8. Kết cấu luận án
1.5. Các lý thuyết nghiên cứu về tội phạm
Theo quy luật tự nhiên, mọi hiện tượng tồn tại trong xã hội đều được con người nghiên cứu và làm rõ bản chất của nó nhằm mục đích tìm ra quy luật của sự tồn tại hiện tượng đó trong xã hội. Vì vậy, nếu coi tội phạm là hiện tượng tiêu cực tồn tại trong xã hội loài người thì những vấn đề liên quan đến tội phạm như chuẩn mực, lệch lạc đều cần được nghiên cứu và làm rõ.
Sự xuất hiện chủ nghĩa Mác đánh dấu một bước ngoặt trong toàn bộ khoa học xã hội, và Mác cũng là người đã làm cho xã hội học có một cơ sở khoa học với khái niệm coi hình thái kinh tế-xã hội là toàn bộ những quan hệ sản xuất nhất định, bằng cách xác định rằng sự phát triển của những hình thái đó là một quá trình phát triển tự nhiên.
Học thuyết duy vật lịch sử về những quy luật khách quan của sự phát triển xã hội, về vai trò quyết định của những quan hệ sản xuất, về quy định của cơ sở hạ tầng với kiến trúc thượng tầng (những hình thái ý thức xã hội, các kiểu và các chuẩn mực giao tiếp, các giá trị, thể chế ...) đã đánh dấu một cách tiếp cận mới về nguyên tắc đối với toàn bộ các vấn đề điều tiết chuẩn mực xã hội và lệch lạc xã hội. Học thuyết này đã tạo nên khả năng nghiên cứu bản chất và những nội dung cơ bản của những lệch lạc xã hội trên cơ sở khoa học.
Người ta có thể tiếp cận sự lệch lạc từ nhiều lý thuyết khác nhau, song có thể quy lại thành hai nhóm lý thuyết lớn: các lý thuyết dựa vào các nguyên nhân có tính chất cá nhân và các lý thuyết dựa vào các nguyên nhân có tính chất xã hội.
1.5.1. Các lý thuyết dựa vào các nguyên nhân có tính chất cá nhân
- Thuyết nhân chủng học về tội phạm: được bắt nguồn từ hai khuynh hướng cơ bản với sự kết hợp của thuyết thần kinh học tội phạm và thuyết tâm lý học tội phạm của nhà thần kinh học người Đức E. Krêtrơmen. Theo nội dung của học thuyết này, tội phạm phát sinh là do các yếu tố bên trong người phạm tội, tội phạm là hiện tượng tâm sinh lý bình thường, có tính bản năng, bất biến và không thể cải tạo, giáo dục được người phạm tội. Học thuyết này liên hệ một cách máy móc tác phong hành động của con người với cơ cấu của thân thể họ, không tính tới ảnh hưởng có tính chất quyết định của môi trường xã hội đối với tâm lý của con người và tác phong hành động của họ. Thuyết này không được nhiều công trình khảo sát tội phạm công nhận.
- Thuyết phát sinh sinh vật do nhà thần kinh học Italia tên là Cesare Lombroso sáng lập, theo thuyết này, động cơ, hành vi phạm tội nằm trong cấu
tạo thể chất cá nhân của kẻ phạm tội, trong bản chất sinh vật học của nó, liên quan đến nhiễm sắc thể, trong đó tội ác liên kết với sự tồn tại một nhiễm sắc thể trong cấu tạo gen của một số người. Vì vậy ông khẳng định rằng từ chỗ nghiên cứu những đặc điểm sinh vật học cá nhân của kẻ phạm tội có thể rút ra nguyên nhân phạm tội. Thuyết này của Lombroso bị phê phán rất nhiều vào cuối thế kỷ19 đầu thế kỷ 20. Lombroso không biết và không thể chứng minh bản chất sinh vật học của tội phạm vì giả thiết này của ông không có chứng cứ, mâu thuẫn với bản chất thật sự của tội phạm như là một hiện tượng xã hội thay đổi theo lịch sử.
