh thông tin phát hiện và tố giác tội phạm. Các cơ quan báo chí trong khối nội chính có một vai trò quan trọng trong việc tham gia pháp hiện vi phạm, tội phạm, phê phán hành vi tiêu cực, tham nhũng, vô trách nhiệm.
ở nhiệm vụ này, mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan báo chí với các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử được thể hiện trên hai mặt cụ thể là: thông tin về việc phát hiện và xử lý các vụ phạm tội và các hành vi phạm tội trong các vụ án; thông tin về trách nhiệm của các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử trong hoạt động tố tụng và tuyên truyền giáo dục phòng ngừa tội phạm. Khi triển khai công tác cải cách tư pháp, trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử đã coi báo chí là một nguồn thông tin quan trọng để phát hiện tội phạm.
Đối với các cơ quan báo chí, thông qua nguồn tin từ cộng tác viên, bạn đọc, thông quan các đơn khiếu nại, tố cáo gửi đến toà soạn và nhiều nguồn tin khác nhau, nhiều báo, tạp chí đã nhận được những thông tin có liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân, tổ chức ... Trong trường hợp này, nhiều báo, tạp chí đã liên hệ với các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử để kịp thời thông tin và bàn biện pháp phối hợp giải quyết, xử lý. Không ít thông tin về các vụ việc do các cơ quan báo chí cung cấp đã giúp các cơ quan bảo vệ pháp luật có thêm căn cứ để điều tra, xử lý các vi phạm và hành vi phạm tội. Nhiều báo, tạp chí đã cử phóng viên đi điều tra, xác minh những tình tiết liên quan đến các vụ việc vi phạm và phạm tội có dấu hiệu không bị xử lý hoặc xử lý không nghiêm, nhất là đối với số người vi phạm có chức, có quyền trong các cơ quan nhà nước, các đơn vị, tổ chức. Các chuyên án lớn như Tamexco, Tân Trường Sanh, Minh Phụng - Epco, Mai Văn Huy, Trương Văn Cam, Lã Thị Kim Oanh và rất nhiều chuyên án lớn về ma tuý.... được các báo, tạp chí theo dõi phản ánh sát sao ngay từ giai đoạn đầu phát hiện vụ án. Nhiều vụ việc có dấu hiệu oan sai cũng được các báo, tạp chí nêu và phân tích cụ thể.
Để có sự phối hợp hiệu quả, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan của Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân... luôn có một bộ phận theo dõi nội dung thông tin trên báo chí. Nhiều ngành ở trung ương đã chỉ đạo việc điểm báo, liệt kê những thông tin có liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án để chỉ đạo các đơn vị trong ngành xử lý kịp thời và triệt để. Lãnh đạo các Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao và các ngành ở địa phương đã chủ động mời các cơ quan báo chí tham dự các buổi sinh hoạt, các hội nghị chuyên đề về đấu tranh phòng chống tội phạm và các cuộc họp báo để thông tin về các chuyên án lớn đấu tranh phòng chống tội phạm tham nhũng, buôn lậu, ma tuý, các vụ phạm tội có tính chất hoạt động theo kiểu xã hội đen. Lãnh đạo các cơ quan
công an, Kiểm sát, Toà án ở trung ương và địa phương cũng đã dành thời gian để trao đổi thông tin, trả lời phỏng vấn các phóng viên báo chí về những vấn đề cụ thể trong việc giải quyết, xử lý các vụ án hình sự. Tại một số địa phương, hàng tháng, hàng tuần đều tổ chức việc giao ban giữa các cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Toà án để thông tin về tình hình tội phạm và việc giải quyết các vụ án hình sự. Có nơi lãnh đạo liên ngành đã chỉ đạo các cơ quan tham mưu thường xuyên theo dõi, tổng hợp để thông tin đến các cơ quan báo chí về tình hình và kết quả đấu tranh phòng chống tội phạm.
Trong hơn 3 năm qua, báo chí đã đưa nhiều vụ việc tiêu cực ra ánh sáng. Khi một vụ việc tiêu cực được nêu trên báo chí, các cơ quan chức năng khó có thể làm thay đổi sự thật của nội dung vụ việc do lúc đó báo chí trở thành một công cụ giám sát hữu hiệu hoạt động của cơ quan tư pháp.
