trên báo chí nội chính
Nhìn một cách tổng thể, trên báo chí nội chính, thể loại báo chí chính luận chiếm ưu thế so với các thể loại khác. Nguyên nhân do những đề tài xung quanh nội dung cải cách tư pháp phù hợp với các thể loại này hơn so với các thể loại khác. Mặc dù vậy, độc giả vẫn có thể thấy tất cả các thể loại báo chí đều được sử dụng trong quá trình thông tin về cải cách tư pháp.
Tuy nhiên, theo kết quả thăm dò ý kiến của độc giả về sự hấp dẫn của các báo nội chính, phần lớn độc giả cho rằng cách thể hiện tác phẩm báo chí trên các báo nội chính chưa thực sự hấp dẫn. Điều này là một thực tế vì các bài viết trên báo chí nội chính thường dài từ 1.200 từ đến 1.500 từ, nhiều bài viết không kèm theo ảnh, không chia thành các phần nhỏ nên rất khó trình bày. Mặt khác, độ dài của bài báo cộng thêm việc dẫn chứng các Luật, Nghị định, công văn, các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định của pháp luật về một vấn đề làm cho quá trình đọc một bài báo của độc giả không liền mạch.
ở các báo nội chính, tin tức về cải cách tư pháp thường được đăng tải ở trang nhất, trang 2. Một số tin vắn được đăng ở những trang trong như trang "Tư pháp - Pháp đình" trên báo Pháp luật, "Hồ sơ kiểm sát" trên báo Bảo vệ Pháp luật... Những tin này thường được viết liền mạch trong một đoạn văn và không có ảnh kèm theo. Các bài viết dài hơn được đăng ở các trang trong như
trang 3 "Vấn đề - sự kiện", trang 6, 7 "Tư pháp - Pháp đình" trên báo Pháp luật; trang 4 "Hồ sơ kiểm sát" trên báo Bảo vệ Pháp luật; trang 6 "Tư pháp - Pháp đình" trên báo Đời sống và Pháp luật... Có nghĩa các báo luôn có các chuyên trang dành để đăng tải các nội dung tư pháp và vấn đề cải cách tư pháp là một trong những nội dung thường xuyên của các trang báo này. Thông thường, các bài báo được trình bày liền mạch, theo khổ ngang của trang báo. Có một số bài viết dài được đăng tiếp ở những trang cuối báo như trang 12, 14, 15, 16, tuỳ theo số trang của tờ báo đó.
3.2.2. Thông tin cải cách tư pháp dưới hình thức các bài viết độc lập và các chuyên trang, chuyên mục
Các báo nội chính có nhiều hình thức để đăng tải thông tin về cải cách tư pháp. Thông thường, thông tin được thể hiện qua các bài viết độc lập của một tác giả nhất định. ở hình thức này, tác giả bài báo có thể là phóng viên, có thể là các nhà chuyên môn viết bài về một chủ đề cụ thể như một vụ án oan sai, một phiên toà mẫu, một cuộc họp của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp v.v.. Hình thức bài viết độc lập này chiếm ưu thế do không phải lúc nào một tờ báo cũng có thể tạo được các chuyên trang, chuyên mục xung quanh vấn đề cải cách tư pháp. Do thời gian tuyên truyền về công cuộc cải cách tư pháp kéo dài, lại có nhiều nội dung đa dạng, phong phú nên các báo chủ động đăng tải những bài viết độc lập để phản ánh được mọi khía cạnh của công cuộc này.
Tuy nhiên, do báo chí nội chính là cơ quan ngôn luận của các cơ quan tư pháp nên các báo ý thức rất rõ về tầm quan trọng của công cuộc cải cách tư pháp. Vào những dịp quan trọng như chuẩn bị xét xử vụ án Trương Văn Cam và đồng bọn, xét xử vụ án Lã Thị Kim Oanh và đồng phạm, chuyển toà án địa phương về Toà án nhân dân tối cao về mặt tổ chức, thực hiện các phiên toà
mẫu, tăng thẩm quyền cho toà án cấp huyện, bỏ việc bị cáo ra toà phải mặc áo sọc... thì các báo nội chính đều tổ chức các chuyên trang để phản ánh vấn đề dưới nhiều góc độ. Các chuyên trang này sẽ đăng tải các bài viết với các thể loại khác nhau, vừa phản ánh ý kiến của các cơ quan chức năng, vừa phản ánh ý kiến của người dân và bài viết chung của nhà báo, tạo thành một diễn đàn. Các chuyên trang này cũng có thể được thực hiện trong một số báo nhưng cũng có thể đăng tải trong nhiều số báo liên tiếp, tuỳ theo mục đích của toà soạn và hiệu quả thông tin thu nhận được.
