Giải pháp ERP đề ra là một giải pháp tích hợp các ứng dụng CNTT nhằm giúp cho doanh nghiệp quản lý các nguồn lực của mình một cách hiệu quả, cung cấp thông tin một cách chính xác, kịp thời cho việc quản lý điều hành doanh nghiệp. ERP cung cấp các giải pháp từ quản lý tài chính - kế toán, quản lý vật tư, trang thiết bị, quản lý nhân sự đến việc quản lý sản xuất, kinh doanh của toàn bộ doanh nghiệp.
Ứng dụng giải pháp ERP có ý nghĩa to với đối với doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực, đối với nhiều đối tượng khác nhau.
a. Đối với bản thân doanh nghiệp:
- Chuẩn hoá quy trình quản lý doanh nghiệp, áp dụng công cụ CNTT trong quản lý giúp các doanh nghiệp chuẩn hoá các quy trình nghiệp vụ, đưa các quy trình đó vào sản xuất – kinh doanh.
- Tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, song song với các yếu tố nêu trên việc cung cấp và sử dụng thông tin kịp thời, chính xác là một trong các yếu tố quan trọng trong nền kinh tế đầy cạnh tranh hiện nay.
- Tạo khả năng hoà nhập với nền kinh tế thế giới, đặc biệt trong giai đoạn toàn
cầu hoá kinh tế hiện nay.
- Nâng cao hình ảnh doanh nghiệp trong con mắt các đối tác làm ăn, trong con
mắt các nhà đầu tư. Việc ứng dụng CNTT, các giải pháp ERP chuẩn thế giới, cung cấp các thông tin tài chính rõ ràng luôn tạo niềm tin cho các đối tác nước ngoài/trong nước trong việc hợp tác làm ăn, các nhà đầu tư chứng khoán của doanh nghiệp.
- Tạo tiền đề và nâng cao khả năng cung cấp các dịch vụ gia tăng. Việc sử dụng
các thành tựu CNTT trong quản lý giúp các doanh nghiệp tăng khả năng thích nghi với thị trường, sẵn sàng mở rộng các loại hình dịch vụ cho khách hàng, tăng khả năng tiếp cận với thị trường và khách hàng.
b. Đối với nhà quản lý :
- Tăng cường khả năng quản lý, giám sát, điều hành doanh nghiệp, sử dụng các
công cụ hiện đại, mở rộng khả năng truy cập thông tin giúp cho các nhà quản lý thực hiện công việc của mình một cách nhanh chóng, thuận tiện và dễ dàng.
- Nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, giảm giá thành.
- Sử dụng tối ưu nguồn lực bao gồm nhân lực, vật lực, tài lực trong sản xuất
kinh doanh.
- Giải quyết bài toán Spend less – Know more – Get more. Giải quyết vấn đề
tăng hiệu quả doanh nghiệp với chi phí ít nhất và khối lượng công việc phải thực hiện ít nhất.
c. Đối với các nhà phân tích - nhân viên:
- Phân tích đánh giá thông tin chính xác, kịp thời thông qua hệ thống các giải
pháp lưu trữ thông tin, hỗ trợ thông tin, ra quyết định, vv...
- Thực hiện các tác nghiệp theo quy trình thống nhất và chuẩn hoá. - Giảm thiểu khối lượng công việc giấy tờ, tăng năng suất lao động.
- Nâng cao tính kỷ luật, tạo thói quen làm việc theo quy trình, chuẩn tắc trong
công việc.
- Tăng cường khả năng làm việc nhóm, mỗi cá nhân trong một quy trình công
việc, theo phân công và sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cá nhân trong công việc là rất cần thiết.
3.
3.2. Tiềm năng thị trường và tiềm năng phát triển của giải pháp:
Thị trường giải pháp quản trị doanh nghiệp tại Việt Nam sẽ bùng nổ trong thời gian tới vì đây là nhu cầu bức bách của nhiều doanh nghiệp. Bởi trong xu thế hội nhập
toàn cầu hoá các doanh nghiệp cạnh tranh đòi hỏi doanh nghiệp phải có một giải pháp quản trị doanh nghiệp tổng thể tạo tiền đề vững chắc trong các lợi thế cạnh tranh. Thị trường ERP là một thị trường rất mới và đầy tiềm năng. Với một đất nước 80 triệu dân, tăng trưởng kinh tế 8,4%/năm, thị trường ERP trong giai đoạn bắt đầu phát triển thực sự là mảnh đất nhiều hứa hẹn. Nhưng thị trường ERP tại Việt Nam hầu hết là các giải pháp ngoại còn các công ty trong nước là đối tác triển khai giải pháp cho đối tác nước ngoài nên tiềm ẩn khá nhiều rủi ro bởi các đặc thù về sản xuất kinh doanh, cơ chế chính sách tại Việt Nam.
