Thể loại tường thuật

Một phần của tài liệu Báo chí nội chính với công cuộc cải cách tư pháp (Trang 124)

Thông thường, các báo, tạp chí ít sử dụng thể loại tường thuật để thông tin về một vấn đề hoặc một sự kiện quan trọng. Tuy nhiên, khi công cuộc cải cách tư pháp được tiến hành, có những vụ án trọng điểm được đưa ra xét xử mà chỉ thời gian tiến hành phiên toà xét xử sơ thẩm đã kéo dài hàng tháng. Do tính chất liên tục của các phiên toà này, báo chí nội chính đã xử dụng thể loại tường thuật để thông tin về diễn biến của các phiên toà lớn qua các ngày xét xử.

Tường thuật, theo cách hiểu báo chí học là hình thức thông tin trên báo chí một sự kiện, hiện tượng diễn ra trong đời sống xã hội theo trình tự thời gian.

Có nhiều vụ án lớn được báo chí nội chính tường thuật diễn biến của phiên toà. Thể loại tường thuật cũng được áp dụng đối với các vụ án có nhiều tình tiết phức tạp hoặc thu hút được sự quan tâm của dư luận. Báo Bảo vệ Pháp luật số 28(80) ngày 6/4/2004, trang 5 có bài "Kẻ phạm tội tự kết liễu đời mình" của tác giả Ninh Hồng. Bài báo cho biết: " Ngày hôm 1/2/2002, y ( bị cáoDương Phước Quý- NV) quan sát thấy nhà hàng xóm của mình là ông Nguyễn Hồng Đào và bà Nguyễn Thị Thuận có bật ô thông gió, nên đã nảy sinh ý đồ trộm cắp, vì y biết gia chủ cũng thuộc loại khá bởi có cửa hàng buôn bán. Tuy nhiên, y phải tốn công rình rập, đợi chờ đến tận lúc 0 giờ 15 phút ngày 2/12/2002 thì thời cơ mới đến. Khi biết chủ nhà và mọi người xung quanh đã ngủ say, y lần lượt leo lên mái tôn chuồng heo của nhà mình, trườn qua mái tôn của nhà hàng xóm khác, rồi nhảy vào và trèo lên lan can tầng 1 của nhà ông Đào.... Một tay cầm dao, một tay y lần mò tìm tài sản, chìa khoá dưới gối của 2 ông bà. Thấy động, ông Đào thức giấc, mở mắt và ú ớ kêu.

Ngay lập tức, Quý đã dùng dao nhọn đâm thẳng, rất mạnh xuống người ông Đào. Bà Thuận cũng tỉnh giấc và chỉ kịp túm lấy người Quý. Như con mồi say máu, Quý lại tiếp tục đâm bà Thuận vào tay, sau đó y vùng bỏ chạy theo đường cũ về nhà và mang theo chiếc điện thoại đã lấy được. Còn ông Đào, chỉ kịp bước ra khỏi giường đến giữa phòng khách và gian bán hành thì gục xuống bất tỉnh. Khi đưa đến Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn thì do thương tích quá nặng nên ông Đào đã chết. Còn bà Thuận cũng phải điều trị phẫu thuật nối gân đứt, khâu tái tạo da và mức thương tật vĩnh viễn bà Thuận phải mang là 12%". ở bài viết này, tác giả không là người trực tiếp chứng kiến diễn biến sự việc nhưng qua tư liệu thu thập được, tác giả sử dụng thể loại tường thuật để miêu tả chi tiết quá trình diễn ra vụ án, khiến người đọc cũng có cảm giác như mình được tận mắt chứng kiến quá trình phạm tội của tên Dương Phước Quý.

Thể loại tường thuật được dùng nhiều trên các trang "Tư pháp - Pháp đình" của báo chí nội chính vì các vụ án, các phiên toà xét sử, các sự việc bao giờ cũng diễn ra theo một trật tự thời gian nhất định. Để có thể thông tin một các mạch lạc và dễ hiểu về diễn biến của các sự việc này thì thể loại tường thuật là một giải pháp phù hợp. Báo Đời sống và Pháp luật số 52 từ ngày 23 đến 29/12/2004, trang 7 có bài "Hưng Yên: Toà nhầm họ tên, đương sự gặp hoạ" của tác giả KN. Tác giả viết: "Năm 1983, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự về địa phương, anh Oanh lập gia đình với chị Lê Thị Tuyết, người cùng quê. Sống chung với nhau hơn 10 năm, biết anh không thể có con do bị nhiễm xạ, chị Tuyết chỉ động viết đơn xin ly hôn. Ngày 2/5/1997, Toà án nhân dân huyện Châu Giang (nay là huyện Khoái Châu) mở phiên toà sơ thẩm. Ngoài việc công nhận sự thuận tình ly hôn giữa anh Oanh và chị Tuyết, Toà còn quyết định giao cho chị Tuyết 204 m2

