III. ĐIỂU CHỈNH QUỐC TẾ QUAN HỆ CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ
a. Trong khuôn khổ Liên hợp quốc
Ngày nay, quan hệ chuyển giao công nghệ trong khuôn khổ Liên hợp quốc ngày càng phát triển, thu hút sự tham gia của nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển.
Ngay từ năm 1946, Liên hợp quốc đã nêu sáng kiến về viện trợ kỹ thuật. Năm 1948, chương trình viện trợ kỹ thuật đầu tiên được soạn thảo. Năm 1948, Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa IV thông qua “chương trình viện trợ kỹ thuật mở rộng” với tinh thần và nội dung là tạo điều kiện cho các nước đang phát triển tiếp nhận được kỹ thuật, hạn chế các hậu quả bất lợi của việc chuyển giao kỹ thuật cho các nước này.
Tháng 12-1957, Đại hội đồng Liên hợp quốc lại thông qua nghị quyết thành lập một quỹ riêng để “viện trợ một cách có hệ thống và liên tục cho các lĩnh vực quan trọng nhằm phát triển các mặt kỹ thuật, kinh tế và xã hội của các nước chậm phát triển” một cách có phối hợp.
Năm 1965, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết thành lập UNDP. Từ năm 1966, tổ chức này ban đầu hoạt động trên cơ sở những nguyên tắc nhằm giúp đỡ các nước, nhất là các nước đang phát triển, trong
việc thăm dò và khai thác tài nguyên, đào tạo chuyên gia, phát triển và truyền bá khả năng kỹ thuật cho sự phát triển kinh tế, viện trợ khẩn cấp. Việc chuyển giao công nghệ trong khuôn khổ UNDP được tiến hành trên cơ sở có sự tham gia của các nước nhận viện trợ để xác định các trọng tâm của sự phát triển kinh tế, kỹ thuật, xây dựng chương trình kế hoạch cụ thể ngắn hạn hay dài hạn chính là các công cụ điều chỉnh quan hệ chuyển giao công nghệ qua UNDP.
Ngoài ra, ngày 13 - 2 - 1983, Liên hợp quốc đã thành lập Trung tâm quốc tế vận hành cơ bản và kỹ thuật sinh học, nhằm tiến hành nghiên cứu, phát triển và sau đó chuyển giao cho các nước đang phát triển các bằng sáng chế. Hình thức chuyển giao sẽ tiến hành trên cơ sở nhu cầu của từng nước và xem xét của Liên hợp quốc, tiếp đó là xây dựng chương trình kế hoạch thực hiện.
Để cụ thể hóa các chương trình lớn của Liên hợp quốc về chuyển giao công nghệ, trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của mình, các tổ chức chuyên môn của Liên hợp quốc cũng đã có nhiều sáng kiến nhằm điều chỉnh, thúc đẩy hoạt động này. Xin nêu một số ví dụ cụ thể:
- Tổ chức Phát triển công nghiệp của Liên hợp quốc (UNIDO) trong Hội nghị Lima năm 1975 đã đề ra: Chương trình hành động nhằm phát triển công
nghiệp ở các nước đang phát triển với mục tiêu là: các nước đang phát triển
tới năm 2000 phải đạt được 25% tổng sản phẩm công nghiệp thế giới. Đến hội nghị Viên năm 1979, UNIDO nhấn mạnh yêu cầu xoá bỏ những cản trở đối với dòng chuyển giao công nghệ theo những điều kiện công bằng hơn.
- Hội nghị của Liên hợp quốc về Thương mại và phát triển (UNCTAD) từ năm 1976 đã có nhiều quan tâm và đóng góp cho việc phát triển chuyển giao công nghệ trên thế giới. UNCTAD đã thành lập cơ quan tư vấn hỗ trợ cho các hoạt động chuyển giao công nghệ; mặt khác tổ chức này đã bảo trợ cho việc soạn thảo một văn kiện pháp lý đa phương mang tính chất hướng dẫn hoạt động chuyển giao công nghệ (Bộ luật xử sự trong chuyển giao công nghệ sẽ được trình bày ở phần sau).