8. Kết cấu luận án
3.3. Môi trường cộng đồng
Khi các em lớn, những ảnh hưởng của gia đình và nhà trường giảm bớt, nhường chỗ cho ảnh hưởng ngoài cộng đồng xã hội nói chung.
“Đi một ngày đàng học một sàng khôn” (x. Chú thích 5), câu tục ngữ này đã nói lên việc giao tiếp với cuộc sống xã hội có ý nghĩa lớn lao thế nào đối với sự phát triển của người chưa thành niên. “ở nhà nhất mẹ nhì con”, ra đường con cái chúng ta sẽ thấy còn nhiều người “giỏi hơn ta”, có nghĩa là còn nhiều điều cần biết, cần học. Mỗi một chế độ xã hội bao giờ cũng có tư tưởng giáo dục chính thống phục vụ cho sự phát triển kinh tế văn hoá xã hội, bảo vệ quyền lợi cho một số ít giai cấp cầm quyền, hoặc số đông các thành viên xã hội. Bên cạnh đó còn có giáo dục không chính thống, giáo dục tự phát thông qua quan hệ giao tiếp của cá nhân với gia đình, dòng họ, nhóm bạn, băng đảng, tập thể nơi sinh sống... Tùy theo định hướng hoạt động của cá nhân lựa chọn mà cá nhân ấy có thể phát triển nhanh hay chậm theo hướng tốt hay xấu.
Khi tiếp xúc với những thực tế đa dạng, hấp dẫn, với nhiều loại người tốt xấu, người chưa thành niên đứng trước những tình huống phải lựa chọn để
đi tới quyết định hành động của mình. Đó là lúc các em cần sự hỗ trợ của những người xung quanh, của bạn bè, những người có kinh nghiệm hơn. Như người đứng giữa ngã ba đường, nếu quyết định đúng, người chưa thành niên sẽ đi đúng hướng, còn nếu quyết định sai thì các em sẽ đi vào con đường hư hỏng tội lỗi.
Khi lớn lên, quan hệ không còn bó hẹp trong môi trường gia đình, người chưa thành niên đến trường được tiếp xúc với một môi trường đa dạng hơn, giao tiếp mở rộng ra với thầy cô, bạn bè và những người xung quanh khác. Những kích thích do tính tò mò, ham hiểu biết, muốn làm thử, ăn thử, chơi thử... đã làm xuất hiện thêm nhiều nhu cầu ở các em. Các nhu cầu đòi hỏi ngày càng nhiều, càng cao, cùng với sự phát triển về thể chất và tâm sinh lý, người chưa thành niên càng muốn thoát khỏi sự quản lý, kiểm soát của gia đình và nhà trường. Để thoả mãn các nhu cầu tự do đó, người chưa thành niên giao lưu kết bạn với bạn bè ở ngoài trường, la cà đến các quán trà, đám đánh bạc... Trong số các bạn bè đó, có những em đã chán học, bỏ học, thậm chí có em đã bị đuổi học. Hầu hết các em đều có bạn thân, nhưng các em không trả lời phỏng vấn bạn thân đó là ai, ở đâu, vv... vì “em sợ ảnh hưởng đến bạn”, “em sợ bạn cũng bị bắt”.(Phụ lục 2, số 2). Những người bạn thân đó của các em thường là những bạn cùng “hội”, cùng lang thang quậy phá hoặc cùng được đưa vào trường giáo dưỡng. Nguy cơ “gần mực thì đen” lại rất hiệu nghiệm với người chưa thành niên vì các em còn rất nông nổi, lại ở trong trạng thái buồn chán, không được thoả mãn các nhu cầu. Nếu cha mẹ và các thầy cô giáo không biết, không ngăn chặn kịp thời, người chưa thành niên sẽ bị ảnh hưởng xấu lôi kéo, dễ đi vào con đường nghiện ngập, cờ bạc, trộm cắp.
Ngược lại, khi giao tiếp với những người xung quanh, các em có thể tìm được những bài học hay, những kinh nghiệm sống tốt. Qua các tác phẩm văn học, qua phương tiện thông tin đại chúng..., người chưa thành niên cũng
xây dựng được cho mình những mẫu người lý tưởng để phấn đấu học tập. Đó là tác động tích cực của giáo dục xã hội đối với sự hình thành nhân cách của người chưa thành niên.
