8. Kết cấu luận án
3.2. Môi trường nhà trường
Cùng với giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường cũng góp phần quan trọng trong sự phát triển nhân cách người chưa thành niên.
Nếu như gia đình là chiếc nôi thứ nhất, là cội nguồn tình cảm, là nơi bắt đầu hình thành và phát triển ý thức của người chưa thành niên, thì nhà trường có thể coi là chiếc nôi giáo dục và rèn luyện con người. Giáo viên không những chỉ cung cấp tri thức cho học sinh, mà còn giúp cho học sinh tìm được những giải đáp cho các vấn đề của đời sống. Hay nói cách khác: “Nhiệm vụ của nhà trường không những chỉ cung cấp một khối lượng kiến thức nhất định mà còn phải chỉ ra sự liên hệ của các kiến thức đó với đời sống và nó có thể thay đổi đời sống như thế nào.” [13; tr. 10].
Chúng ta có thể dễ dàng thấy được những nguyên nhân dẫn đến việc người chưa thành niên có những hành vi vi phạm pháp luật do cần tiền, đua đòi, không hiểu biết (bảng 3.2, trang 116). Nhưng nguồn gốc dẫn đến những nguyên nhân đó trong các nhà trường lại là cái mà chúng ta cần xem xét và khắc phục triệt để.
3.2.1. ảnh hưởng của công tác giáo dục
Nhà trường tạo cho các công dân tương lai không chỉ kiến thức tự nhiên, xã hội, ý thức đối với xã hội mà còn làm nhiệm vụ giáo dục những
phẩm chất, nhân cách của học sinh và hoàn thiện những nhân cách ấy. Để làm tốt được điều đó,các thầy cô giáo phải hiểu biết về học sinh, về đối tượng của mình, phải tác động đến học sinh hàng ngày, làm cho họ phát triển theo xu hướng tốt, tích cực. Do những tác động tiêu cực của nhà trường lên học sinh sẽ dẫn đến tình trạng người chưa thành niên trong nhà trường có những thái độ phản ứng, chống đối, trì trệ, chán học và kết quả học tập sút kém, bỏ học, bị đuổi học. Từ đó, người chưa thành niên sẽ có xu hướng đi theo con đường xấu, kết bạn với những phần tử xấu lang thang, bỏ học như mình và là điều kiện dẫn đến những hành vi sai trái, lệch lạc.
Để hiểu rõ được học sinh, thầy cô giáo nên cùng lao động, cùng vui chơi, cùng hoạt động xã hội với học sinh. Chỉ có như vậy mới có điều kiện tìm hiểu những ý thích, những ham muốn, những suy nghĩ, cảm xúc, đặc điểm của học sinh nói chung và học sinh cá biệt nói riêng. Mặt khác, cũng thông qua đó mà tìm hiểu, nắm vững đối tượng hơn về các mặt: môi trường, sự thích ứng với môi trường, và cảnh sống của các em, phân loại các yếu tố dễ và không dễ tác động tới đời sống tâm lý và tình cảm của các em.
Nếu giáo viên hiểu rõ về tâm lý lứa tuổi, hoàn cảnh học sinh, biết vận dụng các phương pháp giáo dục phù hợp với đặc điểm lứa tuổi, phù hợp với từng loại tính cách, đúng lúc, đúng chỗ thì sẽ phát triển được ở học sinh nhân cách hoàn thiện, đúng hướng. Làm được như vậy, các thầy cô đã góp phần ngăn ngừa tình trạng học sinh chán học, bỏ học, ngăn chặn một số học sinh có nguy cơ vi phạm pháp luật.
