0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (185 trang)

Vi phạm pháp luật ở người chưa thành niên

Một phần của tài liệu NGUỒN GỐC XÃ HỘI CỦA VIỆC VI PHẠM PHẠM LUẬT CỦA NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN HIỆN NAY (Trang 68 -68 )

8. Kết cấu luận án

2.2.2. Vi phạm pháp luật ở người chưa thành niên

Trong tình hình chung của nền kinh tế-xã hội đất nước, cũng như vấn đề phạm tội nói chung, vấn đề người chưa thành niên vi phạm pháp luật cũng diễn ra rất phức tạp.

Hành vi mà người chưa thành niên vi phạm nhiều nhất là trộm cắp tài sản của công dân, trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa, cố ý gây thương tích và một số tội gây rối trật tự công cộng. Thường gặp nhất trong cơ cấu vi phạm pháp luật do người chưa thành niên thực hiện là hành vi trộm cắp, ở bất cứ nơi nào, địa phương nào, hành vi trộm cắp tài sản riêng công dân do người chưa thành niên thực hiện cũng chiếm tỷ lệ cao nhất so với các loại vi phạm

khác của họ. Trước đây những thiệt hại do hành vi trộm cắp của người chưa thành niên vi phạm pháp luật gây ra thường không lớn, họ chỉ trộm cắp những thứ lặt vặt, chủ yếu là đồ dùng sinh hoạt gia đình, cá nhân. Đó là những thứ dễ chiếm đoạt, dễ tiêu thụ. Nhưng gần đây, việc trộm cắp ở người chưa thành niên mang quy mô lớn và số lượng lớn hơn, với kế hoạch gây án tinh vi, chặt chẽ hơn. Một thực tế khác nữa là số người chưa thành niên có hành vi trộm cắp thường là những em có tiền án hình sự, thể hiện mức độ tái vi phạm khá cao.

Ngoài trộm cắp, người chưa thành niên còn thực hiện rất nhiều vụ cướp, cướp giật tài sản công dân. Đây là một hành vi vi phạm pháp luật cực kỳ nguy hiểm. Nó không chỉ huỷ hoại thuần phong đạo đức của dân tộc, mà còn gây hoang mang lo lắng cho biết bao người. Thực tế cho thấy loại vi phạm này nổi lên nhiều và đặc biệt nghiêm trọng ở các thành phố, thị xã. Thủ phạm của các vụ cướp giật thường còn rất trẻ với phương tiện gây án thường là các xe phân khối lớn và tập trung thành băng nhóm.

Bên cạnh hành vi trộm cắp và cướp giật tài sản, tội gây rối trật tự công cộng, tội cố ý gây thương tích và chống người thi hành công vụ cũng gia tăng nhanh chóng. Hành động này không chỉ dừng lại ở mức độ tụ tập đám đông để gây rối, hay phản đối, mà còn phát triển đến mức dùng vũ khí nguy hiểm như dao, súng, lê... để chống đối người thi hành công vụ. Đặc biệt hiện tượng chống đối mang tính chất tập thể như hiện tượng đánh bị thương, cán xe vào các chiến sĩ cảnh sát giao thông vào đêm Noel 1994 tại Hà Nội khi đang làm nhiệm vụ trấn áp cuộc đua xe. Đó là những biểu hiện chống đối pháp luật một cách công khai táo tợn, coi thường kỷ cương, của một bộ phận người chưa thành niên mà chúng ta cần ngăn chặn.

Trong cơ cấu các vi phạm pháp luật do người chưa thành niên gây ra, còn có cả hành vi hiếp dâm và giết người. Hành vi hiếp dâm ở người chưa thành niên hiện nay cũng khá phổ biến. Đây thực sự là điều đáng báo động về sự suy đồi đạo đức trong lớp người chưa thành niên. Vài năm trước đây, người chưa thành niên thường chỉ vi phạm vào tội hiếp dâm với tư cách đồng phạm, nhưng hiện nay có xu hướng nghiêm trọng hơn, thể hiện ở chỗ: thủ phạm hiếp nhiều đối tượng hay một đối tượng nhưng nhiều lần trong một thời gian dài; hiếp dâm tập thể. Đặc biệt có trường hợp sau khi hiếp dâm đã giết luôn nạn nhân để bịt đầu mối.