Những cách tiếp cận tâm lý-sinh vật cho thấy mối liên hệ nhân quả giữa các xu hướng tội ác và những đặc tính và quá trình tâm lý. Những người theo thuyết Freud lý luận rằng những kinh nghiệm thời còn ấu thơ làm rối loạn hoặc bóp méo sự phát triển của một nhân cách ổn định có thể vào tuổi thiếu niên hay người lớn, đưa đến những khuynh hướng chống xã hội trong hành vi mà tự nó biểu lộ đặc biệt là trong hoạt động tội ác. Các nhà tâm lý học hành vi cho rằng hành vi phạm tội cũng như các mô hình hành vi khác là sản phẩm của một tính dễ tiếp thu của cá nhân đối với một quá trình chi phối về mặt tâm lý và một kiểu tính cách quyết định. Từ đó hành vi phạm tội được coi là sản phẩm của sự bất lực tâm lý của cá nhân không đáp ứng được sự xã hội hoá thời thơ ấu. Thuyết này coi tội phạm như là sự biểu hiện những bản năng và thiên hướng tự nhiên bẩm sinh nằm sâu trong cá nhân, những ham thích không tự giác nằm sâu trong tâm lý của con người làm cơ sở cho tác phong hành động của họ. Quan niệm về tội phạm của thuyết này tách rời hẳn các quan hệ xã hội nên không thể khám phá ra những nguyên nhân của tội phạm như là một hiện tượng xã hội, không giải thích những nguyên nhân làm xuất hiện những tình huống xung đột trong cuộc sống con người, và không trả lời được câu hỏi: vì sao sự xung đột của cuộc sống đẩy người này phạm tội
nhưng lại kích thích người khác đi tới chỗ hoạt động tích cực có ích cho xã hội?
1.5.2. Các lý thuyết dựa vào các nguyên nhân có tính chất xã hội
Thuyết xã hội phát sinh coi hành vi phạm tội xuất phát từ xã hội và do vậy tập trung vào các yếu tố văn hoá và cấu trúc xã hội làm nảy sinh tội phạm. Thuộc loại này có thể kể đến những lý thuyết chủ yếu dưới đây:
Lý thuyết anomie của Durkheim
Khi nghiên cứu về vấn đề tự sát [88], không bằng bảng hỏi mà bằng số liệu thống kê, Durkheim đã thấy rằng chính ngay khái niệm về tự sát cũng khó xác định, vì nó bao hàm một hiện tượng có những nguyên nhân có thể rất khác nhau. Từ đó, ông đặt ra vấn đề là có những mức độ khác nhau trong việc con người ta hội nhập vào xã hội, và từ đó đề xuất ra khái niệm “anomie” làm cho ông trở thành nổi tiếng. Khái niệm anomie là một trạng thái bị mất sự điều chỉnh bình thường, do người nào đó không hội nhập được vào xã hội vì các nhu cầu của anh ta không khớp với các khả năng mà xã hội có thể cung cấp cho anh ta để thỏa mãn được các nhu cầu đó.
Lý thuyết anomie được các nhà xã hội học coi là một cách giải thích xã hội học sớm nhất đối với vấn đề lệch lạc. Durkheim cho rằng có một kiểu tự sát bắt nguồn từ một hoàn cảnh gọi là anomie. Ông lập luận rằng, các quy tắc xã hội đóng một vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh cuộc sống của người ta. Chuẩn quy định ứng xử, con người ta biết mình trông chờ cái gì ở người khác và người khác trông chờ ở mình cái gì. Những nỗi vui buồn sướng khổ mà người ta trải qua đều ít nhiều phù hợp với các chuẩn xã hội đã làm cho người ta trông chờ như vậy. Nhưng khi có khủng hoảng hay có những biến
động xã hội lớn lao dữ dội, như phá sản, tiền mất giá mạnh, vv..., thì người ta thấy rối loạn và mất phương hướng. Durkheim chứng minh rằng khi kinh tế có sự lên hoặc xuống đột ngột thì tỉ lệ tự sát cao hơn những lúc khác. Suy thoái và phồn vinh đều là “những lộn xộn của trật tự tập thể” , vì lúc đó chuẩn xã hội bị vỡ, người ta mất phương hướng, và thế là ứng xử lệch lạc xuất hiện.
Lý thuyết anomie của Durkheim có thể có giá trị như một lý thuyết vi mô trong xã hội học. Nếu được đặt trong bối cảnh một lý thuyết xã hội học vĩ mô khoa học và chính xác, lý thuyết này có thể giúp ích nhiều cho việc nghiên cứu lệch lạc và tội phạm.
