Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp yêu cầu Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương phối hợp với các cơ quan có liên quan chỉ đạo các phương tiện thông tin đại chúng tham gia tích cực vào việc phát hiện vi
phạm, tội phạm, đề cao trách nhiệm việc đưa tin, bình luận về công tác tư pháp, chấn chỉnh việc đưa tin một chiều, sai lệch. Chỉ thị số 10/TTg ngày 19/3/2002 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thực hiện Nghị quyết 08 cũng yêu cầu Bộ Văn hóa – Thông tin chỉ đạo các Báo đẩy mạnh tuyên truyền việc chấp hành pháp luật, nêu những vi phạm pháp luật...
Như vậy, có thể nói, không chỉ sau khi có Nghị quyết 08 mà trước đó báo chí đã nêu rất nhiều khía cạnh, cả mặt tích cực và những mặt tiêu cực trong hoạt động của các cơ quan tư pháp, làm tiền đề cho quá trình thông tin cải cách tư pháp sau khi Nghị quyết 08 ra đời. Nghị quyết 08 đặt nhiệm vụ cho báo chí hỗ trợ tiến trình thực hiện cải cách tư pháp, nhưng đây đồng thời cũng là cơ hội để báo chí đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền của mình, mở rộng các diễn đàn trao đổi về việc thực hiện các nội dung trọng tâm trong Nghị quyết, lấy Nghị quyết 08 làm điểm tựa cho việc tổ chức các bài viết mang tính chiến đấu, tiến công phòng chống tội phạm.
Hoạt động giữa các cơ quan báo chí và các cơ quan tư pháp trong việc thông tin về trách nhiệm của các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử trong hoạt động tố tụng và tuyên truyền về giáo dục phòng ngừa tội phạm trong thời gian qua đã đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng. Kết quả đó thể hiện trên nhiều khía cạnh. Trong thời gian qua, các báo, tạp chí nội chính đã có nhiều thông tin, tư liệu quý báu giúp các cơ quan trong khối nội chính tổng hợp và đánh giá chất lượng công tác triển khai cuộc cải cách tư pháp. Qua báo chí, các cơ quan này có thể biết dư luận xã hội đồng tình hay phản đối về đường lối xử lý, vận dụng chính sách pháp luật của các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử khi thực hiện chức năng của mình trong hoạt động tố tụng hình sự.
Cũng trong thời gian qua, lãnh đạo các cơ quan nội chính trung ương đã chú trọng chỉ đạo và tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan báo chí với các cơ quan nội chính. Điều này thể hiện ở việc trao đổi, bàn biện
pháp phối hợp công tác thông tin tuyên truyền, trao đổi thống nhất về quan điểm xử lý, vận dụng chính sách pháp luật liên quan đến việc phát hiện và xử lý tội phạm, nhất là các vụ việc do báo chí phát hiện và nêu trên công luận. Từ năm 2002, tức là từ khi Nghị quyết 08 về cải cách tư pháp được ban hành đến nay, hoạt động phối hợp này càng thể hiện rõ hơn. Mối quan hệ giữa báo chí, trực tiếp là các phóng viên báo chí, các nhà báo với các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử đã tập trung vào việc giải quyết các vấn đề mà báo chí nêu ra: Đó là việc các trường hợp bị khởi tố, điều tra, truy tố và đưa ra xét xử oan sai; các trường hợp bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn, bị hạn chế quyền công dân, bị thiệt hại về tài sản do các cơ quan tố tụng vi phạm các quy định của pháp luật... Các trường hợp phạm tội, vi phạm pháp luật được nhiều người quan tâm nhưng không được hoặc chưa được khởi tố, điều tra kịp thời; các trường hợp phạm tội trong một số vụ án cụ thể bị các cơ quan tố tụng để quên hay bỏ lọt... được báo chí nêu cũng là nội dung để các cơ quan bảo vệ pháp luật giải quyết. Bên cạnh đó, các trường hợp tuy đã được khởi tố, điều tra, truy tố và đưa ra xét xử nhưng xem xét với mức án không nghiêm, không đảm bảo sự công bằng và bình đẳng trước pháp luật cũng là đối tượng của báo chí. Báo chí nội chính cũng đặc biệt quan tâm đến các trường hợp do tham nhũng, tiêu cực, vi phạm của các cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án dẫn đến việc giải quyết các vụ án không khách quan, không đúng luật... Nhiều cơ quan đã kịp thời trả lời bằng văn bản các vấn đề mà báo chí nêu lên hoặc đề nghị giải đáp. Thông qua việc phối hợp giải quyết các thông tin này nên quan hệ giữa các cơ quan báo chí và các cơ quan tố tụng cũng trở nên gần gũi hơn. Mỗi bên đã thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Trong hoạt động phòng ngừa tội phạm, các cơ quan báo chí đã đóng một vai trò rất tích cực, thể hiện trên nhiều mặt, có sức tuyên truyền rất sâu rộng
và đã thu được kết quả tốt. Hầu hết các Nghị quyết của Đảng, chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước về đấu tranh phòng chống tội phạm đã được các báo đăng tải nguyên văn hoặc đăng tải những nội dung quan trọng có liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Nhiều bài báo dựa trên những vụ việc phạm tội đã xảy ra để phân tích, làm rõ các nguyên nhân, điều kiện phạm tội để giáo dục, phòng ngừa.
