Nâng cao nhận thức về quản lý tài sản của ban lãnh đạo doanh nghiệp

Một phần của tài liệu Nguy cơ phá sản của các công ty cổ phần xây dựng niêm yết ở Việt Nam (Trang 67)

CHƯƠNG 4 GIẢI PHÁP HẠN CHẾ NGUY CƠ PHÁ SẢN CỦA CÁC CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG NIÊM YẾT Ở

4.2.1.1 Nâng cao nhận thức về quản lý tài sản của ban lãnh đạo doanh nghiệp

* Yêu cầu chung

Kết quả phỏng vấn sâu cho thấy nhiều nhà quản lý tại các công ty cổ phần xây dựng niêm yết ở Việt Nam chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của quản lý tài sản tại doanh nghiệp, cho rằng do vay nợ nhiều nên doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính. Đồng thời, các nhà quản lý chưa nắm bắt đầy đủ, thấu đáo nội dung của hoạt động này, dẫn tới tình trạng buông lỏng quản lý, giảm hiệu quả sử dụng tài sản, lại gia tăng rủi ro tài chính. Nhiều người cho rằng quản lý tài sản đơn giản là đảm bảo tính hữu ích lâu bền của tài sản do đó chỉ chú trọng tới khâu vận hành, sửa chữa máy móc, thiết bị. Tuy nhiên, lý luận và thực tiễn đã chứng minh rằng quyết định hình thành/tạo nên tài sản có ý nghĩa quan trọng, ảnh hưởng đáng kể tới hiệu quả của mọi hoạt động quản lý tài sản sau này. Nếu ngay từ đầu, máy móc, thiết bị được lựa chọn không đúng với yêu cầu sản xuất, phương thức tài trợ không phù hợp, quyết định đầu tư không được thẩm định kỹ lưỡng thông qua các chỉ tiêu định lượng rõ ràng… tài sản đó sẽ không thể đóng góp tối đa vào kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Không xác định ngân quỹ tối ưu và biên độ dao động ngân quỹ, nhà quản lý không thể thực hiện các biện pháp xử lý ngân quỹ linh hoạt, giúp tăng khả năng sinh lời và củng cố năng lực thanh toán, điều này đặc biệt quan trọng với doanh nghiệp ngành xây dựng. Không tìm hiểu kỹ lưỡng về chủ đầu tư và dự án, thỏa thuận mức thanh toán phù hợp, sau khi trúng thầu, các công ty cổ phần ngành xây dựng niêm yết có thể bị ứ đọng vốn trong công trình dở dang, phát sinh công nợ do chủ đầu tư mất khả năng thanh toán, dự án bị đình, giãn, hoãn tiến độ… Không tính toán mức đặt hàng hiệu quả, các công ty có thể lâm vào tình trạng thiếu nguyên vật liệu, phải nhập vật tư khi giá cao, tăng dự toán xây dựng, giảm lợi nhuận thực tế.

Và như vậy, mọi hoạt động quản lý tiếp theo đều giảm tác dụng. Việc hình thành tài sản một cách sai lầm sẽ kéo theo nhiều tổn thất khác không đáng có.

Ngoài ra, quản lý tài sản là yếu tố quyết định tới khả năng gia tăng ROE một cách bền vững, thay cho việc lạm dụng đòn bẩy tài chính như một số công ty cổ phần ngành xây dựng niêm yết đang thực hiện. Vì vậy, phải chú trọng tới quản lý tài sản thường xuyên và lâu dài.

* Tổ chức thực hiện

Muốn cải thiện kết quả quản lý tài sản, trước tiên, ban lãnh đạo của công ty cổ phần ngành xây dựng niêm yết cần tích cực thay đổi nhận thức về quản lý tài sản, thông qua những buổi hội thảo, tập huấn ngắn ngày với quy mô toàn công ty (hoặc tổng công ty, tập đoàn nếu bố trí được thời gian, kinh phí) dành cho các cán bộ chủ chốt (từ cấp phó phòng nghiệp vụ trở lên), phổ biến về nội dung quản lý tài sản, chi tiết đến từng bước của quyết định hình thành, sử dụng và thanh thế tài sản… . Đặc biệt nhấn mạnh quan điểm: quản lý tài sản phải được thực hiện nghiêm túc, bài bản ngay từ khi có nhu cầu về tài sản. Nội dung chính của buổi hội thảo, tập huấn được tóm tắt thành báo cáo tổng kết, phổ biến tới từng bộ phận để những đối tượng không có cơ hội tham gia cũng tiếp nhận được kiến thức.

Cuối mỗi buổi tập huấn cần có sự kiểm tra, đánh giá cụ thể về mức độ nắm bắt thông tin và thay đổi nhận thức của người tham dự thông qua các bài thu hoạch hoặc kiểm tra cá nhân… Tránh tình trạng tham dự một cách hình thức, lãng phí thời gian và kinh phí tổ chức.

Từ sự thay đổi về nhận thức, ban lãnh đạo công ty cổ phần ngành xây dựng niêm yết giao nhiệm vụ cho từng phòng chức năng tiến hành đánh giá tổng kết công tác đầu tư/hình thành tài sản trong thời gian qua, phát hiện những trường hợp điển hình không đạt mục tiêu quản lý tài sản do ngay từ đầu, chưa thực hiện tốt khâu hình thành/tạo nên tài sản. Thông qua những bài học kinh nghiệm trong quá khứ, với kiến thức thu nhận được từ những buổi hội thảo, tập huấn, lãnh đạo các phòng, ban chức năng đề xuất quy trình tác nghiệp cụ thể liên quan tới khâu đầu tư/hình thành tài sản của doanh nghiệp. Sau khi được ban giám đốc phê duyệt sẽ thông báo và triển khai tại tất cả bộ phận, đơn vị độc lập và phụ thuộc.

Một phần của tài liệu Nguy cơ phá sản của các công ty cổ phần xây dựng niêm yết ở Việt Nam (Trang 67)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(94 trang)
w