- Chất lượng giảng dạy không cao - Quản lý giáo dục chưa tốt - Giáo viên không gương mẫu - Đánh phạt học sinh oan sai - Không công bằng - Không quan tâm đến suy nghĩ của học sinh - Cơ sở vật chất chưa đầy đủ - Giáo dục thiếu đồng bộ - Học tập còn có chỗ hình thức - Chán học - Bỏ học - Bị đuổi học Lang thang - Kết bạn xấu - Kiếm tiền bằng mọi giá - Bị ép buộc - Đua đòi - Làm điều sai trá - Trộm cắp - Cướp - Gây rối - Đua xe - Hiếp dâm
Tất cả mọi hoạt động của nhà trường đều phải xuất phát từ mục tiêu chính và phục vụ cho mục đích chính là: xây dựng những con người mới xã hội chủ nghĩa - con người sản xuất giỏi, có trình độ khoa học kỹ thuật cao, có những đức tính tốt đẹp. Đồng chí Phạm Văn Đồng nói: “Nhiệm vụ của nhà
trường là phải đào tạo thế hệ trẻ của dân tộc ta thành những người chiến sĩ dũng cảm, thông minh, sáng tạo, phản ánh những cái gì đẹp đẽ nhất... trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản"[7]. Muốn thực hiện được mục tiêu trên, nhất thiết nhà trường phải chuyển biến mạnh mẽ về nội dung phương pháp giảng dạy, phương thức đào tạo, phải thực hiện đúng phương châm giáo dục của Đảng. Điều đó đòi hỏi mỗi giáo viên không những là người dạy bảo mà còn đồng thời là người bạn giúp học sinh suy nghĩ và hành động đúng trong tất cả mọi tình huống của cuộc sống. Chỉ có thể đạt được điều ấy khi “quá trình dạy học dần dần chuyển sang quá trình tổ chức cuộc sống cho học sinh.” [8]. Như vậy có nghĩa là người thầy không chỉ chuẩn bị cho học sinh vào đời sống bằng cách trang bị về mặt tri thức, mà còn tổ chức cho học sinh tích cực tham gia vào bản thân đời sống trong công tác công ích, trước hết là công việc trong nhà trường, trong gia đình, rồi đến công việc ngoài xã hội.
Thực tiễn cho thấy rằng ở đâu nhà trường quan tâm đến học sinh, thầy giáo vừa là người quản lý giáo dục, vừa là những kỹ sư tâm hồn của thế hệ trẻ thực sự, thì ở đó số học sinh yếu kém, vi phạm kỷ luật rất ít và tình hình phạm pháp trong học sinh hầu như không có.
ở độ tuổi đang lớn, sự phát triển nhanh, không cân bằng tạm thời giữa hệ thần kinh và hệ vận động đã khiến người chưa thành niên có một số đặc điểm nổi bật: thích vận động, nô đùa, dễ hưng phấn, khó ức chế, nên hành động thường hấp tấp, bột phát, thiếu thận trọng, thiếu suy nghĩ, hay ồn ào, mất trật tự trong lớp; tình cảm chưa ổn định, dễ xúc động, dễ vui buồn, yêu, ghét, hờn dỗi, dễ bị phân tán tư tưởng trong học tập. Các hành động xã hội của người chưa thành niên ở đây không được điều tiết chặt chẽ bởi các chuẩn mực do quá trình xã hội hoá chưa được hoàn thiện.
Người chưa thành niên có khả năng tư duy trừu tượng, lô gích, biết đánh giá về người khác và tự đánh giá mình, nhưng còn nặng về mặt cảm tính. Các em thường xây dựng cho mình những thần tượng hoặc hình mẫu để phấn đấu theo. Nhiều em đã biết chọn mục đích lâu dài để phấn đấu, có ý chí, quyết tâm cao trong học tập. Các em muốn tự khẳng định mình, muốn làm việc của người lớn, nhưng các em chưa đủ kinh nghiệm, chưa lường hết khó khăn nên dễ bị thất bại.
Do khí chất và môi trường giáo dục khác nhau nên sự phát triển, nhận thức của các em trong một tập thể không đồng đều. Nếu giáo viên không quan tâm tìm hiểu hoàn cảnh, đặc điểm tâm lý, quan điểm, lối sống của các em, không có những biện pháp giáo dục thích hợp cho từng đối tượng, nhóm đối tượng, thì kết quả giáo dục sẽ hạn chế.
Nếu giáo viên không hiểu hoàn cảnh nảy sinh vấn đề mà có những quyết định sai lầm, vội vàng, xử phạt không đúng, không công bằng thì sẽ là nguyên nhân làm người chưa thành niên thù ghét, mất lòng tin vào nhà trường, dẫn đến không thích học, chơi bời buông thả (Phụ lục 3, số 4). Theo Đurkheim đây chính là phản ứng của người chưa thành niên khi rơi vào trạng thái mất phương hướng trong nhận thức về phương pháp giáo dục của nhà trường. Trong trạng thái đó người chưa thành niên dễ bị kẻ xấu lợi dụng, xúi giục làm những việc trái pháp luật. Hiểu được tâm lý học sinh, giáo viên sẽ không phê phán, chê trách nặng nề đối với các lỗi lầm của học sinh. Chế giễu trừng phạt mà không chú ý đến đặc điểm sinh lý của học sinh sẽ làm tổn thương đến tình cảm, xúc phạm đến nhân cách, sẽ làm cho người chưa thành niên có những hành động chống đối, không nghe lời và từ đó đến với băng nhóm tội phạm. Hiểu được tâm lý người chưa thành niên, tôn trọng nhân cách người chưa thành niên, uốn nắn những sai lệch kịp thời là góp phần ngăn ngừa hành vi phạm pháp ở các em.
