7. Cấu trúc của luận văn
3.2.1. Ngôn ngữ trần thuật
Bất kỳ một tác phẩm văn học nào cũng đều được kể hoặc viết bằng lời thơ, lời văn, lời nhân vật, lời tác giả…. Trong cuốn Từ điển thuật ngữ văn học, lời văn nghệ thuật được định nghĩa là “Dạng phát ngôn được tổ chức một cách nghệ thuật tạo thành cơ sở ngôn từ của văn nghệ thuật, là hình thức ngôn từ nghệ thuật của tác phẩm văn học”. Lời văn là hình thức ngôn từ nghệ thuật của tác phẩm. Những giá trị biểu đạt, giá trị thẩm mĩ của văn bản văn chương được tạo nên bằng chất liệu ngôn từ. Cho nên, văn học là nghệ thuật ngôn từ. Mỗi tác giả văn học là một nhà sáng tạo nghệ thuật bằng ngôn từ. Khi nghiên cứu ngôn từ nghệ thuật, Khrapchenco đã khẳng định ý nghĩa của nó: “Không phải chỉ như là những cơ sở đầu tiên của tác phẩm văn học mà còn là như một hiện tượng của phong cách văn học”. Như vậy, nói đến lời văn nghệ thuật là nói đến ngôn ngữ nghệ thuật trong tính toàn vẹn cụ thể sinh động của nó. Có được lời văn nghệ thuật mà tác giả đã tái hiện sắc sảo những nét cá thể, cùng các chi tiết đời sống của nhân vật. Chính điều đó làm nên thế giới cụ thể của tác phẩm. Hơn nữa, nhờ các sắc thái ý nghĩa khác nhau và những liên hệ cú pháp - ngữ điệu khác nhau mà nhà văn biểu hiện chân thành thái độ xúc cảm.
Nghệ thuật tự sự là một trong những yếu tố quan trọng trong phương thức biểu hiện của truyện ngắn - thuộc loại hình tự sự. Bên cạnh đó, nó còn là yếu tố cơ bản để chứng minh cá tính sáng tạo của mỗi nhà văn. Ngôn ngữ trần thuật, ngôn ngữ người kể chuyện tạo nên giá trị nghệ thuật của truyện ngắn
66
nói riêng và tác phẩm tự sự nói chung. Các tác giả rất quan tâm chú ý đến khía cạnh truyền đạt giọng điệu cái tôi của mình trong tác phẩm khiến cho hình thức kể chuyện ở ngôi thứ nhất xuất hiện ngày càng nhiều.
Kể theo ngôi thứ nhất, nhân vật người kể chuyện xưng “tôi” trong tác phẩm để kể chuyện về bản thân hay về người khác song không bộc lộ rõ là tác giả. Nhân vật “tôi” lúc đó giữ vai trò quan trọng quyết đinh đối với toàn bộ cấu trúc của văn bản, là nhân vật xuyên suốt tác phẩm. Còn những nhân vật khác trong tác phẩm chỉ được miêu tả từ điểm nhìn của người kể chuyện.
Trong những năm gần đây, truyện ngắn là thể loại được nhiều tác giả ưu ái lựa chọn khi sáng tạo và cũng được người đọc đông đảo tìm đến. Cho nên, truyện ngắn phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất. Nhiều nhà văn đã tỏ ra rất say mê, tâm huyết với thể loại này. Họ viết thật tự nhiên, chân thành. Bởi các tác giả sống hăng say, nhiệt tình, viết quyết liệt và trung thực bằng chính cảm xúc vốn có của chính mình. Trong đó, Bảo Ninh là cây bút đã tạo nên “thương hiệu” cho chính mình. Đây là một tác giả có một phong cách viết độc đáo, mới mẻ, hấp dẫn và để lại nhiều dấu ấn trong lòng độc giả.