Cùng với những kết quả đạt được rất tích cực như đã nói trên, công tác phối hợp giữa các cơ quan báo chí và các cơ quan tư pháp trong việc thông tin về trách nhiệm của các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử trong hoạt động tố tụng và tuyên truyền giáo dục, phòng ngừa tội phạm còn có một số vấn đề cần được quan tâm và rút kinh nghiệm. Đó là, trong công tác tuyên truyền đấu tranh phòng, chống tội phạm thì liều lượng thông tin giữa mặt tích cực, mặt tiêu cực chưa được các báo chú trọng, điều chỉnh đúng mức. Các điển hình tiên tiến, tích cực, các gương sáng trong đấu tranh phòng chống tội phạm ít được nhắc đến hoặc liều lượng rất ít. Những bài báo viết về tiêu cực thì chiếm liều lượng khá nhiều, nhất là việc hầu hết các báo đều đưa lên khá nhiều chuyện vụ án. Nhiều bài báo nêu tình tiết vụ án chứ không đi sâu vào việc phân tích, phê phán các hành vi phạm tội đó. Cá biệt ở một số bài báo viết có phần thô tục, thiếu tính thẩm mỹ và chưa được kiểm tra, trau chuốt trước khi in.. Chính vì vậy mà tác dụng giáo dục của các bài báo này rất thấp. Có một thực tế khác, là có báo thường đưa ra các nhận xét chủ quan, bình luận, đánh giá, phê phán các văn bản pháp lý trong tố tụng hình sự như: quyết định khởi tố bị can, kết luận điều tra, quyết định đình chỉ điều tra, cáo trạng, bản án, quyết định kháng nghị.... trong khi có vụ việc giải quyết chưa đến giai đoạn cuối cùng. Có bài báo còn chỉ trích đích danh người ký các văn bản tố tụng nói trên.. Nhiều điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán và chấp hành viên rất băn khoăn, bức xúc khi thấy có những văn bản tố tụng chỉ lưu hành trong nội
bộ cơ quan tố tụng nhưng cũng được một số tờ báo đưa ra nhận xét, bình luận và áp đặt theo ý thức chủ quan của người viết. Trong khối Nội chính Trung ương, vẫn có hiện tượng báo của ngành này chuyên phê phán hoặc đi sâu vào các vấn đề của ngành khác trong khi chưa tìm hiểu rõ. Về phía các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử thì việc thông tin về các vấn đề mà các cơ quan báo chí nêu ra nhiều khi không kịp thời, đầy đủ, cũng có trường hợp né tránh và không trả lời. Tất cả những vấn đề này đều có ảnh hưởng đến hiệu quả thông tin của báo chí nội chính và niềm tin cậy của công chúng đối với các tờ báo, tạp chí này.
Chương II
Báo chí nội chính thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền và phản ánh công cuộc cải cách tư pháp
Sau khi Nghị quyết 08/NQ-TW ra đời, hệ thống tư pháp nước ta đã có những biến chuyển rõ nét, trên cả diện rộng và trong cả chiều sâu. Các báo nội chính cũng góp phần không nhỏ vào cuộc cách mạng này. Phần lớn các báo nội chính đã đạt được những thành tích nhất định trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật, phục vụ nhiệm vụ chính trị của các cơ quan nội chính. Điều này cũng góp phần quan trọng vào quá trình cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và trong đấu tranh chống tham nhũng, buôn lậu, chống tiêu cực xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn có những khuyết điểm, tồn tại bộc lộ rõ nét trong quá trình tuyên truyền cải cách tư pháp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của các báo. Chúng tôi xin đề cập đến hai giai đoạn thông tin của các báo nội chính đối với công tác này.