Trong quá trình thông tin về cải cách tư pháp trên báo chí nội chính, thể loại phỏng vấn luôn được sử dụng vào những thời điểm quan trọng như khi mới ban hành Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, khi Sơ kết quá trình thực hiện cải cách tư pháp, trước những sự kiện quan trọng có tính chất bước ngoặt trong cải cách tư pháp như xét xử các vụ án trọng điểm, thực hiện tranh tụng công khai tại phiên toà, cho phép bị cáo mặc thường phục khi đứng trước vành móng ngựa, đặc xá phạm nhân vào những ngày lễ quan trọng của dân tộc v.v...
Thể loại phỏng vấn theo cách hiểu báo chí là một thể loại "đáp ứng được yêu cầu của bạn đọc muốn có sự giải thích về một sự kiện hoặc muốn biết ý kiến của một người nào đó, do địa vị xã hội hoặc nghề nghiệp chuyên môn mà họ biết sâu sắc hơn về một sự kiện hay một biến cố nào đó. Phỏng vấn còn dùng để giới thiệu về những con người để họ nói về những hoạt động của mình hoặc những động cơ thầm kín theo quan điểm của riêng họ"[15,tr.200]. Hiểu một cách đơn giản, phỏng vấn là việc phóng viên hỏi, người được hỏi trả lời và cung cấp thông tin cho tờ báo đó. Cuộc đối thoại đó có thể đăng theo hình thức hỏi - đáp trên báo chí hoặc thông tin được sử dụng vào các bài viết ở hình thức khác. Do đó, ở một nghĩa khác, phỏng vấn là một hình thức thu thập thông tin của báo chí
Do ưu thế dễ thực hiện, dễ cung cấp những thông tin quan trọng một cách nhanh chóng tới người đọc và dễ tạo được niềm tin với độc giả nên rất cả
các báo nội chính đều sử dụng thể loại này để tuyên truyền về công cuộc cải cách tư pháp.
Ngay sau khi Nghị quyết 08 được ban hành, ngay lập tức các báo đều có bài phỏng vấn ông Trương Vĩnh Trọng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương về những nội dung chính của Nghị quyết và hướng thực hiện Nghị quyết này. Những điểm mốc về thời gian sau đó các báo nội chính cũng thường sử dụng thể loại phỏng vấn để thông tin tổng quát về công tác tư pháp
Báo Pháp luật số 1(1844) ngày 1/1/2003, trang 3 có bài phỏng vấn ông Trương Vĩnh Trọng, Trưởng Ban Nội chính trung ương với tiêu đề "Đẩy mạnh cải cách tư pháp để theo kịp cải cách hành chính và cải cách kinh tế" của tác giả Nguyễn Thắng. Lời dẫn của bài phỏng vấn viết: " Trong những năm qua, công tác tư pháp đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, hoàn thành trọng trách lớn lao của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó là bảo vệ pháp chế và trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa, đấu tranh với các loại tội phạm, các vi phạm pháp luật, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, đồng thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức xã hội và công dân, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy rằng, chất lượng công tác tư pháp chưa ngang tầm với yêu cầu và đòi hỏi của nhân dân, còn bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội, vi phạm các quyền tự do dân chủ của công dân, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Trước tình hình đó, ngày 2/1/2002, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới". Tiếp sau lời giới thiệu này là các câu hỏi phỏng vấn như: "ông đánh giá thế nào về việc có ý kiến cho rằng Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị được ban hành gần một năm nhưng vẫn còn có bộ, ngành chậm triển khai hoặc triển khai hình thức, tình trạng oan sai vẫn còn?" ; "Kết quả thực hiện Nghị quyết 08 là rất lớn nhưng khó khăn tồn tại vẫn không
ít, trước thềm năm mới 2003, ông có suy nghĩ gì?". Như vậy, xét về mặt nội dung, một bài phỏng vấn như thế này, thông tin thường mang tính khái quát rất cao, đồng thời mang tính chất chỉ đạo của một người lãnh đạo đối với các cơ quan chức năng có liên quan thông qua diễn đàn báo chí.