1.2.2.2. Hạn chế từ mặt trái của thông tin phòng, chống tội phạm trên báo chí nội chính trên báo chí nội chính
Mặc dù báo chí nội chính đã có nhiều đóng góp trong công cuộc cải cách tư pháp nhưng cũng không thể phủ nhận có hiện tượng báo chí vô tình hoặc cố ý thông tin sai lệch sự thật trong quá trình đấu tranh chống tiêu cực, làm chệch hướng dư luận và gây khó khăn cho các cơ quan chức năng. Việc hạn chế tiêu cực trong xã hội và hạn chế tiêu cực ngay trong bản thân các cơ quan báo chí cũng đang là vấn đề đặt ra trong quá trình cải cách tư pháp.
Cùng với hạn chế trong cách thức thông tin của từng báo, việc phối hợp giữa các cơ quan báo chí với các cơ quan điều tra truy tố, xét xử trong việc phát hiện và giải quyết các vụ án cũng còn có những bất cập cần thay đổi. Về phía các cơ quan báo chí, có thời điểm báo chí đi quá sâu vào mặt trái, mặt tiêu cực của xã hội, viết và in quá nhiều về các vụ án khi chưa có sự chắt lọc cần thiết. Một số thông tin báo chí đưa về các vụ án cụ thể thiếu nhạy cảm về chính trị, quá đi sâu vào đời tư của người trong bài viết hoặc chưa được kiểm
tra cân nhắc kỹ nên đã gây ảnh hưởng tâm lý không tốt cho người đọc và người có liên quan. Nhiều bài viết có nội dung phản ánh chưa thật chuẩn xác về tính chất, mức độ của các hành vi phạm tội và mức thiệt hại do các vụ án gây ra. Nhiều bài có độ chính xác chưa cao. Không ít bài viết thể hiện sự suy diễn chủ quan của cá nhân người viết. Có trường hợp nhà báo chưa hiểu đúng các quy định của Luật Hình sự và Luật Tố tụng hình sự nên nhận xét, đánh giá sự việc sai với bản chất, gây ảnh hưởng đến việc điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tố tụng. Cũng có trường hợp báo chí thông tin về quá trình điều tra, giải quyết vụ án chưa đúng lúc, đúng chỗ nên đã làm lộ bí mật, không có lợi cho hoạt động nghiệp vụ đấu tranh chống tội phạm. Một số nhà báo chưa thực hiện đúng quy định của Luật Báo chí trong việc thu thập thông tin, dùng thủ thuật nghiệp vụ để thu thập thông tin rồi suy diễn, đoán trước vấn đề để viết bài nên nội dung bài báo không chính xác. Vẫn còn có những nhà báo do nắm thông tin một chiều và không đầy đủ, hoặc không tìm hiểu kỹ tình hình, thu thập, xử lý thông tin thiếu thận trọng hoặc do động cơ cá nhân nên phê bình không đúng, thậm chí đưa tin, bình luận có tính chất suy diễn sai với bản chất sự việc, gây ảnh hưởng không tốt đến định hướng dư luận. Có một số phóng viên khi phỏng vấn đã thực hiện sai quy chế, viết bài không đúng với nội dung thông tin từ người trả lời phỏng vấn, gây hiểu lầm trong dư luận. Cũng có trường hợp nhà báo và cán bộ trong cơ quan thụ lý và xử lý vụ án mua tin, bán tin một cách tiêu cực.
Về phía các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, hoạt động phối hợp với các cơ quan báo chí trong công tác tuyên truyền pháp luật, tuyên truyền về đấu tranh chống tội phạm và chống tiêu cực tuy có chuyển biến và tiến bộ hơn trước, song nhìn chung vẫn chưa có sự chủ động từ phía các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử. Nhiều cán bộ cơ quan bảo vệ pháp luật không muốn tiếp xúc và hợp tác với báo chí. Trong một số trường hợp, các vấn đề mà báo chí nêu
lên chưa được các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử chú ý xem xét kịp thời. Có việc các cơ quan bảo vệ pháp luật trả lời các cơ quan báo chí chưa kịp thời hoặc chưa quan tâm đúng mức. So với các cơ quan kinh tế và các cơ quan quản lý nhà nước khác, việc định kỳ thông tin trên báo chí ít được các cơ quan bảo vệ pháp luật quan tâm, kể cả việc tuyên truyền về tổ chức và hoạt động của từng ngành. Các cuộc họp báo, gặp mặt thường niên giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật với các cơ quan báo chí cũng ít được chú trọng. Việc phối hợp giữa các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử với các cơ quan báo chí trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân chưa được quan tâm đúng mức, nhất là các đơn khiếu nại do bị oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự và đơn tố cáo các hành vi tham nhũng, tiêu cực chưa được giải quyết kịp thời và dứt điểm. Có báo cũng chưa thể hiện tinh thần xây dựng trong việc thông tin về trách nhiệm của các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử trong hoạt động tố tụng và tuyên truyền giáo dục phòng chống tội phạm.