KẾT LUẬN
KẾT LUẬN
Triển khai giải pháp ERP cho các doanh nghiệp Việt Nam là xu hướng tất yếu để quản trị doanh nghiệp một cách tổng thể và tối ưu nhất phù hợp với các nhu cầu
ứng dụng công nghệ và giải pháp hiện đại, toàn diện hiện nay. Giải pháp ERP mang lại những lợi ích vô cùng to lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam: Nâng cao năng lực quản lý của lãnh đạo, hiệu quả công việc của toàn bộ doanh nghiệp, tạo môi trường thống nhất cho phép doanh nghiệp khai thác các thông tin thuận lợi và trao đổi thông tin với các đối tượng khác ngoài doanh nghiệp một cách thuận tiện và nhanh chóng nhất.
Sau khi nghiên cứu giải pháp ERP cho doanh nghiệp Vinacomm, có thể rút ra một số các kết luận sau đây:
1. Kinh doanh máy chấm công là một ngành có tính đặc thù riêng và phức tạp. Quá trình kinh doanh thường trải qua nhiều công đoạn, mỗi công đoạn có quy trình riêng kéo dài trong các khoảng thời gian khác nhau. Do đó lượng thông tin quản lý rất lớn và phức tạp.
2. Sự đa dạng trong sản phẩm máy chấm công cũng là một yếu tố đặc thù riêng. Sự đa dạng thể hiện ở mẫu mã, kích cỡ, màu sắc, loại nguyên phụ liệu, tính năng. Ngoài ra sự đa dạng sản phẩm còn phụ thuộc vào đặc thù của từng đơn hàng:
3. Bài toán quản lý vô cùng phức tạp do tính phức tạp và đa dạng của từng loại sản phẩm và từng đơn hàng, số lượng đơn hàng từng thời điểm rất lớn với các yêu cầu chi tiết khác nhau.
4. Cấu trúc nguyên phụ liệu rất phức tạp và đa dạng đòi hỏi tính thống nhất chung trên toàn bộ doanh nghiệp. Cấu trúc nguyên phụ liệu được phân cấp theo nhiều cấp khác nhau và phân loại tuỳ theo từng doanh nghiệp. Cấu trúc nguyên phụ liệu được cấu trúc theo cấu trúc BOM và phù hợp với yêu cầu quản lý vật tư thực tế hiện nay. 5. Bài toán giá thành khá phức tạp và yêu cầu chi tiết tới từng công đoạn sản xuất và các cấu thành lên giá phụ thuộc nhiều vào từng đơn hàng, từng mẫu sản phẩm.
6. Hệ thống nhà cung cấp phụ thuộc nhiều vào nguyên phụ liệu nhập khẩu do đó bài toán tối ưu cung ứng ngoài tính cho các thời điểm cần phải tính cho một thời gian dài để chủ động sản xuất và tối thiểu hoá chi phí.
7. Hệ thống phân phối đa dạng và phức tạp với nhu cầu tập hợp được trạng thái tiêu thụ, doanh thu bán hàng, trạng thái tồn kho sản phẩm cũng như các dự báo tiêu thụ để phục vụ cho điều động hàng, điều chỉnh sản lượng sản xuất cũng như quyết định các chương trình khuyến mãi hay bán giảm giá.
8. Hệ thống sản xuất, quản lý, phân phối có vị trí địa lý khác nhau nên để kết nối thông tin thống nhất cần một giải pháp đảm bảo an toàn, chi phí đảm bảo và tối ưu công nghệ.
9. Dữ liệu phát sinh rất lớn nên các nhu cầu về xử lý dữ liệu phải nhanh, kết nối đến các hệ thống thiết kế tự động, thương mại điện tử, hệ thống mã vạch cho sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra các nhà quản trị luôn mong muốn các công cụ hỗ trợ phân tích và khai phá dữ liệu để dễ dàng định hướng kế hoạch phát triển doanh nghiệp.
10. Giải pháp cần tính đến các nền tảng công nghệ thông tin của doanh nghiệp từ cơ sở vật chất, kiến thức tin học của nhân viên tác nghiệp, nhân viên hệ thống, khả năng nhận thức về tầm quan trọng của công nghệ thông tin trong quản lý của các cấp lãnh đạo để đảm bảo đưa ra được giải pháp phù hợp nhất với từng doanh nghiệp.
11.Các phân hệ xây dựng trong giải pháp ERP cho doanh nghiệp Vinacomm cần tuân theo các chuẩn mực chung về kế toán của Việt Nam, các quy định về thương mại quốc tế, thương mại điện tử, các chính sách của ngành và của nhà nước.
12. Hệ thống luôn đòi hỏi có tính mở cao phù hợp với xu thế phát triển của doanh nghiệp. Các thay đổi phải được chỉnh sửa dễ dàng và không ảnh hưởng đến quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Dựa trên quá trình nghiên cứu trong luận văn này tôi đã một phần nào đưa ra được một giải pháp ERP tổng thể cho doanh nghiệp Vinacomm với tiêu chí là phần nào đưa ra được bộ khung giải pháp giúp cho doanh nghiệp khi triển khai giải pháp cho doanh nghiệp mình có thể dựa vào đó để ứng dụng.