Khảo sát truyện ngắn Bảo Ninh, chúng tôi nhận thấy tác giả khá đa dạng và độc đáo trong lựa chọn các giọng điệu trần thuật. Ngôn ngữ trần thuật được thể hiện qua điểm nhìn trần thuật, qua vai, ngôi của người kể chuyện và giọng điệu trần thuật, giọng điệu trữ tình, triết lý nhẹ nhàng, hài ước, ngôn ngữ đẹp… Truyện ngắn Bảo Ninh hấp dẫn, lôi cuốn người đọc ở sự đặc biệt của đề tài với sự thể hiện đa chiều, đa diện. Dù chỉ lướt qua một lần, nhưng tác phẩm của ông, trải qua một thời gian vẫn cứ phảng phất, ám ảnh, trằn trọc trong lòng mỗi độc giả. Điều đó chứng minh tác phẩm của Bảo Ninh đã vượt qua thử thách của thời gian, khiến ngày càng có nhiều độc giả trân trọng và đọc kỹ hơn. Sức lôi cuốn của văn Bảo Ninh ngoài nguyên nhân nội dung được đề cập trong tác phẩm, tấm lòng và nhân cách nhà văn, còn một nguyên nhân
67
không thể phủ nhận, đó là cách trần thuật của nhà văn. Đối với các tác phẩm tự sự nói chung, truyện ngắn nói riêng nghệ thuật kể chuyện đóng vai trò quan trọng trong các yếu tố hình thức. Bảo Ninh được đánh giá là một trong những nhà văn có tài kể chuyện trong văn học Việt Nam sau 1975, bởi ông biết vận dụng một cách tài tình và sáng tạo ngôn ngữ tự sự để dựng nhân vật và tả cảnh, kể và tả, giới thiệu, bình luận về sự kiện…. Xét cho cùng, sức sống của nội dung tư tưởng trong tác phẩm phụ thuộc rất nhiều vào tài năng kể “như thế nào” của nhà văn.
Trong các truyện ngắn của Bảo Ninh, sự hồi tưởng về chiến tranh xuất hiện trong những truyện ngắn mà người trần thuật theo ngôi thứ ba ẩn mình và người trần thuật theo ngôi thứ nhất - đồng thời là nhân vật. Nhân vật trong truyện thường xưng Tôi để kể lại câu chuyện về chiến tranh, đó có thể là câu chuyện của bản thân nhân vật “tôi” nhưng có thể là câu chuyện của nhân vật khác trong đó “tôi” cũng có liên quan. Những truyện như: Rửa tay gác kiếm, Hà Nội lúc không giờ, Khắc dấu mạn thuyền, Đêm trừ tịch, Bằng chứng, Sách cấm, Cái búng, Mùa khô cuối cùng… chiến tranh được hồi tưởng lại qua nhân vật Tôi, thường là những câu chuyện được kể từ điểm nhìn hiện tại về quá khứ chiến tranh đã qua.
Hà Nội lúc không giờ là câu chuyện hướng về dĩ vãng, dưới điểm nhìn của nhân vật người kể chuyện, nhân vật “tôi”. Nhân vật người kể chuyện xưng “tôi” giữ vai trò quyết định đối với toàn bộ cấu trúc văn bản. “Tôi” là nhân vật xuyên suốt, còn những nhân vật chỉ được miêu tả từ điểm nhìn của người kể chuyện. Trước những thời khắc của giao thừa hiện tại, nhân vật “tôi” đã trôi vào dòng hồi tưởng về quá khứ. Chiến tranh được hồi tưởng qua điểm nhìn của nhân vật “tôi” Hà Nội “mùa xuân đó vẫn đâu đây trong trời đất và vẫn thường nhập hồn về với mùa xuân của thành phố hôm nay vào đúng những nửa đêm, lúc không giờ” [36, tr. 292]. Nhân vật “tôi” đứng từ thời
68
điểm hiện tại quay ngược về quá khứ, nhớ về Hà Nội của năm Giáp Thìn xa xưa. Trong cách nhìn đó, điểm nhìn của nhân vật “tôi” lần lượt hiện hình những đoạn đời, những nhân cách con người trong những năm tháng bom đạn ấy. Chiến tranh không phải chỉ ngày một ngày hai mà chiến tranh là chuỗi dài khó khăn gian khổ. Thời điểm mà Bảo Ninh tạo ra cho nhân vật “tôi” nghĩ về chiến tranh là khoảnh khắc của Hà Nội trong vắt lúc không giờ. Về gần hơn với bạn bè một lứa bên trời, về gần hơn với tình yêu ban đầu, về gần hơn với tuổi thơ non dại” [36, tr. 292]. Với truyện ngắn Hà Nội lúc không giờ, nhân vật “tôi” khao khát, ước mơ đi tìm bạn tình của mình đã chiếm trọn cả quãng đời trai trẻ: “Về gần hơn với bạn bè một lứa bên trời, về gần hơn với tình yêu ban đầu, về gần hơn với tuổi thơ non dại. Sinh ra và lớn lên, rồi làm lụng, rồi chiến đấu và hy sinh cho thành phố này, thế hệ chúng tôi được hưởng phép màu của nó, trở thành một thế hệ mãi mãi tuổi thanh xuân của một thành phố trẻ trung vĩnh hằng” [36, tr. 292]. Chiến tranh ác liệt, dữ dội, gấp gáp không cho phép tuổi thanh xuân của anh gặp gỡ, tìm hiểu để yêu thương một người phụ nữ cho nên trong trái tim nóng bỏng của anh vẫn rực cháy một mối tình không có thực với một phụ nữ lớn tuổi hơn ở cùng khu xóm: “nhưng sau chiến tranh, khi mà cái sức tưởng tượng tội lỗi ấy không còn trong tôi nữa thì tôi lại hiểu ra rằng những tội lỗi trong mơ ngày đó chính là hình bóng của mối tình đầu không có thật của tôi. Và mặc dù rằng dù sao đi nữa thì cũng vẫn là tội lỗi, và mặc dù khốn khổ, mặc dù nực cười và mặc dù mong manh lúc mờ lúc tỏ nhưng mối tình đầu phải tuyệt đói phải vùi sâu chôn kỹ ấy cũng đã góp phần ánh sáng soi rọi tâm hồn tôi, giúp tôi vững tinh thần, và có lẽ một phần nhờ thế mà rốt cuộc tôi đã sống sót trở về. Và thậm chí mối tình đầu không hề có thật ấy vẫn còn tiếp tục là một trong những nguồn sáng giúp tôi từ sau ngày trở về biết yên lòng vui sống, biết vững tâm mà mạnh dạn vượt qua được những năm dài gian lao thời hậu chiến…” [36, tr. 292].
69
Đêm trừ tịch là ký ức của nhân vật “tôi” về những ngày tháng chiến đấu và mùa đông cuối cùng của một trận đánh và di tản của nhân vật “tôi” và Hành. Chiến tranh gian khổ và khéo dài làm cho con người dù có lý tưởng đến bao nhiêu cũng sẽ có lúc thấy chán nản và muốn từ bỏ cuộc chiến. Tôi và Hành cùng lớn lên trên một khu phố nhỏ. “Tôi” là lính trẻ mới nhập ngũ, còn Hành đã từng ra trận và hai lần bỏ chốn. Nhưng lần bỏ chốn này lại là của “tôi”, như một sự rò rỉ trong tâm hồn con người, và Hành là người kéo tôi lại. Ký ức đó là điều mà sau này “giao thừa là giây phút lặng lẽ cho riêng ký ức cuộc đời tôi… nó đánh thức một chặng đời đã chết từ lâu, làm sống dậy trong tôi mảnh hồn ma gầy guộc mang gương mặt rỗ đậu mùa thân yêu hiền hậu”
[36, tr. 174]. Nhưng phải đến cuối truyện chúng ta mới nhận ra người kể chuyện đang đứng trong mùa xuân của hòa bình để nhìn lại mùa xuân của chiến tranh trong quá khứ.
Trong Rửa tay gác kiếm, người kể chuyện xuất hiện ngay từ đầu. Đó là câu chuyện về chuỗi ngày dài trong chiến tranh, dù quá khứ có lúc mờ, lúc tỏ nhưng giữa bao bộn bề của đời sống hậu chiến, nhân vật “tôi” vẫn chìm vào dòng chảy của ký ức chiến tranh. Sự di chuyển điểm nhìn từ thực tại vào chiến tranh trong sự hồi tưởng của nhân vật được hiện lên một cách chân thực. Trong tác phẩm này, nhân vật chính trong truyện không phải là Quang. Song câu chuyện về Quang là câu chuyện người lính đi tìm hạnh phúc, tình yêu. Mặc dù đau đớn quằn quại, thất vọng não nề khi bị người thân yêu phản bội, phụ bạc nhưng anh vẫn bao dung, cao thượng để quyết ra đi tìm vợ, thông cảm bỏ qua lỗi lầm của vợ: “Hôm sau Quang khoác ba lô rời trại song không lên ô tô mà một mình cuốc bộ. Và không đi về phía thành phố, không đi lên hướng Bắc, chậm rãi anh đi xuôi dòng sông, lẳng lặng bắt đầu cuộc rong ruổi đường trường đi tìm lại người thân yêu thuở xưa và đi tìm miền nương thân mới” [36, tr. 254]. Hay trong truyện ngắn Trại bảy chú lùn, Mộc là nhân vật