Ưa thích hoạt động là đặc điểm nổi bật của lứa tuổi đang phát triển mạnh về thể chất và tâm sinh lý. Các hoạt động tập thể như thể dục thể thao, lao động xã hội luôn có sức hấp dẫn với người chưa thành niên. Ngoài thời gian học tập căng thẳng, các em cần được vui chơi, giao tiếp cùng bạn bè để thử sức, để khẳng định mình trong tập thể. Thông qua các hoạt động tập thể, các em gắn bó, đoàn kết, cảm thông và hỗ trợ lẫn nhau. Các tổ chức đoàn đội có khả năng thuận lợi nhất trong việc tổ chức các hoạt động này.
Việc tổ chức vui chơi, giải trí và xây dựng các công trình văn hoá cho thanh thiếu niên còn ít và quá chật hẹp. không có nơi vui chơi giải trí trong những ngày nghỉ và dịp hè, các em phải tụ tập ở ngoài đường chơi bời, tán gẫu, đánh bài và tìm cách “tiêu phí” thời gian trong đó có không ít các trò chơi nguy hiểm như: đánh nhau, gây rối, đua xe, ...
Đáng tiếc hiện nay các tổ chức đoàn đội ở địa phương, xóm, khối phố nhiều nơi bị tê liệt, không hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả. Nguyên nhân là hầu hết thanh thiếu niên đã sinh hoạt đoàn đội ở trường. ở địa phương chỉ còn lại những em không đi học hoặc đã thôi học. Cán bộ làm công tác đoàn đội không được đào tạo nên tổ chức sinh hoạt cứng nhắc, nhàm chán, không thu hút được người chưa thành niên tham gia. Vì không được sinh hoạt có tổ chức tại địa phương thường xuyên nên một số em chán học, bỏ học, không tìm được nơi rèn luyện đạo đức, đã tụ tập vui chơi ở những nơi công cộng, nhanh chóng hoà nhập vào các nhóm bạn xấu, các băng đảng, các “hội” để thoả mãn các nhu cầu cá nhân, tự tìm lấy cách “tiêu hao” thời gian nhàn rỗi của mình bằng những trò nghịch ngợm mà thường là tiêu cực. Do không được gia đình và nhà trường biết đến để uốn nắn giúp đỡ các em kịp thời nên nhiều
khi vẫn thường xảy ra những hậu quả đáng tiếc. Kết quả điều tra về việc sử dụng thời gian rảnh rỗi của người chưa thành niên cho thấy:15.1% dành cho cờ bạc, bi-a,19,1% chơi điện tử, pa-tanh, 19,4% thích xem phim, chủ yếu là phim có nội không không lành mạnh, không phù hợp với lứa tuổi người chưa thành niên. 20% khác thích tụ tập bạn bè, nhưng khi phải tự tìm lấy chỗ vui chơi ở bất cứ nơi nào thấy tiện lợi, các em thường tập trung tự phát ở những nơi này để tán gẫu, nói bậy, chửi tục, chơi bời, cờ bạc ăn tiền, hút thuốc lá, đánh lộn và nguy hại hơn nữa là cùng nhau đọc sách báo, xem băng hình đồi truỵ, nhảm nhí, thậm chí hút hít ma tuý, ban đầu vốn chỉ là tò mò, làm thử.
Có thể nói nhiều tụ điểm như quán nước, quán bar, karaoke, sàn nhảy, sân pa-tanh, ... đã trở thành những “ổ nhiễm độc”. Đó là nơi thuận lợi cho các phần tử xấu, lưu manh, không nghề nghiệp, bàn mưu tính kế buôn bán, xoay xở, những kế hoạch “độc lập” bẻ khoá trèo tường, trấn lột, trộm cắp.
ở Hà Nội, các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý rất nhiều trường hợp các chủ quán là những đầu nậu, buôn lậu, chủ chứa, những kẻ “cưu mang”, “nuôi nấng”, truyền dạy mọi thủ đoạn thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật cho người chưa thành niên. Khi gia đình ít quan tâm tới các em, nhà trường lại không sâu sát các em, mà nơi vui chơi giải trí lành mạnh lại còn thiếu, thì việc lang thang lêu lổng rồi đi vào con đường vi phạm pháp luật của các em rất dễ xảy ra và nhiều trường hợp là tất yếu. Mặt khác, với các em không được tiếp tục học lên, không có điều kiện đi học, xã hội lại chưa bố trí được công ăn việc làm cho các em, chưa tạo điều kiện cho các em trở thành những người lao động có ích một cách thực sự, thì số em này rơi vào tụ điểm xấu rồi thực hiện các hành vi tiêu cực cũng là điều khó tránh khỏi. Chúng ta thấy số người chưa thành niên thất học, không có nghề nghiệp phạm vào hành vi trộm cắp lừa đảo chiếm một tỷ lệ cao hơn các hành vi khác. Có thể giải thích điều này như sau: để thoả mãn nhu cầu về ăn mặc, vui chơi trong khi
chưa có việc làm chính đáng, chưa kiếm ra tiền, nên các em đã xoay xở bằng những hành vi trộm cắp, lừa đảo. Qua đây chúng ta càng thấy yêu cầu giải quyết công ăn việc làm cho người chưa thành niên là cấp thiết và quan trọng đến mức độ nào.