Có thể gọi hình thức thông tin về cải cách tư pháp qua các chuyên trang này là hình thức diễn đàn. Hình thức diễn đàn là một thế mạnh của báo chí nội chính trong thông tin cải cách tư pháp vì nó phản ánh được thông tin nhiều chiều, nhiều quan điểm, chính kiến khác nhau về cùng một vấn đề. Tuy nhiên, đây lại là một hạn chế trong mục tiêu hướng tới sự dễ hiểu của thông tin báo chí. Trong quá trình tranh luận trên báo, các nhà chuyên môn luôn đưa ra quan điểm, chính kiến của mình, điều này không tránh khỏi gây bối rối cho đại đa số công chúng. Vì vậy, khi sử dụng hình thức diễn đàn, các báo nội chính cần chú trọng tới yếu tố này để bố trí các thể loại, các bài viết cho phù hợp.
Một cách thức thông tin khác phổ biến trên báo chí nội chính là các chuyên mục. Báo Đời sống và Pháp luật của Hội Luật gia Việt Nam là tờ báo đầu tiên có chuyên mục "Bàn về cải cách tư pháp" ngay sau khi Nghị quyết 08 được ban hành năm 2002 và vẫn kéo dài đến năm 2005. Phải đến đầu năm 2003 báo Pháp luật, Cơ quan của Bộ Tư pháp mới có chuyên mục "Diễn đàn cải cách tư pháp" và sau đó là các chuyên mục như " Những điều cần biết - Vụ án Năm Cam và các tội danh", "Vụ án Năm Cam những gương mặt đen".. Đó là các chuyên mục chuyên bàn một nội dung là cải cách tư pháp. Ngoài ra, trên báo chí nội chính cũng có nhiều chuyên mục khác đề cập đến nhiều vấn
đề của công tác tư pháp, trong đó có nội dung cải cách tư pháp như "Bình luận án" trên báo Công lý, "Nhật ký pháp đình" trên báo Đời sống và Pháp luật. Nhìn chung, thông tin dưới hình thức chuyên mục có ưu điểm là tạo được sự tập trung chú ý của các nhà chuyên môn và độc giả, đồng thời tập trung được các đề tài trọng tâm cần thảo luận trên báo chí. ở các tạp chí cũng có chuyên mục "Nghiên cứu - trao đổi" về các vấn đề tư pháp, trong đó đề cập nhiều tới nội dung cải cách tư pháp. Đây cũng là một thuận lợi của tập chí cần tiếp tục khai thác và tận dụng.
