Một yếu tố cần xem xét khi thực hiện chính sách tỷ giá là phải xét trong mối tương quan tỷ giá thực đa phương với những đối thủ cạnh tranh. Bởi lẽ, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có độ co giãn về giá nên những nhà nhập khẩu sẽ cân nhắc chọn lựa nguồn cung cấp từ Việt Nam hay từ nguồn cung cấp trong nước hay từ nước
khác có sản phẩm cạnh tranh cùng loại và sản phẩm thay thế tương đương mà giá cạnh tranh hơn.
Trong một số nghiên cứu có đề cập đến vấn đềđối thủ là những nước láng giềng, có vùng địa lý gần nhau. Tác giả thấy rằng trong quan hệ song phương giữa Việt Nam với thế giới thì các nước thuộc khu vực Đông Nam Á hay đặc biệt là Trung Quốc vừa là đối tác chính nhưng cũng đồng thời là đối thủ cạnh tranh trực tiếp trong xuất khẩu.
Câu hỏi đặt ra là liệu có mối liên hệ nào giữa VND với đồng tiền của các đối thủ
cạnh tranh trực tiếp này không? Hay liệu rằng khi VND giảm giá để tăng sức cạnh tranh xuất khẩu của các mặt hàng thì phản ứng chính sách tỷ giá của các nước đối thủ sẽ như thế nào?
Đểđánh giá mối liên hệ giữa tương quan giữa VND với các đồng tiền của các đối thủ cạnh tranh, tác giả sử dụng so sánh hệ số tương quan giữa các giá trị REER theo thời gian. Tuy nhiên, do giá trị này không có sẵn trong dữ liệu của IMF cho tất cả
các nước, tác giả thay thế bằng tỷ giá thực song phương của các đồng tiền với USD làm cơ sở tính toán. Số liệu tính toán tỷ giá thực của các đồng tiền được trình bày ở
phụ lục 8 với năm gốc là 1999 và kết quả tính toán hệ số tương quan Pearson của các đồng tiền thực hiện bởi Eviews cho bởi bảng (4.2) như sau:
Bảng 4.2: Hệ số tương quan VND với các đồng tiền giai đoạn 1999-2009
Nước Thái Lan Indonesia Malaysia Philippines Singapore Trung Quốc Hệ số tương quan 0,9232 0,5694 0,8908 0,9371 0,9237 0,9556 Nguồn: IFS– IMF, tính toán của tác giả.
Nếu hệ số tương quan có giá trị bằng 0 sẽ ngụ ý rằng không có tương quan giữa hai biến. Nếu hệ số tương quan có giá trị dương thì ngụ ý rằng hai biến tương quan cùng chiều và ngược lại là tương quan ngược chiều nếu hệ số có giá trị âm. Hai biến có tương quan chặt khi hệ số này có giá trị bằng 1 hay -1.
Kết quả từ bảng (4.2) cho thấy các hệ số tương quan có giá trị từ 0,9 trở lên (trừ
trường hợp của Indonesia có giá trị là 0,5694) cho thấy tỷ giá thực của VND so với USD có tương quan cùng chiều rất chặt với tỷ giá thực của các đồng tiền đối thủ với USD. Như vậy, những biến động của đồng tiền của các đối thủ cạnh tranh di chuyển cùng hướng với sự biến động của VND. Điều này cho thấy rằng, cần theo dõi sát hướng di chuyển đồng tiền của những đối thủ cạnh tranh trực tiếp để có những chính sách kịp thời, nhằm tạo lợi thế cạnh tranh về giá của những mặt hàng xuất khẩu so với đối thủ cạnh tranh.