Việt Nam ta có khí hậu nhiệt đới ẩm thích hợp với việc trồng và phát triển rừng nguyên liệu gỗ cho sản xuất. Trong những năm qua, Đảng và chính phủ đã có những chủ trương đúng đắn trong việc mở rộng diện tích rừng trồng giảm thiểu sự phụ thuộc vào rừng tự nhiên để cung cấp cho ngành gỗ. Cụ thể, thực hiện chủ trương giảm sự phụ thuộc vào gỗ tự nhiên, mỗi năm Việt Nam
chỉ khai thác khoảng 200 nghìn m3 gỗ rừng tự nhiên, ngoài ra, chủ trương thực hiện chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng theo hai giai đoạn 1998 - 2005 và 2006 – 2010 và đã đạt được thành tựu đáng khích lệ. Nếu năm 1998, độ che phủ rừng của nước ta chỉ đạt 32%, thì đến năm 2005 là 37,1% và năm 2010 là 39,5%. Tuy nhiên mật độ cây, nhất là cây lấy gỗ còn thất, sản lượng gỗ khai thác vẫn chưa đủ để đáp ứng cho nhu cầu sản xuất và tiếp tục phải nhập khẩu. Trong tổng diện tích đất có rừng, rừng tự nhiên chiếm 77%, rừng trồng 23%, trong đó rừng mới trồng (bao gồm rừng trồng mới trong 2 đến 3 năm đầu, chưa đạt tiêu chuẩn rừng và không được tính vào tỷ lệ che phủ rừng) chiếm gần 2,7%. Vì thế mà việc nhập khẩu gỗ nguyên liệu và sản phẩm gỗ của Việt Nam còn khá lớn. Hàng năm các doanh nghiệp Việt Nam phải nhập khẩu trên 80% nguyên liệu gỗ, chiếm khoảng 60% giá thành sản phẩm. Năm 2011, nhập 1,3 tỷ USD nguyên liệu chế biến gỗ (9 tháng năm 2012, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này đã lên đến 907 triệu USD). Việc phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu làm cho ngành công nghiệp chế biến gỗ phát triển thiếu bền vững, thiếu tính cạnh tranh trên thị trường.