Kết cấu trong tác phẩm văn học

Một phần của tài liệu Truyện ngắn Bảo Ninh từ góc nhìn thể loại (Trang 57)

7. Cấu trúc của luận văn

3.1.1.Kết cấu trong tác phẩm văn học

Kết cấu là một yếu tố của hình thức, vì thế vai trò của nó được thể hiện trong việc thực hiện nhiệm vụ đối với các yếu tố của nội dung như chủ đề, tư tưởng, tính cách, cốt truyện, các yếu tố ngoài cốt truyện. Nhưng cần lưu ý, quan điểm của Heghen: “Nội dung chẳng là cái gì khác, mà là hình thức chuyển hóa thành nội dung: còn hình thức chẳng là cái gì khác mà chính là nội dung chuyển hóa thành hình thức”. Vì lẽ đó, kết cấu tuy là một yếu tố của hình thức tác phẩm, nhưng xét đến cùng thì tuân thủ theo những yêu cầu tối cao của nội dung mà nó thể hiện.

Theo Từ điển thuật ngữ văn học thì “Kết cấu là toàn bộ tổ chức phức tạp và sinh động của tác phẩm, kết cấu thể hiện nội dung rộng rãi phức tạp hơn. Tổ chức tác phẩm không chỉ giới hạn ở sự tiếp nối bề mặt, ở những tương quan bên ngoài giữa các bộ phận, chương đoạn mà còn bao hàm sự liên kết bên trong, nghệ thuật kiến trúc nội dung cụ thể của tác phẩm. Kết cấu là phương tiện cơ bản và tất yếu của khái quát nghệ thuật; kết cấu phải đảm nhiệm chức năng đa dạng bộc lộ tốt chủ đề tư tưởng của tác phẩm; triển khai trình bày hấp dẫn cốt truyện, tổ chức điểm nhìn trần thuật của tác giả tạo nên tính toàn vẹn của tác phẩm như là một hiện tượng thẩm mỹ”.

Kết cấu rõ ràng là một nhiệm vụ nghệ thuật khó khăn mà nhà văn cần đạt tới. Để làm cho tác phẩm trở thành một chỉnh thể thẩm mỹ thống nhất và sinh động. Với sáng tác truyện ngắn yêu cầu tìm tòi sáng tạo, kết cấu lại càng trở nên quan trọng. Nhà văn Nguyễn Kiên cho rằng “truyện ngắn thường chỉ phản ánh một khoảnh khắc, một mẩu nhỏ nào đó của cuộc sống. Nhưng cuộc sống không phải diễn ra trên một mặt phẳng nên các mẩu nhỏ đó vẫn là một khối - hơn nữa một khối chuyển động”. Còn nhà văn Ma Văn Kháng cũng ý

58

thức rất rõ vai trò của kết cấu: “Vấn đề là anh tổ chức sao cho truyện của anh thành một lát cắt gọn ghẽ. Như người ta vẫn nói, toàn truyện là một vòng khép kín, không dài quá, không ngắn quá, không xô đẩy xộc xệch, thậm chí không thừa một chi tiết nào”.

Kết cấu là sự phác thảo, phác họa, là phương châm hành động để nhà văn hình dung được, đoán được đường đi nước bước của công việc. Theo Nguyễn Minh Châu thì “Nếu tiểu thuyết là một đoạn của dòng đời thì truyện ngắn là cái mặt cắt của dòng đời. Vì thế mà cũng như kịch ngắn, truyện ngắn đòi hỏi ở người viết một công việc tổ chức và cấu trúc truyện hết sức nghiêm ngặt. Quả thực có một thứ kỹ thuật tinh xảo - kỹ thuật viết truyện ngắn. Nó cũng giống như kỹ thuật của người làm pháo, dồn nén tư tưởng vào trong một cốt truyện thật ngắn gọn, tự nhiên”.

Kết cấu có vai trò quan trọng trong việc thực hiện sự thống nhất chặt chẽ giữa chủ đề tư tưởng với tính cách, với truyện ngắn là soi sáng nó trong những tình huống tiêu biểu. Có thể nói, nghệ thuật kết cấu là nghệ thuật tạo tình huống.

Một phần của tài liệu Truyện ngắn Bảo Ninh từ góc nhìn thể loại (Trang 57)