Một tình hình nữa cần quan tâm là hiện nay những hiện tượng tiêu cực ngoài xã hội đang tác động hàng ngày hàng giờ vào đầu óc nhạy cảm và hiếu động của các em. Do không được học chữ, học nghề, do không có công ăn việc làm lại thiếu nơi vui chơi giải trí, nhiều em thường lang thang ở các tụ điểm chơi bời và đã trở thành những thành viên của các nhóm tiêu cực. Chịu nhiều ảnh hưởng của các yếu tố như: tâm lý hiếu động dễ bị lôi kéo, mua chuộc, bị cưỡng bức... mà những thành viên của các nhóm này đã đi vào con đường vi phạm pháp luật. Như vậy, từ những nhóm tiêu cực dần dần chuyển sang nhóm phạm tội, chuyển thành những băng, hội, bè đảng.
Có thể nói, những tụ điểm chính là môi trường thuận lợi để cho các nhóm tội phạm hoạt động. Vì đó là nơi đông người qua lại, có nhiều hoạt động náo nhiệt như chen lấn, xô đẩy, va chạm ... ở những nơi nào mà công tác quản lý, giữ gìn trật tự công cộng chưa tốt thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các hành vi phạm tội phát sinh, phát triển.
Nhiều công trình nghiên cứu đã cho chúng ta thấy rất rõ ảnh hưởng xấu của môi trường xung quanh tác động rất lớn tới tình trạng người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Người chưa thành niên đang ở lứa tuổi hiếu động, hăng hái, nhiều khi bồng bột không kiềm chế nổi ý muốn bản năng, rất thích thú trong các hoạt động giao tiếp, nên cũng rất dễ bị kích động. Do vậy, môi trường xung quanh càng nhiều những “vẩn đục”, nhiều “tạp chất”, thì xu hướng tiêu cực trong người chưa thành niên càng nhiều.
Nghiên cứu vấn đề người chưa thành niên vi phạm pháp luật, chúng tôi thấy có một điều không kém phần quan trọng là sự lôi kéo, kích động của bọn
người lớn phạm tội, ảnh hưởng của người lớn phạm tội đối với người chưa thành niên đang ở trong hoàn cảnh “khó khăn” là rất lớn. Trong nhiều trường hợp, nó là nhân tố quyết định sự sa ngã, vi phạm pháp luật của người chưa thành niên. Đi sâu vào tìm hiểu, chúng tôi thấy kẻ xấu thường triệt để lợi dụng hoàn cảnh cụ thể của từng em mà lôi kéo kích động. Chúng lợi dụng sự non yếu về kinh nghiệm sống, lợi dụng sự bồng bột, nhẹ dạ, cả tin của lứa tuổi này rồi dần dần lôi kéo các em vào con đường vi phạm pháp luật. Từ sự ra ơn “cưu mang” giúp đỡ cho ăn mặc và che chở, kẻ xấu tác động vào các nhu cầu ham thích vật chất tầm thường, kích thích vào các tính cách “yêng hùng”, “hảo hán” của các em rồi truyền dạy cho các em các thủ đoạn vi phạm pháp luật. Theo Sutherland, lệch lạc đến mức vi phạm pháp luật là kết quả của một tỷ lệ tiếp xúc với cả những chuẩn tội phạm cũng như những chuẩn không tội phạm, càng tiếp xúc lâu và nhiều lần với mô hình lệch lạc càng củng cố giá trị lệch lạc, càng ít tuổi, càng dễ nhiễm những mô hình ứng xử của người khác.
Kẻ xấu thường kích thích tính phiêu lưu mạo hiểm trong trí óc tưởng tượng phong phú nhưng còn non nớt của các em, tuyên truyền cho các em lối sống tự do, khoái lạc. Ngoài ra, chúng còn dùng các phương pháp rất thâm độc đánh vào tư tưởng, tâm lý của các em như từ việc gây tâm lý bực bội, chán nản, tiêu cực đến chỗ nhử mồi về vật chất, tổ chức ăn uống nhậu nhẹt say sưa, kích thích tình dục. Có khi chúng còn sử dụng cả thủ đoạn khống chế, hăm doạ và trừng trị theo kiểu “luật rừng” đối với những em nào tỏ ra ương bướng không chịu nghe lời.