Báo Đời sống và Pháp luật Xuân Giáp thân (2004) dành cả trang 17 để phỏng vấn về chủ đề "Cải cách tư pháp - những "bước đi" trong năm 2004". Trang này đăng 3 ý kiến phỏng vấn với các bài: "Ông Ngô Văn Quyền- Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương: Hoạt động tư pháp đã có chuyển biến tích cực" do tác giả Vũ Thu Thêm thực hiện; bài "Ông Uông Chu Lưu- Bộ trưởng Bộ Tư pháp: sẽ xử lý nghiêm các luật sư chạy án" và
bài "Ông Phạm Thế Duyệt- Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Vấn đề là ở chỗ con người thực hiện!" do tác
giả Thu Vân thực hiện. Những câu hỏi mà tác giả Vũ Thu Thêm phỏng vấn ông Ngô Văn Quyền đều xoay xung quanh chủ đề kết quả thực hiện công tác cải cách tư pháp như: những đánh giá cụ thể toàn diện việc thực hiện công tác cải cách tư pháp trong thời gian qua; mục tiêu trong năm 2003 sẽ thành lập Học viện Tư pháp, Cơ quan Giám định tư pháp trung ương đã được thực hiện đến đâu; những công việc phải làm trong năm 2004. Các câu hỏi mà tác giả Thu Vân phỏng vấn ông Phạm Thế Duyệt, ông Uông Chu Lưu cũng có cùng chủ đề này như: đánh giá về hoạt động tư pháp từ sau khi có Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị; Luật hoạt động giám sát của Quốc hội có thực sự có hiệu lực không đối với hoạt động tư pháp; trong thời gian tới cần phải làm gì để hoạt động tư pháp thực sự đáp ứng được mong mỏi của nhân dân; quan điểm về ý kiến cho rằng hoạt động tranh tụng công khai tại phiên toà sau khi Nghị quyết 08 ban hành chưa có gì mới so với trước khi tiến hành cải cách tư pháp; làm thế nào để hạn chế việc luật sư chạy án ...
Hầu hết các bài phỏng vấn xuất hiện trên báo chí nội chính đều là tiếng nói của các nhà quản lý, các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực tư pháp. Qua hệ thống các câu hỏi phỏng vấn và các câu trả lời phỏng vấn có thể nhận thấy các câu hỏi đều hỏi về những vấn đề lớn, mang tính chất chung của quá trình cải cách tư pháp. Mặt khác, do đối tượng được hỏi cũng thường là các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý tư pháp nên câu trả lời cũng nghiêng về việc đánh giá chủ trương chung và những kết quả chung trong quá trình cải cách tư pháp.
Từ thực tế này có thể thấy, thể loại phỏng vấn có nhiều ưu điểm nhưng cũng có nhiều hạn chế khi thông tin về công cuộc cải cách tư pháp. ưu điểm đó trước hết thể hiện qua việc thông tin một cách nhanh chóng và trung thực nhận định, ý kiến của người đại diện các cơ quan chức năng về một vấn đề nổi bật đang được dư luận xã hội quan tâm. Qua bài phỏng vấn đó, người dân có thể biết được quan điểm, chính kiến của các cơ quan chức năng trong việc tiến hành cải cách tư pháp ở từng giai đoạn cụ thể. Mặt khác, do bài phỏng vấn nêu câu trả lời trực tiếp của người đại diện các cơ quan tư pháp và thường là những người có thẩm quyền nên dễ nhận được sự tin tưởng của nhân dân. Đồng thời, thông tin đó cũng có tác dụng định hướng hành động cho các cơ quan chức năng có liên quan tới nội dung phỏng vấn. Điều này chứng tỏ rằng, bài phỏng vấn giữ một vai trò rất quan trọng và đương nhiên không thể thiếu được đối với mỗi tờ báo.
Tuy nhiên, hạn chế của thể loại này cũng được phản ánh một cách rõ ràng qua khảo sát ảnh hưởng của nó tới công chúng bình dân. Phần lớn độc giả không thích đọc các bài báo thuộc thể loại phỏng vấn trên báo chí nội chính vì cho rằng họ không tiếp nhận được nhiều thông tin thiết thực từ các bài báo này. Điều này bắt nguồn từ hai lý do. Thứ nhất do phóng viên không am hiểu sâu sắc về lĩnh vực cải cách tư pháp nên thường đưa ra những câu hỏi chung chung đối với các nhà quản lý như đánh giá thế nào về hoạt động cải
cách tư pháp, trong thời gian tới các cơ quan chức năng cần phải làm gì để nâng cao hiệu quả cải cách tư pháp v.v... Những câu hỏi này sẽ dẫn người được phỏng vấn trả lời theo hướng nhắc lại những vấn đề vĩ mô đã được nêu trong các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về cải cách tư pháp. Điều đó làm cho thông tin từ các bài phỏng vấn rơi vào tình trạng nhàm chán, vô thưởng vô phạt, không nhận được sự quan tâm của đông đảo độc giả là người dân bình thường. Mặt khác, ở tầm quản lý, các đối tượng được phỏng vấn cũng sẽ trả lời những vấn đề mang tính chất vĩ mô, có liên quan đến định hướng hoạt động cho các cơ quan tư pháp mà không chú ý đến ảnh hưởng và nhận thức của thông tin đó đối với đại đa số độc giả.
Từ những phân tích này có thể thấy rằng các báo, tạp chí nội chính vẫn cần có những bài phỏng vấn khi thông tin về công cuộc cải cách tư pháp nhưng cần phải đổi mới cách thức thể hiện. Phóng viên nêu câu hỏi cũng cần phải hỏi những vấn đề mà họ biết sẽ thu hút được sự quan tâm của công chúng. Những câu hỏi này sẽ làm cho những người được phỏng vấn trả lời theo hướng sự quan tâm của độc giả.