và nhân dân
Nâng cao hiểu biết và ý thức pháp luật cho cán bộ, nhân dân là một nhịêm vụ thường xuyên của báo chí nói chung và của các báo nội chính nói riêng. Tuyên truyền về công cuộc cải cách tư pháp có những đặc thù riêng biệt vì nó gắn liền với sự vận động của một thể chế chính trị và gắn liền với những quyền lợi trực tiếp của người dân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật không chỉ nâng cao ý thức pháp luật cho cán bộ và nhân dân mà còn là một giải pháp lâu dài để giữa vững ổn định chính trị và
phát triển xã hội. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật vừa là một nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan báo chí nội chính được ghi ở tôn chỉ, mục đích trong giấy phép hành nghề báo chí của từng tờ báo, tạp chí, vừa là một phương thức để báo chí duy trì hoạt động, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng. Đây cũng là nhiệm vụ của các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử được ghi trong các Luật, Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động của các cơ quan này. Các cơ quan báo chí và các cơ quan nội chính gặp nhau ở điểm chung này. Do vậy, việc phối hợp giữa các cơ quan báo chí với các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử vừa là yêu cầu, vừa là nhiệm vụ tất yếu của công cuộc cải cách tư pháp.
ở Việt Nam các quan niệm truyền thống có ảnh hưởng to lớn đối với hoạt động tư pháp. Việt Nam là một nước có truyền thống Nho học và hành xử trước các tình huống xảy ra hàng ngày trên nguyên tắc tình cảm. Điều này đã trở thành thói quen lâu đời của đại bộ phận các tầng lớp nhân dân Việt Nam. Hiện nay, báo chí là một kênh thông tin rất quan trọng trong cuộc sống của nhân dân. Người dân luôn tin vào các thông tin đọc được trên các báo, nhất là các báo của các cơ quan tư pháp. ở không ít địa phương, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, ý thức pháp luật của nhân dân nhìn chung còn thấp. Nhiều nơi vẫn duy trì các luật tục trái với pháp luật của nhà nước. Do vậy, cùng với các bài báo phản ánh sự kiện, vấn đề cụ thể, các báo nội chính luôn có các mục giải đáp pháp luật, trả lời thư bạn đọc... để tuyên tuyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Tuy nhiên, việc tuyên truyền pháp luật cho những người dân ít am hiểu pháp luật không khó bằng đấu tranh với các đối tượng hiểu biết pháp luật nhưng có ý vi phạm pháp luật, lợi dụng những kẽ hở của pháp luật để trục lợi. Đối với những đối tượng này, các báo nội chính lại có những cách đấu tranh kiên quyết qua các bài điều tra, các phóng sự, bài phản ánh, phân tích rõ sai phạm và động cơ vi phạm pháp luật của các đối tượng bị
báo chí phản ánh. Như vậy, đứng trước yêu cầu và nhiệm vụ cải cách tư pháp, báo chí phải góp phần tạo nên thói quen sống và làm việc theo pháp luật cho mọi tầng lớp nhân dân, không chỉ ở những người ít hiểu biết pháp luật mà cả ở những người am hiểu các quy định của pháp luật trong từng ngành cụ thể.
Tại tất cả các quốc gia trên thế giới, nhận thức về pháp luật và ảnh hưởng của báo chí đối với nhận thức về pháp luật của nhân dân bao giờ cũng có một ý nghĩa quan trọng. Sự hiểu biết, am tường của người dân Việt Nam về các văn bản pháp luật, các chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước hiện nay chưa cao. Trong khi đó, tư pháp là ngành có vai trò quan trọng trong việc tham mưu cho Nhà nước ban hành hệ thống pháp luật nhưng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của nước ta vẫn còn có nhiều thiếu sót. Những thiếu sót này được dư luận rộng rãi chỉ ra như còn thiếu toàn diện, chưa đầy đủ, chưa đồng bộ, thậm chí còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa theo sát để đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Bên cạnh sự thiếu sót đó thì việc khắc phục lại rất chậm chạp và không hiệu quả. Việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật còn nặng về các giải pháp do ngành chủ trì thực hiện nêu lên mà ít tính đến tác động của các giải pháp này trong thực tế đời sống đến đâu.
Trước thực tế này, nhân dân và những người áp dụng pháp luật đang gặp rất nhiều khó khăn do khối lượng đồ sộ và tính phức tạp của hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật. Nhiều lĩnh vực có tới hàng trăm văn bản do nhiều cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành ở các thời điểm khác nhau. Với trình độ văn hoá pháp luật của nhân dân nói chung và cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước ta nói riêng còn có nhiều hạn chế, cộng với điều kiện thông tin pháp luật, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý còn nhiều bất cập thì việc nắm cho được tinh thần, nội dung của các văn bản quy phạm pháp luật là vấn đề không đơn giản. Nó có ý nghĩa ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến hiệu quả thi hành pháp luật. Vì vậy, việc huy động cả hệ thống
chính trị, các cơ quan thông tấn báo chí, các tổ chức luật sư, các hình thức phổ biến pháp luật dễ hiểu gắn với quyền và nghĩa vụ thiết thực của công dân và các tổ chức xã hội phải là một nhiệm vụ được đặc biệt quan tâm.
Khi nhân dân có trình độ luật pháp cao thì sẽ hạn chế được rất nhiều bất cập nảy sinh do giải quyết mâu thuẫn theo thói quen tình cảm của người dân. Các cơ quan thông tấn báo chí đều có nhiệm vụ tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức cho người dân nhưng hệ thống báo chí nội chính có vai trò đặc biệt quan trọng vì nhân dân bao giờ cũng tin tưởng hơn vào tờ báo của chính các cơ quan tư pháp đang có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của họ.