Không thể tách rời nhà trường khỏi quỹ đạo chung của cuộc sống, nhưng nếu làm tốt công tác giáo dục ở nhà trường thì có thể nói là đã góp phần rất lớn trong việc đào luyện học sinh trở thành những con người mới xã hội chủ nghĩa, để từ đó tẩy trừ những hiện tượng tiêu cực xã hội.
Như đã phân tích ở trên, nhà trường có vai trò rất lớn trong việc đào tạo ra những con người mới xã hội chủ nghĩa. Nhà trường và gia đình có một vai trò rất lớn trong việc giáo dục các em. Có thể nói: đời sống của người chưa thành niên hầu như chịu ảnh hưởng quyết định của hai môi trường ấy. Việc để xảy ra tình trạng người chưa thành niên phạm pháp, tất nhiên không thể đổ hết lỗi cho nhà trường, nhưng công bằng mà nói, nhà trường của chúng ta lâu nay cũng đã để xảy ra nhiều tình huống “thuận lợi” cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật.
Mỗi học sinh đồng thời chịu sự tác động của những người trong gia đình, các thầy cô giáo, bạn bè và các thành viên trong cộng đồng mà các em tiếp xúc.
Trong nhà trường, học sinh được cung cấp, được trang bị những tri thức khoa học, các chuẩn mực và các hành vi đạo đức. Nhưng về nhà hoặc ngoài xã hội người chưa thành niên chứng kiến người lớn làm ngược lại những điều đã học, người chưa thành niên sẽ có những suy nghĩ, lựa chọn và quyết định theo một trong hai hướng: hoặc là làm theo lời thầy dạy hoặc làm ngược lại những chuẩn mực đó. Làm theo các chuẩn mực nghĩa là các em đã gạt bỏ các sở thích cá nhân, hoặc hy sinh quyền lợi cá nhân. Ngược lại, các em không học theo các chuẩn mực đã được thầy cô dạy, làm theo các hành vi tự do, ích kỷ... Theo khái niệm kết thân có phân biệt do Edwin Sutherland đề ra vào năm 1939, khi số người thân và bạn bè có ứng xử lệch lạc nhiều hơn ứng xử không lệch lạc thì người ta có nhiều khả năng lệch lạc. Nếu người chưa thành niên luôn gặp những hành vi vi phạm pháp luật, việc làm, lối sống
của cha mẹ, anh chị trái ngược với chuẩn mực đạo đức đã học, thì có nhiều nguy cơ các em bắt chước, làm theo những điều xấu.
Trong nhà trường, giáo viên được đào tạo ở các chuyên ngành khác nhau, tính tình và cách cư xử với học sinh cũng khác nhau. Giáo viên này thì khắt khe, yêu cầu cao về tổ chức và kỷ luật, lại có giáo viên dễ dãi, không chú ý đến nội quy. Cùng một hành vi của học sinh, thầy này cho phép, thầy kia quở phạt, kỷ luật.
Sự thiếu thống nhất các yêu cầu của giáo viên làm cho học sinh dễ chấp nhận cái gì “dễ dãi” hơn là tuân thủ nội quy, quy chế. Sự đồng bộ trong giáo dục nhà trường cũng đóng vai trò tích cực ngăn ngừa các hành vi vô kỷ luật, những sai lệch hành vi của học sinh.