Trong mặt hạn chế này, cũng phải kể đến việc một số thông tin trên báo chí nội chính còn thiếu nhạy cảm về chính trị, thông tin chưa được kiểm tra, cân nhắc kỹ, ám chỉ không có căn cứ… gây hiểu lầm và tâm lý không tốt cho những người có liên quan và ảnh hưởng xấu đến uy tín, danh dự của các tổ chức, đơn vị, cá nhân.
Một mặt trái khác của thông tin chống tiêu cực là nếu nhìn tổng quan, tỷ lệ thông tin tuyên truyền thì việc phản ánh những mặt tốt của xã hội vẫn chiếm tỷ lệ thấp hơn so với những thông tin phản ánh mặt tiêu cực trên các báo nội chính. Có thể nói, một trong những khuyết điểm của hệ thống báo chí nội chính hiện nay là sự mất cân đối trong việc thông tin đấu tranh bảo vệ công lý. Các báo đều có biểu hiện đưa tin không hợp lý về mặt liều lượng, mức độ của các vụ việc, quá đi sâu vào các mặt trái, mặt tiêu cực của xã hội. Trong khi đó, những mặt tốt của cuộc sống cũng rất cần được biểu dương và
nhân rộng, tạo niềm tin cho công chúng. Do đó, tính chất "cân đối" trong việc thông tin đấu tranh bảo vệ công lý là rất cần thiết. Về cách thức tuyên truyền thông tin các vụ viêc tiêu cực trong xã hội, các báo nội chính cũng thường đánh giá sự việc ở góc độ tiêu cực, gây tâm lý không tốt đối với công chúng trong việc nhìn nhận diễn biến xã hội. Cách thức đưa tin, thời lượng thông tin có ý nghĩa rất quan trọng đối với tâm lý của độc giả. Vì vậy, cần phải có sự nghiên cứu, tổng kết, tìm ra sự cân đối trong việc thông tin đấu tranh bảo vệ công lý. Nếu không có sự cân đối trong quá trình thông tin thì chính những thông tin phản ánh tiêu cực trong xã hội trên các báo nội chính lại gây phản cảm, tạo nên sự mất lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Mặc dù là cơ quan ngôn luận của các cơ quan bảo vệ pháp luật nhưng cũng có hiện tượng thông tin thiếu khách quan trên các báo nội chính. Nguyên nhân là do trình độ, do mục đích không trong sáng của người viết bài khi xử lý thông tin đấu tranh chống tội phạm. Hậu quả của điều này là trên các báo nội chính có không ít bài báo phải đính chính và đôi khi có nhiều thông tin trái ngược nhau về cùng một vấn đề cải cách tư pháp cần phản ánh.
Như vậy, báo chí càng phát triển thì vai trò của nó đối với xã hội ngày càng to lớn. ảnh hưởng này bao giờ cũng tồn tại hai mặt và những thông tin báo chí tác động vào xã hội càng nhiều thì môi trường xã hội càng trở nên phức tạp hơn, mất an toàn hơn. Những luồng thông tin này buộc công chúng phải nâng cao nhận thức và chính kiến của mình để có thể nhận định đúng đắn bản chất của các sự kiện, hiện tượng đang diễn ra trong đời sống xã hội.
1.2.2.3. Giải pháp nâng cao tính trung thực của thông tin cải cách tư pháp pháp
Để đảm bảo tính khách quan, trung thực trong các bài viết, không chỉ đòi hỏi chuyên môn, đạo đức của các nhà báo mà còn đòi hỏi một sự định hướng
rõ ràng của các cơ quan báo chí. Điều này cũng liên quan đến việc cải thiện mối quan hệ hai chiều giữa các cơ quan báo chí và các cơ quan nội chính, chiến lược đào tạo, bồi dưỡng năng lực và ý thức chính trị của người làm báo. Trên thực tế, đã nhiều năm nay, Ban Nội chính Trung ương và các cơ quan nội chính như Công an, Viện Kiểm sát, Toà án, Thanh tra, Tư pháp… luôn theo dõi sát nội dung của báo chí nội chính, chỉ đạo việc điểm báo các thông tin có liên quan đến điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, đặc bịêt là các thông tin liên quan đến cán bộ tư pháp có biểu hiện vi phạm pháp luật để chỉ đạo việc kiểm tra, thanh tra, xem xét đúng sai trong hoạt động chuyên môn