Lý thuyết anomie của Merton
Sau này, nhà xã hội học Mỹ R. K. Merton [84, tr. 672-682] đưa ra ít nhiều hiệu chỉnh cho khái niệm anomie của Durkheim. Một thí dụ được ông đưa ra là sự xung đột nằm ngay trong thái độ của người Mỹ đối với sự giàu có. Người Mỹ coi trọng thành công về mặt tài chính: trở thành giàu có là một mục tiêu văn hóa. Các phương tiện được chấp nhận (hoặc còn được gọi là các phương tiện được thiết chế hóa) để đạt tới được mục tiêu này bao gồm những phương pháp thường thấy như được học hành chu đáo, được vào làm việc công ty hay doanh nghiệp tốt. Nhưng trong thực tế xã hội Mỹ thì không phải đại đa số nhân dân Mỹ đều đã có được các phương tiện được chấp nhận đó: đâu phải ai cũng có thể được học hành đến nơi đến chốn, đâu phải mọi người học hành đều được tuyển dụng vào những chỗ tốt. Từ đó, Merton cho rằng lệch lạc là kết quả của một khoảng trống giữa các mục tiêu của văn hóa với các phương tiện được chấp nhận để có thể đáp ứng được các mục tiêu đó. Theo ông, khi người ta chấp nhận mục tiêu là thành công về mặt tài chính, song lại thấy là không thể dùng các phương tiện được chấp nhận để đạt được
mục tiêu đó, thì người ta có thể quay sang những cách bất hợp pháp khác để đạt cho được mục tiêu đó như lừa đảo, cá cược, buôn lậu, vv...
Nói một cách khác, anomie xuất hiện khi không có sự liên kết giữa các chuẩn mực và tiêu chuẩn văn hóa cũng như khả năng tổ chức của các thành viên trong nhóm về mặt xã hội nhằm đáp ứng các nhu cầu của họ. Merton giải thích đó là do vị trí của các thành viên trong cơ cấu xã hội của một xã hội đã quy định những quyền hạn trách nhiệm nhất định của họ. Trong khi đó, một số thành viên của tổ chức, (nhóm) xã hội không thể tuân thủ theo các giá trị chuẩn mực của cái nhóm xã hội mà anh (chị) ta là thành viên, đề ra hoặc đòi hỏi, và văn hóa cần một kiểu đối xử nào đó với tư cách là mô hình trong khi cơ cấu xã hội ngăn cản không cho nó thực hiện.
Khi một số người không đạt được sự thành công do địa vị của họ trong một cơ cấu xã hội, ví dụ: tầng lớp đáy của xã hội, những người nghèo,... khi họ không đủ điều kiện sống, thì họ sẽ làm những việc phi pháp nhằm thay đổi vị trí của mình. Merton nhấn mạnh mối quan hệ giữa cơ cấu và văn hóa, tuy nhiên ông cũng không tập trung một cách chủ yếu vào chính các chức năng của cơ cấu đó, mà chỉ tập trung vào phân tích mặt trái, mặt không có lợi của mối quan hệ giữa cơ cấu và văn hóa: đó chính là anomie theo cách giải thích của ông. Khi tương quan giữa cơ cấu và văn hóa không thỏa đáng thì sẽ xuất hiện anomie.
Chính nhờ quan niệm này về lệch lạc mà Merton đề ra được một cách phân loại các hành vi lệch lạc cho đến nay được coi là cách phân loại tương đối hợp lý nhất. Ông dựa vào chỗ là người ta chấp nhận hay bác bỏ mục tiêu, các phương tiện được chấp nhận, hoặc là chấp nhận hay bác bỏ cả hai thứ đó, để đề ra năm cách phản ứng chủ yếu đối với anomie. Cách phân loại này được
ông đưa ra năm 1957 trong cuốn Lý thuyết xã hội và cơ cấu xã hội [76] như sau: (dấu + nghĩa là chấp nhận, dấu - nghĩa là bác bỏ).
Bảng 1.2. Phân loại các lệch lạc, theo Merton
Kiểu thích nghi Tuân
thủ Cách tân Nghi thức Rút lui Nổi loạn
Mục tiêu văn hóa
+ + - - ±
Các phương tiện được
chấp nhận + - + - ±
Cực không lệch lạc Cực lệch lạc nhất
a) Khi người ta chấp nhận cả các mục tiêu của xã hội cũng như các phương tiện hợp pháp để đạt được các mục tiêu đó, như trường hợp một người được học hành chu đáo, kiếm được công ăn việc làm tốt, cứ thế thăng tiến, thì đây là trường hợp mà Merton gọi là tuân thủ hoàn toàn. Và chỉ có trường hợp này là cách phản ứng (kiểu thích nghi) không lệch lạc duy nhất.