3.3. Một vài nhận xét và đề xuất
Thông tin là một yếu tố cốt lõi tạo nên tác phẩm báo chí nhưng hình thức trình bày lại là một trong những yếu tố quan trọng, góp phần tạo nên sự hấp dẫn của thông tin đối với công chúng. Mặc dù báo chí nội chính là những tờ báo cung cấp nhiều thông tin nhất và thông tin cũng đa dạng, nhiều chiều nhất về công cuộc cải cách tư pháp nhưng hình thức thể hiện của các báo, tạp chí này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của độc giả.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả thông tin của báo chí nội chính trong quá trình tuyên truyền và thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp, cần có sự cải tiến hình thức trình bày của các báo và đa dạng hơn nữa các thể loại báo chí. Đối với các thể loại, các báo cần phải kết hợp hài hoà giữa thể loại phỏng vấn, phản ánh, bình luận, tin tức trong một trang báo. Không nhất thiết bài báo nào viết về cải cách tư pháp, về các vụ án cũng phải sử dụng thể loại bình luận, mà có thể kết hợp giữa một bài phỏng vấn và một tin sâu nếu trong trang báo dự định có đăng tải vấn đề cải cách tư pháp đã có một bài bình luận về một vấn đề khác. Về độ dài trang báo, hiện nay, xu hướng báo chí thế giới nói chung và báo chí Việt Nam nói riêng đang hướng tới những bài viết ngắn gọn
và dễ hiểu. Điều này đòi hỏi các báo nội chính phải có sự đổi mới nhất định trong các thức diễn đạt nội dung của các bài báo, tránh dùng nhiều thuật ngữ, nhiều nội dung bình luận mang tính chuyên môn sâu, dễ dẫn đến sự khó hiểu đối với công chúng. Mặt khác, các báo cũng cần giảm bớt số lượng bài viết của các nhà chuyên môn khi bàn luận về lĩnh vực cải cách tư pháp mà thay vào đó bằng hình thức mới như phóng viên viết một bài chính rồi kèm theo nhiều ý kiến của các nhà chuyên môn xung quanh vấn đề cần trình bày. Như vậy nội dung bài báo sẽ hấp dẫn hơn và công chúng cũng dễ tiếp cận thông tin từ báo bài báo này hơn.
Tóm lại, trong thời gian từ đầu năm 2002 đến hết tháng 6/2005, đã có hàng trăm bài viết về đề tài cải cách tư pháp được đăng tải trên báo chí nội chính dưới nhiều thể loại và hình thức thể hiện phong phú, đa dạng. Việc tuyên truyền sâu rộng này trên các cơ quan thông tin đại chúng đã góp phần tích cực vào việc nâng cao nhận thức của nhân dân về nỗ lực của Chính phủ trong tiến trình cải cách tư pháp, đồng thời hướng những người trực tiếp liên quan đến công tác này đi theo xu hướng chung của tiến trình cải cách, nhằm nâng cao hiệu quả của công tác tư pháp. Để tiếp tục phát huy ưu thế này, báo chí nội chính cần tiếp tục đổi mới cả về nội dung thông tin, cả về cách thức trình bày để ngày càng nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền và nâng cao uy tín của tờ báo đối với độc giả.
Kết luận
Từ khi Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp được ban hành, báo chí nội chính đã có những đóng góp không nhỏ vào quá trình tuyên truyền chủ trương, đường lối chung của Nghị quyết đồng thời đăng tải những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết này. Kết quả đáng ghi nhận từ báo chí nội chính là các báo, tạp chí đã góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức của nhân dân, góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách của Đảng, Nhà nước và tham gia đấu tranh chống các loại tội phạm, biểu dương người tốt, việc tốt, giữ gìn an ninh, trật tự xã hội. Từ thực tế cảI cách tư pháp và hoạt động tuyên truyền, phản ánh của báo chí nội chính, chúng tôi có một số ý kiến kết luận sau
1. Về nhiệm vụ tuyên truyền, phản ánh quá trình cải cách tư pháp, tuỳ theo chức năng, nhiệm vụ mà từng tờ báo có cách thức thông tin
khác nhau về Nghị quyết 08. Ngay sau khi Nghị quyết 08 được ban hành, các báo Bảo vệ Pháp luật, Công lý, Đời sống và Pháp luật, Pháp luật Việt Nam, Thanh tra đều có kế hoạch tuyên truyền cụ thể về Nghị quyết quan trọng và có ý nghĩa thiết thực đối với công tác tư pháp này. Bên cạnh việc đăng tải các nội dung chính của Nghị quyết, các báo đều có chuyên trang, chuyên mục hoặc nhiều bài viết về quá trình áp dụng Nghị quyết vào thực tiễn công tác tư pháp và những ảnh hưởng của cải cách tư pháp đến đời sống nhân dân. Từ đầu năm 2002, báo Pháp luật và Đời sống đã có chuyên mục "Bàn về cải cách tư pháp" ổn định trên trang 6 các số báo. Báo Pháp luật, nay là báo Pháp luật Việt Nam cũng có nhiều chuyên mục xung quanh chủ đề này như diễn đàn "Cải cách tư pháp", "Vấn đề bạn quan tâm". Báo Công lý có chuyên mục "Hồ sơ vụ án", báo Bảo vệ Pháp luật có chuyên mục "Hồ sơ Kiểm sát".