70
chính của câu chuyện, trở về từ cuộc chiến tranh anh đã kể lại quãng đời đã qua của anh với Nga - người con gái mà anh hết lòng yêu thương, trân trọng, nâng niu…
Việc thể hiện chiến tranh được hồi tưởng lại làm cho thời gian và không gian trong tác phẩm được lùi về quá khứ. Khắc dấu mạn thuyền dựng lên khoảng cách của thời gian là “hai chục năm tròn”, Rửa tay gác kiếm với khoảng cách của thời gian là “hơn hai chục năm trời sau chiến tranh”. Trại bảy chú lùn cũng “hai chục vụ rẫy”, Thời tiết của ký ức “đã non bốn chục năm”… với khoảng cách này, người đọc nhận thấy đây rõ ràng đó là những câu chuyện được hồi tưởng lại. Không gian trong những truyện ngắn này theo cái nhìn hồi tưởng được mở rộng theo tâm thức của nhân vật. Hà Nội thường được nhắc đến nhiều trong truyện ngắn của Bảo Ninh, đó là nơi cất giữ bao ký ức và cũng gợi nhớ lại bao ký ức. Trong chiến tranh chống Mỹ, Hà Nội không phải là chiến trường, nhưng cũng phải hứng chịu bao loạt bom B52 của chúng. Con người Hà Nội vẫn kiên cường bảo vệ trái tim của tổ quốc, vẫn luôn hướng về miền Nam thân yêu. Biết bao lớp thanh niên đã đi theo tiếng gọi của tiền tuyến để xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Những địa danh của Hà Nội như Ga Hàng Cỏ, cầu Long Biên, con đường xe điện, những dãy phố gồng mình trong mưa bom là những không gian thường xuất hiện trong dòng hồi ức của nhân vật. Đó là bóng dáng mơ hồ xa xăm của Hà Nội: “cái thành phố sâu thẳm, chẳng chút thân thuộc ấy từ lâu lắm rồi đã lẳng lặng ăn vào đời tôi như là một trong những miền đất thân yêu nhất, dẫu rằng đấy là một tình thân yêu tuồng như không đâu, một duyên nợ hầu như vô cớ”. Đứng trước dấu tích của một thời, ký ức về chiến tranh đã trở về: “như tiếng mưa rơi. Như tiếng gió lùa. Như tiếng lá rụng. Mà không bao giờ quên”. [36, tr. 292].
71
Trần thuật là một khía cạnh của hình thức chủ đạo chi phối nghệ thuật truyện ngắn Bảo Ninh. Nhà văn có cách tổ chức trần thuật khá linh hoạt từ cách xây dựng cốt truyện, chọn lối kể, cách mở đầu, kết thúc, giọng kể... Lối kể của Bảo Ninh nghiêng về duy cảm, chủ quan hơn là duy lý. Cho nên, đôi lúc nhà văn dù chọn lối trần thuật khách quan nhưng về cơ bản vẫn thiên về góc nhìn chủ quan với cách nhìn bên trong của mọi vấn đề. Cách kể đó làm cho trần thuật của Bảo Ninh in đậm dấu ấn chủ quan, cái “tôi” của nhà văn. Nhip điệu kể thường trầm tĩnh, chậm rãi, ít gặp kể dồn dập, khẩn trương. Truyện ngắn Bảo Ninh bộc lộ sự giàu có về ngôn ngữ, sự đa dạng, linh hoạt, uyển chuyển trong lựa chọn điểm nhìn, giọng điệu trần thuật và các thủ pháp trần thuật. Qua tìm hiểu, khám phá về truyện ngắn Bảo Ninh, chúng ta thấy nghệ thuật trần thuật giữ vị trí hết sức chủ chốt trong tác phẩm tự sự nói chung và chính nó là một yếu tố làm nên sức cuốn hút đối với độc giả. Như vậy, trần thuật là yếu tố hình thức tác động trực tiếp nội dung và nghệ thuật truyện ngắn Bảo Ninh. Như nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận xét: “Truyện ngắn của Bảo Ninh không bao giờ ngắn ở sức quyến rũ của câu chữ và sự lay chuyển của nội dung. Đọc chúng, ta luôn cảm thấy buồn vì cái đẹp văn chương là có thật và cũng mong manh khó nắm bắt như không có thật. Bảo Ninh thuộc số rất ít nhà văn Việt Nam có văn đẹp và văn hay. Tiểu thuyết và truyện ngắn của ông đánh thức nỗi tiếc nuối của người đọc”.