b) Cách phản ứng thứ hai là cách tân, tức là chấp nhận mục tiêu, nhưng bác bỏ phương tiện. Người ta sử dụng các phương tiện mới, bất hợp pháp để làm giàu, như lừa đảo, tống tiền, hay - lịch sự hơn - như gian lận thuế má, của công, vv...
c) Ngược lại với cách trên đây, nếu người ta bác bỏ mục tiêu nhưng chấp nhận phương tiện, như những người quan liêu, làm việc máy móc đúng như mọi thứ quy định, rút cục làm thua thiệt cho công việc kinh doanh, tức là
làm hại đến mục tiêu ban đầu là làm sao để làm ra được nhiều tiền. Các phản ứng này Merton gọi là nghi thức.
d) Khi người ta bác bỏ cả hai: mục tiêu và phương tiện, chủ yếu là trong trường hợp những người hoàn toàn xa lánh xã hội như những người lang thang, say tối ngày (rượu cũng như ma túy), người bị tâm thần, một số trường hợp tự sát, vv..., thì trường hợp này, Merton gọi là rút lui.
đ) Cũng như trường hợp rút lui, những người thuộc trường hợp nổi loạn cũng bác bỏ cả mục tiêu lẫn phương tiện. Nhưng khác nhau ở chỗ: những người thuộc trường hợp nổi loạn lại có những mục tiêu và phương tiện mới để thay thế cho mục tiêu và phương tiện cũ [vì thế cho nên trong bảng trên đánh dấu ±; dấu - là bác bỏ cái cũ, còn dấu + là chấp nhận cái mới (thay thế cho cái cũ đã bị bác bỏ)]. Người nổi loạn xây dựng lên cho mình một hệ tư tưởng riêng, có mục tiêu và phương tiện riêng, khác hẳn mục tiêu và phương tiện cũ, và được người nổi loạn cho là hợp pháp hơn các mục tiêu và phương tiện cũ.
Merton đã phát triển lý thuyết anomie của Durkheim và nâng nó lên một tầm cao mới. Song cũng như lý thuyết anomie của Durkheim, lý thuyết anomie của Merton vẫn chưa vượt được ra khỏi khuôn khổ của một lý thuyết vi mô cần được phát triển xa hơn nữa để có được khả năng tiếp cận thực tế của xã hội có giai cấp.
Lý thuyết rối loạn xã hội
Có thể có người còn phê phán này nọ đối với lý thuyết anomie của Durkheim, song ý tưởng cơ bản của ông về anomie đã được C. Shaw và H. D. McKay phát triển thêm thành khái niệm rối loạn xã hội (social
disorganisation - có tài liệu gọi là phân huỷ xã hội - hoàn cảnh xã hội mà giá trị văn hóa, chuẩn và quan hệ xã hội đều thiếu vắng, yếu hoặc xung đột) cũng để giải thích về sự lệch lạc; và cùng với khái niệm anomie, khái niệm rối loạn xã hội cho đến nay vẫn luôn được các nhà xã hội học sử dụng để phân tích về lệch lạc và tội phạm.
Shaw và McKay thấy rằng tỉ lệ tội phạm ở người chưa thành niên khá cao ở những vùng đô thị, nơi sinh sống những loại người rất khác nhau về thân phận và có sự thay đổi về dân số rất lớn. ở những nơi này các giá trị văn hóa bị đổ vỡ, mọi người không có những sự trông chờ như nhau về mọi ứng xử, cho nên khó mà có được cái gọi là chuẩn mực, mà chính quyền nơi đó cũng không xây dựng được chuẩn mực trên tình trạng như vậy. Và khi có sự xung đột trong các chuẩn để phán xét các ứng xử, mà việc thi hành luật lại yếu kém, thì càng có nhiều khả năng xuất hiện tội phạm ở người chưa thành niên.
Tình trạng rối loạn xã hội thường xảy ra khi có những hiện tượng như có sự hòa trộn các nhóm tôn giáo, các nhóm tộc người khác nhau, vốn mang theo mình những giá trị văn hóa khác nhau (ý nghĩ về vũ trụ, thế giới, tôn giáo khác nhau, thái độ đối với sự trung thành với các nhóm khác nhau, thái độ đối với rượu chè, cờ bạc và các ứng xử khác cũng khác nhau). Cũng có thể ở những nơi có mức độ xuất cư nhập cư tương đối lớn, làm cho xã hội mất đi