Hàng năm Việt Nam chi khoảng hơn 200 triệu USD để nhập trang thiết bị y tế. Trong đó, trung bình trong những năm qua, TOCONTAP HANOI đóng góp vào con số này hơn 4 triệu USD.
Tỷ trọng giữa kim ngạch nhập khẩu của công ty trên tổng dung lượng thị trường thiết bị y tế nhập khẩu có thể là không lớn nhưng nếu xét trong bối cảnh trong nước có nhiều cơ sở cùng kinh doanh nhập khẩu trang thiết bị y tế, các nhà sản xuất lớn không ngừng tìm mọi cách mở chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam. Hơn nữa TOCONTAP cũng không hoàn toàn là doanh nghiệp chuyên doanh trang thiết bị y tế, tiềm lực vốn có hạn lại phải phân bổ cho nhiều ngành hàng kinh doanh khác, phạm vi khách hàng chủ yếu của công ty tập trung chủ yếu là khu vực miền Bắc, Bắc Trung Bộ, các đơn hàng với các tỉnh thành phía Nam khá ít (tính từ đầu năm đến nay mới chỉ có một hợp đồng với Bệnh viện tâm thần Trung ương 2 tại Đồng Nai và một dự án tại Quận Cái Răng, TP. Cần Thơ với tổng giá trị là 576.715,5 USD chiếm 10% kim ngạch nhập khẩu từ đầu năm đến nay). Có thể thấy, đây là một con số đầy ấn tượng thể hiện được trình độ cũng như sự mẫn cán của cán bộ chuyên trách mảng sản phẩm này.
Bảng 2.7. Kim ngạch nhập khẩu thiết bị y tế theo nhóm hàng của công ty từ năm 2006 đến nay
Đơn vị tính: 1000 USD Nhóm hàng nhập khẩu 2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012 9 tháng 2013 Máy, thiết bị 3.781 1.801 1.938 6.488 2.768 4.588 4.647 5.542 Dụng cụ, vật
tư tiêu hao, hóa chất 512 224 410 419 137 37 203 213 Phương tiện vận chuyển chuyên dụng 30 24 0 207 31 0 0 0 Tổng 4.323 2.049 2.348 7.114 2.936 4.625 4.850 5.755 Nguồn: Phòng Tổng hợp
Có thể quan sát trực quan hơn qua biểu đồ 2.3.
Biểu đồ 2.3. Kim ngạch nhập khẩu thiết bị y tế của công ty từ năm 2006 đến nay
Có thể thấy rõ từ bảng 2.6 và biểu đồ 2.3 xu hướng tăng kim ngạch nhập khẩu thiết bị y tế của công ty từ năm 2007 đến nay. Trong đó, năm 2009 có mức tăng đột biến. Năm 2006 cũng có mức kim ngạch khá cao sau đó giảm đến 50% vào năm 2007. Năm 2008, kim ngạch tăng khoảng 15% và tăng vọt hơn 200% năm 2009. Sau khi giảm 60% năm 2010, tốc độ tăng có phần ổn định hơn với mức trung bình 17%/năm. Số liệu mới nhất từ phòng kinh doanh cho thấy chỉ trong 9 tháng đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu thiết bị y tế đã vượt mức nhập khẩu của năm trước, bằng 118%.
Có được kết quả trên là do sự phát triển của hệ thống cơ sở khám chữa bệnh, sự quan tâm đầu tư của Nhà nước cho hệ thống y tế làm tăng mức cầu thiết bị y tế trên thị trường. Bên cạnh đó phải khẳng định vai trò của nhân tố nội lực của công ty trong nỗ lực bán hàng, tiếp thị sản phẩm, xây dựng lòng tin, uy tín nơi khách hàng.
Tuy vậy, để giải thích cụ thể biểu đồ 2.3 phải chỉ ra được nguyên nhân sự gia tăng ấn tượng của kim ngạch nhập khẩu năm 2009 và mức kim ngạch cao ở năm 2006.
Năm 2006 là một năm đáng nhớ với y tế Việt Nam khi phải gánh chịu sự bùng phát dữ dội của dịch cúm gia cầm H5N1. Vào cuối năm 2005, Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch cúm gia cầm và cũng thông báo số trường hợp cúm ở người cao nhất. Với những nỗ lực phòng chống và chỉ đạo tích cực, Chính phủ Việt Nam đã khống chế được các ổ dịch và kết quả là trong vòng một năm không có thêm trường hợp cúm ở gia cầm hay ở người nào. Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2006, Việt Nam đã phải đối mặt với hai đợt dịch mới và sự tái nhiễm ở người. Trước tình hình đó, Bộ Y tế đã triển khai kế hoạch mua sắm thiết bị trang bị cho hệ thống bệnh viện. TOCONTAP HANOI trong năm đó đã giành được quyền cung cấp 6 Máy thở cao tần của Nhật và 178 Máy thở chức năng của Hoa Kỳ cho Kế hoạch phòng chống dịch cúm A(H5N1) của Bộ Y tế. Nhờ đó mà lượng bán tăng mạnh.
Vào năm 2009, Chính phủ thực hiện đầu tư mạnh cho y tế và giáo dục bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Khác với các hàng hóa tiêu dùng, thiết bị y tế nhập khẩu chủ yếu được cung cấp cho các cơ sở y tế, bệnh viện, trường học công lập các đơn vị chi tiêu bằng nguồn Ngân sách Nhà nước. Các cơ sở tư nhân với nguồn kinh phí hạn hẹp thường ít ảnh hưởng đến cầu thị trường mặt hàng này. Nói đến mức đầu tư này, có thể đưa ra một vài con số, nếu năm 2005, tổng chi cho y tế chiếm 5,22% tổng GDP thì năm 2009 con số này tăng lên là 10,3%. Nguồn vốn 20.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ năm này được ưu tiên đầu tư cho y tế, giáo dục. Có được nguồn vốn này, các bệnh viện, trường đại học nhanh chóng lập các kế hoạch mua sắm máy móc, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất làm cho nhu cầu thiết bị y tế tăng mạnh.
Tuy nhiên, giai đoạn tiếp theo, do ảnh hưởng của suy thoái, lạm phát, Chính phủ thực hiện hạn chế chi tiêu, giảm đầu tư công, sức mua do đó giảm sút. Tuy nhiên, đó chỉ là yếu tố khách quan tác động đến lượng bán. Khi yếu tố này suy giảm, yếu tố chủ quan có vai trò chống đỡ, chia sẻ tác động tiêu cực để hạn chế ảnh hưởng của nó. Đó chính là nỗ lực bán hàng, marketing, tiếp thị, uy tín cũng như mối quan hệ của cán bộ chuyên trách trong việc tìm kiếm khách hàng, tham gia đấu thầu quốc tế. Nhờ đó mà kim ngạch nhập khẩu của công ty vẫn gia tăng mặc dù trong thời kỳ suy thoái như hiện nay.