Ai cũng biết là người chưa thành niên là người nằm trong lứa tuổi đang trên đường hoàn thiện về tính cách và tâm sinh lý. Các em có đầu óc quan sát rất nhạy bén, rất tò mò, tọc mạch, khả năng học đòi bắt chước của các em rất lớn và mau chóng. ở lứa tuổi này, các em rất ham hiểu biết nhiều vấn đề, muốn thoả mãn và muốn giải đáp về tất cả các mối quan hệ xã hội phức tạp.
Để đáp ứng nhu cầu này, các em tìm đến sách báo, phim ảnh. Sách báo phim ảnh cách mạng là một trong những người thầy dẫn dắt và hướng đạo về mặt tư tưởng, tình cảm, hành động cho các em trong cuộc sống. Những sách báo phim ảnh lành mạnh có ảnh hưởng quan trọng tới đời sống tình cảm và tâm lý của các em.
Các em tìm đến với sách báo có những nội dung rất khác nhau. Tuy trong các kênh truyền thông đại chúng, nội dung giáo dục được coi trọng, nhưng với trình độ của người chưa thành niên, việc tiếp thu của các em không có chọn lọc, thiếu khả năng đánh giá khái quát. Người chưa thành niên tìm đến sách báo văn hoá phẩm không chỉ là thưởng thức mà còn là hoạt động nhận thức, hoạt động ý chí, hoạt động tình cảm. ở đây điểm khác nhau cơ bản giữa người lớn và các em là ở chỗ do các em chưa đủ vốn sống, chưa đủ hiểu biết để phân biệt được văn hoá phẩm tốt hay xấu, chưa đủ lý trí để kiềm chế tác động của những thứ văn hoá có ảnh hưởng xấu tới những cách xử sự của các em. Các em rất tò mò với những loại sách báo, văn hoá phẩm phản ánh những điều bản năng, tình ái. Thông thường trong cuộc sống, cái tốt là cái phải rèn luyện, tu dưỡng kiên trì, còn cái tiêu cực là cái bản năng, buông thả, cái dễ làm, dễ nhận. Do vậy, xây dựng được cái tốt phải mất thời gian lâu dài hơn, phức tạp hơn, gian khổ hơn là hấp thụ những cái xấu. Mặt khác, lứa tuổi chưa thành niên do trình độ nhận thức, sự va chạm tiếp xúc còn non nớt, cộng với tính hiếu động, tính tự kiềm chế còn yếu, nên các em thường thích những gì có vẻ mới lạ, khác đời, xa lạ với cuộc sống.
Những chuyện bạo lực chém giết tàn nhẫn, những thủ đoạn lường gạt tinh vi vi phạm pháp luật, những thủ thuật, kỹ xảo trộm cắp, trấn lột, những pha kích động tình dục được mô tả bằng hình ảnh, bằng lời nói trong phim, ảnh, sách báo đã như những bài giảng sống động, kích thích các em làm theo. Không thiếu chuyện cười ra nước mắt như khi người chưa thành niên hiếp
dâm bị kết tội vẫn còn hỏi: “Sao chuyện đó người lớn làm được?” (Phụ lục 2, số 19).
Hiện nay không ít gia đình đã có phương tiện nghe nhìn hiện đại hơn: đầu video, các chương trình trò chơi điện tử, trong đó không thiếu các băng hình bạo lực, dâm ô truỵ lạc. Các tác phẩm văn hoá đồi truỵ lưu hành lén lút lại được các em đang ở lứa tuổi hiếu động tò mò tiếp nhận, sử dụng trong lúc cha mẹ vắng nhà. Bị kích động bởi những dục vọng tầm thường, nhiều em đã làm thử, làm theo.
Nhiều trường hợp hiếp dâm tập thể, sống thác loạn và tình trạng nạo hút thai ở người chưa thành niên đều có nguyên nhân từ việc các em xem và bị kích thích bởi các băng hình, văn hoá phẩm đồi truỵ.
Văn hoá phẩm có nội dung xấu có tác hại rất lớn và là một nhân tố đẩy người chưa thành niên vào con đường vi phạm pháp luật. Hiện nay, công tác giáo dục tuyên truyền văn hoá nghệ thuật của chúng ta cũng còn có thiếu sót. Trong phim ảnh, sân khấu nghệ thuật cũng đã có lúc chạy theo thị hiếu tầm thường hoặc theo mục đích kinh doanh thuần tuý nên đã ảnh hưởng không