Nhìn chung, các báo nội chính đều dành nhiều thời lượng, nhiều bài viết phản ánh các hoạt động đa dạng của quá trình cải cách tư pháp, cả những mặt đã làm được và những điều còn hạn chế. Điều này chứng tỏ báo chí nội chính không chỉ song hành cùng các cơ quan tư pháp khi tuyên truyền về cải cách tư pháp và còn góp phần định ra những hướng đi đúng, rút ngắn thời gian thực hiện cuộc cải cách này. Như vậy, có thể khẳng định các báo nội chính đã làm tốt chức năng là cơ quan ngôn luận của các cơ quan tư pháp, góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp. ở khía cạnh là diễn đàn của nhân dân, báo chí nội chính đã tích cực phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân khi đất nước đổi mới công tác tư pháp. Các báo không chỉ tác động làm cho nhân dân thay đổi nhận thức về pháp luật mà còn tác động tới các nhà chuyên môn, định hướng họ theo những bước đi đúng của công cuộc cải cách tư pháp cho phù hợp với thực tế xã hội. ở khía cạnh này, báo chí nội chính trở thành cầu nối hai chiều giữa nhà nước và nhân dân, giữa nhân dân và nhà nước, phản ánh quá trình áp dụng chính sách pháp luật vào cuộc sống.
Tuy nhiên, trong suốt quá trình cải cách tư pháp, không phải lúc nào các báo cũng làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Vẫn còn có những bài viết chưa thực sự khách quan, chưa sâu sát về cải cách tư pháp đăng trên các báo. Hiện tượng thương mại hoá báo chí vẫn tác động tới một bộ phận những người cầm bút. Mặc dù vậy, những đóng góp của báo chí nội chính vào công cuộc cải cách tư pháp là đáng ghi nhận và cần tiếp tục nghiên cứu để nâng cao hiệu quả cải cách tư pháp từ kênh thông tin báo chí.
2. Về nghiên cứu lý luận cải cách tư pháp, do đặc thù riêng, những bài viết trên tạp chí nội chính thường mang tính chất nghiên cứu, lý luận, tổng kết thực tiễn. Các tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Luật học, Pháp
lý, Toà án nhân dân, Thanh tra, Kiểm sát đã đăng tải nhiều bài viết của các nhà nghiên cứu, các nhà làm luật xung quanh vấn đề cải cách tư pháp. Những bài viết trên trang "Nghiên cứu - Trao đổi" của các tạp chí này không chỉ có tính chất thông tin, cung cấp những quan điểm, định hướng của các cơ quan chức năng về cải cách tư pháp mà còn tạo ra diễn đàn trao đổi giữa các nhà khoa học, các nhà chuyên môn tranh luận tìm ra một hướng đi đúng cho một vấn đề cụ thể. Đây cũng là nơi để các nhà khoa học công bố các kết quả nghiên cứu của mình. Như vậy, nếu xét về tính thời sự thì các báo nội chính có ưu thế hơn tạp chí. Nhưng nếu xét về hiệu quả của các thông tin mang tính lý luận, định hướng thì tạp chí lại là một diễn đàn phù hợp.
Đối tượng mà các tạp chí hướng tới không phải là công chúng đông đảo như các báo mà tập trung vào đội ngũ các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu lý luận, các cán bộ tư pháp. Vì đặc điểm này mà phần lớn tạp chí nội chính đều có nhược điểm là luôn đăng tải các bài viết dài, dùng nhiều thuật ngữ chuyên môn và trình bày trang không sinh động. Tuy nhiên, do có sự kết hợp cả tính quần chúng rộng rãi, công khai từ các báo và tính lý luận, khoa học từ các tạp chí mà quá trình thông tin về công cuộc cải cách tư pháp trên báo chí nội chính đã đạt được nhiều kết quả, tạo nền móng và chuyển biến theo hướng tích cực trong nhận thức của nhân dân về một nền tư pháp minh bạch trong một đất nước pháp quyền.