Kiến nghị với cơ quan Nhà nước các cấp.

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả xã hội của tín dụng đối với hộ nghèo tại Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Quảng Uyên – tỉnh Cao Bằng (Trang 66 - 67)

Công tác xóa đói giảm nghèo có tính nhạy cảm cao, thể hiện bản chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa. Tuy đây là nhiệm vụ lâu dài, đầy khó khăn và phức tạp, là trách nhiệm của các chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương, của cả cộng đồng. Do đó, Nhà nước cần có sự chỉ đạo chặt chẽ giữa các Bộ, ngành có liên quan nhằm nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong việc phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội cho vay xóa đói giảm nghèo.

Nhà nước cần có chính sách đồng bộ trong việc phát triển kinh tế xã hội gắn với công tác xóa đói giảm nghèo. Mục tiêu xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ mang tính phạm vi quốc gia cho nên khi hoạch định chiến lược phát triển kinh tế xã hội quốc gia hoặc vùng lãnh thổ cần coi trọng đến vị trí, nhiệm vụ công tác xóa đói giảm nghèo cụ thể và hiệu quả, bên cạnh việc cho vay cần hỗ trợ người nghèo về kiến thức công nghệ, kỹ thuật…

• Các cấp, các ngành có liên quan phải điều tra và thống kê chính xác số hộ nghèo để Ngân hàng chính sách xã hội có thể cho vay đúng người, đúng đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi, nâng cao hiệu quả trong công tác xóa đói giảm nghèo.

• Ủy Ban Nhân Dân huyện Quảng Uyên và các chính quyền địa phương cần tạo điều kiện và quan tâm hơn nữa đến Ngân hàng chính sách xã hội trong việc chỉ đạo kịp thời công tác xóa đói giảm nghèo đối với Ngân hàng chính sách xã hội huyện. Hàng năm nên trích một phần nguồn vốn từ Ngân sách địa phương chuyển sang cho Ngân hàng chính sách xã hội huyện để bổ sung nguồn vốn cho vay đối với các hộ nghèo trên địa bàn huyện trong lúc Ngân sách Trung ương chưa đáp ứng đủ nhu cầu.

• Cần đảm bảo an toàn nguồn vốn cho vay, Ủy Ban Nhân Dân huyện nên chỉ đạo các cấp các ngành, các cơ quan có liên quan kết hợp tốt với Ngân hàng chính sách xã hội huyện trong việc kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, xử lý nghiêm những cá nhân, tập thể gian lận công quỹ, lợi dụng , chây ỳ cố tình không trả nợ.

Các tổ chức chính trị - xã hội như hội Nông dân, hội Cựu chiến binh, hội Phụ nữ, đoàn Thanh niên cần có sự phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng chính sách xã hội trong hoạt động cho vay hộ nghèo, quan tâm tăng vốn cho các đối tượng chính sách, tăng cường kiểm tra giám sát công tác giải ngân vốn, giám sát tình hình sử dụng vốn vay, thường xuyên giúp đỡ, phổ biến kiến thức sản xuất kinh doanh cho các hộ nghèo nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của họ, qua đó làm nâng cao chất lượng sử dụng nguồn vốn ưu đãi.

Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cần có chương trình kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức chính trị cơ sở trong việc thực hiện hợp đồng ủy thác, làm tốt công tác tuyên truyền, giám sát hoạt động của tổ tiết kiệm, lồng ghép các chương trình kinh tế, văn hóa, xã hội với chương trình tín dụng, hướng dẫn các hộ nghèo sử dụng vốn có mục đích và có hiệu quả.

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả xã hội của tín dụng đối với hộ nghèo tại Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Quảng Uyên – tỉnh Cao Bằng (Trang 66 - 67)