2 Bên chuyển giao công nghệ

Một phần của tài liệu Tác động của chính sách chuyển giao công nghệ đến sự phát triển bền vững ngành thủy sản tỉnh An Giang (Trang 87)

- Lựa chọn công nghệ chuyển giao phù hợp với năng lực của người nhận chuyển giao và điều kiện tự nhiên của địa phương.

Đối với một số công nghệ chuyển giao đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn kỹ thuật nhất định, kinh nghiệm và sự khéo léo trong thao tác như công nghệ sản xuất giống tôm càng xanh toàn đực thì không nên xã hội hóa rộng rãi, mà chỉ chuyển giao cho những cơ sở có khả năng tiếp nhận và làm chủ được công nghệ, để tránh lãng phí tiền của Nhà nước và của chính cơ sở nhận chuyển giao.

- Nâng cao năng lực và kỹ năng của các bộ kỹ thuật trực tiếp chuyển giao công nghệ cho nông dân.

Việc chuyển giao công nghệ cho nông dân không phải dễ dàng được người dân tiếp nhận, nhất là đối với nhóm hộ nghèo, trình độ nhận thức và học vấn thấp, họ thường có tính rất bảo thủ, do đó bên cạnh việc đòi hỏi về chuyên môn vững vàng, còn đòi hỏi tính kiên nhẫn, nhiệt tình và thuyết phục được người khác.

Tài liệu tập huấn chuyển giao cũng cần được cập nhật thường xuyên theo những tiến bộ của Khoa học và công nghệ; phân bổ lại thời gian tập huấn chuyển giao cho phù hợp, theo hướng tăng số giờ thực hành, giảm giờ lý thuyết, đồng thời trong giờ lý thuyết nên tăng thêm các hình ảnh trực quan như những đoạn phim liên quan đến công nghệ để thu hút sự chú ý của nông dân.

- Tăng cường chuyển giao công nghệ cho nông dân bằng hình thức xây dựng mô hình trình diễn.

Hiện nay, việc nông dân chuyển giao công nghệ cho nông dân bằng hình thức xây dựng mô hình trình diễn đã được phổ biến ở nhiều nơi và thực tế đã cho thấy hình thức chuyển giao công nghệ bằng mô hình trình diễn đã giúp nông dân dễ nắm bắt được công nghệ hơn, do họ được trực tiếp thực hành cùng với sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật chuyển giao, đồng thời việc thực hiện mô hình còn giúp nông dân đánh giá hiệu quả của mô hình để có quyết định đúng đắn trong việc lựa chọn áp dụng.

Mặt khác, việc chuyển giao công nghệ cho nông dân bằng xây dựng mô trình diễn, tổ liên kết sản xuất sẽ rất phù hợp với chủ trương xã hội hóa các đối tượng ương, nuôi đó, vì đa số nông dân họ chỉ áp dụng theo khi họ thấy hiệu quả áp dụng từ thực tế và họ rất thích được học hỏi kinh nghiệm từ những nông dân đã thực hiện thành công hơn là học lý thuyết chưa biết hiệu quả như thế nào từ cán bộ khuyến ngư, cán bộ kỹ thuật thuộc các tổ chức chuyển giao khác .

- Chuyển giao công nghệ cho nông dân thường phải cùng với vận động, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước, mục đích của chuyển giao công nghệ. Việc chuyển giao công nghệ đến nông dân phải được tập huấn kỹ thuật chi tiết, hướng dẫn nhiều lần, cho họ được tham quan những nơi áp dụng công nghệ đã đạt hiệu quả để thuyết phục người dân về hiệu quả kinh tế và việc cần thiết phải ứng dụng công nghệ mới.

- Lựa chọn công nghệ chuyển giao phải phù hợp với từng nhóm đối tượng.

Đa số nông dân đều thiếu vốn đầu tư cho sản xuất, vì vậy, nên chọn những mô hình, công nghệ chuyển giao đòi hỏi vốn đầu tư vừa phải, dễ áp dụng, thời gian thu hồi vốn nhanh và có thể tận dụng các nguyên liệu sẵn có của địa phương để sản xuất, hạ giá thành.

Trình độ nhận thức của nông dân còn hạn chế và có sự chênh lệch lớn về kiến thức và kinh nghiệm nuôi giữa các hộ, cơ sở trong NTTS. Vì vậy, đối với những công nghệ chuyển giao đòi hỏi người tiếp nhận phải có những kiến thức và kinh nghiệm nhất định thì không nên chuyển giao đại trà mà phải lựa chọn đối tượng chuyển giao phù hợp để tiếp nhận và ứng dụng công nghệ hiệu quả.

- Đơn vị chuyển giao công nghệ tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết những vướng mắc về kỹ thuật của bà con nông dân sau khi dự án kết thúc, các đơn vị chuyển giao công nghệ nên tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp chế biến thủy sản đông lạnh có các xí nghiệp chế biến thức ăn thủy sản hoặc các bộ phận dịch vụ mua bán thức ăn, thuốc thú y thủy sản để họ cử cán bộ kỹ thuật cùng gia chuyển giao công nghệ cho nông dân và gắn với trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân thông qua hợp đồng mua bán thức ăn, thuốc hóa chất sử dụng trong NTTS và tiêu thụ cá nguyên liệu.

Một phần của tài liệu Tác động của chính sách chuyển giao công nghệ đến sự phát triển bền vững ngành thủy sản tỉnh An Giang (Trang 87)