Nghiêm trọng nhất trong các hành vi vi phạm pháp luật mà người chưa thành niên phạm phải là giết người (để cướp của, do thù hận, mâu thuẫn) . Mặc dù tội giết người là loại hành vi đặc biệt nghiêm trọng, nhưng người chưa thành niên thực hiện với tính chất nhất thời, bột phát, do không làm chủ được mình. Hành vi giết người của người chưa thành niên thường không có âm mưu từ trước, không bàn định kế hoạch, nên thường không tổ chức thành nhóm để hành động. Động cơ giết người mang tính xã hội cao, nạn nhân thường là quen biết hoặc thân nhân của thủ phạm (cha mẹ, bạn bè, họ hàng, thầy cô giáo) . Điều đáng chú ý là có các vụ án mạng xảy ra ở chỗ đông người do mâu thuẫn tích luỹ từ lâu, không làm chủ được bản thân. Nhìn chung các đối tượng này thường không hiểu, không nắm luật hoặc bất chấp pháp luật, hành động vi phạm pháp luật chỉ nhằm để tỏ ra là mình oai. Nhưng đặc biệt có những vụ phạm tội mang tính băng đảng, mafia, đâm thuê chém mướn với tổ chức và hành vi tàn ác trắng trợn, hết sức man rợ, gây căm phẫn trong xã hội.

Trước đây, người chưa thành niên vi phạm pháp luật đa số là nam giới, nhưng những năm gần đây, tỷ lệ nữ ngày càng có xu hướng gia tăng. Trước

đây, nữ chưa thành niên chỉ phạm vào tội trộm cắp, lừa đảo, mại dâm, vv... thì ngày nay, trong hầu hết các loại vi phạm này đều thấy có nữ, từ giết người cướp của đến gây rối trật tự công cộng. Đã xuất hiện các hiện tượng “nữ chúa” chưa thành niên cầm đầu các băng đảng vi phạm pháp luật.

Về trình độ văn hoá, người chưa thành niên vi phạm pháp luật đa số đều có trình độ văn hoá thấp (lớp 5 trở xuống) , có em còn không biết chữ (theo thống kê của Bộ Công an, năm 1999, người chưa thành niên vi phạm pháp luật có trình độ học vấn theo tỉ lệ: 9,49% Mù chữ, 32,52% Tiểu học, 38,26% Trung học cơ sở, 19,73% phổ thông trung học.)

Học lực thường là yếu kém, đã bỏ học. Các em cũng thuộc diện nhiều lần vi phạm kỷ luật nhà trường phổ thông, đã bị nhà trường thi hành kỷ luật cảnh cáo hoặc đuổi học.

Người chưa thành niên vi phạm pháp luật đa số sống ở các thành phố, thị trấn, thị xã, có nhiều thói quen xấu, nghiện thuốc lá, thuốc lào, ma tuý, thích uống rượu, bia, thích cờ bạc, xem video (chưởng, bạo lực, tình, kích động) . Cá biệt có em không thích xem bất kỳ loại sách báo mang tính văn hoá giáo dục nào cả. Thích gây gổ đánh nhau, cãi vã với hàng xóm và làm những chuyện bậy bạ khác.

Ngoài các hành động vi phạm pháp luật, người chưa thành niên còn “có mặt” trong các tệ nạn xã hội. Điển hình là tệ nạn ma tuý, mại dâm, cờ bạc. Số em gái đi vào con đường mại dâm khi chưa đủ 18 tuổi chiếm tỷ lệ khá cao và với thành phần rất đa dạng: do bị dụ dỗ ép buộc lừa đảo hoặc tự nguyện, là học sinh, sinh viên, lao động tự do, người giúp việc cho các gia đình khá giả. Gần đây đã xuất hiện nhiều nạn mại dâm nam. Họ là những nam giới khoẻ mạnh có hình dáng ưa nhìn, muốn có tiền nên bị lôi cuốn vào tệ nạn này, phần

lớn là học sinh, sinh viên, một số ít do ảnh hưởng của văn hoá phẩm đồi truỵ nên bắt chước, theo mốt, họ bán dâm cho những người đồng tính luyến ái là nam giới hoặc cho những người phụ nữ có tiền, ở độ tuổi hồi xuân muốn đi tìm lại sự non trẻ.

Tệ nạn ma tuý trong người chưa thành niên cũng đang phát triển đến mức đáng báo động. Không chỉ dừng ở hút hít mà tăng dần lên tiêm chích và có xu hướng dùng thuốc kích dục, kích động, v.v.. Ma tuý len lỏi rất nhanh và hoành hành trong các trường học, khiến các đối tượng nghiện hút chính lại là các em học sinh, sinh viên, các chủ nhân tương lai của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Tệ nạn cờ bạc cũng khá phổ biến trong các trường học: trốn học trèo lên sân thượng để chơi cờ bạc, cá cược tiền trong các giải bóng đá. Ngoài ra, tệ nạn số đề cũng lan rộng trong lớp người chưa thành niên, do ảnh hưởng của bố mẹ, do đua đòi, cần tiền để ăn chơi. Mặt khác, khi các em bị lôi kéo vào các trò đỏ đen thì cũng có nghĩa là mất đi thời gian học tập, rèn luyện, đó chính là cái vòng luẩn quẩn đưa các em đến những hành vi vi phạm pháp luật.

Một phần của tài liệu NGUỒN GỐC XÃ HỘI CỦA VIỆC VI PHẠM PHẠM LUẬT CỦA NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN HIỆN NAY (Trang 68 -68 )

×