đất nằm trong diện tích mà gia đình anh Oanh đang sử dụng. Xử xong một tuần, anh Oanh lên Toà xin bản án

nhưng cán bộ Toà trả lời là "Không có ai mang tên Phan Ngọc Oanh trong các vụ án xét xử tại Toà đầu tháng 5/1997 nên không giao cho anh bản án được"!. Sau đó, anh Oanh đã nhiều lần lên Toà nhưng không lần nào lấy được bản án?!". Tiếp theo những thông tin này, tác giả lần lượt thông tin về những khó khăn mà anh Oanh gặp phải vào các mốc thời gian như: "Bốn năm sau anh Oanh xây dựng gia đình với chị Phan Thị Thanh", "Tháng 7/2003 và tháng 5/2004, anh Oanh "bỗng" nhận được giấy báo của Đội Thi hành án huyện Văn Giang mời đến trụ sở của Đội để giải quyết việc thi hành án" v.v... Như vậy, thể loại tường thuật không chỉ được dùng để diễn tả những sự việc diễn ra liên tục trong một thời gian ngắn mà có thể sử dụng để thông tin về một quá trình diễn ra một sự kiện, mang tính lôgíc và liền mạch. Tuy nhiên, đối với các sự kiện diễn ra trong ngày, trong tuần, theo tuần tự thời gian thì thể loại tường thuật sẽ là thể loại phù hợp nhất vì tạo được không khí sôi động và đem đến cho độc giả cảm giác như họ đang tận mắt chứng kiến sự việc, sự kiện đó.

Mặc dù vậy, trong các báo nội chính hiện nay, mới chỉ có báo Pháp luật Việt Nam phát hành 6 kỳ/tuần, các báo còn lại phát hành 2 kỳ/tuần. Các tạp chí phát hành 2 kỳ/tháng hoặc 1 kỳ/tháng. Đó là nguyên nhân dẫn tới việc thể loại tường thuật chỉ phù hợp với báo Pháp luật Việt Nam mà không phù hợp với các báo khác như báo Đời sống và Pháp luật, Công lý, Bảo vệ Pháp luật, Thanh tra...

Ưu điểm của thể loại này thông tin một cách khái quát, khách quan các phiên toà xét xử. Với bài viết thuộc thể loại này, độc giả sẽ hình dung được toàn bộ diễn tiến của phiên toà từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc theo trình tự thời gian cụ thể. Tuy nhiên, đối với một vụ án, diễn tiến của phiên toà xét xử thường rất phức tạp. ý kiến của các luật sư bào chữa cho các bị cáo bao giờ cũng đi ngược lại bản luận tội của Viện Kiểm sát và kết luận vụ án của Cơ

quan điều tra. Do đó, thông tin của phiên toà sẽ đi theo rất nhiều hướng khác nhau và lý lẽ của bên nào đưa ra cũng xác đáng và có căn cứ. ở vào địa vị của người đọc, những luồng thông tin nhiều chiều này sẽ làm cho họ không biết đâu là thông tin thực sự chính xác. Thể loại tường thuật chỉ giúp cho công chúng hình dung được một cách tổng quát về diễn biến của phiên toà mà rất khó có được định hướng. Giữa sự bề bộn, phức tạp của các chi tiết trong cáo trạng vụ án thì đâu là đúng, đâu là sai và trong các đại diện tham gia phiên toà đó ai là người thực hiện chưa đúng vai trò của mình theo quy định mới có sau cải cách tư pháp? Đó lại là một nội dung đòi hỏi sự hỗ trợ và kết hợp của các thể loại khác. Như vậy, việc ít định hướng cho công chúng trước nhiều thông tin trái chiều trước một phiên toà là hạn chế của thể loại tường thuật trên báo chí nội chính.

Để khắc phục tình trạng này, hiện nay, báo chí nội chính đã kết hợp nhiều thể loại khi phản ánh những phiên toà xét xử những vụ án trọng điểm. Có nghĩa là trên cùng một số báo, một trang báo đồng thời xuất hiện nhiều bài viết dưới nhiều hình thức thể loại khác nhau như tường thuật, phỏng vấn, tin, bình luận... thông tin về nhiều khía cạnh của cùng một vụ án. Điều đó chứng tỏ rằng, nếu thể loại tường thuật được sử dụng như một thể loại độc lập để thông tin về toàn bộ diễn biến một sự việc, một vụ án thì hiệu quả thông tin của thể loại này sẽ không cao. Nhưng nếu thể loại bình luận được kết hợp với các thể loại khác trong quá trình thông tin thì các báo sẽ đạt được cả hai hiệu quả, vừa thông tin đầy đủ, sâu sắc về một vấn đề tư pháp, vừa làm đa dạng hình thức thông tin để thu hút sự quan tâm của độc giả.

Như vậy, hướng phát triển của thể loại này trên báo chí nội chính trong thời gian tới vẫn là kết hợp, bổ sung cùng với các thể loại khác để tạo nên sự sinh động, hấp dẫn cho các thông tin cải cách tư pháp.

Một phần của tài liệu Báo chí nội chính với công cuộc cải cách tư pháp (Trang 124)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(172 trang)