Người chưa thành niên giao tiếp chủ yếu với bạn bè cùng lứa, cùng xóm phố, bạn cùng lớp, cùng trường. Các em tự hình thành các nhóm bạn cùng lứa tuổi hoặc cùng giới, có tổ chức và có các quy ước riêng, có những bạn thân để cùng nhau trải nghiệm sức lực, trí tuệ, chuẩn mực hành vi của mình. Các em có thể thảo luận, nhận xét, đánh giá, phê phán những người khác theo những chuẩn mà nhóm thừa nhận. Nếu nhóm bạn có xu hướng hoạt động tích cực sẽ làm cả nhóm giúp nhau và ngày càng trở nên tốt hơn. Nếu xu hướng hoạt động của nhóm là xấu thì các em ngày càng trở nên hư, khó bảo hơn. 74,2% người chưa thành niên trong mẫu điều tra có bạn thân, 8,4% người chưa thành niên không trả lời là có bạn thân hay không và chỉ có17,4 người chưa thành niên không có bạn bè thân thiết. Trong số bạn bè thân thiết mà người chưa thành niên trả lời người phỏng vấn, có tới 50,5% các em không cho biết người bạn thân đó làm gì, ở đâu. Thực tế, đa số bạn bè thân của những người chưa thành niên trong mẫu điều tra là bạn học (27,4%), bạn cùng cảnh (cùng đi lang thang kiếm sống, cùng “hội”, cùng trong trường giáo dưỡng...). Trong một công trình nghiên cứu của Hirschi năm 1973, ông đã đề
xuất một ngoại lệ: nếu có sự gắn bó quá chặt chẽ với người cùng lứa thì cũng có sự tương quan với tỷ lệ vi phạm pháp luật. Đây không còn thuộc phạm vi xã hội hoá (học tập cách ứng xử trong gia đình) nữa, mà đã bước sang địa hạt của sự đua đòi, hội nhập.
Người giáo dục và các bậc cha mẹ phải thường xuyên quan sát sự kết bạn của người chưa thành niên để hướng dẫn các em lựa chọn và kết bạn đúng hướng. Nếu người chưa thành niên bị nhóm bạn xấu, lêu lổng, bụi đời, lôi cuốn, sẽ phát triển lệch lạc, nhiều khi có những hậu quả khôn lường.
Vì vậy tổ, lớp, đoàn, đội nếu được giáo viên quan tâm, động viên, khuyến khích, thu hút các em tích cực tham gia các hoạt động tập thể thì sẽ làm các em hiểu nhau, cảm thông với nhau và sẽ giúp nhau trong học tập rèn luyện. ở tuổi này, vì một lời hứa với bạn bè, vì lòng tự trọng, vì muốn khẳng định mình, các em có thể vượt qua những khó khăn thử thách để làm những việc tốt hơn cho gia đình và tập thể.
Ngược lại, nếu trong lớp có những nhóm có xu hướng hoạt động xấu, đi ngược lại lợi ích của tập thể, nếu không được ngăn chặn, uốn nắn kịp thời, không được tập thể lên án mạnh mẽ sẽ dẫn đến hậu quả là các nhóm này khống chế, đe doạ, hành hung các học sinh tốt, lôi kéo các em vào các hành vi sai trái.
Trong nhà trường, bên cạnh những giáo viên có tâm hồn cao thượng, có kiến thức, có nhân cách xã hội chủ nghĩa, thiết tha yêu nghề, yêu trẻ, vì tương lai của thế hệ trẻ, thì cũng còn một số giáo viên còn yếu kém, có những cách sống lệch lạc, có ảnh hưởng xấu tới các em.
3.2.2. ảnh hưởng của chất lượng giảng dạy
Chỉ một sai sót nhỏ trong khâu quản lý học sinh hay một vài sai sót trong phương pháp giảng dạy và giáo dục cũng có thể gây ảnh hưởng đến học sinh, tạo nên những nhân tố xấu, tác động đến học sinh, dẫn các em đến
những hành vi, những suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực... Có trường hợp em NVT, nam, 14 tuổi ở Thái Nguyên khi học lớp 4, do nghịch ngợm, em đã lấy khăn lau bảng của cô giáo giấu vào ngăn bàn của bạn để trêu bạn. Bị cô giáo đánh và mời bố mẹ đến, từ đó em sợ cô, không học được, đang từ học sinh khá, giỏi, em học sút dần, và cuối cùng bị lưu ban, chán học và bỏ đi lang thang.(Phụ lục 2, số 22).
Nói đến chất lượng giáo dục, người ta thường chú ý đến tỷ lệ lên lớp, tỷ lệ tốt nghiệp, tỷ lệ vào các trường chuyên nghiệp và đại học. Vì quá chú ý đến chất lượng thi cử, nhiều trường đã mặc sức cho giáo viên tổ chức dạy thêm tràn lan. Điều đáng nói là nhiều giáo viên đã biến các giờ dạy thêm thành giờ dạy kiến thức cơ bản, giờ dạy đáp án các bài kiểm tra. Trong giờ dạy chính khoá, họ chỉ dạy qua loa để dành kiến thức cho giờ dạy thêm. Thủ thuật đó buộc các em dù học giỏi, không muốn học thêm cũng bắt buộc phải nộp tiền để học. Việc làm vụ lợi đó làm cho học sinh mất lòng tin, mất đi tình